(TCTG) - Theo các chuyên gia của Cục Quản lý cạnh tranh, nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về công nghệ thông tin cũng như thương mại điện tử hiện nay còn rất hạn chế nên quyền lợi của họ bị xâm phạm khi tham gia giao dịch là không ít.
Thương mại điện tử đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, để các giao dịch điện tử được ứng dụng phổ biến, rộng rãi thì quyền lợi của người tiêu dùng cần phải được bảo vệ thiết thực bằng pháp luật và những cơ chế thích hợp khi pháp luật chưa có điều kiện bao quát hết.
Tính đến nay ở Việt Nam đã có khoảng trên 30 triệu người sử dụng internet. Dự kiến đến năm 2015 số người sử dụng internet ở Việt Nam sẽ đạt khoảng trên 40 triệu. Đây là cơ sở rất tốt để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.
Thực tế, hoạt động thương mại điện tử đang mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng internet, người tiêu dùng có thể tiếp cận hàng hoá trên toàn cầu với nhiều sự lựa chọn, giảm được chi phí về thời gian và tài chính, không phải qua trung gian… Số người thực hiện các giao dịch điện tử ở Việt Nam đang ngày càng tăng với tổng giá trị giao dịch ước tính khoảng 300 - 400 triệu USD/năm. Chỉ tính riêng ở Công ty cổ phần Vật giá Việt Nam (một trong hàng chục doanh nghiệp có website thương mại điện tử lớn hàng đầu hiện nay) mới thành lập năm 2007, song đang có mức tăng trưởng rất nóng có thể ở mức 5-7%/tháng cả về lượng giao dịch cũng như số thành viên tham gia gian hàng và giới thiệu sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, kinh doanh. Tổng giá trị giao dịch trên vatgia.com có thể đạt khoảng hàng chục triệu USD/tháng. Theo nhận định của giới chuyên gia, 5 năm tới, giá trị giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ đạt khoảng 2-4% tổng mức tiêu dùng quốc nội.
Giao dịch điện tử đang có xu hướng gia tăng, tuy nhiên, số lượng người thực sự tham gia giao dịch và mua bán hàng hóa qua mạng so với số người sử dụng internet thì còn rất thấp, mới chỉ chiếm khoảng từ 3-4%. Các giao dịch thương mại điện tử chưa được sử dụng phổ biến trong cộng đồng dân cư.
Nguyên nhân do người bán và người mua không biết mặt nhau nên không có cơ sở để tin tưởng; tính năng của các website thương mại điện tử còn hạn chế, bảo mật thông tin thấp; người tiêu dùng chưa tạo được thói quen mua sắm online và vẫn lo lắng khi giao dịch sẽ bị lợi dụng bởi các hành vi thương mại không công bằng, các biện pháp thanh toán không đảm bảo, bị mất hoặc bị tiết lộ thông tin cá nhân khiến đời sống riêng tư của họ bị xâm phạm… và nhiều quan ngại khác.
Theo các chuyên gia của Cục Quản lý cạnh tranh, nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về công nghệ thông tin cũng như thương mại điện tử hiện nay còn rất hạn chế nên quyền lợi của họ bị xâm phạm khi tham gia giao dịch là không ít. Thực tế, nhiều gian lận trong thương mại điện tử đã xảy ra, trong đó có việc khi giao dịch thành công người mua đã chuyển tiền cho người bán nhưng lại không nhận được hàng do bên bán lừa đảo; các vấn đề về bảo mật, an toàn thông tin cá nhân, hợp đồng mập mờ về giá cả, quảng cáo sai sự thật, chất lượng hàng hoá không đảm bảo... cũng là những vấn đề đang tồn tại phổ biến trong giao dịch điện tử vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của người tiêu dùng.
Mặc dù hệ thống chính sách quản lý thương mại điện tử đã hình thành. Tuy nhiên, vấn đề phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều trở ngại, mà một trong những trở ngại lớn đó là quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia giao dịch điện tử chưa được bảo vệ thiết thực và hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan chức năng cũng như bản thân các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử cần phải có biện pháp khắc phục.
Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật cần phải xây dựng được lòng tin đối với người tiêu dùng, thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như sản phẩm để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng; đặc biệt, cần cam kết bảo mật thông tin, tôn trọng sự riêng tư, giao hàng đúng nơi, đúng hạn, trả lời và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng một cách kịp thời, thỏa đáng...
Về phía cơ quan quản lý nhà nước phải nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch điện tử; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng giao dịch điện tử để lừa đảo, xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Ngoài ra, cần nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động cho các tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng trong việc hỗ trợ thông tin, hướng dẫn và cảnh báo người tiêu dùng về những nguy cơ bị xâm hại quyền lợi khi giao dịch điện tử, nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm cho người tiêu dùng trong việc thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi của họ khi tham gia giao dịch điện tử…/.
Việt Anh