(TCTG) - Gia đình là tế bào của xã hội. Mỗi gia đình hạnh phúc bền vững sẽ có một xã hội văn minh tiến bộ. Điều này đòi hỏi sự cố gắng của tất cả mọi thành viên. Cần duy trì bữa cơm gia đình, đó là một cách để “thắp lại lửa” trong gia đình - điều mà bấy lâu chúng ta vẫn xem nhẹ.
Bữa cơm gia đình truyền thống
Bữa cơm gia đình - đó là chuyện thường ngày của tất cả mọi nhà. Nhưng bữa cơm gia đình đâu chỉ đơn thuần việc cung cấp đủ năng lượng sau thời gian làm việc mệt nhọc mà còn mang yếu tố tinh thần. Với người Việt Nam, từ xưa đến nay, bữa cơm gia đình là những phút giây hạnh phúc. Bởi sau những vất vả mệt nhọc, lại được cùng gia đình quây quần bên mâm cơm. Người phụ nữ có dịp trổ tài nấu nướng. Người đàn ông được tận hưởng những phút giây thư thái bên gia đình, gạt bỏ mệt nhọc của cuộc sống mưu sinh. Bên mâm cơm các con ríu rít kể cho bố mẹ nghe những chuyện ở lớp, ở trường với vẻ ngộ nghĩnh đáng yêu. Tất cả mọi thành viên trong gia đình đều cảm nhận được tình thương yêu bên mâm cơm thường ngày chỉ là vài món đơn giản, nhưng không khí của bữa cơm thường nhật ấy đã xua hết mệt mỏi, qua câu chuyện hàn huyên mọi người gắn kết với nhau hơn.
Cha ông ta đã có câu:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon
Là để chỉ những bữa cơm gia đình đầm ấm. Chỉ cần mấy món ăn đạm bạc, nấu từ nhữug thứ đáng lẽ ra bỏ đi là râu tôm và ruột bầu, nhưng tình cảm gia đình đằm thắm đã khiến họ quên đi sự nghèo khó, chỉ thấy hạnh phúc và “gật đầu khen ngon”.
...Và bữa ăn của các gia đình ngày nay
Mỗi bữa ăn của người Việt hôm nay đã đầy đủ sung túc hơn về vật chất, đó là một điều đáng mừng. Nhưng đâu đó nơi đô thị, do nhịp sống gấp gáp vẫn thiếu không khí của bữa cơm gia đình. Đó là những “cơm hộp”, “đồ ăn nhanh” mà mục đích chỉ đảm bảo lo nạp đủ năng lượng. Vẫn có những bữa cơm tại nhà nhưng cũng không được nấu ra từ bàn tay người mẹ mà do người giúp việc đảm nhận. Thành phần tham dự những bữa cơm ấy chỉ là người giúp việc và mấy đứa trẻ, người già mà thôi.
Mọi người đều lý giải rằng: do vòng xoáy của cơ chế thị trường, cuộc sống bận rộn, nhu cầu công việc đòi hỏi người ta rất cần thời gian để giải quyết. Có người phải công tác xa nhà nhiều ngày. Cộng thêm với “cơ chế thoáng” mọi dịch vụ cơm hộp đều rất sẵn, mọi người có thể lo cho cái dạ dày bằng nhiều cách “đa dạng, tiện lợi”. Do đó, những bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên trong nhà thường trở nên hiếm hoi.
Thực tế có nhữug gia đình: hơn 1 tháng chưa có bữa ăn nào đầy đủ các thành viên. Bữa thì chồng bận họp, bữa thì vợ đi công tác. Nhiều lúc người lớn đi vắng cả phải gửi con sang ông bà ngoại, hoặc giao phó hoàn toàn con cái cho người giúp việc. Như vậy trẻ em sẽ gần gũi người giúp việc hơn bố mẹ, và tính cách bị ảnh hưởng một phần đã đành, khoảng cách giữa bố mẹ và con cái cũng xa dần đi. Đáng chê trách có những gia đình giao phó hoàn toàn việc chăm sóc trẻ cho người giúp việc. Vì thế câu hỏi mà người giúp việc hay nhận được ở trẻ khi ngủ dậy là “Mẹ cháu đâu? Bố cháu bao giờ về”. Có những gia đình hàng tháng vợ chồng con cái không ngồi ăn với nhau 1 bữa. Đứa trẻ thèm được bố mẹ chăm sóc đến nỗi đã ước rằng được ốm để bố mẹ ở bên. Đã có những bé đòi hỏi bố mẹ tặng quà sinh nhật bằng một đặc ân “ Bố mẹ ở bên con 1 ngày”.
Cũng lấy lý do cuộc sống mưu sinh, đâu đó ta vẫn thấy có những người mẹ về muộn khi con đã ngủ say không nỡ đánh thức. Sáng, hai mẹ con nói chưa được mấy câu, chở con đến trường lại tất tả đến cơ quan làm việc. Có hôm do áp lực công việc ở cơ quan, về con nhờ mẹ chỉ mấy bài toán đã cáu loạn lên. (còn nói gì đến nấu bữa cơm đoàn tụ). Có người mẹ “giật mình” biết mình có lỗi khi ít quan tâm chăm sóc con cái nên thường mua đồ chơi mà trẻ con rất thích, bởi ý nghĩ muốn bù đắp tạm thời cho con. Có những người chồng, hầu như thứ bảy, chủ nhật nào cũng có “độ” với nhân viên hay đám bạn bè cũ, không có nhiều thời gian dành cho vợ con. Một ước nguyện nho nhỏ rất chính đáng là đưa vợ con đi chơi cuối tuần cũng được trả lời là “để khi nào rảnh rỗi đã”. Còn “khi nào” đó bao giờ diễn ra thì không hẹn trước được. Nhiều bữa cơm chỉ có trẻ con và bố hoặc mẹ, chứ đoàn tụ một bữa cơm đầy đủ thành phần quả là quá hiếm hoi. Đôi lúc bố mẹ chỉ ăn qua loa rồi tất bật với công việc, để mặc con với người giúp việc. Tình cảm gia đình cứ thế mà xa dần.
Duy trì bữa cơm gia đình - một cách “ thắp lửa”cho tổ ấm.
Sau những vất vả của cuộc sống mưu sinh thường nhật, bữa cơm gia đình chính là lúc cả nhà sum họp. Mọi người kể về công việc cho nhau nghe, chia sẻ những khó khăn mà người thân đang gặp phải để cùng tìm cách tháo gỡ và tự thấy mình có trách nhiệm với gia đình hơn. Thật hạnh phúc khi bên bữa cơm tối con cái “tường thuật” những trò nghịch ngợm của bọn trẻ cùng lớp. Tạm gác mọi chuyện xã hội lại để vui cùng gia đình bên mâm cơm thường nhật, ta sẽ thấy được gia đình là chốn bình yên nhất đón ta trở về sau mỗi ngày vất vả của cuộc sống mưu sinh.
Trong số chúng ta, có mấy ai dám “dũng cảm” từ bỏ lời mời uống bia của chúng bạn để về nhà ăn cơm với gia đình hay không? Nếu tất cả mọi bữa thì chắc là khó, nhưng nếu mỗi tuần ta dành cho gia đình mấy bữa cơm quây quần thì thật tuyệt. Một người bạn tôi có một nguyên tắc “bất di bất dịch” là: Khách đến liên hệ công việc anh chỉ tiếp ở cơ quan, không tiếp khách đến trao đổi công việc ở nhà riêng bao giờ. Bởi anh lý giải rằng khi về nhà là để nghỉ ngơi, để tìm lại nhữug gì bình yên nhất trong tâm hồn và dành cho người thân. Chẳng thế mà tuy làm trưởng phòng chuyên môn của cơ quan nhưng những ngày nghỉ ngày lễ, ngoại trừ những việc quá cần thiết, còn lại anh đều dành toàn bộ thời gian cho gia đình. Tuần nào anh cũng dành 1 buổi về quê thăm cha mẹ và họ hàng làng xóm. Tất nhiên với cách làm việc khoa học của mình, công việc của anh ở cơ quan vẫn trôi chảy. Vả lại đối tác bạn bè đều biết anh là người hiếu thuận, tình cảm như vậy nên họ cũng lựa sao cho thấu tình đạt lý.
Trong xã hội hiện đại như ngày hôm nay thì mỗi người trong chúng ta không còn chú trọng đến sự sum họp, quây quần bên nhau. Đặc biệt là trong bữa cơm gia đình, mà thay vào đó là sự bận rộn với công việc và sụ lo toan về cơm áo gạo tiền mà họ đã quên đi sự ấm cúng trong mỗi bữa cơm với sự họp mặt đầy đủ của các thành viên trong gia đình. Trong thực tế cuộc sống, đa phần những đứa trẻ hư hỏng đều do thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ trong đó có cả gia đình trí thức. Những đứa trẻ không nhận được sự quan tâm của bố mẹ thường xuyên bị coi là “mồ côi một nửa” bởi chúng vẫn còn đủ bố mẹ nhưng họ chỉ là người chu cấp tiền bạc, còn nguyện vọng trẻ ra sao, tâm lý tuổi mới lớn cần chia sẻ điều gì, hàng ngày cần tư vấn thế nào… thì không bao giờ chúng nhận được từ bố mẹ một lời khuyên. Có những ông bố bà mẹ đã đôi lúc giật mình nhận ra điều đó, nhưng lại gửi con phó mặc cho các nhà tâm lý. Đó chưa phải là giải pháp tối ưu, bởi trẻ cần sự quan tâm hàng ngày chứ không phải chỉ tư vấn một vài tình huống cụ thể. Những điều đó bên mâm cơm gia đình có thể là chỗ trẻ con chia sẻ, người lớn khuyên nhủ động viên. Mỗi người nên dành một thời khắc nhất định trong ngày để trải nghiệm yêu thương với những người mà mình yêu quý. Trong điều kiện sống bận rộn, sự chăm chút cho nhau trong những bữa ăn đôi khi lại là những thời khắc quý giá hiếm hoi để thể hiện tình thương yêu và sự quan tâm, chia sẻ.
Bữa cơm gia đình - đó là chuyện thường ngày của tất cả mọi nhà. Nhưng bữa cơm gia đình đâu chỉ đơn thuần việc cung cấp đủ năng lượng sau thời gian làm việc mệt nhọc. Với người Việt Nam, bữa cơm còn mang yếu tố tinh thần. Còn gì hạnh phúc hơn sau mỗi ngày làm việc, học tập vất vả mệt nhọc, được tìm lại không khí đầm ấm, chan hoà yêu thương của người thân, được cùng người thân quây quần bên mâm cơm bữa tối, sum họp và kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn trong cơ quan, hỏi han con cái việc học tập ở trường. Đó là phút giây hạnh phúc nhất.
Gia đình là chốn bình yên nhất và bữa cơm gia đình đã giúp cho mọi thành viên cảm thông yêu thương gắn bó với nhau hơn. Cần duy trì bữa cơm gia đình, đó là một cách để “thắp lại lửa” trong gia đình - điều mà bấy lâu tất cả mọi người vẫn xem nhẹ. Gia đình là tế bào của xã hội. Mỗi gia đình hạnh phúc bền vững sẽ có một xã hội văn minh tiến bộ. Để làm được điều đó không chỉ riêng bạn, riêng tôi mà cần sự cố gắng của tất cả chúng ta.
Diễm Nguyệt