Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 30/3/2012 22:10'(GMT+7)

Phát huy vai trò của âm nhạc dân tộc trong đời sống âm nhạc Việt Nam

 Trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc khu vực phía Nam năm 2012, chiều 30/3 tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã diễn ra hội thảo “Vị trí của âm nhạc dân tộc trong đời sống âm nhạc Việt Nam”.

Tại hội thảo, các thành viên Hội đồng lý luận âm nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam cùng các nhạc sĩ đã trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết đối với nền âm nhạc nước nhà, nhằm phát huy vai trò của âm nhạc dân tộc (trọng tâm là dân ca của các dân tộc thiểu số ở các vùng miền) trong đời sống âm nhạc Việt hiện nay.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, trong mỗi thời đại các nhạc sĩ đều tìm đến giá trị truyền thống và kết hợp với tinh hoa nhân loại để xây dựng cho mình một ngôn ngữ âm nhạc, một phong cách âm nhạc mang hơi thở dân tộc. Tuy nhiên, ngày nay khi âm nhạc giải trí tiếp thu mạnh mẽ những yếu tố như tiết tấu, hòa thanh, nguồn âm điện tử thì âm nhạc dân tộc cổ truyền đứng trước sức ép vô cùng lớn. Do đó, âm nhạc dân tộc không có điều kiện thể hiện hết các giá trị dân tộc và hiện đại trong thể loại của mình, đồng thời cũng mất đi một số lượng đáng kể khán thính giả ham mê thể loại này. Việc tìm hiểu sâu về âm nhạc truyền thống dân tộc, dân ca, dân nhạc các dân tộc Việt Nam, lịch sử phát triển âm nhạc dân tộc và lịch sử nền âm nhạc mới Việt Nam sẽ là nền tảng để thế hệ nhạc sĩ trẻ sáng tác những tác phẩm mang tính dân tộc và hơi thở của thời đại.

Theo nhạc sĩ Phan Quốc Anh, Chủ tịch Chi hội Nhạc sĩ Ninh Thuận, việc sử dụng chất liệu âm nhạc dân tộc trong sáng tác là vấn đề mà các nhạc sĩ cần quan tâm. Tuy nhiên, khi sáng tác một tác phẩm về một dân tộc nào đó thì cần phải nghiên cứu thật kĩ từ văn hóa, tín ngưỡng cho đến âm hưởng, giai điệu của dân tộc đó. Có nhiều nhạc sĩ đã có các tác phẩm rất hay về dân tộc. Cũng có nhiều người sáng tác ca khúc về một dân tộc nào đó, nhưng lại vay mượn âm hưởng của một nơi khác, điều này phần nào làm mất đi sự tinh túy của hồn dân tộc trong sáng tác.


Nhạc sĩ Minh Châu (Quảng Ngãi) đưa đến hội thảo niềm trăn trở, làm thế nào để những nghiên cứu về âm nhạc dân gian đi vào thực tế đời sống. Bởi hiện có rất nhiều đề tài nghiên cứu của các nhạc sĩ, đặc biệt là các nhạc sĩ ở địa phương, sau khi được nghiệm thu thì mang cất vào kho, chưa được ứng dụng vào thực tế, trong khi công sức cũng như kinh phí đầu tư cho một công trình nghiên cứu không phải nhỏ.

Các nhạc sĩ cũng có nhiều ý kiến tham luận xung quanh các vấn đề: Sự kết hợp hài hòa giữa dân tộc và hiện đại trong điệu trống Ginăng (dân tộc Chăm); bảo tồn đồng dao trong tâm thức Việt; âm hưởng nhạc điệu dân gian qua ngữ điệu giọng nói; tính dân tộc trong âm nhạc được nhìn nhận như thế nào…

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh, để đưa kho tàng văn hóa dân tộc vào các sáng tác một cách hữu hiệu, không lý thuyết, đòi hỏi người nhạc sĩ phải có sự tìm tòi, sáng tạo, tâm huyết, khai thác được cội nguồn của dân tộc một cách tinh túy. Nước ta hiện có hơn 100 nhạc sĩ chuyên nghiệp, thế nhưng Việt Nam vẫn thiếu những bài hát hay, có sức lan tỏa và lưu lại với thời gian. Từ đó nhạc sĩ khẳng định một trong những chìa khóa chính là chúng ta trở lại với mạch nguồn của dân tộc.

Chủ đề trao đổi trong buổi hội thảo sẽ là đề tài lớn theo suốt hành trình âm nhạc và thời gian tới các nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu, phê bình sẽ tiếp tục tranh luận để tìm ra giải pháp về sáng tác, lý luận, biểu diễn và quảng bá âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ mới, phấn đấu có những tác phẩm âm nhạc xứng với kỳ vọng của công chúng./.


TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất