(TG) -Vừa qua, trường Chính trị tỉnh Kiên Giang phối hợp với Học viện Chính trị Khu vực IV tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị hiện nay”. Tiến sỹ Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; Thạc sỹ Lâm Phước Hải, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; Tiến sỹ Chu Văn Hưởng, Phó hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh đồng chủ trì Hội thảo
Sau hơn 5 tháng triển khai kế hoạch Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 103 bài tham luận của các tác giả là giảng viên lý luận chính trị, các nhà khoa học hiện đang công tác tại các Học viện Chính trị khu II, khu vực IV, các trường chính trị, cao đẳng, đại học, các trung tâm chính trị và các cơ quan ban ngành trong và ngoài tỉnh Kiên Giang. Ban Tổ chức đã chọn 78 bài tham luận sát với chủ đề, nội dung Hội thảo để in thành Tài liệu phục vụ Hội thảo và sau Hội thảo Ban Tổ chức sẽ tiếp tục sàn lọc bài có chất lượng cao, để biên tập, xuất bản Kỷ yếu Hội thảo khoa học.
Hội thảo là dịp để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị ở hệ thống Học viện Chính trị khu vực, các trường chính trị cấp tỉnh, đại học, cao đẳng và trung tâm chính trị, góp phần phát triển và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới hiện nay.
Tại Hội thảo, các tác giả, các đại biểu đã dành nhiều thời gian tham luận, phát biểu tập trung vào những nội dung chủ yếu như: Những nhận thức chung về nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị trước bối cảnh bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tầm quan trọng của việc nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị hiện nay. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta về nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị. Mối quan hệ giữa tính khoa học, tính thực tiễn với tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị hiện nay. Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những vấn đề đang đặt ra đối với việc nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị hiện nay…
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận thẳng thắng, tâm huyết và trách nhiệm. Phó giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Thị Gấm, Học viện Chính trị Khu vực II cho biết: Theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Nội dung chương trình giáo dục và đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành”. Quá trình giảng dạy thiếu thông tin, dẫn chứng, luận giải thực tiễn, làm cho người học không hứng thú, mất niềm tin, từ đó ngại học, học kém và thi lại nhiều lần, ảnh hưởng đến chất lượng môn học cũng như uy tín của người đứng lớp. Để khắc phục vấn đề còn tồn tại nêu trên, góp phần nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị, cần thực hiện tốt một số nguyên tắc theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là: người giảng dạy phải có phẩm chất đạo đức cách mạng; hiểu rõ và có niềm tin đối với nội dung giảng dạy; “Dạy một cách thiết thực”, “phải liên hệ lý luận với thực tế công tác”; “Chống thói ba hoa”, tránh chủ nghĩa xét lại, bệnh kinh nghiệm.
Giảng viên phải không ngừng bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nêu gương trong cuộc sống hàng ngày, trong hoạt động chuyên môn. Nâng cao bản lĩnh chính trị, tích hợp liên môn, cập nhật thực tiễn. Xây dựng bài giảng phù hợp với đối tượng sinh viên để đủ nghệ thuật thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, giảng viên cần sử dụng ngôn từ dễ hiểu, tránh khô khan nhàm chán, dẫn dắt sinh viên hiểu rõ về những vấn đề chính trị thực tiễn đang xảy ra, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Bích, Phó hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Y Tế Kiên Giang khẳng định.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Tiến sỹ Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV đánh giá: Nội dung các tham luận phản ánh khá toàn diện, sâu sắc về chủ đề Hội thảo. Khẳng định sự tích cực, chủ động của các cơ sở đào tạo, các cơ quan, đơn vị, về nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệm xây dựng và phát triển bền vững đất nước, đồng thời góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, góp phần định hướng chính trị trong đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.
Tiến sỹ Phan Công Khanh đề nghị thời gian tới mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên ở khu vực đồng bằng song Cửu Long hãy tiếp tục nâng cao tính thuyết phục về tri thức, thuyết phục về giảng dạy, thuyết phục trong học tập lý luận chính trị, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vận dụng các nội dung, kết quả của Hội thảo vào giảng dạy, nghiên cứu, học tập, công tác và phục vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Nguyễn Hoa