Thứ Sáu, 22/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 26/12/2022 15:12'(GMT+7)

Tăng cường công tác tuyên truyền biển, đảo góp phần bảo vệ vững chắc vùng biển Tây Nam Tổ quốc

Tuyên truyền biển, đảo cho các em học sinh Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, thành phố Rạch Giá.

Tuyên truyền biển, đảo cho các em học sinh Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, thành phố Rạch Giá.

Từ nhiều năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang thường xuyên quan tâm phối hợp với các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn, tích cực thực hiện công tác tuyên truyền biển, đảo.

Năm 2022, thực hiện nội dung phối hợp tuyên truyền biển, đảo với Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành các hướng dẫn, kế hoạch về tổ chức tuyên truyền biển, đảo; tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực xây dựng Quân chủng Hải quân trên địa bàn. Đồng thời, bổ sung nội dung tổ chức các hoạt động tuyên truyền biển, đảo vào thang điểm thi đua giữa ban tuyên giáo các huyện, thành uỷ, cộng điểm thưởng cho các đơn vị có đổi mới, sáng tạo và đa dang hóa hình thức và đối tượng tuyên truyền.

Tỉnh Kiên Giang có bờ biển dài 200km và vùng biển rộng hơn 63.290km2; thuộc ngư trường Tây Nam bộ, giáp ranh với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Với 9.800 chiếc tàu cá, Kiên Giang là tỉnh có năng lực khai thác thuỷ sản lớn nhất cả nước, giải quyết sinh kế cho gần 50 ngàn ngư dân lao động trực tiếp trên biển và khoảng 200 ngàn lao động gián tiếp. Các tàu cá của Kiên Giang thuờng xuyên có mặt ở vùng biển khơi góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Trong năm 2022, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền biển, đảo cho trên 4.300 lượt cán bộ, đảng viên, công nhân trong các doanh nghiệp, ngư dân, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, giáo viên, học sinh là đồng bào dân tộc Khmer, chủ các phương tiện khai thác, đánh bắt hải sản và ngư dân trên địa bàn tỉnh. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phân công báo cáo viên giới thiệu trực tiếp tại 5 hội nghị tuyên truyền biển, đảo cho trên 2.150 học sinh, sinh viên trường Đại học Kiên Giang, các THPTT trong tỉnh; 01 hội nghị tập huấn về kỹ năng tuyên truyền biển, đảo cho 120 cán bộ đoàn, giáo viên tổng phụ trách Đội, cán bộ tuyên giáo cấp. Nội dung tuyên truyền đa dạng và phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Tại các hội nghị, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã phát 4.500 tờ rơi; tặng 800 lá cờ Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân tuyên truyền, phổ biến pháp luật biển, đảo cho ngư dân.

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên và nhân dân về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo bằng nhiều hình thức phong phú. Điển hình là, Tỉnh Đoàn Kiên Giang tổ chức hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”; Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với báo Người lao động tổ chức trao 10.000 lá cờ Tổ quốc; Hội Nông dân tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh về vận động nông dân vùng ven biển, hải đảo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh vùng ven biển, đảo, giai đoạn 2022-2027; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021-2025; phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường, hưởng ứng “Ngày môi trường thế giới”, “Tuần lễ Biển, Hải đảo Việt Nam”, “Ngày Đại dương thế giới”...thực hiện phong trào “Nói không với rác thải nhựa” tại các vùng ven biển. Nhiều phong trào, cuộc vận động hướng về biển, đảo được tiếp tục duy trì như: “Nghĩa tình biên giới hải đảo”, “Ngày Biên phòng toàn dân”, “Mái ấm biên cương”... Đồng thời, thông qua hội nghị, sinh hoạt chi đoàn, chi hội, hội diễn, triễn lãm… đã tổ chức trên 136 cuộc tuyên truyền với trên 25.000 lượt đoàn viên, hội viên và nhân dân tham dự.

Các cơ quan báo chí của tỉnh, trang/cổng thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, địa phương đều có chuyên trang, chuyên mục đăng tải hàng ngàn tin, bài, ảnh về biển, đảo, về chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tuyên truyền kết quả hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Quân chủng Hải quân và các lực lượng chấp pháp của ta trên biển. Chủ động chia sẻ, lan tỏa những phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, các tin, bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan báo chí chủ lực ở Trung ương về tình hình biển, đảo Việt Nam.

Đặc biệt, Báo Kiên Giang và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã tập trung phản ánh, nêu bật những kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với triển khai chủ trương, quan điểm của Đại hội XIII của Đảng về chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới; kỷ niệm 10 năm Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Luật Biển năm 2012. Sản xuất và phát sóng các chuyên mục: “Quê hương đất nước con người”; “Vì chủ quyền biên giới, biển, đảo”; “Ngư dân thời hội nhập”;… Ngoài ra, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thường xuyên thông tin về các sự kiện, hoạt động, viết bài, phỏng vấn,… trong các chương trình thời sự hàng ngày gắn với nội dung tuyên truyền biển, đảo.

Một trong những Hội nghị tuyên truyền biển, đảo trong năm 2022 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức.

Các lực lượng vũ trang tỉnh chú trọng gắn công tác tuyên truyền biển, đảo với tăng cường quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới biển; huy động tàu cá, thuyền viên tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thành lập Hải đội Dân quân trực; tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả các hoạt động buôn lậu qua biên giới, buôn bán hàng cấm, hàng giả, trốn lậu thuế qua đường biển; hoạt động ngăn chặn đánh bắt có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy, hải sản, phá hoại môi trường sinh thái biển; chủ động phát hiện tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền biển, đảo của đất nước, bảo vệ vững chắc an ninh biển, đảo.

Để đạt được những kết quả trên, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân rút ra được kinh nghiệm là hàng năm cần chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp công tác tuyên truyền biển, đảo; trong đó xác định rõ mục tiêu cụ thể, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng. Cùng với đó, từng cấp uỷ, chính quyền địa phương phải quan tâm đến công tác tuyên truyền biển, đảo, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm phải làm tốt. Trong từng hội nghị, từng buổi tuyên truyền, báo cáo viên, cán bộ tuyên truyền phải quan tâm lắng nghe các ý kiến phản ánh, kiến nghị của đối tượng, nhất là chủ tàu, ngư dân, học sinh, sinh viên để trao đổi, giải đáp thấu đáo các phản ánh kiến nghị được nêu ra.

Dự báo tình hình năm 2023, Vùng biển Tây Nam cơ bản ổn định, song tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Để công tác phối hợp đạt hiệu quả, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, ngư dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo; các Hiệp định phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam với các nước. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Chương trình hành động số 47-CTr/TU, ngày 21/02/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về biển và khai thác, đánh bắt thủy, hải sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật gắn với bảo vệ môi trường; hỗ trợ kịp thời bà con ngư dân khi làm ăn trên biển, tạo niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho ngư dân an tâm vươn khơi, bám biển.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tuyên truyền biển, đảo trên địa bàn huyện Châu Thành.

Hai là, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, kịp thời phát hiện tình huống để có hình thức phản ứng và biện pháp xử lý phù hợp, nhất là trong công tác tham mưu, định hướng tuyên truyền. Đẩy mạnh đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch về chủ quyền biển, đảo.

Ba là, thường xuyên trao đổi thông tin cho nhau về tình hình biển, đảo, tình hình ngư dân, nhất là những vụ việc cần hỗ trợ, cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ, giúp đỡ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân. Phát huy tốt vai trò của ngư dân trong việc cung cấp các thông tin có liên quan trên biển, nhất là thông tin về các tàu thuyền, phương tiện của nước ngoài xâm phạm chủ quyền các vùng biển Việt Nam.

Bốn là, tăng cường phối hợp tuyên truyền về biển, đảo giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị ngày càng đi vào chiều sâu. Các địa phương, cơ quan, đơn vị xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể trong công tác thông tin, tuyên truyền biển, đảo cũng như các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, đột xuất để chủ động định hướng dư luận.

Năm là, đa dạng hóa nội dung tuyên truyền biển, đảo, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm như khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế biển; phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển; hợp tác quốc tế về biển, đảo.

Sáu là, đổi mới mạnh mẽ phương thức tuyên truyền. Xây dựng các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền theo hướng dễ đọc, dễ hiểu, hấp dẫn, giàu cảm xúc. Đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng các loại hình mạng xã hội, công nghệ hiện đại trong công tác tuyên truyền biển, đảo. Đồng thời với công tác tuyên truyền cần kết hợp các hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường nhằm tạo được ấn tượng tốt đẹp và gắn bó trong các tầng lớp nhân dân.

Bảy là, làm tốt công tác sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về biển, đảo cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, lực lượng tuyên truyền viên, báo cáo viên các cấp, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí địa phương và quần chúng nhân dân./.

NGUYỄN HOA
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất