Thứ Hai, 7/10/2024
Thể thao
Thứ Tư, 14/4/2010 8:26'(GMT+7)

Nghề cầm quân là thế!

Ông Vương Tiến Dũng là một trong những HLV tài năng của BĐVN

Ông Vương Tiến Dũng là một trong những HLV tài năng của BĐVN

Thuyền to thì sóng lớn

Các HLV bây giờ rất ý thức được giá trị của mình. Họ biết cách để nâng cao và bảo vệ giá trị của mình trong quá trình thương thảo hợp đồng với các đội bóng. Điển hình như ông Lê Thụy Hải, người luôn tuyên bố “không cần tiền”, bao giờ cũng đưa ra đòi hỏi về tài chính khi nhận lời dẫn dắt đội bóng nào đó. Với ông, mức lương là sự ghi nhận về tài năng.

Ấy vậy mà, sau chuỗi thành tích không thật sự ưng ý cùng V.NB, người ta đang nghĩ đến tương lai của HLV Lê Thụy Hải. Mặc dù còn quá sớm để khẳng định ông Hải có sa lầy tại V.NB hay không, nhưng rõ ràng, nếu thành tích không được cải thiện thì mọi chuyện đều có thể xảy ra.

Sức ép lớn đã và đang dồn lên vai các nhà cầm quân như: Mai Đức Chung, Lê Thụy Hải, Vương Tiến Dũng, thậm chí cả Ricardo… Không áp lực sao được khi họ cầm đội bóng có nhiều tham vọng. Đổi lại, dám đối mặt với sức ép, các HLV sẽ nhận được biệt đãi từ đội bóng.

Thế mới có chuyện, “bầu” Trường có quyền đòi hỏi nhiều hơn ở HLV Lê Thụy Hải khi trả mức lương 100 triệu đồng/tháng. V.NB thuê ông Hải với mức lương khủng không phải để trụ hạng. Tất nhiên, ông Hải và nhiều nhà cầm quân khác hiểu rằng, những gì mình nhận được gắn liền với trách nhiệm và thách thức chính là cơ hội để khẳng định tài năng.

Tái ông thất mã

Thu nhập của các HLV rất cao, nhưng bản thân các nhà cầm quân không cảm thấy bi lụy khi “thất nghiệp”. Họ đón nhận quyết định sa thải một cách bình thản. Đơn giản bởi, sự thất sủng không mang tính tuyệt đối. Bầu trời rất rộng lớn để các HLV thỏa sức vẫy vùng. Không làm việc ở đội bóng này, có thể đến CLB khác với chế độ đãi ngộ cao hơn, miễn là có tài năng, điển hình là trường hợp của các ông: Lê Thụy Hải, Vương Tiến Dũng. Thế mới có chuyện, HLV Mai Đức Chung vẫn rất thoải mái khi biết lãnh đạo B.BD chuẩn bị sa thải ông. Ở một đội bóng “đại gia” phía Bắc, một HLV khác đang cười rất tươi khi hay tin lãnh đạo đi mời người khác thay mình.

Cách đây một năm, khi sau khi chia tay với Thể Công, HLV Vương Tiến Dũng không có dù chỉ một ngày nghỉ ngơi, bởi xe của XM.HP đã chờ sẵn ở cửa để đưa ông về đất Cảng. Ông Dũng nhận mức lương cao hơn khi rời Thể Công. Giả dụ một ngày không đẹp trời nào đó, khi mối lương duyên giữa tướng Dũng và XM.HP khép lại, ông cũng chẳng việc gì phải buồn. Sẽ có rất nhiều đội bóng sẵn sàng trải thảm đỏ chờ đón ông. Và ngay cả một HLV đang khát khao khẳng định thương hiệu ở đấu trường đỉnh cao là ông Vũ Trường Giang, thì ngay ở thời điểm gặp khó khăn tại LS.TH thì ông vẫn giữ được sự thanh thản. Ông tâm niệm rằng, sống là chiến đấu, nhưng khi gặp chuyện chẳng vui thì cũng đừng tuyệt vọng.

Theo dòng thời sự:

Cần công bằng với thầy

Có câu rằng: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Trong đội bóng, một HLV muốn chiếm được tình cảm của các học trò thì trước tiên phải công bằng. Dư luận đòi hỏi các ông thầy công bằng, nhưng đôi khi, chính họ không được đối xử công bằng.

HLV luôn là người chịu trách nhiệm cao nhất và cuối cùng về thành tích của một đội bóng. Nhưng sau 8 vòng đấu, đã có quá nhiều HLV phải chịu trách nhiệm, thì quả là điều đáng phải bàn. Phải chăng, V.League đang tồn tại nhiều HLV kém về chuyên môn, yếu về bản lĩnh đến vậy? Và không hiểu, đến khi mùa giải này khép lại, có bao nhiêu HLV phải ra đi vì “trách nhiệm” với đội bóng?

Bóng đá chuyên nghiệp phân biệt rạch ròi giữa quyền lợi và trách nhiệm. Nhưng đôi khi, người ta hơi lạm dụng quyền lực, hoặc nhìn nhận vấn đề một cách giản đơn, máy móc để rồi đưa ra những quyết định chẳng hề chuyên nghiệp như tôn chỉ đặt ra. Các HLV thường tâm niệm rằng, đã là người làm thuê, thì phải sẵn sàng đối mặt với những phán quyết từ ông chủ, dù ông chủ có sai đi chăng nữa. Dư luận đòi hỏi các HLV phải thích ứng với môi trường và cách làm việc mới. Nhưng dư luận cũng đòi hỏi các nhà lãnh đạo CLB phải thể hiện cái tầm, cũng như trách nhiệm với mỗi quyết định của mình.

Hãy công bằng với các HLV khi đánh giá thành công và thất bại của một đội bóng. Một quyết định sai lầm có thể phương hại đến đội bóng, mang đến sự hỗn loạn cho nền bóng đá và xâm phạm trật tự, giá trị của cuộc chơi.

Một HLV được trả lương để hoàn thành tham vọng của ông chủ. Nhưng trong một giải đấu, chỉ có một nhà vô địch, trong cuộc chơi, chỉ có một người thắng, một kẻ thua, đó là điều không thể khác. Hơn thế nữa, không phải HLV nào cũng được tạo mọi điều kiện để có thể trở thành nhà vô địch. Và rằng, sẽ thật sai lầm nếu nhìn nhận sức mạnh của một đội bóng thông qua số tiền đã bỏ ra trên TTCN. Hãy lấy ví dụ về XM.HP, một đội bóng được mệnh danh là “đại gia”, nhưng thực tế, lãnh đạo đã rất phí phạm tiền bạc và sai lầm trong quá trình tuyển chọn cầu thủ. Lãnh đạo sai lầm trong quá trình chuẩn bị lực lượng, nhưng người chịu áp lực là HLV Vương Tiến Dũng. Và sẽ là hoang tưởng nếu bắt ông phải dẫn dắt đội bóng vô địch bằng một đội ngũ khiếm khuyết, mất cân đối như hiện nay!

Khắc Sơn - BaoBongDa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất