Thứ Tư, 4/12/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Năm, 28/3/2024 9:5'(GMT+7)

Nghệ sĩ và nghệ danh

Việc sử dụng nghệ danh bằng tên nước ngoài hoặc “nửa Tây, nửa ta” rộ lên thời gian gần đây. (Hình minh họa: thanhnien.vn)

Việc sử dụng nghệ danh bằng tên nước ngoài hoặc “nửa Tây, nửa ta” rộ lên thời gian gần đây. (Hình minh họa: thanhnien.vn)

Nghệ danh, tức tên trên sân khấu, sàn diễn, là biệt hiệu mà các nghệ sĩ và người làm giải trí thường sử dụng. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, nhiều nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật không sử dụng tên khai sinh mà dùng nghệ danh. Đây là hiện tượng xuất hiện từ lâu và ngày càng trở nên phổ biến.

Tuy nhiên, việc sử dụng nghệ danh bằng tên nước ngoài hoặc “nửa Tây, nửa ta” chỉ rộ lên thời gian gần đây, nhất là trong một bộ phận nghệ sĩ trẻ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Điều này đã và đang gây ra những luồng dư luận trái chiều về ý thức của nghệ sĩ và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc sử dụng nghệ danh.

Theo một số nghệ sĩ và khán giả trẻ, việc sử dụng tên nước ngoài làm nghệ danh thể hiện được cái tôi cá nhân, cá tính âm nhạc, giúp tên tuổi của nghệ sĩ trở nên ấn tượng hơn trong mắt công chúng. Nếu giữ nguyên tên khai sinh hoặc dùng nghệ danh thuần Việt với nhiều người nghe sẽ “quê mùa”, dễ “đụng hàng” với nghệ sĩ khác. Âm nhạc, nghệ thuật Việt Nam đang vươn ra thế giới, việc sử dụng nghệ danh nước ngoài cũng là một cách “hội nhập”, giúp sự nghiệp của nghệ sĩ thăng hoa...

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc sử dụng nghệ danh ngoại của một số nghệ sĩ trẻ hiện nay chỉ là trào lưu mang tính nhất thời, thể hiện thói sính ngoại và tâm lý yếm thế, tự ti, phải vay mượn những thứ ở bên ngoài nhằm bù đắp sự thiếu hụt bên trong bởi năng lực và cá tính của người nghệ sĩ thể hiện ở tư duy sáng tạo, chất lượng và số lượng sản phẩm, sự công nhận của chuyên gia, những người cùng nghề và của công chúng chứ không nằm ở cái tên.

Nhiều nghệ sĩ quốc tế sử dụng nghệ danh nhưng họ cũng chỉ dùng ngôn ngữ mẹ đẻ, ngôn ngữ của quốc gia họ, không dùng ngôn ngữ nước khác. Tại Việt Nam, không ít nghệ sĩ trẻ có nghệ danh thuần Việt rất đẹp, rất ấn tượng, trở thành những tên tuổi lớn, có sự nghiệp rực rỡ, được đông đảo công chúng mến mộ. Thậm chí một số nghệ sĩ như nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, đạo diễn Trần Anh Hùng, diễn viên Trần Nữ Yên Khê, nhạc sĩ nhạc jazz Nguyên Lê... dù hoạt động lâu năm và thành công ở nước ngoài nhưng cũng chỉ sử dụng tên khai sinh hoặc nghệ danh bằng tiếng Việt.

Chọn nghệ danh là quyền tự do của mỗi nghệ sĩ. Hiện chưa có quy định nào cấm việc nghệ sĩ lấy nghệ danh ngoại, nhưng rõ ràng việc lạm dụng nó sẽ trở nên phản cảm, thậm chí nguy hại. Do đó, trước khi chọn cho mình nghệ danh, mỗi nghệ sĩ cần cân nhắc kỹ nhằm hài hòa giữa sở thích, nguyện vọng cá nhân với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Các cơ quan quản lý văn hóa, phương tiện truyền thông đại chúng cần có giải pháp chấn chỉnh trào lưu sính ngoại của một số nghệ sĩ và khán giả. Điều quan trọng là “chiếc áo không làm nên thầy tu”.

Thành công của mỗi nghệ sĩ đến từ sự nỗ lực sáng tạo, lòng tự tôn dân tộc và bề dày cống hiến chứ không phải đến từ nghệ danh./.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất