Thứ Ba, 26/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Bảy, 9/4/2011 15:14'(GMT+7)

Người giữ sạch cho cánh đồng quê

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Quả thật khi mới nghe xong câu chuyện này chắc hẳn nhiều người trong chúng ta cũng thấy đó là việc làm rất ‘‘không bình thường”. Nhưng khi được trực tiếp nghe bà nói chuyện, trao đổi và bàn luận về công việc đó thì chúng tôi thấy rằng bà hoàn toàn không ‘‘điên” chút nào! Bà là Nguyễn Thị Vuông Phó chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong (TNXP) xã Nghĩa Phương.

Đến khu chợ Quỷnh xã Nghĩa Phương hỏi đường vào nhà ‘‘bà Vuông môi trường” xóm Mương Làng từ trẻ nhỏ đến người già không ai là không biết. Dù đã 67 tuổi nhưng trông bà Vuông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát lắm, bà cho biết: Năm 1965 bà tham gia đội thanh niên xung phong, phục vụ tại các tuyến đường từ Cầu Lường đến Hà Nội, từ Đình Trám đến Thái Nguyên. Năm 1991, thì bà về nghỉ hẳn và tham gia các phong trào hội TNXP tại địa phương.

Khi được hỏi về công việc gom nhặt các phế thải độc hại mang về nhà như vậy bà có thấy sợ bị nhiễm các chất độc hay không? bà Vuông vui vẻ nói: Có sợ chứ vì toàn các vỏ chai, túi nilông của các loại thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ....nhưng mình phải dùng đồ bảo hộ lao động, đi găng tay, ủng chân và khẩu trang thật cẩn thận chứ...

Tâm sự với chúng tôi bà Nguyễn Thị Vuông cho biết: Năm 2005, khi thấy trên các cánh đồng trong xã tràn ngập rác thải độc hại của các loại thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường sống xung quanh, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt, sản xuất của bà con, bà đã vận động các hội viên cựu TNXP và bà con nhân dân trong xã tham gia thu nhặt và tiêu huỷ nhưng chỉ được một vài ngày mọi người nản lòng  và ‘‘bỏ cuộc” hết chỉ còn mình bà Vuông tự nguyện kiên trì, âm thầm lặng lẽ làm công việc đó một mình suốt 5 năm qua mà không hề đòi hỏi gì. Bà Vuông nói: Mình đã phát động ra thì phải làm đến nơi đến chốn, làm tốt rồi mọi người sẽ tự có ý thức hơn trong việc sử dụng thuốc BVTV, có như vậy sẽ không ảnh hưởng tới môi trường và sức khoẻ con người.

Ông Nguyễn Đình Đậu-chồng bà Vuông nói: Ngày nay có nhiều loại sâu bệnh nên người dân sử dụng rất nhiều loại thuốc BVTV, mỗi bình thuốc bà con pha lẫn 4-5 loại khác nhau, môi trường bị huỷ hoại nghiêm trọng, ông Đậu chỉ ra cánh đồng trước cửa nhà mình và nói, xưa ở các mương máng này rất nhiều tôm cá nhưng nay chẳng còn nữa, đó cũng là do sử dụng nhiều thuốc BVTV mà tôm cá bị diệt hết...

 Để có thời gian đi làm việc này mà không ảnh hưởng tới công việc gia đình, việc xã hội bà Vuông thường tranh thủ thời gian sau bữa trưa, cứ độ 11h trưa đến 13h chiều lại mang bao bì đi dọc quanh các con đường, bờ ruộng, các cánh đồng trong xã nhặt rác thải thuốc BVTV. Bà vuông còn nói vui rằng: kể từ ngày làm công việc này đến nay mình như bị ‘‘nghiện” rồi hay sao ý? hễ cứ đi đâu mà nhìn thấy rác thải của thuốc BVTV là bằng mọi giá dù công việc bận đến mấy bà cũng nhặt chúng lại và cho vào bao nilông mang về nhà, thậm chí khi đi ăn cỗ ở các làng bên cạnh bà cũng mang theo bao bì đi theo để khi về nhìn thấy thì nhặt....nói vậy thôi nhưng tôi hiểu được rằng bà Vuông cũng không muốn phải làm công việc như thế này mãi, mà cốt làm sao để bà con có ý thức tự giác để gọn giác vào một nơi, kể đến đây bà Vuông bỗng nhiên trầm hẳn xuống, rồi bà nói tiếp:Tôi làm việc này ban đầu các con tôi phản đối ghê lắm rồi làng xóm xôn xao cho rằng tôi bị thần kinh, có người hỏi tôi nhặt những thứ này về để làm gì? Tôi chỉ cười và nói vui rằng để bán lấy tiền, và còn bảo nếu mọi người nhặt được thì mang đến đây tôi mua cho từ 10 đến 12 nghìn/1kg, nhưng thực ra có ai mua những thứ này làm gì đâu? Bà vuông nói.

 Vượt qua tất cả những lời lẽ đó bà vẫn lặng lẽ đi làm công việc đó một mình. Trung bình cứ mỗi lần đi nhặt như vậy bà Vuông thu được khoảng 2-3kg vỏ bao thuốc BVTV, nhìn đống vỏ thuốc BVTV chất đống trải dài một góc vườn nhà bà Vuông đã 5 năm nay mà chưa được tiêu huỷ chúng tôi không khỏi e ngại về sự ô nhiễm đang rình rập từng ngày và trực tiếp ảnh hưởng tới môi trường sống gia đình bà Vuông. Bà vuông nói rằng: Tới đây tôi có ý tưởng sẽ dựng tại các ngã ba, ngã tư, các bờ ruộng quanh các cánh đồng những thùng giác và vận động mọi người khi sử dụng xong thì vứt các vỏ thuốc BVTV và các loại rác thải khác vào đó để bà đi gom cho thuận tiện.

Bà Vuông cho biết thêm chính quyền địa phương, xã, huyện, tỉnh đã có những ghi nhận về sự đóng góp thầm lặng này của bà, cụ thể là tháng 6 năm 2010 bà được UBND tỉnh Bắc Giang trao tặng ‘‘Giải thưởng môi trường tỉnh Bắc giang”, rồi giấy khen đã có thành tích trong ‘‘Cuộc vận động học tập và theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tuy nhiên theo bà Vuông thì chính quyền đã hứa là sẽ đem tiêu huỷ toàn bộ số rác thải độc hại này nhưng từ ngày đó đến nay đã gần 1 năm rồi mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì, đống rác thải độc hại tiềm ẩn đầy nguy hiểm vẫn hiện hữu trong khu vườn nhà bà Vuông những năm qua.

Nhìn những cánh đồng xanh mướt một màu rộng lớn của xã Nghĩa Phương tôi cứ liên tưởng đến hình ảnh một người phụ nữ với chiếc bao trên tay từng ngày phải tiếp xúc với chất độc hại, (lúc mà đáng lẽ ra mọi người nghỉ ngơi thì bà lại đi làm) để góp phần tôn thêm màu xanh, sạch cho những cánh đồng quê, tôi cảm nhận được rằng cũng vì cái tâm không vội của một cựu TNXP mà bà Vuông kiên trì đeo đuổi công việc này suốt thời gian qua./.

Nguyễn Văn Hưởng

(Nguồn: Tạp chí TĐKT)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất