Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 12/8/2009 17:15'(GMT+7)

Người dũng sĩ diệt Mỹ 3 lần được gặp Bác Hồ

Đoàn "Dũng sỹ diệt Mỹ" chụp ảnh với Bác Hồ và Bác Tôn ( Chị Thu ngồi cạnh Bác Hồ và Bác Tôn)

Đoàn "Dũng sỹ diệt Mỹ" chụp ảnh với Bác Hồ và Bác Tôn ( Chị Thu ngồi cạnh Bác Hồ và Bác Tôn)

Chị Thu sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Xuân Phú - nay là xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Từ nhỏ, chị đã hăng hái tham gia công tác giao liên, rồi trở thành một chiến sĩ trong lực lượng du kích xã. Chị lập được nhiều chiến công xuất sắc và được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ khi đang còn tuổi đeo khăn quàng đỏ.

Giữa năm 1968, chị Thu được đưa ra Bắc học văn hóa và là một trong bảy thành viên của đoàn "Dũng sĩ diệt Mỹ tí hon" ở miền Nam ra Bắc học tập đợt đầu tiên (gồm Võ Phổ, Ngô Văn Nết, Võ Văn Hường, Hồ Văn Mền, Hồ Thị Thu, Nguyễn Văn Hòa và Đoàn Văn Luyện). Khi đến miền Bắc, chị Thu hỏi nhiều anh chị ra trước là đã có ai được gặp Bác Hồ chưa, nhưng ai cũng trả lời Bác Hồ bận trăm công nghìn việc nên không dễ gì được gặp Người. Nào ngờ, chỉ mấy hôm sau đã có xe đến đón "Đoàn Dũng sĩ tí hon" vào Phủ Chủ tịch để gặp Bác, khiến chị khôn xiết vui mừng bởi đó là điều mà chị hằng mơ ước.

Chị Thu bồi hồi nhớ lại, khoảng 5 giờ chiều, cả đoàn xuống xe nôn nao đi vào Phủ Chủ tịch. Bác Hồ và Bác Tôn bước ra ôm hôn thắm thiết từng người. Chú Tố Hữu lần lượt giới thiệu họ tên, quê quán của từng thành viên trong đoàn. Đến lượt tôi, khi chú Tố Hữu chưa nói, thì Bác đã hỏi:

- Cháu là Hồ Thị Thu phải không?

Tôi lễ phép đáp:

- Dạ, thưa Bác! Cháu là Hồ Thị Thu.

Bác ôn tồn hỏi tiếp:

- Cháu học lớp mấy rồi?

- Thưa Bác! Cháu chưa biết chữ ạ! Vì cha cháu mất sớm, mẹ cháu nghèo, không có tiền cho cháu đi học.

Bác rưng rưng nước mắt và bảo:

- Ra đây, cháu sẽ được đi học.

Sau đó, theo ý chú Tố Hữu, bảy chúng tôi thay nhau kể chuyện đánh Mỹ của mình cho Bác nghe. Nghe xong, Bác âu yếm hỏi tôi (thành viên nữ duy nhất và cũng nhỏ nhất đoàn):

- Thằng Mỹ to như thế, cháu lại bé như thế, thì khi đánh Mỹ cháu có sợ không?

- Thưa Bác! Bên cạnh cháu luôn có các cô các chú chỉ huy và anh em đồng đội, nên cháu không sợ.

Bác lại hỏi:

- Đồng bào quê cháu sống và chiến đấu như thế nào?

Tôi liền thưa với Bác:

- Đồng bào quê cháu sống không sợ gian khổ, chiến đấu không sợ hy sinh mà chỉ sợ mù hai con mắt, đến ngày thống nhất không được nhìn thấy Bác!

Tôi nói xong, thấy Bác xúc động rơm rớm nước mắt, còn Bác Tôn thì bảo: "Các cháu không sợ Mỹ, nhân dân ta không sợ Mỹ, nhất định chúng ta sẽ thắng Mỹ!". Cả đoàn được Bác Hồ và Bác Tôn thăm hỏi, chuyện trò hết sức thân thiết và được chụp ảnh lưu niệm với hai Bác. Khi ăn cơm tối, tôi được Bác gọi đến ngồi bên cạnh. Bác tự tay gắp thức ăn bỏ vào chén cho từng người, động viên chúng tôi cố gắng ăn uống, rèn luyện sức khỏe, cử chỉ ân cần, nhân hậu như ông tiên trong truyện cổ tích. Tôi sung sướng ngồi tựa đầu vào người Bác, cảm thấy Bác thật là gần gũi, hiền từ, chẳng khác gì ông bà, cha mẹ của mình!

Lần thứ hai, chúng tôi được gặp Bác là vào ngày 20-12-1968. Hôm ấy, Đảng và Nhà nước ta tổ chức Lễ kỷ niệm lần thứ 8 ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đoàn Dũng sĩ chúng tôi cũng được mời đến dự lễ. Bác ngồi trên lễ đài, vừa nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng giới thiệu xong, liền đứng dậy vẫy tay bảo "mời các Dũng sĩ tí hon lên đây". Thế là chúng tôi vui sướng bước lên đứng cạnh Bác, rồi cùng ngồi trên lễ đài suốt trong buổi lễ ấy. Lần đó, tôi hết sức kinh ngạc là mới gặp chúng tôi một lần và bận biết bao công việc mà Bác vẫn nhớ đúng tên từng đứa, hỏi han chuyện trò với từng đứa hoàn toàn khớp với những thông tin mà chúng tôi đã kể trong lần gặp trước.

Ngày 13-2-1969, bảy chúng tôi lại vinh dự được gặp Bác lần thứ 3. Hôm ấy, trước lúc tiếp Đoàn đại biểu Uỷ ban Cu Ba đoàn kết với nhân dân Việt Nam, Bác đã cho gọi chúng tôi đến. Khi tiếp đoàn, Bác trực tiếp giới thiệu họ tên, hoàn cảnh và thành tích chiến đấu của mỗi chúng tôi. Những nội dung mà chúng tôi đã kể trong lần gặp đầu tiên được Bác nhắc lại một cách gãy gọn, súc tích. Tại buổi tiếp này, đoàn trưởng đoàn bạn tặng Bác một đôi dép khá giống với đôi dép mà Bác thường mang và cho biết nó được chế biến từ da bò, đi rất êm chân. Sau khi cảm ơn bạn, Bác từ tốn nói "Đất nước chúng tôi còn chiến tranh, nhân dân còn nghèo, nên tôi vẫn thường mang đôi dép làm bằng lốp ô tô hỏng". Cả đoàn bạn rất cảm động, bà Đoàn trưởng hứa sẽ vận động ủng hộ Việt Nam nhiều hơn nữa.

Kể đến đây, chị Thu bỗng đưa tay chùi nước mắt và bùi ngùi nói: Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được gặp Bác vì đến tháng 9 năm ấy là Bác đã đi xa.

Năm 1970, Dũng sĩ diệt Mỹ Hồ Thị Thu được cử đi dự Trại hè Thiếu nhi Quốc tế tại Liên Xô và được vợ chồng bà Ri-ta (ở thành phố Khác-cốp) nhận làm con nuôi. Về nước, chị tiếp tục học tập, công tác trong ngành quân y và sau ngày đất nước thống nhất được chuyển về làm việc tại thành phố Đà Nẵng.

Năm 1987, chị Thu đưa chồng con sang Liên Xô thăm bố mẹ nuôi. Chị thấy trong nhà ông bà có hẳn một phòng để trưng bày ảnh Bác và nhiều kỷ vật, tranh ảnh, sách báo nói về Bác. Chị đặc biệt xúc động khi thấy chồng bà Ri-ta đội ảnh Bác Hồ đi tuyên truyền ở nhiều nơi, hết lời ca ngợi Hồ Chí Minh và vận dụng mọi người ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ.

Sau khi nghỉ hưu (năm 1992), chị Thu hăng hái tham gia công tác địa phương với nhiều cương vị khác nhau và hiện nay là ủy viên Ban thường vụ Hội CCB phường Chính Gián.

Ngọc Phương

Lô B19 đường Lê Thanh Nghị, quận Hải Châu, Đà Nẵng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất