(TCTG) - Chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng đã được Đảng ta coi là một trong nhưng nguyên tắc về tổ chức, sinh hoạt đảng và từ lâu đã được đưa vào Điều lệ cũng như các văn kiện của Đảng.
Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã làm tốt công tác này, coi tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén, góp phần làm nên sức mạnh của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: ''Trong bao nhiêu năm hoạt động bí mật, dù bị bọn thực dân khủng bố gắt gao và Đảng ta gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng Đảng ta ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ và đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Đó là vì Đảng ta khéo dùng cái vũ khí sắc bén phê bình và tự phê bình''(1).
Tuy nhiên, trong sinh hoạt Đảng hiện nay, chế độ tự phê bình và phê bình ở nhiều cấp, nhiều tổ chức Đảng không được duy trì thường xuyên, nghiêm túc, thậm chí có nơi bị buông lỏng hoặc thực hiện một cách hình thức. Tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống một phần quan trọng là do không thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình. Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Hồ Chủ tịch, suy ngẫm lại những lời dạy của Người: vấn đề đặt ra hiện nay là tất cả các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên không thể không nâng cao nhận thức, học tập những lời dạy của Người về thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Trong bản Di chúc của Người, khi ''nói về Đảng'', Bác Hồ căn dặn ba điều: giữ gìn sự đoàn kết; tự phê bình và phê bình; cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Như thế đủ thấy chế độ tự phê bình và phê bình quan trọng đến nhường nào trong đời sống của Đảng ta. Hơn thế nữa, Bác Hồ còn khẳng định chế độ tự phê bình và phê bình là phương thức tốt nhất để đi đến giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Người nói: “Ta có hai cách để thực hiện thống nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ là: Phê bình và tự phê bình. Từ trên xuống dươí ai nấy đều phải dùng nó để càng ngày càng đoàn kết, tiến bộ''(2), ''Thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng''(3).
Cách mạng tháng Tám thành công, ngay sau khi giành được chính quyền, trong khi toàn Đảng, toàn dân phải tập trung sức lực bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ vượt qua giai đoạn hiểm nghèo và dồn sức cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo những căn bệnh mà cán bộ, đảng viên dễ mắc phải. Tại thời điểm tháng 10-1947, trong tác phẩm ''Sửa đổi lối làm việc'' Bác Hồ đã chỉ ra một số căn bệnh của cán bộ, đảng viên, đại loại như: địa phương chủ nghĩa; hám danh vị, xa rời quần chúng, ích kỷ, hình thức, làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm, hủ hoá v.v. Đồng thời Bác chỉ ra ''liều thuốc'' chữa trị các ''bệnh'' này. Đó là phải ''ráo riết dùng tự phê bình và phê bình''.(4)
Vậy thế nào là tự phê bình và phê bình? Mục đích của nó là gì? Bác giải thích: ''Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình''(5).
Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau: ''Mục đích là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm''(6). Phê bình và tự phê bình cốt sửa chữa, chứ không phải để công kích, cốt giúp nhau tiến bộ, chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng, ''khi phê bình và tự phê bình thì phải xuất phát từ ý muốn đoàn kết, để đạt đến đoàn kết mới, trên cơ sở mới”(7).
Quan điểm của Bác Hồ đối với những sai lầm, khuyết điểm rất độ lượng, khoan dung và mang tính cách mạng, tính chiến đấu rất cao. Bởi vì: người ta không ai có thể tránh được khỏi sai lầm và khuyết điểm. Chỉ có không làm gì thì mới không có sai lầm; có hoạt động thì khó mà tránh khỏi sai lầm; chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Điều quan trọng nữa là không để nhiều sai lầm nhỏ cộng thành sai lầm to; khi đã mắc sai lầm rồi ''Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân''(8). Bác Hồ căn dặn cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện và tự phê bình, kiểm điểm theo các tiêu chuẩn của đảng viên và của người cán bộ cách mạng. Người ví việc tự phê bình, kiểm điểm như ''rửa mặt'' hằng ngày. Muốn làm được việc đó thì phải kiểm tra. Làm như vậy thì sẽ ít mắc sai lầm khuyết điểm, và nếu có sai lầm thường không lớn và dễ sửa chữa.
Trong các bài nói và viết của mình, Bác Hồ đã từng chỉ rõ và cụ thể những nhận thức, biểu hiện lệch lạc trong việc thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình; đồng thời Người dạy chúng ta cách thức tự phê bình và phê bình sao cho đạt được mục đích và hiệu quả cao hơn. Tự phê bình và phê bình là một vấn đề rất nhạy cảm, đụng chạm đến từng cá nhân, tổ chức cho nên tâm lý thường là thích khen hơn thích chê. Bác Hồ đã chỉ ra và phê phán hàng loạt các biểu hiện sai trái: không ít cán bộ, đảng viên rất sợ phê bình và tự phê bình. Trong đấu tranh xây dựng Đảng, ở nhiều nơi, cán bộ, đảng viên phạm sai lầm nhưng không bị xử lý thoả đáng. Có đồng chí bị hạ tầng công tác ở nơi này nhưng lại điều đi nơi khác lại giữ nguyên chức vụ, hoặc làm chức vụ khác cao hơn. Có những đồng chí đáng lẽ phải bị kỷ luật nặng nhưng vì cảm tình, nể nang mà chỉ bị phê bình, cảnh cáo chiếu lệ, thậm chí có nơi còn che đậy cho nhau v.v... Trước thực trạng đó, Bác nhắc nhở: “Kiên quyết chống thói nể nang và che dấu, chống thói ''trước mặt thì nể, kể lể sau lưng. Phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật”(9).
Khi thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình, Bác Hồ khuyên cán bộ, đảng viên không nên định kiến với những người sai lầm ''không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế, sẽ có hại đến công việc như thế nào? Làm thế nào mà sửa chữa? Tóm lại, phải phê bình cho đúng. “Phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm''(10).
Đối với bản thân mình, Người hết sức nghiêm khắc, với tư cách là người giữ chức vụ cao nhất trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự phê bình khi để cán bộ, đảng viên mắc những ''bệnh này bệnh khác'', khiến kỷ luật của Đảng bị lỏng lẻo. Người viết: ''Trong Đảng có những bệnh ấy và bệnh khác. Trung ương cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Vì Trung ương chưa chú trọng việc kiểm tra. Sự huấn luyện chủ nghĩa tuy có nhưng chưa được khắp, chưa đầy đủ. Dân chủ trong Đảng chưa được thực hiện rộng rãi. Phê bình và tự phê bình chưa thành nền nếp thường xuyên''(11). Để khắc phục những thiếu sót này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi “Phải mở rộng phong trào phê bình và tự phê bình ở trong Đảng, ở các cơ quan, các đoàn thể, trên các báo chí cho đến nhân dân. Phê bình và tự phê bình phải thường xuyên, thiết thực, dân chủ, từ trên xuống và từ dưới lên. Sau hết là Đảng phải có sự kiểm tra chặt chẽ(12).
Lời dạy của Hồ Chủ tịch cách đây đã mấy chục năm nhưng ta thấy vẫn mang tính ''thế sự'' nóng hổi như chính Người đang nói với chúng ta hôm nay. Bởi vì kết quả của tự phê bình và phê bình ngoài yêu cầu ''trị được bệnh và cứu người'' còn có tác dụng ''tôi luyện'' thêm phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên; qua đó lựa chọn những cán bộ, đảng viên đủ đức, đủ tài gánh vác nhiệm vụ cách mạng phân công. Những lời dạy của Bác Hồ về tự phê bình và phê bình soi rọi vào thực tế công tác xây dựng Đảng hiện nay, chúng ta thấy càng thấm thía về tầm nhìn xa, trông rộng của Người. Do vậy, việc học tập những lời dạy của Người về phê bình và tự phê bình trong Đảng có ý nghĩa vô cùng thiết thực nhằm xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong Đảng và đó chính là một quy luật phát triển của Đảng ta. Vì vậy, việc thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình đòi hỏi các cấp uỷ, tổ chức cơ sở đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc không trừ một ai. Chỉ có như vậy mới đảm bảo ''giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân''(13) - Nhân tố quyết định đảm bảo sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta tiếp tục phát triển đi lên./.
Ths. Bùi Xuân An,Học viện CT-HC Quốc gia HCM
------------
(1), (8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1996, t.9, tr.289-290, 290
(2), (4), (5), (6), (9), (10) Sđd, t.5, tr.552-553, 267, 267, 267, 267, 283-284
(3) Sđd, t.12, tr.497-498.
(7) sđd, t.8, tr.500.
(11), (12) Sđd, t.6, tr.167, 168.
(13) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, BCHTƯ ĐCSVN, H, 1989, tr.48.