Thứ Năm, 28/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Sáu, 31/7/2009 21:0'(GMT+7)

Tomoji Suzuki - Doanh nhân nước ngoài học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tiếp cận Việt Nam thời kỳ mở cửa, ông Tomoji Suzuki đã nhận thấy tỉnh Lâm Đồng có những lợi thế: điều kiện đất đại, khí hậu, nguồn lao động dồi dào và một số thuận lợi để đầu tư phát triển vùng chè có chất lượng cao. Đến Việt Nam năm 1995, nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Ông đã không quên vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa của nhân loại. Bấy giờ, Bác Hồ đã ra đi về thế giới vĩnh hằng, nhưng đã để lại trong Tomoji Suzuki sự thành kính ngưỡng mộ, nguyện học tập Người, làm theo Người.

Bằng những tâm huyết của mình, Tomoji Suzuki đã dày công đi tìm nguồn giống và tiến hành các bước thí điểm để nhân giống đưa vào sản xuất chè có chất lượng cao trên đất cao nguyên Lâm Viên xinh đẹp và hùng vĩ, góp phần xây dựng Việt Nam - nơi ông coi là quê hương thứ hai. Sau hơn 8 năm, vượt qua bao nới khó khăn, vui buồn; đất nước và con người Việt Nam đã không phụ lòng để ngày nay, tại khu 11 thị trấn Di Linh ông đã có hơn 140 ha chè chất lượng cao (giống chè thuần chủng Tứ quý), một nhà máy công nghệ tiên tiến chế biến chè ô long xanh sạch, với 245 lao động phổ thông ở trên địa bàn được chính ông đào tạo thành người lao động có tay nghề, vừa công nghiệp vừa nông nghiệp. Mục tiêu lớn nhất đã được ông xác định khi tiến hành lập nghiệp ở Lâm Đồng, Việt Nam: ''Phải làm sao xây dựng cho được đội ngũ công nhân của mình có tư chất, có đạo đức và bản lĩnh, lao động bằng chính tâm, bằng năng lực, có ý thức và gắn kết trách nhiệm với doanh nghiệp''.

Điều đầu tiên khi lên bục phát biểu trong các cuộc họp là với thái độ tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cúi chào tượng, ảnh Bác Hồ kính yêu. Tôi nghĩ, là người việt Nam ai cũng quý trọng ông về hành vi ấy. Tôn kính Bác Hồ có từ trong tận đáy lòng ông đã tại cho những người làm việc với ông luôn có sự tin tưởng về ông chủ của mình. Ông nói: ''Hồ Chí Minh một con người rất đáng kính, tôi phải học tập và tôn vinh Người''. Những lời chân thành ấy là một nội dung giáo dục đội ngũ công nhân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cứ mỗi lần họp, ông luôn nhắc nhở người lao động: ''Hãy làm như Hồ Chí Minh'', không vì đồng tiền mà làm dối, làm ẩu, làm xấu người, xấu mình, làm một việc gì cũng phải tính cho kỹ, làm sau để mọi công việc đều có ích cho xã hội. Ông phân tích rằng: mỗi một cá nhân, ý thức và hành vi đạo đức mang tính tự giác luôn xuất phát từ bên trong, nhưng cũng chịu sự tác động về nhu cầu xã hội và những người xung quanh. Do vậy, ông lấy việc làm của chính mình, của một số công nhân tốt để làm gương cho công tác giáo dục công đồng.

Đã có nhiều đêm ông không ngủ được, bởi vì công nhân đã diệt cỏ bằng thứ thuốc mà ông cho rằng đó là chất “dioxin''. Ông tiến hành nhiều lần họp với người lao động để chỉ ra tác hại của thuốc diệt cỏ gây ung thư cho con người. Thứ thuốc đó người Mỹ đã dùng trong chiến tranh Việt Nam. Ông phân tích cho anh chị em công nhân: ''Ta đang đi kiện nước Mỹ sử dụng chất độc ''da cam'' đã và đang để lại hậu quả về ''thảm họa môi trường'' trên đất nước Việt Nam. Nếu ta sử dụng thứ thuốc diệt cỏ này chính chúng ta đang hủy diệt chúng ta'', ''Nó không những làm ảnh hưởng đến vệ sinh thực phẩm mà có tác hại đến sức khỏe của người tiêu dùng và cả cộng đồng'', ''Nếu cứ tiếp tục làm như vậy thì không ai tin vào chúng ta, không ai giúp ta phát triển và họ sẽ xa lánh, khi chúng ta không là chúng ta nữa''... Ông đã chấp nhận hủy bỏ lô hàng có thuốc diệt cỏ mà ông gọi là chất ''dioxin''. Còn người lao động, ông nói theo cách của người Nhật: ''Lao động để kiếm tiền nhưng không phải vì tiền mà làm như vậy''. Rồi lấy Chủ tịch Hồ Chí Minh làm gương, ông nói: ''Ông Hồ Chí Minh làm việc không vì cho Ông, mà cho cả dân tộc và nhân loại; trong đó có cả chúng ta đó, tại sao mình không học tập mà cứ làm dối, làm ẩu? Nó không những tạo thói hư tật xấu, cho mình mà còn gây hậu quả cho xã hội''. Cuối cùng, ông yêu cầu người lao động hãy dẹp bỏ chủ nghĩa cá nhân, tất cả vì cộng đồng, vì xã hội. Ông cho rằng cần tiếp tục giáo dục thêm người lao động; thông qua các tổ chức đoàn thể tuyên truyền để họ hiểu: không vì mục tiêu và lợi ích trước mắt. Đến nay, Công ty Vina Suzuki của ông Tomoji Suzuki có 140 ha diện tích chè sạch chất lượng cao, có năng suất 70-80 tạ/ha; sử dụng thuốc sâu được chế biến từ hạt xoan thu gom từ các tỉnh đưa về ngâm ủ xay ra và phun cho chè theo quy trình hợp lý phòng ngừa sâu bệnh hiệu quả, vừa đảm bảo sản phẩm sạch vừa giá thành rẻ hơn các loại thuốc sâu khác có trên thị trường, còn giảm được yếu tố độc hại cho người lao động; sử dụng đất tơi xốp, tạo độ phì, tăng khoáng chất cho đất, cho chè phát triển tốt cả về lượng và về chất, vừa bảo vệ môi trường sống.

Được biết, ông Tomoji Suzuki còn rất quan tâm đến hoạt động của tổ chức công đoàn. Ông cho rằng: công đoàn là nơi đào tạo giáo dục người lao động hoàn thiện đạo đức sống, hoàn thiện công việc thông qua quá trình lao động sản xuất, tích luỹ kinh nghiệm sông, có kiến thức và hiểu biết về pháp luật, hiểu biết văn hóa gia đình, văn hoá xã hội; công đoàn hoạt động tốt sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Chính vì vậy, công đoàn cơ sở Vinasuzuki nhiều năm liền giữ vững công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cờ ''xanh - sạch - đẹp'', Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen về ''An toàn, vệ sinh lao động'', bằng khen về xây dựng, hoạt động công đoàn.

Ông đang ''sở hữu'' đội ngũ công nhân được đào tạo nghiệp vụ và có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, gia đình, tập thể, doanh nghiệp và đất nước. Họ với ông gắn bó thân tình, việc làm ổn định, thu nhập năm sau cao hơn năm trước, đời sống khá lên, chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được thực hiện đầy đủ, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, đóng góp các quỹ xã hội đầy đủ. Ông cho rằng muốn cho doanh nghiệp phát triển bền vững, trước hết phải vì người lao động, phải biết giữ chữ ''tín''. Từ đó xây dựng được đội ngũ người lao động có lương tâm nghề nghiệp, lao động sáng tạo, năng động.

Tuy tuổi đã ngoài tám mươi, nhưng ông Tomoji Suzuki luôn tận tụy với công việc, lo lắng về nương đồi, về các sản phẩm chế biến. Điều lo lắng nhất của ông là sản phẩm chè bảo đảm giữ được vệ sinh công nghiệp, người trồng và chế biến chè được bảo đảm an toàn và vệ sinh lao động. Vì thế, vào nhà máy thấy chè rơi vãi là nhặt, thấy vật dụng không gọn gàng ông tự mình xếp sắp đúng vị trí. Ông luôn nhắc nhở công nhân làm việc phải giữ an toàn, vệ sinh. ''Muốn thành công trong hoạt động quản lý ở Việt Nam, cần phải học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh để cảm hoá và tham gia xây dựng tập thể, cộng đồng người trong doanh nghiệp tốt, có đủ các yếu tố cần thiết trong xây dựng quan hệ lao động văn minh, tiến bộ''. Tôi ghi được điều tâm đắc ấy của Tomoji Suzuki trong một lần gặp gần đây. Chỉ là một người ngoài Công ty của Tomoji Suzuki, tôi không biết Tomoji Suzuki đã học ở Bác Hồ chúng ta bằng cách nào mà thực hành theo Bác tốt như vậy?


  • Nguyễn Bá Trung (Tác phẩm tham gia cuộc thi viết " Gương điển hình công nhân viên chức, lao động làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" năm 2008, tỉnh Lâm Đồng)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất