Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 24/1/2009 13:21'(GMT+7)

Người thổi hồn vào gốm

Họa tiết hoa văn trên sản phẩm của gốm Nhung

Họa tiết hoa văn trên sản phẩm của gốm Nhung

Vậy nhưng, trong “cơn lốc” đó vẫn còn đó những người bền bỉ đeo đuổi quyết đem cái tâm của mình để gìn giữ lại những nét đẹp bao đời mà cha ông đã thổi hồn vào từng thớ đất, hơi lửa, sản phẩm của làng nghề... Một Vũ Hữu Nhung của Làng Gốm Phù Lãng – Bắc Ninh luôn đau đáu với nỗi đau làng nghề. Để rồi, từ nỗi niềm đau đáu, anh đã góp phần tạo dựng lại hơi thở của làng nghề mà còn giới thiệu được các nét đẹp văn hoá của dân tộc ẩn chưa trong từng sản phẩm ra với bạn bè quốc tế...

Thật khác xa so với những gì tôi tưởng tường và qua vài giới thiệu của “sơ sơ” của Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính về Nhung. Sự bất ngờ đến với tôi khi gặp Nhung tại “đại bản danh” - Gốm Nhung tại Phù Lãng – nằm cách Hà Nội chừng 60 km. Tuổi ngoài 30 so với những gì Nhung có được là quá lớn. Nhung kiệm lời, hiền như đất. Có lẽ hồn đất Phù Lãng đã âm thầm nhào nặn tính cách con người như vậy. Nhưng khi được hỏi về sự hình thành phát triển của Làng nghề, và những nét đẹp ẩn chứa trong từng tác phẩm thì lại không còn là Nhung kiệm lời. Nhung trở nên linh hoạt và say sưa kể tường tận về sự hình thành và phát triển của làng nghề.

Phù Lãng trên đất Bắc Ninh, cùng với Bát Tràng, Thổ Hà là một trong ba trung tâm gốm dân gian nổi tiếng từ gần 1000 năm về trước. Đời này qua đời khác, người dân nơi đây nhào nặn đất sét và duy trì ngọn lửa trong từng lò gốm thô sơ, hun đúc lên những huyền thoại người đời, những bàn tay, những khối óc sáng tạo, xây dựng một thương hiệu tên làng đồng nghĩa với sản phẩm của làng – Phù Lãng. Gốm Phù Lãng xưa kia được biết đến bằng những sản phẩm truyền thống chủ yếu là đồ gia dụng như: Chum, vại, âu, vò, lọ, bát đĩa… với những màu men da lươn mộc mạc như chính con người và mảnh đất nơi đây. Gốm Phù Lãng từ xa xưa vốn đã nhận được sự ưu ái của khắp mọi miền bởi các sản phẩm luôn mang tính thực dụng cao, giá rẻ, kiểu dáng, mẫu mã gần gũi với hơi thở, cuộc sống của làng quê.

Sự phồn thịnh của làng nghề đã luôn giữ cho những lò gốm luôn đỏ lửa, bồi đắp thêm đặc trưng hồn dân tộc trong từng sản phẩm. Nhưng rồi, chính sự phồn thịnh ấy cũng không tránh khỏi những nghiệt ngã của kinh tế thị trường. Gốm Phù Lãng đã bị cuốn vào vòng xoáy đó. Các lò gốm của làng bắt đầu nguội dần, tắt lửa. Làng gốm đìu hiu. Những sản phẩm, vật dụng dần được thay thế bằng các sản phẩm hiện đại, chất liệu hoàn toàn khác lạ đến độ sắc lạnh. Cái khó bắt đầu đè nặng lên làng nghề, sự eo hẹp trong cuộc sống lộ dần trong từng mâm cơm của người dân nơi đây. Làng nghề bắt đầu phải chống chọi với sự sinh tồn...

Người dân Phù Lãng tưởng chừng phải bỏ nghề khi vẫn loay hoay quanh những sản phẩm quen thuộc chưa tìm được hướng đi mới để cạnh tranh với những vật dụng tiện ích khác thay thế. Nhưng vẫn còn đó những tấm lòng, sự bền bỉ của lòng người, lòng quyết tâm giữ nghề, Gốm Phù Lãng đã vượt qua được thử thách cam go của thời mở cửa để lưu giữ vẻ đáng yêu bằng những sự sáng tạo mang tính nghệ thuật chân thực từ cuộc sống thực thổi vào từng sản phẩm, tạo ra nét đặc trưng riêng biệt. Gốm Phù Lãng không những được hồi sinh, phát triển mạnh mẽ mà các sản phẩm còn được nâng lên một tầm cao mới mang tính nghệ thuật đậm hồn quê. Hiện sản phẩm của Làng không chỉ được khách hàng từ nhiều tỉnh thành trong cả nước biết đến đặt hàng mà còn được đông đảo du khách, doanh nhân nước ngoài tìm đến mua hàng với số lượng không nhỏ….

Hình ảnh làng quê và các mảng văn hoá dân gian Việt Nam được đặc biệt chú trọng khi trang trí cho gốm Phù Lãng. Tiếp đó là nâng lên một sắc nét và sự đa dạng màu men phủ trên thân gốm. Có lẽ chỉ có những người thợ tâm huyết với nghề và những người sành gốm mới hiểu được hồn gốm chính là hồn quê. Giữa nhịp sống hối hả với những nét sắc lạnh, hào nhoáng của vật dụng hiện đại, bon chen trong phố thị quay cuồng của kinh tế thị trường, người ta vẫn luôn cần có một khoảng lặng bình yên trong gốm Phù Lãng. Đắm nhìn Gốm Phù Lãng sẽ cho ta tìm thấy chất quê, sự bình yên của cuộc sống. Đó chính là hồn của gốm.

Điểm nổi bật trong sáng tạo của Gốm Nhung là những tìm tòi thể hiện luôn luôn mới, không thấy sự trùng lặp trên chất liệu gốm Phù Lãng. Đó là những cuộc sống đời thường, cỏ cây, hoa lá, cuộc sống thiên nhiên, những dấu ấn thời gian hằn in trên từng sản phẩm mới ra lò giúp cho sản phẩm không chỉ vượt lên trên tính năng sử dụng mà còn mang trong mình nét đẹp văn hoá, nghệ thuật…


Từ nhiều năm nay, cái tên Gốm Nhung đã quá quen thuộc trong làng gốm cả nước. May mắn hơn so với nhiều người yêu gốm, tôi đã có nhiều lần được mục sở thị và nghe Nhung thổ lộ về gốm.

Sinh năm 1975, trong một gia đình thuần nông nghèo, đông anh em, bố làm nghề gốm, nên từ nhỏ Nhung đã được làm quen với hòn đất, bàn xoay... Sau 5 năm theo học Khoa Điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, mảnh đất Hà Thành vẫn đủ sức giữ chân được niềm đam mê cháy bỏng khởi nghiệp từ làng nghề quê hương của Nhung. Về với làng nghề quê cha, đất mẹ, chỉ bằng niềm đam mê của tuổi trẻ không một lưng vốn trong tay. Nhung bắt đầu mày mò nghiên cứu, vận dụng những kiến thức nghệ thuật đã được học bài bản, sáng tác ra những mẫu mã, kiểu dáng cách điệu lấy cảm hứng thân quen từ cuộc sống hàng ngày thổi vào từng sản phẩm... Nhung đã thành công.

Năm 2000 (sau 1 năm tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp), trong cuộc “tranh tài” đầu tiên tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc, tác phẩm “Đồng đội” của anh đã đạt giải Khuyến khích và tác phẩm đó ngay lập tức đã được Bảo tàng Mỹ thuật mua với giá 18 triệu đồng. Cùng niềm vui đó, anh còn được Hội đồng Anh trao giải đặc biệt “Nghệ nhân có đôi bàn tay vàng”; Tiếp sau đó tháng 11/2001 anh lại nhận được giải “Nghệ nhân có đôi bàn tay vàng” do Quỹ Hỗ trợ văn hoá Thuỵ Điển, Trung tâm Ngôn ngữ văn minh Pháp và Đại sứ quán Đức tổ chức. Năm 2003, tham dự cuộc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc với tác phẩm nhóm tượng gốm “Mít ting” đã mang về cho anh giải ba.... Có được sự động viên bằng những tác phẩm đạt giải, Nhung đã mạnh dạn làm một cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên về tác phẩm gốm tại nhà triển làm Hàng Bài – Hà Nội. Cuộc triển làm này đã tạo cho Gốm Nhung không chỉ về uy tín thương hiệu mà còn cả về tài chính để anh tiếp tục thực hiện cuộc triển lãm thành công tại Đà Nẵng vào năm 2004. Danh tiếng đã được tạo dựng từ lâu, nhưng đến tận năm 2006, chàng trai Bắc Ninh này mới “dấn thân”, mở triển lãm giới thiệu sản phẩm mình ở phía Nam... Anh cho biết: “Phải có cái gì lạ, độc đáo thì mới dám làm triển lãm chứ”. Và đúng như lời anh, lạ và độc đáo là những gì người dân Sài Thành cùng đông đảo du khách quốc tế cảm nhận rõ nét nhất tại Gallery Lotus, 43 Đồng Khởi. Trong cuộc triển lạm này, trên 100 tác phẩm của Nhung đã được bán hết cùng với đó là hàng chục đơn đặt hàng từ các nước.

Những người thợ đến với xưởng gốm Nhung phần lớn xuất phát từ các làng quê, chưa có nghề, thất nghiệp, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn dưới sự chỉ bảo tận tình, họ đều đã trở thành những người thợ lão luyện, hăng say làm việc, với mức lương bình quân mỗi thợ làm việc tại xưởng khoảng trên 1 triệu đồng/tháng. Các sản phẩm xuất xứ từ xưởng Gốm Nhung hiện đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước và đã xuất cảnh đi nhiều nước trên thế giới. Hàng năm đem lại doanh thu hàng tỷ đồng. Song song với việc giới thiệu sự sáng tạo trên các tác phẩm nghệ thuật, anh cũng rất say sưa kể về hoạt động kinh doanh của mình. Với anh, sản xuất kinh doanh là sứ mệnh để đưa những sản phẩm của mình đến với đông đảo người dân hơn, để khi nhắc đến Phù Lãng không chỉ là nhắc đến các sản phẩm dân dụng truyền thống như chum, vại, ấm, chén…mà còn nhắc đến những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, chứa đựng hồn quê./.

Đỗ Quỳnh Chi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất