Thứ Năm, 26/9/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 10/8/2011 21:55'(GMT+7)

Nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Lâm Đồng: Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều hoạt động chăm sóc ủng hộ, giúp đỡ cho hàng ngàn nạn nhân chất độc da cam cải thiện cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Hội đã hỗ trợ xây dựng 3 căn nhà tình thương, trao hơn 300 suất quà; cấp vốn cho 97 hộ với 390 triệu đồng, vận động giúp 87 cháu mổ tim bẩm sinh (40 triệu đồng/ca mổ) với số tiền trên 3,7 tỷ đồng); cấp 318 xe lăn, phục hồi chức năng cho 30 bệnh nhân, trên 100 máy trợ thính, cấp 15.000 cuốn sách vở cho học sinh, tổ chức tặng quà các nạn nhân và bệnh nhân nghèo gặp khó khăn trong cuộc sống cho 1.450 người…

Tổng số tiền phục vụ các hoạt động từ thiện hơn 8 tỷ đồng, do Quỹ của tỉnh Hội và Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các hội từ thiện khác đóng góp, ủng hộ . Dịp này, Hội đã trao 15 suất quà cho 15 nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Đến nay, Lâm Đồng hiện có trên 2.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó 1.957 nạn nhân được hưởng chế độ chính sách của nhà nước.

Bắc Kạn: Hàng trăm đoàn viên thanh niên cùng các cựu chiến binh, nhà hoạt động cách mạng lão thành, đại biểu các nạn nhân chất độc da cam đang sinh sống tại tỉnh Bắc Kạn đã tới tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam do Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tổ chức.

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã làm nhiều thủ tục xét hưởng chế độ đối với nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Đến nay, 1.600 người nhiễm chất độc da cam tại tỉnh Bắc Kạn đã được hưởng trợ cấp hàng tháng, trong đó có hơn 100 nạn nhân là trẻ em. Từ năm 2006 đến nay, Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Kạn đã huy động được hơn 2,515 tỷ đồng, ngoài ra còn thường xuyên thực hiện các cuộc cứu trợ, xây nhà tình nghĩa, cấp xe lăn, lập dự án chăn nuôi trâu bò, hỗ trợ học bổng... cho những nạn nhân chất độc da cam và con em của họ.

Bắc Kạn hiện có trên 3.000 người bị nhiễm chất độc hóa học, trong số này đều mắc các chứng dị dạng, dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, hoặc suy giảm khả năng tự lực trong lao động và sinh hoạt. Tại buổi lễ, phong trào 50 ngày (từ ngày 10/8 đến 30/9) hành động vì nạn nhân chất độc da cam đã được phát động. Hàng trăm cán bộ viên chức, người dân của tỉnh Bắc Kạn đã quyên góp ủng hộ Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Kạn.

Đồng Tháp: Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Nguyễn Trung Cang đã gửi đến các nạn nhân da cam lời chia sẻ sâu sắc với những nỗi đau, mất mát của các nạn nhân da cam. Tỉnh Đồng Tháp đã tích cực tuyên truyền và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những người có công với cách mạng bị nhiễm chất độc da cam. Cán bộ, nhân dân trong tỉnh tích cực động viên, giúp đỡ nạn nhân da cam vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Dịp này, Hội Nạn nhân chất độc da cam Đồng Tháp đã tổ chức chiếu bộ phim tài liệu “Thảm họa da cam” triển lãm hơn 40 ảnh về công tác tài trợ giúp đỡ và hình ảnh của nạn nhân chất độc da cam .

Toàn tỉnh hiện có đến trên 4.800 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có trên 1.000 người đã từng tham gia kháng chiến hoặc con cháu những người tham gia kháng chiến, đa số gia đình nạn nhân da cam đều có hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu. Hàng nghìn hộ có nạn nhân chất độc da cam được giúp đỡ bằng tiền, gạo, nhà … với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng, góp phần giải quyết phần nào khó khăn trong cuộc sống.

Lạng Sơn: Toàn tỉnh hiện có trên 3.000 người phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó, có 800 người thuộc đời cháu bị di chứng. Nhằm góp phần xoa dịu những nỗi đau do chất độc da cam gây nên, các cấp chính quyền cùng với các hội, ban ngành đoàn thể tỉnh Lạng Sơn đã tích cực tuyên truyền, vận động, quyên góp của cải vật chất cũng như động viên tinh thần các nạn nhân vượt qua khó khăn bệnh tật. Tính đến thời điểm này, thông qua các cuộc vận động, toàn tỉnh đã quyên góp được trên 1,3 tỷ đồng, tặng hơn 6.000 suất quà cho các đối tượng; hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 4 nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trị giá 40 triệu đồng.

Hội nạn nhân chất độc da cam - dioxin tỉnh Lạng Sơn cũng đã tăng cường phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh trong công tác tuyên truyền, vận động giúp đỡ gia đình nạn nhân, rà soát các đối tượng cần giúp đỡ; đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt của các tổ chức hội; tổ chức tuyên truyền tập trung nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân về thảm họa da cam ở Việt Nam. Qua đó, nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ nhân các dịp lễ, tết, ngày vì nạn chất độc da cam Việt Nam; chủ động phối hợp với các tổ chức xã hội – từ thiện thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình cố gắng khắc phục khó khăn, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống; phối hợp với Sở Lao động Thương binh Xã hội hoàn tất thủ tục, hồ sơ và trợ cấp thường xuyên cho gần 1.000 đối tượng được hưởng chế độ.

Bạc Liêu: Kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam Việt Nam, tỉnh Bạc Liêu phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân về thảm họa chất độc da cam, kêu gọi nhiều hơn sự cảm thông chia sẻ, sự ủng hộ từ mọi người dân, các đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Tỉnh tiếp tục có những việc làm thiết thực, hiệu quả cùng chăm lo cho cuộc sống của nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, tạo điều kiện cho họ có nhà ở, việc làm, dạy nghề phù hợp với điều kiện và sức khỏe của nạn nhân và gia đình nạn nhân, từng bước nâng cao đời sống tinh thần và vật chất.

Bạc Liêu có hơn 10.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Đến nay, địa phương đã giải quyết cho gần 1.200 đối tượng người có công, và hơn 1.300 đối tượng bảo trợ xã hội là nạn nhân chất độc da cam/ dioxin được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng của Nhà nước. Mỗi năm ngân sách chi cho các đối tượng này hơn 35 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn còn nhiều gia đình nhiễm chất độc da cam rất cần được sự chia sẽ, giúp đỡ của toàn xã hội./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất