Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 26/2/2012 9:33'(GMT+7)

Những giải pháp giảm quá tải bệnh viện

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực trạng và nguyên nhân quá tải bệnh viện

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trên toàn hệ thống khám chữa bệnh, mặc dù có xu hướng công suất sử dụng giường bệnh giảm nhẹ từ 118% năm 2008 xuống 111% năm 2010 nhưng tình trạng quá tải lại xuất hiện trầm trọng hơn ở tuyến Trung ương với công suất sử dụng giường bệnh chung ở tuyến Trung ương là 116% năm 2009, 120% năm 2010 và 118% năm 2011. Đặc biệt là tình trạng quá tải ở các bệnh viện: Bệnh viện K: 172%; Bệnh viện Bạch Mai: 168%; Bệnh viện Chợ Rẫy 139%; Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam 114%; Bệnh viện Nhi Trung ương: 119%; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới 124%... (theo số liệu năm 2011).

Qua nghiên cứu và khảo sát trong hệ thống, ngành y tế đã tìm ra một số nhóm nguyên nhân dẫn tới quá tải. Đó là đầu tư cho y tế còn thấp. Chi cho y tế ở Việt Nam mới đạt 58,3USD/đầu người, trong khi Thái Lan: 136,5USD; Malaysia: 307,2USD.

Nguồn lực đầu tư cho y tế chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

Trong khi cơ sở vật chất, nguồn lực phát triển một số bệnh viện còn nhiều khó khăn thì nhu cầu khám chữa bệnh và ý thức của người dân với sức khỏe tăng cao, người dân thường lựa chọn những bệnh viện tuyến Trung ương. Điều đó làm cho sự quá tải càng lớn hơn.

Do diễn biến phức tạp của bệnh dịch, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng và sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm. Bên cạnh đó, với chính sách ưu việt về chăm sóc sức khỏe nhân dân như thẻ BHYT cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng ưu tiên chính sách, tỷ lệ tham gia BHYT tăng, từ mức 49% năm 2007 nay đạt mức 62% dân số (năm 2011), đã khuyến khích người dân đi khám chữa bệnh nhiều hơn, làm gia tăng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Một trong những nguyên nhân gây ra quá tải bệnh viện phải kể đến là năng lực chuyên môn của y tế cơ sở vẫn còn hạn chế, trang thiết bị một số bệnh viện chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu của tuyến điều trị.

Mặt khác cơ chế tài chính đối với các bệnh viện công còn nhiều bất cập, cơ chế hoạt động của hệ thống y tế còn chậm đổi mới, chưa phù hợp với quy luật cung cầu, quy luật giá trị của nền kinh tế thị trường; chất lượng dịch vụ y tế đã được cải thiện nhưng chưa tương xứng với yêu cầu của xã hội. Giá viện phí thấp, chậm thay đổi để phù hợp với giá thị trường... Tất cả đã làm phá vỡ tuyến điều trị, dồn ép bệnh nhân về tuyến trên.

Giải pháp giảm quá tải bệnh viện

Với mục tiêu, từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện tiến tới không có người bệnh nằm ghép, góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo công bằng trong khám, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, ngành y tế đang xây dựng Đề án Giảm tải bệnh viện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trước mắt, tập trung ưu tiên giải quyết tình trạng quá tải tại các bệnh viện đa khoa Trung ương và bệnh viện thuộc các chuyên khoa ung bướu, chấn thương chỉnh hình, nhi, tim mạch, phụ sản của 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Phấn đấu đến cuối năm 2013, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải của Bệnh viện K, Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh; đến cuối năm 2015 hạn chế được tình trạng quá tải trầm trọng ở các bệnh viện còn lại và đến năm 2020 sẽ giảm quá tải bền vững trong toàn hệ thống khám chữa bệnh.

Để thực hiện được mục tiêu trên, giảm tải bệnh viện cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài với sự tham gia của các bộ, ngành và sự ủng hộ của người dân. Đó là:

Mở rộng và xây mới cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng tỷ lệ giường bệnh trên 1 vạn dân song song với việc đầu tư trang thiết bị và tuyển đủ nhân lực và trình độ chuyên môn để làm việc. Tăng tỷ lệ giường bệnh trên 1 vạn dân đạt mức 25 - 27 giường bệnh công lập trên 1 vạn dân vào năm 2015. Tăng cường đầu tư xây dựng mở rộng và bổ sung các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt ưu tiên cho các chuyên khoa ung bướu, nhi, tim mạch, chấn thương chỉnh hình và các bệnh viện hiện đang có mức độ quá tải trầm trọng ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.
Theo tinh thần của Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, sẽ tập trung đầu tư xây dựng các tổ hợp cơ sở y tế bao gồm cả các cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng chất lượng cao tầm cỡ quốc gia, quốc tế tại các cụm đô thị Gia Lâm - Long Biên, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Sơn Tây. Cụ thể trong năm 2011 sẽ tiến hành rà soát và bố trí cụ thể cả về thành phần và diện tích của từng cụm trung tâm y tế cho phù hợp với quy hoạch Thủ đô.
Năm 2012 sẽ xây dựng và trình duyệt quy hoạch từng cụm trung tâm y tế cùng dự toán kinh phí đầu tư và phương án huy động vốn đầu tư. Năm 2013 sẽ lập dự án đầu tư từng cụm trung tâm y tế. Năm 2014 sẽ tiến hành các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng và thiết kế từng phần. Năm 2015 và các năm sau sẽ tiến hành khởi công thực hiện dự án và tiếp tục công tác đền bù giải phóng mặt bằng và thiết kế.
Tại TP. Hồ Chí Minh, sẽ xây dựng và phát triển cụm y tế 4 cửa ngõ thành phố là: Cụm y tế cửa ngõ phía Đông, bao gồm Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện quận 2, Bệnh viện quận 9, với quy mô 6.500 giường bệnh; Cụm y tế cửa ngõ phía Tây, gồm Bệnh viện đa khoa khu vực Bình Chánh, Bệnh viện quận Bình Tân, Bệnh viện quận Tân Phú, với quy mô 5.600 giường bệnh; Cụm y tế cửa ngõ phía Nam, bao gồm Bệnh viện quận 7, Bệnh viện huyện Nhà Bè, Bệnh viện huyện Cần Giờ, với quy mô 5.800 giường bệnh; Cụm y tế cửa ngõ phía Bắc, bao gồm Bệnh viện đa khoa Củ Chi, Bệnh viện huyện Củ Chi, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện quận 12, với quy mô 7.400 giường bệnh.

Đầu tư mua sắm, bổ sung đủ trang thiết bị có chất lượng, phù hợp để thực hiện các kỹ thuật tại bệnh viện. Tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật:
Bộ Y tế xây dựng, ban hành các quy định về phân tuyến kỹ thuật/phân tuyến điều trị cho phù hợp với năng lực khám, chữa bệnh của cơ sở khám chữa bệnh và ở các tuyến; nâng cao năng lực và phát triển kỹ thuật của tuyến y tế cơ sở. Xây dựng, cập nhật các quy trình kỹ thuật, các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị.
Hướng dẫn tổ chức phân loại và chọn lựa người bệnh phù hợp với tuyến điều trị, đặc biệt là những người bệnh điều trị nội trú. Phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh cho các bệnh viện có mức độ quá tải trầm trọng, trên cơ sở hiện có của các bệnh viện của tuyến dưới. Rà soát, bổ sung các quy định và quy chế về chuyển tuyến, để hạn chế chuyển lên tuyến trên những trường hợp thuộc phạm vi và khả năng giải quyết của tuyến dưới.
Tăng việc khám, điều trị ngoại trú đồng thời giảm tỷ lệ nhập viện điều trị nội trú hợp lý. Đa dạng hóa các mô hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: điều trị ban ngày, chăm sóc tại nhà, bác sĩ gia đình… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, và khám, chữa bệnh, đặc biệt trong quản lý người bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi, đặt lịch hẹn và lọc bệnh đến khám, giám sát quy trình khám bệnh, chữa bệnh…

Bộ Y tế kết hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thay đổi giá viện phí cho phù hợp giữa các tuyến để hạn chế người bệnh tự ý chuyển lên tuyến trên điều trị khi chưa có chỉ định về chuyên môn của bác sĩ ở tuyến dưới. Tăng cường giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, thái độ phục vụ, ứng xử của cán bộ y tế. Làm tốt công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chế tài, cần phải đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện, đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng cải cách thủ tục hành chính phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân kịp thời, thuận lợi; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện nhà nước theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Tăng khám ngoại trú, hẹn giờ tái khám/ khám qua điện thoại, internet; giảm số lượng người nhà bệnh viện ra vào bệnh viện trong những giờ cao điểm, trong những trường hợp cần thiết giới hạn số người nhà được phép ở lại bệnh viện chăm sóc người bệnh.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát bằng hình thức xây dựng hệ thống thông tin nhằm giám sát thường xuyên thực trạng quá tải tại các đơn vị, gắn trách nhiệm giảm tải với nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đưa ra các hình thức thi đua khen thưởng thực hiện giảm tải. Nhanh chóng xây dựng cơ chế về tài chính y tế - viện phí - cơ chế thanh toán. Thay đổi cơ chế tài chính, điều chỉnh giá dịch vụ hợp lý, bảo đảm nguồn tài chính để bệnh viện duy trì và phát triển hoạt động. Tăng tỷ trọng nguồn vốn đầu tư và nguồn kinh phí sự nghiệp cho ngành y tế đảm bảo chi cho y tế/GDP đạt 10%, đảm bảo chi tiêu công cho y tế đạt trên 50% so với 39,3% như hiện nay.

Tiếp tục đầu tư thông qua nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 2/4/2008 phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện, đa khoa khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008 - 2010 và Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009 - 2013”.

Xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách, thu hút và tăng cường nguồn lực cho tuyến dưới như xây dựng chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với công chức, viên chức ngành y tế và đề nghị nâng mức lương khởi điểm của bác sĩ tương xứng với thời gian đào tạo 6 năm.

Đẩy mạnh xã hội hoá công tác khám, chữa bệnh, tăng số giường bệnh tư nhân và đa dạng hoá các loại hình khám, chữa bệnh. Phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố để có chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư xây dựng bệnh viện; tăng tỷ lệ giường bệnh tư nhân để có thể chia sẻ bớt nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân tại các bệnh viện công lập. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế thực hiện xã hội hóa dịch vụ giường nằm cho người bệnh. Tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế.

Tăng cường các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, tạo lòng tin của người dân với các cơ sở y tế ở tuyến dưới. Các bệnh viện phải thông tin khả năng chuyên môn, kỹ thuật của bệnh viện để người dân địa phương biết. Thúc đẩy sự tham gia của UBND các cấp, để chỉ đạo các ban, ngành cùng với ngành y tế thực hiện các giải pháp giảm quá tải bệnh viện trên địa bàn.

PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế
(Theo SK&ĐS)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất