Thứ Ba, 26/11/2024
Sáng tác
Thứ Hai, 9/2/2009 13:47'(GMT+7)

Với Mùa xuân, cây lúa...

Sau, vì một số người đối xử tệ với lúa, coi lúa rẻ rúng. . . thì lúa lại bỏ người ra đi. Đến khi loài người "Mười phần chết bảy còn ba ", Thần Nông bèn bảo lúa quay lại nhưng đứng ở ngoài đồng cho người chăm sóc. Ai yêu lúa, chăm lúa thì được bông vàng hạt mẩy; ai coi thường lúa thì "bụng đói cật rét". Từ bấy đến giờ "mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày" - mồ hôi người giống như thứ rượu ngấm vào đất, lúa hút đến đâu thì xanh tươi đến đấy Mùa xuân về, mẹ tôi đặt nhánh mạ gầy xuống bùn, lúa bén rễ, ve vẩy đuôi gà. Rồi " gió đông chồng lúa chiêm", trong hơi ấm của nắng mới, lúa vào thì con gái, phơi phới xanh tươi, thần lúa dày thêm, đến thì làm đòng. Người chống cuốc nhìn trời mà nghĩ tới mùa vàng, nghĩ đến một ngày mai sẽ khác...

Cũng từ đó, mảnh ruộng, con trâu, cái cày là nguồn sống, là tất cả vui buồn của người nông dân. Con trâu "thân cỏ, thân rơm" không vay mà phải "kéo cày trả nợ". Hết một buổi cày, cha tôi cúi xuống bắt con "đỉa đói" bám chằng chằng hút máu ở chân trâu, chân người. Rồi người lên bờ, bẻ nắm cơm, củ khoai, chấm với muối vừng, vừa nhai vừa mong trời mưa thuận, gió hòa, ngẫm tới câu "Ai giầu ba họ, ai khó ba đời"! Tôi cũng không bao giờ quên được hình ảnh của mẹ "Dưới chân nước cóng trên đầu mưa bay"; người cũng như dành mạ, hóa thân làm bát cơm đầy nuôi tôi với hy vọng "Chân cứng đá mềm ", "Con hơn cha nhà có phúc " .

Nhưng rồi, gặp buổi nước mất nhà tan. Người nông dân đi cấy thuê ngay trên thửa ruộng nhà mình. Treo hái lên là hết thóc. Rồi đi ở đợ, "Mở mắt chủ gọi đi cày", ngã lên ngã xuống, người bết bùn mà vẫn tin "Đất có tuần, nhân có vận", tin ở cây lúa, củ khoai. Khi cha tôi bị lão chủ ruộng cầm roi cày vụt ngang lưng, thì ông quay lại bảo với lão rằng: "Đời ông có thể đánh tôi được, dưng mà đời con ông thì không thể đánh con tôi được ".

Câu nói của anh tá điền hình như có hồn đất, hồn lúa linh ứng. Vận nước vận đất đã đổi, cách mạng về, lật đổ bọn chúa đất xuống bùn đen, chia ruộng cho dân cày. Tên khai sinh tôi là Ruộng vì mẹ đẻ tôi ra trong những năm đổi đời ấy. Ruộng là mơ ước suốt đời của người nông dân. Sinh ở đấy, nhắm mắt xuôi tay cũng ở đấy.

Rồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Hễ nghe tiếng bơm đạn rít trên đầu thì người cấy, người cày nằm úp mặt xuống bờ ruộng. Rồi đóng cọc chăng dây mà cấy lúa đêm. Cây lúa dính máu người nhưng "Thóc không thiếu một cân, quân không thiêu một người ", chi viện bằng mọi giá để chiến trường ăn no đánh thắng. Tháng 7 vừa qua, tôi vào Trường Sơn tìm được mộ anh tôi. Thịt xương sắp hóa vào đất cả, nhưng lạ thay, cái bi đông nước nút chặt vẫn còn đến một chén nước và một gói ni lông vẫn còn mềm! Cơm đây! Không nhận ra cơm nữa, nhưng linh tính báo rằng gói cơm anh mới ăn một ít. Rừng đại ngàn đã mang hồn người, hồn lúa; nghe gió rì rào những tiếng vọng từ ngày xưa.

Lại kể chuyện cuối năm Tý, anh em văn nghệ chúng tôi được lên thăm Vĩnh Phúc. Miền trung du mà cánh đồng lúa trải vàng rực rỡ. Ngày đi học tôi còn nhớ bài "Đồng bằng Bắc Bộ hình tam giác, đỉnh Việt Trì, Vĩnh Yên...". Xe dừng trên đường Kim Ngọc. Chúng tôi xuống nhìn cảnh vật đổi thay, mà nhớ tới cái đận "Khoán mười", nhớ tới những người giám quên tất cả danh lợi, giám chịu tất cả thiệt thòi để chỉ vì cây lúa. Lúa thật không phụ công người. Quả là cây lúa và con người đã đổi đời. Năm tấn, rồi mười tấn, có nơi mười hai tấn thóc một hecta.

Mùa xuân đang về - "Lúa thì con gái mướt như nhung", ý Đảng lòng dân về nông thôn, nông dân và nông nghiệp đang nâng tầm cây lúa, để hạt vàng vào thời hội nhập, hương lúa còn bay xa mãi tới những vùng đất xa xôi

Trong đêm xuân, ngòi bút của tôi đang tự vấn mình trước trang giấy - tràn đời.

Tuỳ bút của Vũ Thị Nụ, xóm 4, Thượng Hiền, Kiến Xương, Thái Bình

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất