SINH NGÀY 3 THÁNG 3
“Mùa xuân nói với em điều gì? Mà sao mắt em vui thế. Tình yêu nói với em điều gì? Mà sao tôi thấy em bâng khuâng...”, Thảo Hương vừa nhẩm theo đĩa hát, vừa cắt tỉa những bông hồng nhung. Cánh hoa mịn màng, hàm tiếu, e ấp. Sơn hẹn sẽ về vào ngày 3 tháng 3, mang theo quà biên giới, hai đứa sẽ kỷ niệm chung ngày sinh nhật. Sơn thì thầm sẽ “bật mí” điều đặc biệt, mà chỉ lính biên phòng mới có. Chắc anh sắp về tới đây. Hương hồi hộp chờ đợi. Cô giơ tay với chiếc bình pha lê trên tủ. Choang… choang… Cô giật mình, đứng lặng. Bất giác, có tiếng gõ cửa. Hương toát túa mồ hôi. Một anh bộ đội cao lớn, khoác chiếc ba lô nặng trĩu xuất hiện.
- Xin lỗi cô, đây có phải là nhà cô giáo Thảo Hương, dạy văn trường cấp III...
- Dạ đúng tôi! Chào anh! Nhưng anh là...
Không để Hương hỏi hết câu, chàng trai tự giới thiệu:
- Thưa cô giáo, tôi là Tùng, bạn của Tùng Sơn…
- Vâng! Mời anh vào nhà. Nhưng …
Linh cảm điều chẳng lành. Tay cô run run. Cốc nước tràn khỏi miệng ly. Bất giác, Tùng nhìn thẳng vào mắt Hương rất nhanh, rồi lại cúi xuống mở ba lô. Tay Tùng run rẩy. Khó khăn lắm, Tùng mới lôi được gói quà, đưa cho Hương, giọng nhỏ lại:
- Sơn không về được... nhờ chuyển cô giáo món quà này!
Nhận gói quà, cô sững sờ, bàng hoàng. Nhìn nét mặt Tùng, Thảo Hương hốt hoảng. Cô giật mạnh cánh tay Tùng.
- Anh Tùng nói đi, Sơn đâu? Có chuyện gì với Sơn thế?
Hai giọt nước mắt ậng trên khoé mắt. Tùng lại gần cô, giọng lạc đi:
- Sơn không về… dự sinh nhật được... anh ấy hy sinh lúc 1 giờ sáng nay...!
Hương đổ phịch. Trời đất quay cuồng...
* *
*
Tốt nghiệp Sư phạm, cô gái làng hoa Ngọc Hà tình nguyện nhận công tác ở vùng Đông Bắc. Đây là tỉnh biên giới đã gắn bó với cha trong cuộc đời binh nghiệp. Máu của cha đã đổ trên dải đất biên cương này. Cô nhớ bài hát "Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh" do lớp Hương trình bày đã nhận được giải Nhất trong cuộc thi “Màu áo xanh biên cương” của khối học sinh trung học thành phố. Hương lĩnh xướng: “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh, vì nước quên mình, vì đồng đội và nghĩa tình. Tuổi thanh xuân anh đẹp sao, vì Tổ quốc hiến dâng dòng máu ...” bằng chất giọng ấm áp, ậng dòng nước mắt. Cha Hương là chiến sĩ công an nhân dân vũ trang, ra đi từ vùng quê nghèo Thanh Hoá, được điều động vào tuyến đầu Trung đoàn 12 nóng bỏng. Cha Thảo Hương đã vĩnh viễn nằm lại rừng quế trên đỉnh Pò Hèn... Cả Hội trường im lặng dõi theo đến nốt nhạc cuối cùng. Bác Giám đốc Sở Giáo dục lên tặng hoa trong tiếng vỗ tay không dứt. Hương oà khóc như trăm ngàn mảnh thuỷ tinh vỡ... Hương nghĩ nhiều đến cha, đến dải đất biên cương máu của cha đã đổ...
Lý do thôi thúc Thảo Hương tình nguyện dời Thủ đô yêu dấu, xa tình yêu thương trìu mến của gia đình, mặc cho sự can ngăn, là vậy. Riêng mẹ, mẹ rất tôn trọng quyết định của Hương. Mẹ bảo dải đất biên cương là một phần đời mẹ gửi ở đó. Khi biết ý định của con gái, mẹ hứa sẽ đưa Hương đi nhận công tác và đến thăm mộ cha. Gia đình nội có nguyện vọng đưa cha về quê. Mẹ lại nghĩ, cha vẫn đang làm nhiệm vụ, sẽ tốt hơn nếu cha vẫn luôn ở bên cạnh, sống chết cùng đồng đội gìn giữ dải đất biên cương… Mẹ bị cảm sốt, Hương đành đi một mình.
Phòng Tổ chức Sở Giáo dục chật kín người. Một cô bạn chừng tuổi Hương ăn mặc khá sành điệu, lọn tóc loăn xoăn, chiếc cổ áo rộng lộ bờ vai mịn màng, cứ ôm sát chiếc bàn - nơi một bác lớn tuổi đang làm việc, mái tóc bạc trắng như cước (sau này Hương mới biết là bác Bình - Trưởng phòng Tổ chức). Bác nhắc cô ấy trở về ghế ngồi, sau khi đã kiên trì giải thích. Thảo Hương cảm thấy ngượng lây trước thái độ trơ lỳ của cô ta. Nghe qua, Hương biết cô ấy nằng nặc xin về trường chuyên ở trung tâm thành phố (hình như Bằng Tốt nghiệp loại trung bình). Bác quay sang Hương, khuôn mặt vẫn còn vảng vất nét mệt mỏi của vị khách trước. Hương bày tỏ nguyện vọng về huyện biên giới, chính nơi cha cô đã sống, chiến đấu và yên nghỉ. Bác Bình giương mục kỉnh, những nếp nhăn như rung lên, căng ra, rút tập hồ sơ đã bỏ niêm phong, lật lật từng trang, rồi gật gật đầu (chẳng biết nhà trường nhận xét gì trong đó), nét mặt dịu lại, mắt nhìn Hương không chớp:
- Chúc mừng Thủ khoa Sư phạm Hà Nội. Nhưng đi học sớm quá. Vi phạm quy chế đấy. Chắc mẹ là giáo viên phải không? Cô đầu quân cho Trường chuyên. Nhưng trước mắt, cô về tăng cường cho Trung tâm giáo dục thường xuyên, hiện thiếu người…
Sao bác biết, quả là Hương đã từng khốn đốn vì chuyện học trước tuổi. Mấy lần chạy xuôi, chạy ngược, ký giấy bảo đảm, mẹ mệt mỏi và ân hận. Nếu không phải là học sinh giỏi, chắc Hương còn bị dầy dà.
Cô bạn khi nãy giật mình nảy khỏi ghế, nhìn Hương kinh ngạc. Chắc cô ta đang nghĩ mình ấm đầu. Tấm bằng Đỏ của cô đã được tổ chức chú ý xếp sắp trước. Nhưng Hương vẫn một mực, tha thiết về huyện biên giới, cách trung tâm tỉnh hơn 200km. Bác chăm chú nghe cô trình bày, nét mặt dìu dịu, giọng ấm áp: “Nguyện vọng của cháu sẽ đáp ứng, nhưng hiện tại cháu cần chấp hành sự phân công của tổ chức”.
Xung quanh khu tập thể là đồi núi chập chùng, ngút hết tầm mắt không thấy gì ngoài cây bông lau và bụi sim lúp xúp. Trường Thảo Hương nằm dưới chân ngọn đồi, nhìn ra biển. Những ngày đầu lạ cảnh, lạ người, cô chỉ biết sợ và khóc. Khu tập thể vắng vẻ, một mình một phòng rộng. Vốn sợ bóng tối, cô chong đèn tới sáng. Suốt mấy tháng, cô vẫn chưa hết nhớ nhà, chưa hết sợ ngủ một mình. Chả lẽ lại lộ “gót A sin”, mọi người sẽ cười cô giáo. Cái đêm mất điện đột ngột, tỉnh giấc không sao ngủ lại được. Đêm thật dài. Ước gì ngủ được một mạch tới sáng, đỡ phải canh chừng bóng đêm. Cô trùm chăn kín mít giữa ngày oi bức. Sáng ra, mồ hôi tháo ra như tắm, Hương bị sưng phổi... Bất giác, Hương mỉm cười thẹn thùng... Cô nhớ khu phố nhỏ của làng hoa ăm ắp tiếng cười; nhớ những luống hoa rung rinh ngậm hạt sương buổi sớm, ngan ngát hương đưa; nhớ gánh hàng hoa bà cắt từ sáng sớm mang giao cho các quầy hoa ở phố; nhớ cả đài phát thanh phường Ngọc Hà cứ vào buổi sáng lại vang lên bài hát “Làng lúa, làng hoa”. Người Hà Nội dù đi xa bốn phương trời không dễ nguôi quên...
Những buổi chiều, những sợi khói lam chiều vấn vít, bàng bạc toả ra từ mỗi căn nhà. Nhìn gia đình những người thợ mỏ, lòng cô càng thêm quặn thắt, cồn cào nỗi nhớ mẹ, thương cha và Hà Nội dấu yêu...
Ban Giám đốc Trung tâm phân công cô chủ nhiệm lớp 10H. Lớp đã học được vài tuần. Học sinh của lớp thuộc nhiều độ tuổi, phần lớn là học sinh thi không đủ điểm vào cấp III công lập, học sinh lưu ban, học sinh lớn tuổi vừa đi làm vừa học, lớn nhất cũng đã 20 - bằng tuổi cô giáo; địa bàn sinh sống không tập trung, lực học yếu. Giám đốc Trung tâm nhìn Hương ái ngại. Cô còn quá trẻ, mặt non búng, dáng thư sinh, lẫn trong đám học trò, nhỉnh hơn không là mấy. Nhiều học viên còn cứng tuổi hơn. Lũ học trò kháo nhau đến xem mặt cô giáo, trầm trồ khen cô giáo trẻ, xinh, giọng Hà Nội ngọt ngào dạy văn truyền cảm...
Trước đó, Hương đã được chị Quyên, giáo viên dạy toán “huấn thị” phải cứng tay, nét mặt nghiêm và “hơi hình sự” một chút. Buổi đầu tiên ra mắt, cô hồi hộp như người lính lần đầu vào trận đánh. Căng thẳng. Lấy lại bình tĩnh, Hương giới thiệu:
- Chào các bạn. Tôi là Lê Thị Thảo Hương...
Giọng Thảo Hương lạc đi. Tiếng lao xao phía cuối lớp, những trận cười tán thưởng.
- Cỏ hương chúng mày ạ! Cỏ non quá!
Thảo Hương không tin nổi tai mình. Mặt nóng ran, tai ù đi. Cô giả đò không biết, vẫn điềm tĩnh giới thiệu.
-Từ nay, tôi được phân công chủ nhiệm và dạy....
Ầm...ầm... ầm... Cả lớp giật mình, xôn xao, đổ dồn về cuối lớp. Hai dãy bàn cuối đổ chỏng chơ, học sinh vừa cười, vừa lóp ngóp bò dậy. Đi nhanh về phía cuối lớp, Hương cúi xuống đỡ học sinh dậy. Đằng sau xô mạnh, cô ngã dúi xuống. Những ánh mắt len lét nhìn ái ngại, trận cười bung ra. Hương gượng dậy, mặt đỏ lựng:
- Thôi, cả lớp ổn định! Chắc bàn ghế hỏng...
- Tại hương cỏ đồng nội chứ...!
Cô vờ như không nghe thấy. Buổi tiếp xúc đầu tiên khiến Thảo Hương buồn tê tái. Căn phòng đã rộng bỗng càng rộng ra, lạnh lẽo. Làm thế nào bây giờ? Chẳng nhẽ chịu bó tay? Hay là xin thôi, cả dạy và chủ nhiệm? Thảo Hương mới ngoài 20. Chắc nhìn mình, chưa đủ độ tin cậy? Cô bỗng nhớ mẹ vô cùng. Những lúc rối trí Hương thường nghĩ đến mẹ, hoặc thắp nén hương trước bàn thờ cha. Lúc này nếu ở bên mẹ, cô sẽ bớt cô đơn, được mẹ động viên, tiếp thêm nghị lực. Mẹ buồn lắm khi biết con gái ngã lòng trước thử thách đầu tiên. Hương lau vội nước mắt, ngồi vào bàn soạn bài.
Gặp Thảo Hương trong phòng Hội đồng, giám đốc Trung tâm hỏi thăm ngay. Có nên phản ánh buổi tiếp xúc đầu tiên ấy ? Nghĩ lại, Hương quyết định không nói gì:
- Dạ. Tình hình lớp thế nào, em sẽ báo cáo và xin ý kiến thầy sau.
Suốt mấy đêm, Thảo Hương không sao chợp mắt nổi. Có thức mới biết đêm dài. Cô đếm từng thời khắc trôi qua, lần giở lại kiến thức đã học và đợt đi thực tập sư phạm. Thảo Hương đã được nghe kinh nghiệm giáo dục học sinh cá biệt. Thấy mình còn non nớt, và quý giá vô cùng thực tiễn, kinh nghiệm.
Tiết văn đầu tiên tại lớp, Thảo Hương dạy bài “Chử Đồng Tử”. Ngày hôm sau, cô kiểm tra bài cũ: “Cuộc hôn nhân của Đồng Tử-Tiên Dung là một cuộc hôn nhân cao đẹp và lạ kỳ. Anh chị (học sinh của trung tâm thuộc nhiều độ tuổi khác nhau nên giáo viên gọi anh/chị) cho biết ý nghĩa cao đẹp được thể hiện ở những phương diện nào?”.
Học viên không ai xung phong, cô giở sổ điểm. Lướt dọc cuốn sổ, dừng lại ở cái tên khá ấn tượng: Phan Vũ Tùng Sơn. Từ cuối lớp, một học viên cao lớn lộc ngộc, tóc tai bù xù, quần áo xộc xệch, ngật ngưỡng bước lên, vò đầu, bứt tai, ném tọt cuốn sách nhàu nhĩ trên mặt bàn. Thảo Hương nhẹ nhàng, nhưng hết sức cương quyết:
- Anh đặt lại cuốn sách cho ngay ngắn và trả lời bài cũ .
Thảo Hương vừa dứt lời, Sơn tưng tửng:
- Học viên không trả lời câu hỏi này. Hôm qua cô dạy chay, thiếu giáo cụ trực quan. Cô mới về không biết chứ, giáo viên nào của trường cũng đều có giáo cụ dạy học, không ngoại trừ một bộ môn nào, kể cả môn văn.
Một tình huống ngoài giáo án. Nén giận, Thảo Hương bình tĩnh, nhưng cũng không vừa, đối đáp lại ngay.
- Anh có thể đóng vai nào cho “giáo cụ trực quan”? Nếu có khả năng đóng kịch thì còn nhiều dịp anh sẽ được thể hiện tài năng. Lúc này, tôi chỉ kiểm tra bài cũ. Nếu chưa trả lời được câu hỏi, tạm thời anh nhận điểm kém. Thôi, anh về chỗ, lần sau tôi sẽ kiểm tra tiếp.
- Điểm, điểm là cái quái gì mà phải dọa nhau. Con muỗi…
Hương thấy mình non nớt ở câu đối chất. Với học viên này, cứ đà đó, nói thêm chỉ tổ “Già néo ắt sẽ đứt dây”, dại mặt. Cô đứng dậy, cả người dính chặt với ghế. “Lại một trò đùa tai quái. Phải làm gì bây giờ”. Cả lớp xôn xao. Phía cuối lớp nhấp nhổm, khúc khích. Cả mảng quần âu trắng bê bết nhựa đường. Mặt Thảo Hương nóng bừng, râm ran như kiến đốt. Không lẽ bỏ lớp mà chạy? Cố lấy lại bình tĩnh, giờ học vẫn tiến hành bình thường, cô loay hoay trên bục giảng và cảm thấy 45 phút thật kinh khủng, dài như một thế kỷ. Không khí lớp học lắng xuống. Học sinh ái ngại không dám nhìn cô giáo. Phía cuối lớp nhóm Sơn (có thể vậy) hoan hỉ với chiến thắng. Thỉnh thoảng tiếng cười nói rộ lên. Giờ học kết thúc, Thảo Hương đề nghị cả lớp ở lại.
- Các anh chị biết đấy! “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Quỷ, ma không có, thì học trò chiếm đầu bảng. Ngày bé tôi cũng nghịch lắm. Vì nghiện truyện cổ tích, tôi đã mua quả thị giấu trong chăn và tin cô Tấm sẽ nấu cơm hộ. Mẹ đi làm về, cơm cô Tấm chẳng thấy, chỉ thấy nhớp nháp chăn màn. Tôi bị mẹ mắng cho một trận. Mẹ nhịn đói lên lớp, tôi hì hục đi giặt chiếc chăn to sụ. Lại chuyện cái bể nước. Mẹ tôi thả cá nhỏ để diệt quăng quăng. Tôi thì cứ nghĩ đấy là con Bống của cô Tấm. Giờ ăn, tôi đổ hẳn bát cơm gọi Bống. Mẹ tát bể mệt bở hơi tai, trong lúc khan hiếm nước. Trò đùa nào cũng phải có giới hạn của nó, sự hồn nhiên khác với chủ ý, điều quan trọng đừng làm phương hại đến ai. Tôi tin lần sau sẽ không tái diễn chuyện đáng tiếc như hôm nay.
Thảo Hương không truy cứu lỗi cho ai. Song sự phân tích rành rẽ và cứng rắn đầy sức thuyết phục của cô khiến cả lớp im lặng. Cô lớp trưởng – kém Hương một tuổi thút thít:
- Em không làm lớp trưởng được đâu! Nhóm anh Sơn “Sẹo” (biệt hiệu của Sơn) chặn, đe dọa khi em báo cáo đúng tình hình của lớp.
Thảo Hương hiểu Sơn và một nhóm học sinh có ảnh hưởng lớn với lớp. Tuần nào lớp cũng bị mất sổ đầu bài. Các giáo viên bộ môn kêu ca đủ chuyện. Lớp độc chiếm hàng cuối phong trào thi đua. Nhiều vụ gây lộn xộn đều có sự góp mặt của lớp. Nhiều học sinh phản đối nhóm Sơn nhưng không dám lên tiếng, chỉ lụng bụng. Không khí lớp nặng nề. Phân cực trong lớp khá rõ. Sợ liên lụy đến con mình, nhiều phụ huynh xin chuyển lớp cho con. Giám đốc Trung tâm lắc đầu:
- Cô không làm chủ nhiệm được. Tôi sẽ phân công người khác “cứng tay” hơn. Tôi sẽ họp lãnh đạo Trung tâm cử người khác thay cô.
Tự đâu lại buộc khó vào mình. Giá từ chối tổ chức từ đầu thì có tốt hơn không, bây giờ thì... Về phòng, Thảo Hương đổ vật xuống giường khóc rưng rức. Cô rơi vào cảm giác tuyệt vọng, hẫng hụt. Trách mình, tủi thân, xấu hổ. Mình non kém quá, một mớ kiến thức sách vở, thiếu thực tiễn, giáo điều. Điều day dứt nhất trong cô, đồng nghiệp thiếu tin cậy, nhìn cô với ánh mắt ái ngại, thương cảm; còn cha mẹ học sinh bộc lộ rõ sự lo ngại “Mới ra trường. Cái mặt non choẹt thế dạy dỗ làm sao được”. Câu nói của Giám đốc Trung tâm ám ảnh, găm sâu trái tim, theo cô vào giấc ngủ khắc khoải, chập chờn. Gần sáng, thiếp đi, cô gặp bố. Bố biết rõ nỗi buồn của con gái. Bố là ông bụt ư? Bố đã gắn bó máu thịt với mảnh đất này. Bố bảo, đây là mảnh đất ông cha để lại, bằng mọi giá phải giữ gìn, kể cả hy sinh. Dòng thơ bố đề tặng trên trang đầu cuốn sách gửi con gái khắc khoải niềm trao gửi: “Chúng tôi đi không tiếc đời mình-Nhưng tuổi hai mươi làm sao mà không tiếc-Ai cũng tiếc còn chi Tổ quốc” (Thanh Thảo). Bố âu yếm vuốt tóc cô, căn dặn bao điều, sốc lại tinh thần cho con gái. Thảo Hương hét vang, nắm chặt tay cha... Tỉnh giấc, mới biết đang mơ, tay vẫn nắm chặt cuốn sách. Dòng chữ của bố chập chờn trước mắt “Thế hệ của cha mẹ rất kỳ vọng vào các con, kỳ vọng vào hành trình sống đẹp, có ích mà các con sẽ tiếp nối. Khi nào hai mươi tuổi, con hãy đọc những dòng chữ này. Bố chúc con “Đủ”: Đủ niềm tin để trưởng thành mạnh mẽ, Đủ thất bại để quý giá thành công, Đủ yêu thương để chia sẻ yêu thương, Đủ hoài bão, lý tưởng để cống hiến cho xa hội...”.
Thảo Hương có mặt tại phòng Giám đốc Trung tâm ngay đầu giờ sáng. Mắt cô thâm quầng. Ánh mắt như có lửa, giọng nói cứng cỏi, cương quyết:
- Em có một đề nghị, thầy hãy tin, cho em một cơ hội tiếp tục công việc...
Dừng lại trên tờ phiếu tự khai lý lịch bằng một tờ giấy nham nhở, bẩn thỉu, rách nát. Họ và tên: Không ai cả; ngày sinh: 3 tháng 3 năm… (không biết có đúng); Bố: tiệt; Mẹ: toi; Anh em: mỗi... Hương giật mình, Tùng Sơn cùng tuổi, cùng ngày sinh với mình. Hương có nghe qua hoàn cảnh đặc biệt của Sơn. Bố mất trong vụ tai nạn sập lò. Mẹ bỏ gia đình theo người đàn ông ở cửa khẩu. Nghe đâu, mẹ mất hết tiền bạc, vốn liếng mà lại còn bị gã họ Sở bỏ rơi. Sơn sống với bà nội đã ngoài 70 tuổi. Thu nhập chủ yếu của 2 bà cháu là quán hàng nước ven đường.
Lặn lội mãi, Thảo Hương mới tìm được nhà Sơn. Cô dựng xe sát hiên. Bà lập cập đưa cô giáo vào nhà. Căn phòng trống trải hoang toàng. Quần áo, sách vở vứt bừa bãi trên giường. Nồi niêu xoong chảo nằm chỏng chơ dưới đất. Thấy cô giáo, Sơn và đám bạn vụt chạy ra ngoài, để lại một chiến trường ngổn ngang chai lọ, vỏ ốc, con bài. Vừa giót nước mời cô, bà vừa nói vừa dừng lại thở, giọng buồn bã, nhát gừng:
-Tôi bỏ... đất Thái Bình ra đây từ thời Pháp thuộc. Anh em họ mạc không có... Thằng cả nhà tôi mất... cả gia đình tan nát... Mẹ nó...thỉnh thoảng đáo qua thăm nom, nhưng... nó giận mẹ...không nhận. Nó nghịch đấy. Hai bà cháu cực quá, nó bỏ học đi làm. Thương cháu đến rầu ruột vì không đủ tiền cho nó học. Nó sáng dạ đấy. Còn ối giấy khen trong tủ đấy cô giáo ạ... Tôi già rồi... chỉ mong cho nó được... cái chữ thôi. Thương tôi, nó bảo đi học cái bổ túc ban đêm. Hai mươi tuổi đầu, lộc ngộc ngồi với đám con nít, nó ngại nên mấy lần xin tôi nghỉ học. Tôi bảo cháu, không có chữ nghĩa thì cực lắm... Thương bà, nó không dám bỏ học... Nó lại nghịch gì, phải không cô giáo?
Bà lấy vạt áo chấm chấm giọt nước mắt hiếm hoi trên khuôn mặt dăn deo. Khi học cấp II, cô chủ nhiệm nhận xét: Sơn khá thông minh, nhưng do hoàn cảnh gia đình Sơn chán học, lêu lổng, kết bạn với đám bạn bỏ học. Khi mất niềm tin, Sơn cực đoan trong cách nghĩ. Yêu bà, thương bố, Sơn càng giận mẹ. Nó không chấp nhận sự trở về của mẹ, mặc cho mẹ hối hận, van xin. Giận con dâu, nhưng bà vẫn mở rộng cửa cho mẹ Sơn trở lại. Bà chép miêng “Đánh kẻ chạy đi chứ ai lại đánh người chạy lại”. Mẹ tá túc nhà bà con ở quê, thi thoảng đứng từ xa nhìn, hoặc lén lút gửi quà. Quán nước ế ẩm. Hai bà cháu sống chật vật. Bà hiểu lòng thằng cháu tội nghiệp. Thiếu thốn nhưng Sơn sống ngay thẳng, thật thà. Bà vẫn bảo nó “Cháu ơi mình nghèo thật, nhưng phải sống cho phải đạo: đói cho sạch, rách cho thơm”.
Trở ra, không thấy xe. Thôi chết! Trộm. Xe mượn chị cùng tổ. Nể lắm chị mới cho mượn chiếc xe mini Nhật màu đỏ đun. Không dám nói với bà Sơn, cô thất thểu đi ra cổng. Một đám trẻ con xúm xít chỉ trỏ lên cây mít trong ngõ. Chúng láo pháo nói về chiếc xe... Còn tâm trạng nào để ý đến lũ trẻ. Nhưng sự náo nhiệt khiến cô tò mò ngước lên. Ôi! cái gì thế này. Chiếc xe màu đỏ đun treo tít ngọn cây...
Trở về khu tập thể, trời chạng vạng, nhá nhem, cô ngồi phệt trước hiên. Rọ xe lúc lắc, rin rít. Chiếc xe lảo đảo, đổ phịch xuống. Một túi cóc. Con nào con đấy bụng tròn căng, mắt thô lố nhảy ra chồm chỗm. Cô thụt vào góc cửa. Thót tim... Còn trò gì tiếp đây? Cô đoán được tác giả. Nó cá tính, hiếu động, nghịch chả kém gì mình lúc nhỏ. Thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, Sơn khao khát tình cảm yêu thương. Cần bản lĩnh nhìn nhận đúng sai. Cần uốn nắn kịp thời để tránh được cạm bẫy. Sơn sẽ trở thành người tốt nếu được nâng đỡ bằng tình yêu thương. Có lẽ sự đi chệch hướng, vượt khỏi quỹ đạo một phần do sự chi phối của hoàn cảnh. Thảo Hương gần gũi Sơn hơn. Cô tổ chức học buổi ngoại khoá. Lớp không thuê ô tô, không đi xe máy mà đi xe đạp (Sơn chưa biết đi xe máy, nó không thích ngồi sau ai). Cả lớp tán thưởng, riêng Sơn im lặng. Cuối giờ, Thảo Hương gọi Sơn:
- Sơn này, tôi muốn đi cùng các bạn nhưng chân đau quá không biết có đạp nổi xe không. Hay là Sơn giúp tôi nhé.
Sơn nhìn cô, rồi quay đi. Giọng cô vẫn tha thiết. Sơn cúi mặt. Sao cô không đả động gì về phi vụ hôm trước nhỉ? Hay tích tiểu thành đại đây. Được, cô cứ chuẩn bị tích cóp cho bộ sưu tập của mình đi. Còn đầy nữa. Đó mới chỉ là màn mở đầu... Cô giáo vẫn đứng im chờ câu trả lời. Giọng Sơn dấm dẳn, cộc lốc, trống không:
- Bận, không đi được...
Rồi quay gót đi thẳng. Thảo Hương tần ngần...
Thảo Hương đến điểm hẹn. Nhóm Sơn không đến. Chắc e ngại, Sơn không muốn đi cùng lớp. Tự dặn mình “Không nôn nóng, phải bình tĩnh. Sự thay đổi không thể một sớm, một chiều. Non sông khó đổi, bản tính khó rời”. Buổi ngoại khoá thật vui. Cả lớp quây quần vừa ăn uống, hát hò, kể chuyện. Lúc đó, Sơn xuất hiện (thật ra, nó vẫn lén đi sau) với dáng điệu thật lạ, như người mới ốm dậy, nét mặt phờ phạc, mắt quầng thâm. Sơn lớn tuổi nhất lớp. Cả lớp vẫn gọi nó là anh, là đại ca. Sơn thích được gọi thế, được tôn vinh, nổi trội hơn so với đám em út. Bầu không khí thân tình, ấm áp làm tâm hồn nó xao động. Được giới thiệu trịnh trọng, Sơn trổ tài. Nó có duyên kể chuyện hài hước, cuốn hút mọi người. Cả lớp ôm bụng cười. Điểm mạnh ở Sơn chính là sức thu phục, quy tụ con người. Chiều tối, cả lớp lục tục ra về. Ai cũng mua quà. Sơn lảng ra chỗ khác. Chờ mọi người đi hết, Sơn đến chỗ quầy hàng, không biết cô giáo đang đứng gần đó. Nó ngắm nghía chiếc khăn vuông đen trên mắc. Bà đang đội chiếc khăn thủng lỗ chỗ. Trời mùa đông, phơi mình bên đường, gió rít từng hồi lạnh… Lúc sau, Sơn trở ra. Tay chỉ cầm gói kẹo lạc.
Sơn phóng xe theo các bạn. Nó luôn tụt lại sau. Đứa nào mệt, Sơn đèo thay. Ai hỏng xe, Sơn dừng lại sửa. Cô giáo ý tứ muốn Sơn tham dự cuộc vui mà không ái ngại về phương tiện, chứ thực ra cô đèo Hoa băng băng. Sơn thấy áy náy về chuyện hôm qua. Sơn muốn đi với lớp, nhưng chẳng lẽ lại lộ nhượng bộ ngay. Nó lặng lẽ đi sau... Hương theo Sơn vào trong ngõ và dúi vào tay nó gói quà:
- Muộn rồi, không vào thăm bà được, Sơn biếu bà giùm tôi.
Hương quay gót. Sơn tần ngần nhìn theo. Trở vào, nó hồi hộp mở gói quà: Chiếc khăn vuông đen. Sao cô ấy đọc được ý định của mình. Cô ấy là tiên chắc? Có một cái gì mới mẻ đang lan tỏa trong tâm hồn Sơn. Đôi lúc, nó vốn táo tợn, gây ra biết bao nhiêu trò nghịch ma quỷ, nhưng lúc này trông Sơn thật tội nghiệp. Bà vẫn bán hàng ngoài ngõ. Nó chạy ra quàng chiếc khăn vào cổ bà, nói là quà cô giáo. Nét mặt bà rạng rỡ. Sơn trở vào, đặt gói kẹo lên bàn thờ thắp hương. Nhìn ảnh, bố mỉm cười, Sơn khóc...
Bất ngờ thằng Tú “mập” ập vào nhà:
- Đi mày ơi. Thằng Hùng “phủi” bảo tao đến. Có phi vụ mới. Thằng con ông giám đốc “dính” rồi. Chỉ cho nó vài “bi” nữa là có thưởng. Mày đi với tao nhé!
Sơn lắc đầu. Tú gườm gườm. Thật lạ. Ồ sao cái thằng trời đánh, hổ vồ này ốm hay sao? Nét mặt dại dại, hiền lành thế. Trời ơi! Nó biết khóc. Trời sập mất. Nó được tôn là “đại ca”, anh chị, có tiếng là chơi đẹp vì bạn bè. Nó được bạn bè nể trọng ở sự khẳng khái, quyết đoán, cứng cáp... Thế mà hôm nay trông nó nhược khí chưa? Động đất đến nơi rồi...
Không chờ bà về, Sơn lên giường. Cả ngày loay quay ngoài đường, kể cũng mệt. Vắt tay lên trán, Sơn ngẫm ngợi. Nó bắt đầu nghĩ đến cô. Hình ảnh cô giáo chập chờn. Mấy lần, Sơn xua đuổi ý nghĩ vơ vẩn, nhưng không được. Dòng suy nghĩ miên man, cô vẫn hiển hiện trong tâm can. Sơn thích nghe giọng Hà Nội của cô. Chất giọng ấm áp, thân thương. Cứ như tiếng diễn viên điện ảnh. Lúc đầu nó nghĩ là cô điệu đà, uốn tiếng “em” thành “êm”. Dần dần, nghe quen, nó đâm nghiện. Sơn nhại theo. Thật lạ kỳ ở vẻ bên ngoài của cô gái Hà Nội mảnh mai lại chứa đựng những ý nghĩ vĩ đại, một trái tim bao dung, nhân ái. Cô có sức cảm hoá con người thật kỳ diệu. Nghĩ lại, nó vẩn vơ ân hận vì đã gây biết bao phiền toái cho cô. Hình như Sơn bắt đầu bị thu phục, đang đứng giữa hai vòng phấn. Ranh giới mỏng manh. Một cuộc kéo co giữa hai bờ vực thiện - ác, tốt - xấu. Hôm trước, con bé lớp trưởng nói cô bị khiển trách vì lớp, có sắp chuyển trường... Sơn lặng lẽ. Buồn...
Lớp đã dần vào quỹ đạo. Điểm thi đua nhích lên dần. Ngày mai sinh nhật Sơn, cũng là sinh nhật mình, cô mời Ban cán sự lớp ở lại. Quân - lớp phó học tập nói:
- Anh Sơn không mời ai, không có ý định tổ chức sinh nhật, cả lớp đến có làm anh ấy ngại không?
Thảo Hương quyết định:
- Chúng ta sẽ tổ chức sinh nhật tại nhà Sơn. Thanh Hoa chuẩn bị bánh kẹo và quà tặng. Ngày mai Quân đi sớm qua nhà, tôi có việc muốn nhờ.
Như kế hoạch, cả lớp không thiếu một ai. Tuy nhiều người trong lớp ngại, khiếp đảm nhóm Sơn, nhưng hầu như ai cũng quý Sơn. Bà Sơn đón cô giáo và các bạn. Sơn ngồi lỳ dưới bếp. Bà lụm cụm đi xuống bếp, rơm rớm nước mắt bảo cháu:
- Con lên nhà đi! Cô giáo và các bạn đến mừng sinh nhật con đấy! Bà có ít kẹo dồi và ấm nước chè xanh mới hãm, con mời cô giáo và các bạn!
Sơn nói với bà mà như mếu:
- Bây giờ ai ăn kẹo dồi mà bà bảo con mời. Con xấu hổ lắm!
Bà ôn tồn, chậm dãi:
- Cốt là tấm lòng chứ con. Lên đi kẻo cô giáo và các bạn chờ!
Thương bà, Sơn uể oải đứng dậy. Cậu không tin nổi ở mắt mình. Căn phòng được dọn dẹp sạch sẽ, ấm cúng. Thay cho chỗ sách vở vứt bừa bãi là một cái giá sách liền bàn học nhỏ, một lọ hoa bất tử đặt trên nóc tủ. Mấy bạn gái đang sắm nắm bày biện. Hoa cắm nốt cây nến thứ hai mươi mốt vào chiếc bánh sinh nhật và đùa:
-Tốn nến, mỏi tay quá đấy anh Sơn ạ. Anh Sơn thắp nến đi! Khoan đã…
Hoa kéo tay Sơn:
- Anh Sơn xem giá sách này đẹp không? Quà sinh nhật của cô Thảo Hương đấy! Thôi, anh Sơn thắp đủ hai mươi mốt cây nến nhé!
Chợt nhớ ra điều gì, Hoa đến trước cô giáo trịnh trọng:
- Em có một đề nghị, cô giáo cùng giúp anh Sơn thắp nến được không ạ?
- Ồ…ai lại thế… Các bạn nhao nhao phản đối Hoa.
Mấy ngày trước đó, Hoa ghé vào tai Sơn “bật mí”: “Cô giáo và anh Sơn cùng ngày sinh 3 tháng 3, hình như cùng cả năm”. Sơn tròn mắt, thảng thốt “Thật chứ?”.
- Cử để Sơn thắp đi, nhân vật chính mà. Nếu một mình Sơn thắp lâu, đến cây cuối, cây đầu tắt thì lớp mình giúp…
- Không được! Hoa nghiêm nghị như một Tư lệnh trưởng.
Thanh Hoa chúc mừng sinh nhật Hương tối hôm qua. Hoa biết, cô cũng không giấu và dặn Hoa giữ điều bí mật. Hứng khởi quá, nó quên mất, chẳng giữ mồm, giữ miệng. Hương huých tay Hoa mấy lần. Nó giả đò chạy lăng xăng. Đến nước này thì…
- Sáng kiến của Hoa hay đấy, tôi sẽ giúp Sơn! Hương lại bàn cùng châm nến.
Sơn ngượng nghịu, lúng túng. Ngọn nến cháy rực. 21 ngọn nến lung linh. Mặt nó đỏ nhừ khi châm hai cây nến cuối cùng, chạm nhẹ vào tay cô, thoang thoảng hương bưởi từ mái tóc óng mượt. Cây nến cuối cùng vừa thổi tắt, tất cả đồng thanh hát “Happy Brithday to you... Happy Brithday to you...”. Bà Sơn sụt sùi lấy vạt áo chấm chấm mắt. Một sự kiện được coi là đại sự diễn ra trong nhà của hai bà cháu nghèo, sống thiếu thốn, đơn giản. Chưa bao giờ Sơn có khái niệm sinh nhật. Tình cảm chân thành của lớp, đặc biệt là cô giáo đã thổi vào nó một ngọn gió kỳ diệu. Tâm hồn Sơn xao động.
Từ nhà Sơn trở về, cô lòng vòng ra chợ, qua bưu điện nhận quà. Ngày sinh nhật đầu tiên xa gia đình, bà và mẹ gửi cho Hương 21 đóa hoa hồng Đà Lạt - loài hoa cô thích. Cô trở về trong niềm vui lâng lâng. Bác hàng xóm gọi “Có người gửi quà cho cô giáo từ tối qua, lẫn cẫn quá tôi quên khuấy mất”. Ai nhỉ? Mở gói quà, cô ngạc nhiên. Bàn tay nghệ nhân thật khéo. Hình thiếu nữ ngồi bên hoa huệ trong tấm hình nổi tiếng của cố họa sĩ Tô Ngọc Vân được tạo nên từ chất liệu lon bia. Cô thích vô cùng. Không một dòng chữ đề tặng. Lờ mờ bằng linh cảm, cô đoán được tác giả của nó.
Phong trào thi đua của lớp nhích dần lên. Thảo Hương mừng lắm. Cô đoán không sai. Sơn có ảnh hưởng đối với lớp, đặc biệt số học sinh cá biệt. Cô giao cho Sơn đảm nhận lớp phó phụ trách lao động - học nghề. Sơn đã cố gắng không làm phụ lòng cô và trả lời bằng chính thành quả. Sơn là học sinh duy nhất của lớp đạt học sinh giỏi xuất sắc và Giải nhất cuộc thi tay nghề của thành phố. Giám đốc Trung tâm tuyên dương thành tích của lớp. Niềm vui giúp cô phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ gia đình.
Vừa dạy xong 2 tiết, cô về phòng Hội đồng. Tự nhiên, thấy ruột nóng như lửa đốt. Cuộc điện thoại gần một tiếng đồng hồ làm Hương buồn. Anh Tuấn - bạn Hương vừa hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ở nước ngoài, chuẩn bị về nước, hẹn Hương ra đón ở sân bay. Là chỗ quen của gia đình, Tuấn thường xuyên qua lại. Mẹ quý Tuấn, nhưng tôn trọng quyết định của Hương. Thật ra, Hương chưa bao giờ coi anh ấy là người yêu cả. Tính cách hai người khác nhau nhiều quá. Anh ấy có tư cách gì để nói Hương dại dột, bỏ Thủ đô về vùng đất xa lắc xa lơ... và còn dạy Hương cách sống khôn ngoan. Bất chợt Hoa và Quân chạy hộc tốc thở, nói không ra hơi:
- Cô ơi! Anh Sơn bị... đánh!
Thảo Hương hốt hoảng chạy theo Hoa. Quân chạy theo một hướng khác báo cho công an. Sơn đang ở giữa vòng vây của 5-6 thanh niên nét mặt hung tợn, đứa lăm lăm dao búa, đứa gậy gộc, gạch đá trên tay. Chúng vừa đánh, vừa chửi:
-Đ... mẹ mày.. .mày không theo bọn ông hả. Theo ông thì có tiền. Ngu thế, chê tiền hử? Ông sẽ cho mày biết thế nào là lễ độ. Bố mày sẽ cho mày sống không ra sống...
Thảo Hương lao tới, rẽ đám thanh niên đang xúm quanh, ôm chặt Sơn. Cô cũng không hiểu nổi, lúc đó mình liều lĩnh thế. Cả đám vây quanh Sơn, nét mặt đằng đằng sát khí. Cô nhát đòn lắm. Chưa bao giờ bị bố mẹ đánh. Nhớ lúc nhỏ mắc lỗi, bố bắt nằm sấp, hỏi tội. Cô thành khẩn, thế là được tha, được nhận nợ roi...Thấy cô, chúng bất ngờ, ngừng lại, nhưng vẫn không buông tha: “Thằng này đào hoa thật, có gái bảo vệ đấy! Này thì, này thì...”. Chúng gạt cô ra ngoài. Hương lại lao vào giang rộng cánh tay chắn. Sức vóc mảnh mai, liểu yếu không che nổi Sơn. Hai cô trò chịu trận với bao nhiêu cây gậy vụt tới tấp. Sơn lao tới ôm cô giáo. Nó lấy thân che chắn, tránh cú gậy của bọn chúng. Mắt nó vằn lên như một cục máu, gào lên hung dữ:
- Có giỏi thì chúng mày vào đây. Tao liều chết với chúng mày. Cấm động vào cô giáo. Đừng có trách tao ác!
Công an vừa kịp tới. Cả bọn bị tóm gọn. Chúng là tay chân của ổ mua bán ma tuý, gieo “Cái chết trắng”. Biết hoàn cảnh gia đình, biết cần tiền, chúng lôi kéo Sơn nhiều lần. Tiếng là nghịch, nhưng Sơn kiên quyết không tham gia trò chơi giết người. Thu phục không được chúng đến giằn mặt Sơn. Thảo Hương rút chiếc chiếc khăn quàng cổ buộc vết thương trên đầu cho Sơn. Mất máu, Sơn ngất đi…
* *
*
Mới đó mà đã hơn 3 năm trôi qua. Thảo Hương được điều động về trường Chuyên sau một năm học tăng cường cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Cô đã từng bước trưởng thành. Mảnh đất con người đất mỏ là một phần máu thịt đời cô. Chiều nay, cô thấy lòng mình trống trải đến lạ. Hương với lấy chiếc hộp trong tủ và ngắm miết hình thiếu nữ bằng lon bia...Cô nhớ lại bao kỷ niệm thân thương. Không hiểu sao hình bóng cậu học trò bằng tuổi, hiếu động, gây cho cô biết bao phiền toái những ngày khởi đầu cuộc đời giáo chức, cứ ám ảnh hoài. Có lần đám bạn trêu Sơn: “Anh Sơn học giỏi nhất lớp, đẹp trai, lại galăng, khối cô chết là cái chắc”. Hoa chêm vào “Nếu không có chiếc sẹo “chiến lợi phẩm” kia hẳn là Tom Cruise ở hoollywoo”. Sơn thường không đáp lời câu đùa kiểu thế. Hương thích kiểu đàn ông hơi lạnh và phớt. Điều Hương không thích ở Tuấn chính là sự cố chấp, quá bận bịu những chuyện vặt. Thanh Hoa yêu Sơn từ cuối năm lớp 10. Điều bí mật này cô biết từ Hoa. Một lần, đến thăm Hương, nét mặt Hoa ủ rũ và xin ngủ lại. Hương tần ngần, nhà chỉ có chiếc giường cá nhân, nhưng chắc Hoa có tâm sự. Suốt đêm, Hoa khóc, kể về Sơn. Hoa buồn vì Sơn không để ý đến tình cảm của nó. Hoa thường xuyên lui tới nhà Sơn. Nó đi chợ, quét quáy, dọn dẹp, nấu nướng… như người trong gia đình. Hàng xóm mừng cho cho hai bà cháu, tưởng vợ chưa cưới của Sơn. Đã có lần Hoa ngủ lại với bà, đấm lưng, bóp tay cho bà, tâm sự đủ chuyện. Lần khác, Sơn sốt ruột khi hơn 12 giờ đêm, Hoa vẫn chưa về. Sơn không biết mở lời như thế nào, chỉ dặn “Mình ở nhà cậu bạn hàng xóm. Khi nào về, gọi để mình đưa về”. Bà Sơn quý Hoa, rất hiểu nỗi lòng con bé. Chuyện nhân duyên, bà muốn tác thành lắm, nhưng nghe chừng thằng bé chưa ưng. Bà biết tính Sơn. Có lần bà nói gần xa “Học xong cấp III, con cũng đã 23 tuổi. Bố Thủy con 22 tuổi đã có Sơn rồi đấy. Bà sống chả là mấy, liệu mà lo chuyện gia đình để nhắm mắt bà an lòng. Con bé cái Hoa…”. Không để bà nói hết câu, Sơn ngoay ngoảy chạy vụt ra khỏi cổng. Từ đó, bà không đả động đến chuyện ấy.
Chỉ một năm gắn bó với lớp 10H, nhưng Hương được học trò quý yêu. Lớp đến thăm cô giáo như đến thăm người chị, người bạn, cười nói đủ chuyện, riêng Sơn im lặng, chỉ lặng lẽ quan sát. Sơn vẫn giữ danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Nó kiếm được tiền phụ giúp bà bằng chính trí tuệ, công sức. Sơn quấn sutvanto, làm đường điện, nước, đóng bàn ghế, làm hàng mỹ nghệ từ than kíp lê. Có lần Sơn đến phòng cô mang theo sutvanto và bảng điện đủ ổ cắm, cầu chì, công tắc, cầu giao. Hương ngạc nhiên, Sơn nói ngay: “Sơn (hoặc xưng tên, hoặc trống không, chưa bao giờ xưng em với cô giáo) đến thay bảng điện cho cô giáo. Không có công tắc đèn, dùng ổ cắm không tiện. Không có cầu dao, nguy hiểm lắm”.
Quả là dây điện nhà Hương như trận đồ bát quái, nhằng nhịt dây leo, công tắc, cầu chì chẳng có. Có lần về muộn, không có diêm, Hương lần mò mãi mới lần ra ổ điện cắm bóng đèn. May mà không thò tay vào ổ cắm. Suốt buổi, Sơn chẳng nói gì, chỉ lúi húi sửa chữa, thỉnh thoảng cần gì nó mới hỏi Hương. Sơn kê ghế làm lại đường điện, Hương giữ ghế cho nó. Ghế gẫy đổ kềnh. Hương cố sức đỡ cũng bị ngã theo. Hai cô trò ngã dúi trên nền nhà, mặt đỏ tía tai. Sơn lúng túng. Khi ra về, Sơn đưa cho Hương gói nhỏ bọc nilông: “Hồi này có lịch cắt điện liên tục, cô giáo cất nến đi”. Vài ngày sau, Sơn mang đồ đến sửa ghế cho cô giáo. Nó đã nhìn thấy khe cửa bị hở. “Bây giờ muộn rồi, về đi làm đã, để khi khác”. Hương mời Sơn ở lại dùng cơm, nó từ chối. Vừa khi Sơn ra đến cửa, Hoa vào. Hoa tròn mắt ngạc nhiên, chạy ra theo Sơn. Suốt buổi ấy, Hoa lục vấn cô giáo, nào là Sơn có thường xuyên đến đây, Sơn nói gì với cô về nó, Sơn có biết Hoa yêu Sơn không, con gái tỏ tình trước có được, cô giúp nó… Ghen tuông, nghi ngờ mối quan hệ của Sơn với cô giáo, nó bí mật theo dõi. Nhiều hôm, cô lạnh toát sống lưng khi có tiếng sột soạt sau nhà. Một lần cô giật mình bắt gặp đôi mắt từ khe hở cửa sổ. Sợ quá, cô thất thanh hô hoán. Cả khu tập thể náo loạn. Hoa ủ rũ trước mặt cô sau khi bị lôi ra từ bụi cây sau nhà, cỏ le cứa, xước vệt xẻ dài rớm máu. Quá bất ngờ, giận đến nóng mặt, nhưng Hương nói đỡ rằng Hoa đùa để không bị giải đến công an phường. Hương hiểu nỗi lòng cô bé trước tình yêu dậy sóng. Vì tình yêu, người ta dám làm nhiều thứ. Nhưng cách Hoa giữ Sơn cho riêng mình, cô rất buồn và khó chấp nhận. Hoa thường xuyên tới thăm cô giáo, tâm sự đủ chuyện buồn vui. Thế mà, nó cố tình bịa đặt làm “sai lệch hồ sơ” về Hương. Đầu tiên, chỉ cốt dành cho Sơn, nhưng thấy chưa hiệu quả, nó dấn thêm bằng cách viết thư nặc danh. Nào là có tin đồn, cô giáo Hương lẳng lơ, có tài mồi chài, quyến rũ đàn ông bằng sắc đẹp và giọng nói. Bây giờ lại ve vãn học trò và cả phụ huynh. Nào là cô bị vợ thầy giáo, mẹ học trò đánh ghen. Nào là khai man, rút tuổi đi, chứ thực ra cô ấy hơn tuổi anh Sơn... Chuyện hơn kém tuổi Sơn, chuyện cô giáo và học trò quý mến nhau đâu phải chuyện quan trọng. Nhưng những chuyện khác thuộc sinh mệnh chính trị, đạo đức, nhân phẩm của con người thì tuyệt nhiên không thể bỏ qua. Điều đáng buồn là vì tình yêu, Hoa dám làm điều ác. Tình yêu đích thực đâu có chỗ cho cái ác. Thói quen được tạo thành nếu cái ác được lặp đi, lặp lại. Nguy hiểm vô cùng. Cô thấy trách nhiệm dù chỉ một năm dạy và chủ nhiệm. Hương chưa rơi vào hoàn cảnh này. Sự đời trớ trêu ngoài giáo án. Hương thẳng thắn nói chuyện với Hoa. Hoa khóc. Nó khóc như cả đất trời muốn sụp xuống. Hết khóc, nó lại day dứt, ân hận vì làm điều rồ dại, không chỉ với cô giáo, mà nhất là làm thương tổn Sơn. Sơn vốn không thích nghe những chuyện nhỏ nhặt. Nhưng khi nghe Hoa nói đến Hương, nó giận dữ, mắt hằn lên những vằn đỏ, quát: “Hoa sống cho ngay ngắn đi. Đừng bao giờ gắp tiếng ác cho ai. Cô giáo tuyệt nhiên không phải người như vậy”. Nhớ lại thái độ giận dữ, bênh cô giáo của Sơn, Hoa ôm chầm lấy Hương òa lên “Cô ơi! Em đã vĩnh viễn mất Sơn, chỉ vì chuyện ấy. Chưa bao giờ em là của Sơn cả. Em cứ tưởng nói không hay về cô thì anh ấy sẽ… em hơn. Em đã lầm, anh Sơn đã… cô…. Em không thể hiểu được, cô đã có sức mạnh thế nào với anh ấy… Bí quyết nào cô có được chỗ đứng trong lòng anh ấy. Một lần, dọn nhà anh Sơn, em lén đọc nhật ký. Lúc đầu, em hoan hỉ tưởng anh viết về mình (chữ TH). Nhưng càng đọc, em càng hiểu, em không mảy may có được một góc nào trong lòng anh ấy, kể cả tên em cũng không được nhắc tới, dù chỉ một lần. Lần cô đau ruột thừa nằm bệnh viện anh ấy đứng ở ngoài suốt đêm... thương cô anh ấy đã khóc. Anh ấy nói sống đẹp, tốt lên là nhờ có cô. Sự bao dung của cô khiến anh ấy ân hận vì đối xử không tốt với mẹ… Động lực giúp anh ấy quyết tâm học giỏi và ước nguyện thi Học viện Biên phòng cũng nhờ có cô. Anh ấy mong nhớ cô từ sau lần đi tham quan... Sơn ước nếu có phép nhiệm màu sẽ được ở bên cô mãi mãi… Sẽ chỉ nói cô biết khi thực hiện được mơ ước trở thành chiến sĩ biên phòng. Sơn yêu cô hơn chính cuộc đời mình... hu…hu…hu hu…”… Hoa bị nhà trường kỷ luật. Hương lại đứng ra bảo lãnh để Hoa được thi tốt nghiệp. Nhưng nó thi trượt tốt nghiệp năm ấy…
Dòng suy nghĩ miên man. Bất giác, có tiếng gõ cửa, Sơn tần ngần bước vào. Thảo Hương luýnh quýnh, ngượng nghịu, không kịp cất hộp quà. Sơn thoáng nhìn, bối rối, đặt gói quà bọc giấy xanh, gắn chiếc nơ màu xanh cốm lên bàn làm việc của cô giáo, lật lật mấy quyển sách, run run cuốn sách rơi khỏi tay.
- Sơn ngồi đi! Giọng Hương lạc đi. Hương biết tin Sơn đỗ đại học khi đang nghỉ hè ở Hà Nội. Không phải Sơn báo, mà do chính Hoa. Cô vui đến mức khiến mẹ ngạc nhiên. Hương trở về trường sớm hơn dự định. Cô biết tính Sơn, sống nội tâm, khí khái và tự trọng. Sơn trầm lặng, lạnh và phớt. Có những điều không dễ nói được với cô, Sơn mở lòng mình vào trang Nhật ký. Cô cũng có những lý do riêng, khoảng cách không dễ tỏ bày sự quan tâm với riêng Sơn khi không còn dạy và chủ nhiệm. Sự nhạy cảm của phụ nữ khiến cô dè dặt, giấu lòng, không muốn Sơn nhận ra. Mùa hè cuối lớp 11, Hương về Nhà sách Sư phạm tìm mua cho Sơn rất nhiều tài liệu tham khảo, nhưng lại nhờ thầy giáo dạy toán cho Sơn mượn. Sau khi thi xong, Sơn mang sách trả, thầy Nam ngạc nhiên. Lặng lẽ mang túi sách về. Sơn không về nhà. Nó chèo thuyền ra hang luồn, chèo lên mỏm đá thẫn thờ ngồi trước biển suốt buổi chiều tối hôm ấy. Hương vẫn đứng từ xa để dõi theo sự tiến bộ của Sơn. Điều mong mỏi của cô đã được đáp lời. Cả hai theo đuổi những ý nghĩ, chỉ riêng lòng mình mới hiểu...
- Ngày mai Sơn nhập trường… đến cám ơn cô - Sơn ấp úng - Tặng cô món quà do chính tay Sơn làm...
- Cám ơn Sơn và chúc mừng nhé! Hương lúng túng lấy trên giá sách gói quà- Mình cũng có quà tặng Sơn. Chúc Sơn học tốt...
Sơn về, Hương thấy trống trải, buồn dìu dịu. Có một cái gì đó cứ lặng thầm, da diết, cháy bỏng. Sơn có nhận thấy sự lúng túng của mình không. Tuyệt nhiên không để bạn ấy biết. Mình dang ở vị trí nào? Không thể khác được, mình vẫn là cô giáo của Sơn. Có thể rất lâu mình mới gặp được bạn ấy. Năm năm học quả sẽ rất dài. Mình sẽ phải xa Sơn. Ồ, mày đang nghĩ vớ vẩn gì thế, tiễn, tiễn ngay ý nghĩ điên rồ ấy khỏi đầu đi… Hương mở ngay hộp quà tặng. Vẫn là thiếu nữ bên hoa huệ, nhưng chất liệu được đổi bằng than. Sơn khéo tay đến từng họa tiết nhỏ. Người con gái và hoa huệ được thổi bằng hồn của than óng ánh, của trái tim nghệ sĩ rất mực khắc khoải.
* *
*
Thảo Hương thẫn thờ mở kỷ vật. Chiếc khăn quàng thấm máu Sơn rơi ra. Vết máu đọng lại đỏ sẫm. Cô áp chiếc khăn vào ngực, nấc lên. Mùi quế thơm cay tỏa ra từ chiếc hộp đựng tăm và lọ hoa gỗ quế. Cả chùm hoa bất tử cô tặng lần sinh nhật thứ 21 cũng đậm hương quế nóng ấm, nồng nàn. Tùng đỡ Thảo Hương dậy…
- Hương là cô giáo của Sơn, Hương cho phép tôi được gọi Hương như một người bạn. Chúng ta đều là bạn của Sơn. Cô được Sơn nhắc đến nhiều lần...
Tốt nghiệp Học viện Biên phòng, Tùng Sơn được phân công về Đồn biên phòng cửa khẩu. Đây là xã biên giới đặc biệt khó khăn, tình hình an ninh, chính trị phức tạp. Đồn quản lý, bảo vệ đoạn đường biên dài gần 50km. Giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống phân tán, đời sống kinh tế – xã hội của đa phần đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo. Sơn nhanh chóng thâm nhập địa bàn, mục đích được nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin. Trở ngại lớn nhất với anh là không hiểu dân nói, nói gì đến việc dân nghe và tin. Sơn “cắm bản” gần gũi dân để học tiếng. Chỉ sau mấy tháng, Sơn đã giao tiếp bình thường với dân bản. Từ khi nhận nhiệm vụ, Sơn cùng chia sẻ khó khăn, chung vui với đồng bào, dành một phần lương của mình mua sách vở cho các em học sinh. Dấu chân Sơn in khắp thôn khe bản để nắm tình hình cơ sở. Do làm công tác dân vận tốt, Đồn trưởng phân công Sơn làm đội trưởng đội vận động quần chúng. Anh ấy luôn có mặt ở các điểm “nóng” để giải thích cho đồng bào hiểu rõ chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng cán bộ thôn, bản vận động những người nhẹ dạ, cả tin không nghe bọn xấu xúi giục, xuyên tạc, vận động nhân dân làm ăn trên chính mảnh đất của họ… Một lần, trên đường xuống bản, cơn lũ đột ngột kéo về, năm học sinh bị lũ cuốn trôi. Mưu mẹo, nhanh trí và cũng phải khó khăn lắm, một mình với lũ dữ, anh kéo được cả 5 học sinh vào bờ. Kiệt sức, Sơn bị lũ cuốn tiếp. Loay hoay giữa dòng lũ xoáy xiết, anh đã gắng sức bám vào một gốc cây lớn đang bị lũ cuốn phăng, bị va đập mạnh tưởng phải dời khỏi thân cây. Rất may, gốc cây bị hòn đá lớn chặn lại. Anh mê man bất tỉnh giữa đám rễ cây nhằng nhịt. Bà con kịp đến. Sơn được Đồn Biên phòng tuyên dương.
Từ ngày đó, đồng bào càng hiểu, tin yêu, cung cấp kịp thời cho đơn vị những nguồn tin có giá trị liên quan đến công tác bảo vệ an ninh chủ quyền biên giới.
Ngày mai, Sơn vinh dự được đơn vị cử về Hà Nội dự Hội nghị Thanh niên Biên phòng làm theo lời Bác. Anh háo hức chờ đợi, chuẩn bị. Nhưng cũng đúng lúc đó, từ thông tin của nhân dân, có thể lợi dụng đêm 2-3, sơ hở, mất cảnh giác, Đồn tổ chức ngày truyền thống bộ đội Biên phòng, bọn buôn bán chuẩn bị chuyển ma túy qua cửa khẩu. Nhận tin, Sơn xung phong nhận nhiệm vụ, mặc cho lãnh đạo Đồn đã phân công người khác. Tổ công tác địa bàn do Sơn chỉ huy đã túc trực bắt giữ vụ vận chuyển chất nổ trái phép, ma túy từ Trung Quốc sang Việt Nam tại bản Pháo Tùng Cầu. Trong lúc các chiến sĩ đang lập biên bản, tên cầm đầu đã chạy trốn cùng lượng lớn heroin. Sơn cùng tôi và Trung chia theo các ngả đuổi theo truy bắt đối tượng.
Sơn phán đoán không sai, đối tượng thoát theo đường sông. Huyện chỉ có một con sông lớn, đầu nguồn là xã Đồng Văn, chảy xuống Tiên Yên rồi đổ ra biển. Lợi dụng địa bàn lòng sông có rất nhiều đá, sỏi, ghềnh, thác nên không dùng được phương tiện giao thông thuỷ, chúng sẽ không bị bộ đội biên phòng truy đuổi. Đối tượng rất sành địa bàn nên đã chọn lối thoát này. Sơn vẫn kèm sát. Phát hiện chiến sĩ biên phòng, tên cầm cầu quay lại nổ súng. Nhanh như cắt, Sơn né được, viên đạn sượt qua mang tai. Hung thủ tiếp tục ném dao, lưỡi dao liệng sáng loáng. Sơn tránh được, con dao cắm phập vào thân cây. Vẫn thấy Sơn đuổi theo, cùng đường hung thủ nhảy xuống sông. Liều thật, nó quyết tử đây, vì bắt được với khối lượng ma túy đó, chỉ còn cách rũ tù, nó nghĩ trời lạnh căm căm thế này, mình không dám nhảy xuống… Đoạn sông nước chảy xiết, cuồn cuộn, sóng đánh vào ghềnh đá tạo bọt tung trắng xóa. Một cuộc vật lộn dưới sông. Tên trùm như một con trâu điên túm tóc, đánh thắt lưng, dần vào đầu Sơn, chúi xuống nước. Sơn nhanh trí vừa né, vừa ra đòn hiểm tấn công. Bất thần, hung thủ như chiếc phao lềnh bềnh, chân tay co quắp, lặn ngụp cùng dòng cuốn. Sơn sải theo kéo đối tượng. Nước cuốn dữ, trôi phăng phăng, hung thủ như một chiếc cối đá, nặng trình trịch đè lên người Sơn, cố kêu những tiếng đục đục trong cổ “Cứu, cứu với…Tha cho...”. Có lúc cả Sơn và tên trùm chìm xuống lòng sông. Gắng gượng lắm Sơn mới trồi lên được. Anh ấy có thể thoát, chỉ một cái hẩy tay nhẹ, mặc cho tên trùm ma túy trôi nổi ra đến biển. Nhưng Sơn không làm thế. Anh ấy là một chiến sĩ biên phòng dũng cảm và nhân hậu. Anh gắng đứng trên thân cây lấy sức dìu, đẩy đối tượng vào bờ. Tên trùm ma túy nằm sóng soài cùng túi đựng bánh herooin buộc bên mình, mắt trắng bệch. Sơn rét run, hai hàm răng va cầm cập, khóa tay hung thủ. Bỗng rầm… rầm, cành cây - nơi bám víu cuối cùng của Sơn đổ ào xuống vực, ném anh vào dòng xoáy xiết…
Theo tiếng súng, tôi và Trung lao đến. Hung thủ nói không ra hơi, câu được, câu mất “Cứu anh bộ đội…đi... khóa vào gốc cây... không chạy đâu…”. Cả Đồn Biên phòng phối hợp với thanh niên của địa phương, bà con dân bản ven sông. Nhưng không thể cứu được Sơn… Mãi 1h sáng nay, đơn vị mới tìm được… Ngày mai, đơn vị làm lễ truy điệu…
Tùng nấc lên từng hồi, ân hận “Giá tôi đi cùng yểm hộ cho anh ấy, thì…”. Hương nuốt từng lời người bạn, mà Sơn bí mật trao gửi điều bí mật. Sơn hay nhắc đến cô giáo. Sơn bảo, cô là một phần cuộc đời của nó. Bạn ấy mang theo chiếc khăn của cô giáo bên mình như một kỷ vật thiêng liêng. Chiếc khăn ấy như thứ bùa hộ mệnh, ấm áp trong từng đêm tuần tiễu, nồng nàn hương quế, hương hồi trên nẻo đất biên cương, xoa dịu vết thương, nỗi buồn cho Sơn. Chiếc khăn kỳ diệu. Chính chiếc khăn thấm máu giúp Sơn hiểu Con Người đích thực-Con Người viết hoa. Chiếc khăn theo Sơn trên khắp ngả đường, thôi thúc niềm tin, tạo sức mạnh của tin yêu, lòng nhân hậu, tăng sức mạnh giúp Sơn vượt khó khăn, gian khổ để sống có ý nghĩa. Chiếc khăn gửi thông điệp con người sống để yêu nhau, làm đầy cho nhau. Điều quý giá ban tặng cho con người chính là lòng bao dung, nhân ái. Nhờ cô giáo, Sơn mới sống đúng con người của mình, thấm thía lỗi lầm, hiểu sâu sắc ý nghĩa cuộc sống. Bà mất, Sơn gần như tuyệt vọng. Sơn ôm choàng mẹ khi mẹ về chịu tang bà. Để làm được điều đó, bạn ấy đã dằn lòng, tự đấu tranh với chính sự ích kỷ của mình. Sơn rất thấm thía lời cô giáo: Nếu không biết tha thứ thì cuộc đời chỉ chuốc thêm những hận thù. Lòng bao dung, nhân ái của con người sẽ làm cho cuộc đời đẹp thêm lên. Sơn trầm lặng, sống ngay thẳng, nhường nhịn và thương yêu đồng đội. Cách nghĩ của bạn ấy chững chạc hơn nhiều so với tuổi. Nhờ sự dũng cảm quên mình truy bắt tội phạm của Sơn, đơn vị đã lần ra những đầu mối đường dây buôn lậu xuyên quốc gia.
Trước đó một tuần, Sơn háo hức báo tin đơn vị cử đi dự hội nghị ở Hà Nội. Anh ấy chuẩn bị quà biên giới và gửi ba lô chỗ tôi. Sơn cứ úp úp, mở mở rằng, chuyến về thành phố lần này vô cùng hệ trọng, bước quyết định trong cuộc đời, không thể chần chừ hơn được. Có phải định mệnh không mà tự nhiên Sơn nói “Tao được cử đi Hà Nội. Nhưng lâu rồi mày chưa về nhà, mẹ mày hay đau yếu. Tao sẽ xin ý kiến đồn trưởng. Mày đi đi, tiện thể đáo qua thăm mẹ luôn. Cho tao gửi chai mật ong cho mẹ. Và mày mang quà đến trường…”. Tôi trêu Sơn "Lại tơ tưởng cô giáo phải không? Học trò hư quá. Nhưng không, mày mới xứng đáng về dự Hội nghị. Mày về lại đơn vị, tao sẽ xin nghỉ mấy ngày thăm nhà”. Lãnh đạo Đồn vẫn giữ nguyên quyết định, nhưng giải quyết cho tôi về tranh thủ. Hai chúng tôi háo hức chờ ngày đi. Sơn đã mong chờ, khắc khoải về gặp cô giáo, nhưng… cuối cùng chỉ có mình tôi về thành phố, tôi nhận nhiệm vụ dự Hội nghị thay Sơn... Nước mắt giàn giụa. Tùng đứng dậy, đi đi, lại lại lấy lại bình tĩnh, rồi kể tiếp: Sơn bảo có ba người phụ nữ tác động lớn đến cuộc đời của nó. Bà giữ thăng bằng khi nó bị khủng hoảng về tình cảm. Mẹ sinh ra để nó được làm người. Cô giáo tạo cú hích, định hướng, làm nên bước ngoặt quan trọng cho cuộc đời nó. Sơn được cảm hóa bởi chính tình yêu thương, nhân hậu của Hương. Sơn ân hận vì sự ích kỷ, cố chấp đã chối bỏ người dứt ruột sinh ra mình. Sơn thương mẹ trôi dạt nơi đất khách quê người, tình mất, tiền hết, không có nơi dung thân...
Thảo Hương nhận cuốn sổ tay từ tay Tùng. Bìa sổ đã ố vàng, quăn mép. Đây có phải cuốn Nhật ký của Sơn, Hoa đã từng đọc trộm? Nét chữ cứng cỏi, ngay ngắn, đều và đẹp. Sơn bộc bạch ngay từ lời mở đầu: “Những điều tôi viết ra trong cuốn sổ này là tiếng lòng của tôi, nỗi niềm của tôi, tâm sự của tôi chỉ dành riêng cho một người mà tôi vô cùng yêu quý - TH. Nếu lỡ không may, tôi không đi hết được chặng đường đời, người con gái của tôi hãy nhận nó và hiểu được tình cảm của tôi, tình yêu của tôi đã trọn đời dâng hiến cho em. TH - em là mê cung mà tôi nguyện cầm tù trong đó suốt đời, mãi mãi...”. Lật lật vài trang, một bức ký hoạ bằng chì chân dung người con gái, đẹp, dịu dàng, không kém phần kiêu sa, phía dưới là lời đề tặng “TH của tôi - Người con gái làm thay đổi đời tôi”. Hương không đủ kiên nhẫn đọc từ trang viết đầu tiên, cô lật giữa cuốn sổ...
Ngày 20-8: Thảo Hương của anh! Anh thích được gọi em thân thương như vậy. Chỉ có mình anh biết, sợ gì nào. Vả lại, anh chào đời trước em gần một ngày, kiểu gì chẳng được làm anh. Em hãy nghe anh kể hành trình đi nhận công tác. Theo Quốc lộ 18C từ thị trấn Bình Liêu đi khoảng hơn 30 km là đến xã biên giới. Đoạn từ thị trấn Tiên Yên mới thật ngấm là đường vùng cao, cảm giác được chao liệng theo những khúc cua tay áo, đường đèo quanh co... Anh thả mắt chạy theo những cánh ruộng bậc thang trải dài màu xanh, những thung lũng chân núi, những bãi bồi ven sông, những vạt hồi, quế ngăn ngắt một màu, những học sinh tung tăng cắp sách đến trường.
Đường vành đai biên giới uốn lượn thơ mộng. Một bên là thung lũng, một bên là đồi thông vi vu. Anh đi qua nhiều con suối, suối Tiên Mơ, Suối Tà Pạt và đổ vào sông Tiên Yên như mọi con suối khác...Vùng biên cương của mình đẹp, thơ mộng quá em ạ, lần đầu anh mới biết. Anh ao ước: Giá có em ở đây...
Ngày 15/1: Suốt đoạn đường dài, anh mải ngắm những loài hoa rừng không tên. Anh tròn mắt ngắm hoa sở, chụp vội bằng mắt những khoảnh khắc mới gặp lần đầu. Càng đi, anh càng bị lạc vào rừng hoa sở bạt ngàn hoa trắng, muốt đến tận gốc, trải lên đồi một màu trắng tinh khôi, điểm sắc vàng sượm của nhị hoa như rắc kim tuyến. Sở là cây xanh quanh năm, cành lá rậm rạp, tái sinh chồi tốt. Hoa rừng mộc mạc chân chất như những người dân bản mà anh gặp nơi vùng biên.
20/1: Hôm nay đi giữa rừng trẩu, anh bỗng nhớ da diết cô gái làng hoa Ngọc Hà. Cô giáo của anh, cho đến bây giờ anh mới biết loài hoa này. Hoa trẩu nở trắng rừng, bạt ngàn hoa, khi một làn gió nhẹ bay qua cũng đủ cho cánh hoa rơi rơi như ngàn bông tuyết. Con đường anh qua trải đầy hoa trẩu, hoa trắng rụng xuống trải thành một lớp thảm tinh khôi bên đường, lộng lẫy và e lệ như một cô gái tuổi đang xuân.
Ngày 20/2: Cô giáo thương yêu của anh! Vốn kiến thức sư phạm ít ỏi anh học được em phát huy tác dụng. Nhiều năm qua, Đồn anh phối hợp với Phòng Giáo dục huyện mở lớp xoá mù chữ cho bà con dân bản. Học sinh ở bản ngoan và hiền chứ không “quỷ” như anh. Trong lớp, có một cô bé giống tên em. Gương mặt dù chẳng giống em, nhưng chỉ riêng cái tên ấy thôi cũng đủ làm anh xúc động. Đã hơn 10 tuổi, bé Hương chưa biết đọc, viết và nói tiếng Kinh. Anh dày công với bé, luyện chữ, dạy đánh vần, nói tiếng Kinh. Buổi đầu, thấy cái chữ, bé sợ òa khóc chạy về nhà. Anh và bố mẹ cô bé phải dỗ mãi, đến nay thì ổn rồi, bé biết đọc, biết viết và nói sõi hơn tiếng Kinh. Anh giỏi đấy chứ? Nhớ em nhiều lắm, thắt lòng, cháy bỏng, mong được cô học trò nào “quấy quả” để hiểu tâm trạng em lúc đó.
Ngày 25/2: Đêm nay anh đi tuần tiễu. Ở xa biển, có nhiều núi cao chắn nên nơi anh sống chịu nhiều hơn ảnh hưởng của lục địa. Mùa đông lạnh và rét kéo dài 5 tháng, từ khoảng tháng 11 đến tháng 3 năm sau, mùa đông thường mênh mông sương muối, nhiều ngày lạnh dưới 100C.... Thời tiết khắc nghiệt lắm. Anh khoác chiếc áo bông, mũ bông mà vẫn chưa đủ ấm. Nghĩ đến em, nghĩ đến cha em đã gắn bó với dải đất biên cương, lòng anh ấm lại. Khó khăn này đã thấm tháp gì so với cha em. Không riêng anh, những chiến sĩ biên phòng trẻ trung như cụm hoa hồng, hồn nhiên như ngàn ánh lửa, nồng ấm như hương quế giữa rừng, luôn tự nhủ Đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con là anh em ruột thịt…
Màn đêm sập nhanh chứ không buông lả lơi như miền xuôi. Cái rét cứ cứa sâu vào da thịt và quật vào tai ù ù. Trên đỉnh núi Cao Ba Lanh giáp biên giới có những hòn đá rất kỳ lạ, gõ vào hòn đá này lại nghe tiếng vang ở các hòn đá khác. Có truyền thuyết về những "hòn đá thần" có tiếng vang làm quân giặc khiếp sợ. Lại có truyện người dũng sĩ cưỡi ngựa đánh giặc nay còn ghi dấu ấn ở nhiều địa danh như: Bãi Dáo, Mạ Trạt và truyện về giống tre mọc ngược do lời thề của người dũng sĩ khi chống gậy dừng chân. Sử sách còn ghi chép lại những trận đuổi giặc cướp từ bên kia biên giới tràn sang.
Phong cảnh thật đẹp, cánh đồng bậc thang, rừng hồi quế thơm ngát, hoa sở nở trắng, suối reo. Trên cao núi lẫn chìm trong biển mây trắng toát. Những đám mây dày như một tấm chăn bông khổng lồ choàng lên cả dãy núi dài, hiếm lắm mới thấy một vài đỉnh núi xanh nhấp nhô, nhưng chỉ trong thoáng chốc rồi ngay lập tức lại chìm vào biển mây. Thác Khe Vằn ở Húc Ðộng cao hàng trăm mét, theo ba tầng vách núi đổ xuống trắng xoá giữa cỏ cây chen đá... Đỉnh núi cao gợi vẻ thiêng liêng ở tầm cao trên ngàn mét, mây bay la đà, nhìn bao quát cả một vùng biển với con sông biên giới uốn lượn giữa đôi bờ thanh bình.
Em có biết lý do anh chọn bộ đội Biên phòng? Từ em đấy, cưng ạ. Nhất là khi biết em tình nguyện xa Thủ đô đến gắn bó với vùng Đông Bắc, biết cha em đã có mặt ở tuyến tiền tiêu bảo vệ an ninh biên giới quốc gia và hy sinh anh dũng. Đó là lý do thôi thúc anh thi vào Biên phòng. Đêm nay, anh có mặt nơi biên cương. Trăng biên cương sáng vằng vặc, soi tỏ vào từng khuôn mặt lấp lánh. Đứng ở điểm cao 407, nhìn sang tay sang trái, trên quả đồi là cột mốc 1316 làm bằng đá hoa cương đặc lấp lánh dưới trăng bàng bạc. Anh thấy lòng mình ấm áp, như được tiếp thêm sức mạnh “Nam quốc sơn hà”. Giữa đồi núi chập chùng, chỉ có mây bay, gió ngàn hun hút, cái giá rét như chích da, dùi thịt, nhưng anh và đồng đội chỉ có tấm lưng dựa vào nhau đêm canh mốc. Cầu mong mọi người có giấc ngủ bình yên và em của anh không phải giật mình trong giấc mơ chập chờn, sợ hãi. Giản dị vậy thôi, cô giáo của anh ạ!
Ngày 18/2 anh đã tìm đến nghĩa trang nơi bố em yên nghỉ. Bác quản trang tốt bụng chăm sóc nghĩa trang cẩn thận, nhớ tên, quê quán từng chiến sĩ nằm đây. Anh thắp bó hương lớn cắm nơi đầu gió, nhờ gió chuyển cho tất cả các chiến sĩ đã hy sinh vì dải đất biên cương này. Trước mộ bố em, anh đã khóc. Lúc đó anh nghĩ nhiều về em. Anh không ngạc nhiên khi em có quyết định về nhận công tác ở đây.
Ngày 27 tháng 2: Thảo Hương của anh! Khi nào lên biên giới, anh sẽ đưa em lên chợ cửa khẩu. Cô giáo có biết “S. làm nhịt hội” là gì không? Tiếng dân tộc địa phương, có nghĩa là Hội chợ tháng 3. Tháng 3 của chúng ta có nhiều sự kiện phải không em? Có sinh nhật của riêng chúng mình, có ngày truyền thống của Bộ đội biên phòng, ngày thành lập Đoàn. Đơn vị chuẩn bị kỷ niệm ngày Bộ đội Biên phòng. Sáng nay, anh xin lãnh đạo Đồn đến phiên chợ. Chợ họp chợ từ 9h sáng đến 14h trong ngày. Hàng hoá trao đổi trong ngày chợ chủ yếu là các loại nông, lâm thổ sản do nhân dân trong vùng nuôi trồng được như: gia cầm; các loại dầu quế, hồi, sở, đặc biệt là mật ong rừng. Em có biết điều thú vị của phiên chợ? Ở đây, họ giữ giá bán từ đầu đến tan buổi chợ, không giảm mà cũng không tăng, nếu không bán được thì đem về đợi đến phiên chợ sau. Họ đến chợ không chỉ mua bán, mà chợ chính là nơi giao lưu. Anh tha thẩn đến các góc chợ để xem thanh niên nam nữ đánh quay, đánh gụ, hát đối “Then”, đối “Soóng Cọ”, đối “Gọi bạn”... Một anh bạn cho biết, trước ngày về chợ, nam nữ chuẩn bị một bộ quần áo thật đẹp, vì với họ về chợ là cả một ngày hội, họ tha hồ thả sức vui chơi giải trí sau một thời gian lao động mệt nhọc, và đây còn là một dịp để tự tình qua lời ca tiếng hát. Không ít những cặp trai tài, gái sắc qua những phiên chợ mà nên vợ nên chồng trọn đời hạnh phúc bên nhau. Trai gái ở đây khôn thật, họ thử tài nhau, tìm hiểu, hẹn hò, chờ đợi…t rong ngày hội chợ chỉ qua tiếng hát. Anh tìm mua cho em một đôi gối dựa lưng mỗi khi em ngồi xem tivi và chăn thổ cẩm. Anh chọn họa tiết hoa văn, trang trí hình quả hồi 8 cánh trên váy áo phụ nữ Tày, Nùng mà các nhà văn hóa gọi là chọn hoa văn hoa hồi.
Không gian nơi anh đóng quân phảng phất hương hồi. Bản Phai Lầu trải dọc theo biên giới 5 – 6 km, bà con phơi hồi rải kín các khoảng sân trước nhà, tràn ra cả đường...
Ngày 29/2: Em thân yêu! Dải đất biên cương chúng ta rất đẹp, rất giàu. Anh đã tận mắt ngắm nhìn cây quế giữa rừng – thứ cây không dễ gặp hàng ngày. Quế sống ở rừng nhiệt đới, rất thích hợp với vùng biên cương. Cô giáo của anh chưa từng thấy quế, nhưng đã giảng rất hay: Em như cây quế giữa rừng-Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay. Nhưng em ơi, từ câu thơ vốn quen còn thêm nhiều dị bản. Sắc hương và phẩm chất cao quý của quế là kết quả của một quá trình khám phá và khẳng định. Đó là loại cây cho chúng ta chất dầu thơm cay dùng làm dược liệu quý. Nói quế, chẳng qua là để nói người, mượn quế để nói tới một cách sống đẹp khiêm nhường của con người: Ở sao như quế trên rừng-Thơm không ai biết, ngát đừng ai hay. Một phẩm chất tinh thần khác nữa của quế là sự gắn bó với cội rễ, lòng chung thủy trước sau như một: Ở sao như quế trên non-Trăm năm khô rụi, vỏ còn dính cây. Tình nghĩa gắn bó giữa người với người được lấy quế ra làm ẩn dụ: Hai ta đang nhớ đang thương-Ai về phân quế rẽ hương cho đành...Và chung quy nói quế vẫn là để nói người, phải không em. Anh thích văn học cũng bởi từ em. Anh đã chiêm nghiệm câu nói của ông nhà văn Xô viết “Văn học là nhân học” em đã dẫn nhiều lần trong bài giảng. Quế và người khiến anh suy nghĩ mãi.
Anh đã chuẩn bị món quà sinh nhật từ chất liệu quế. Nó sẽ tỏa hương đậm đà, nồng nàn bên em. Nó là quế nhưng cũng là anh đấy. Thảo Hương hãy cảm nhận. Một người như thế có xứng đáng được sống bên em trọn đời?
Ngày 1/3: Mấy ngày nay đơn vị anh chuẩn bị kỷ niệm ngày truyền thống của bộ đội biên phòng. Bận vô cùng, nhưng vui. Anh tự biên, tự diễn tham gia một tiết mục đọc tấu. Ai cũng khen. Mấy cô giáo trong xã tíu tít nhờ anh thiết kế chương trình 8/3 sắp tới cho trường.
Chiều nay gọi điện báo tin em biết, ngày sinh nhật chúng mình anh sẽ về Hà Nội dự Đại hội thanh niên. Nghe giọng nói của em, anh lúng túng quên mất nhiều điều muốn nói, diễn đạt cứ lung tung. Anh chẳng hiểu mình đã nói gì. Nhìn bộ dạng anh lúc đó, em có cười chê không? Trước đó Tùng-thằng bạn thân đã tư vấn cho anh, nhưng chẳng hiểu sao lưỡi anh bị cứng lại. Nó đứng cạnh anh ra điệu bộ, ghi những nội dung cần thông tin... Anh như vậy đó Thảo Hương - thô mộc thôi nhưng chân thật. Em hãy lắng nghe mới thấu được thanh âm trong trẻo ấy.
Anh đếm từng giây phút được gặp em, ấp iu món quà sinh nhật, chờ được tặng em. Cuộc đời đã ban tặng cho hai đứa cùng một ngày sinh 3 tháng 3 những điều kỳ diệu. Anh cám ơn ông Trời đã cho anh được gặp em, yêu em. Mong và nhớ em đến nao lòng, lúc nào cũng vậy. Em có biết những điều chưa nói trong anh? Đơn vị có lệnh đặc biệt... Tạm biệt em yêu dấu... Hẹn gặp em... Anh sẽ nói...
* *
*
Thảo Hương ngồi lặng hàng giờ bên mộ Sơn. Gió nồng ấm quện hương hồi hương sở. Cô rải kín mộ anh một rừng hoa phượng vĩ, từng bông rắc trên mặt đất thấm màu máu. Sơn thân yêu! Cậu học trò quỷ sứ và ngốc nghếch của em. Chưa một lần Sơn được nghe, được biết tiếng gọi đó. Nhưng thực ra nó đã ngự trị trong em từ rất lâu rồi. Chỉ có điều đến bây giờ Sơn mới biết lòng em dậy sóng. Bây giờ và mãi mãi về sau, triệu triệu lần em sẽ nói thay Sơn tiếng trái tim em thì thầm, da diết. Sơn có nghe thấy tiếng em gọi. Nó vắt ra từ trái tim rớm máu, Sơn ơi. Em đang gần Sơn lắm, nhớ Sơn đến oặn lòng, nhớ đến tan nát, đớn đau. Nhớ những trò nghịch ngợm, ma quỷ, nhớ gương mặt lạnh lùng, phớt, nhớ cả kiểu nói, kiểu nhìn... của Sơn. Chúng mình đã giấu cái “tình trong như đã”, chưa đủ can đảm bước qua, cái rào cản, khoảng cách vô hình. Đất nước có biên giới, nhưng tình yêu thì không bao giờ có khái niệm đó, phải không? Chỉ một bước thôi, dũng cảm dấn lên, sẽ chẳng còn một vách ngăn nào cả. Sơn thân yêu suốt đời em! Em đã về đây, ở bên Sơn, thật gần, gần lắm. Trường em dạy ở trung tâm huyện, cách dây vài cây số, em có thể đến thăm Sơn bất cứ khi nào. Lúc vui cũng như khi buồn, em sẽ đến bên Sơn. Nước sông biên cương hôm anh đi đã tan giá để sưởi ấm cho trái tim đập khắc khoải. Sơn còn lạnh không? Em tin sẽ chẳng bao giờ Sơn thấy lạnh lẽo và cô đơn cả. Em sẽ gom nắng vàng biên cương sưởi ấm cho chàng trai biên phòng dũng cảm của em. Nhiều người ngạc nhiên trước quyết định của em. Chắc Sơn cũng không mong em đã hướng đời mình như vậy. Bà ngoại sụt sùi lo cho em thân gái dặm trường ở nơi biên giới xa xôi, hun hút, lại còn chuyện chồng con. Chỉ có mẹ hiểu nguyện ước của em. Nhưng em cảm nhận được bao nỗi lo âu hằn trên gương mặt mẹ.
Sơn dấu yêu của lòng em! Cánh phượng sẽ đến bên Sơn, xoa dịu nỗi đau của người chiến sĩ biên phòng giàu nghị lực dâng hiến của em. Phượng hồng sẽ luôn ở bên Sơn vỗ về, chở che, nhắc với chúng ta về những kỷ niệm thuở học trò không thể nguôi quên. Sơn mãi là cậu học trò tinh nghịch của em. Nơi Sơn yên nghỉ là rừng quế, rừng hồi tỏa hương kỳ diệu. Những bông sở trắng muốt sẽ rắc mưa tuyết xốp. Anh và những chiến sĩ biên phòng bình dị dám nhận gian khổ, chấp nhận hy sinh bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ Quốc vĩnh viễn nằm trong lòng đất mẹ, ôm chặt rải đất biên cương này. Bên anh là nhân dân, là đồng đội, và còn có cả em. Dải đất biên cương thiêng liêng sẽ hát những bản tình ca bất diệt, gió thì thầm bên anh những huyền thoại kỳ diệu chỉ có ở đất nước thơ ca, nhạc họa này mới có. Em sẽ hát ru anh giấc ngủ ngàn năm bằng tiếng lòng da thiết, mênh mang: Sơn thân yêu suốt đời em. Đừng bao giờ Sơn buồn về những điều chưa nói. Cái tình trong như đã quyện hòa máu thịt trong trái tim hai đứa. Em của Sơn từ rất lâu rồi. Thật tuyệt vời, chúng mình có một ngày của riêng đáng nhớ, khắc sâu tâm khảm: Ngày 3 tháng 3../
Lê Thị Bích Hồng