Thứ Bảy, 21/9/2024
Sáng tác
Thứ Ba, 27/1/2009 21:14'(GMT+7)

Tết xưa trong phố

Tết xưa Hà Nội

Tết xưa Hà Nội

Các ông lên Hàng Ngang, Hàng Đường mua vài củ thủy tiên để về tự tay hoặc cho các cô con gái rượu gọt, tỉa, chăm sóc cho nở hoa đúng đêm giao thừa. Rồi lên Hàng Lược (đã trở thành chợ hoa từ những năm 20 của thế kỷ XX) để mua hoa, cành đào, cành mai, chậu cúc, chậu quất bạt ngàn. Nếu muốn có trang phục mới thì các ông đến Cầu Gỗ mua khăn xếp bọc lượt hoặc đỏm dáng hơn thì bọc xa tanh, bọc nhung đen; lên Hàng dép (đoạn đầu Hàng Bồ) mua đôi giầy Gia Định hay lên Hà Trung mua đôi giầy "Tây" da bò thuộc nâu sẫm hoặc đen bóng.

Ngày ấy cũng đã có người mặc Âu phục, chủ yếu là các công chức và nhà buôn trẻ. Họ đặt may com-lê, len Đoóc - mơi từ mấy tháng trước ở các hiệu thợ may tây phố Hàng Đường, Hàng Ngang, thậm chí ở các cửa hiệu may của người Pháp từ đầu phố Ri-vie (Ngô Quyền) hoặc nhà Gô-đa. Họ còn mua thêm cả áo mặc ngoài (pa-đờ-xuy) bằng len Mông-tai-nhắc hoặc Toan-sa-mô (lông lạc đà) rồi mũ phớt và phu-la (khăn quàng) ở Hàng Bông, Hàng Gai, cà vạt và nơ đen ở Hàng Ngang, Hàng Đào. Lại lên Hà Trung (và sau này là Hàng Điếu) đóng giầy đen, giầy đơ-cu-lơ (hai màu) giầy ban (để đi nhẩy đầm). Các bà thì đến Hàng Đường mua bánh mứt, sang Hàng Hương (bây giờ là Hàng Đậu) mua hương trầm, hương xạ, hương bạch đàn, hương thẻ, hương vòng, sang Hàng Buồm, Hàng Cân mua bào ngư, long tu, vây cá. Không ít bà đến phố Hàng Quạt (nay là Lương Văn Can) lấy áo gấm, áo đoạn may đo từ dạo tháng 10 ở các cửa hàng của các ông phó may quê làng Trạch Xá (ứng Hòa) nổi tiếng một thời.

Các bà trung lưu thì cũng từ tháng 10 đã lên các hiệu người Hoa ở Hàng Ngang mua áo cố y về đem sửa để mặc ở trong áo đoạn, áo gấm cho ấm mà lại thêm nền nã. áo cố y bằng gấm thường là mầu xám nhạt do các cửa hàng người Hoa nhập từ Thượng Hải. Nguyên là bên đó có tục lệ ở các đám cưới thì gia chủ may hàng loạt một loại áo sang, đẹp coi như đồng phục cho họ hàng thân quyến. Xong hôn lễ thì bán đi, ai đó gọi là "cố y" tức áo cũ. Cũ nhưng rộng thùng thình và chỉ mới dùng có một lần nên gấm vẫn đẹp như mới, các cụ phó may Hàng Quạt khéo léo tháo cả ra rồi cắt may cho đúng kích cỡ của khách hàng.

Và thế là các bà cũng không quên đến Hàng Bạc "tắm" lại các đồ trang sức bằng vàng cho đỏ lên, cho đẹp sáng ra.

Nhưng đối với mọi nhà thì việc đầu tiên là phải nghĩ đến nồi bánh chưng. Gói bánh, nấu bánh, trông nồi bánh tới lúc bóc chiếc bánh đầu tiên ăn thử, đối với nhiều mái nhà là sự hiện hình của hạnh phúc. Tiếp đó là công việc gói giò, cầu kỳ thì tự giã lấy giò lụa, cầu kỳ hơn thì cho cắt trứng gà luộc xếp thành hình hoa chanh giữa lòng cây giò. Khi cắt ra mỗi lát giò như một cánh hoa. Nếu không thế thì mua giò ước Lễ bán ở khắp các chợ, chỉ còn phải gói giò thủ, giò chân, rồi kho khô một nồi cá, nấu một nồi thịt đông, muối một vại dưa hành để ăn với bánh chưng và dưa cải ăn với thịt đông. Ngoài ra còn phải lo mua nguyên liệu để làm cỗ, cỗ thì dù nhà nghèo cũng phải đủ giò, chả, măng, miến. Sang trọng thì có thêm bóng cá dưa, cá thủ, vây cá, bào ngư, long tu, tổ yến.

Ngoài cỗ mặn lại còn cỗ ngọt. Phải có nồi chè kho, chõ bánh gấc, bánh bẻ, chảo bánh vẽ, bánh khoai... và các loại mứt gừng, mứt quất, mứt sen...

Nhà bình dân thì cũng cố có nồi bánh chưng và các thức cúng trong 3 ngày Tết. Rồi quần áo mới, cho mình thì có thể không cần nhưng với các con nhỏ thì phải có. Một cái quần trúc - bâu, một cái áo dài Ba-ga là được. Vì còn phải nhiều thứ chi tiêu: Quà Tết cho bên nội, bên ngoại, Tết chủ cho thuê nhà, Tết các chủ nợ. Rồi cũng lên chợ Đồng Xuân (ngày ấy chợ Hôm đúng chỉ là chợ họp lúc chiều hôm), mua sắm tí chút thực phẩm, lên Hàng Mã mua vài cành hoa giấy, sang Hàng Bồ mua mấy đôi câu đối của các ông đồ già viết bày la liệt trên vỉa hè. (Tất nhiên là câu đối đỏ, nhưng nếu nhà nào có tang thì dùng màu vàng hay màu xanh lục) và như câu ca dao cổ: "Nhà ông dù giàu dù nghèo/Tối ba mươi Tết cũng có thịt treo trong nhà".

Thế là đến đêm 30 cúng giao thừa. Sáng mùng một thì các ông đi xông đất các nhà thân, không quên mang theo bánh pháo toàn hồng để tự tay đốt. Rồi con cháu về mừng tuổi ông bà, bố mẹ. Thân bằng cố hữu mừng tuổi nhau. Sau khi các ông về rồi thì đến lượt các bà đi lại mừng tuổi. Bữa cơm đầu năm dù giàu hay nghèo, nhà nào cũng vui vì "Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết...". Và thế là ba ngày Tết trôi qua sau những cuộc qua lại mừng tuổi, trong tiếng pháo nổ ran, trong các trò chơi công cộng quanh hồ Hoàn Kiếm như đánh đu, hát trống quân và các thú vui trong khuôn khổ gia đình như đánh bài, thường là bài tam cúc, cao hơn một tí thì tổ tôm, chắn hoặc bài tây, mạt chượt (một cách đánh bài của người Hoa). Nhà giàu mở kèn hát (máy quay đĩa) nghe hát chèo, hát ả đào.

Thực ra, mỗi gia đình một cảnh riêng, chỉ trẻ em thì tất cả đều mừng vui, vì có manh áo mới, có tiền mừng tuổi, không bị ai mắng mỏ trong ba ngày Tết.

Phong tục Tết Nguyên đán cổ truyền ở Hà Nội hồi đầu thế kỷ XX là thế. Chỉ từ giữa thế kỷ đó mới đổi thay rất nhanh. Thời tạm chiếm một cung cách trộn lẫn cũ mới, rồi thời hòa bình sinh hoạt đời sống mới, thời chống Mỹ (bao cấp) với rất nhiều khó khăn, thời thống nhất (kinh tế thị trường) bung ra nhiều sắc thái.

Thì đó cũng là qui luật của phát triển. Có điều là dù thế nào thì nhân dân nói chung vẫn giữ được cái căn cốt là "Tết phải có văn hóa". Văn hóa Tết phải nâng con người lên, giúp con người đẹp và sang cả về trí tuệ lẫn hình hài./.

Theo Nguyễn Vinh Phúc (Bao HA NOI MOI)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất