HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CƠ SỞ
Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng thực hiện việc củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở nhằm xây dựng bộ máy đồng bộ, tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn.
Thành ủy Thủ Đức và các quận ủy, huyện ủy đã chỉ đạo đảng ủy cấp xã nhanh chóng rà soát và có giải pháp hợp lý trong việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là kịp thời bổ sung các chức danh còn khuyết trong cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể… Gắn với công tác quy hoạch, nhiều cấp ủy đã chú ý tăng cường cán bộ trẻ giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở cấp xã bảo đảm hài hòa về độ tuổi trong cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Nhiều nơi quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, nhân sự lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, bảo đảm số lượng, cơ cấu, đồng thời phát huy tốt vai trò của đoàn viên, hội viên trong các hoạt động tại cơ sở, trong đó, có công tác phòng chống dịch. Có nơi chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt trong số các đoàn viên, hội viên để làm hạt nhân cho các phong trào, các hoạt động, từ đó, thu hút, định hướng, dẫn dắt đoàn viên, hội viên khác và quần chúng tham gia. Đặc biệt, một số địa phương đã tổ chức lại các lực lượng như tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận…, có khi để một số người lớn tuổi phải gánh vác nhiệm vụ quá lâu mà không có người thay thế…
Nhiều cấp ủy đã quan tâm, động viên tinh thần và chăm lo các chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên cấp xã, các cán bộ khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân. Với những người có nhiều đóng góp, đã công tác lâu năm, có uy tín trong cộng đồng…, nhiều địa phương đã có các hình thức biểu dương phù hợp để động viên, khích lệ tinh thần họ, nhất là gắn với hoạt động biểu dương trong dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Chẳng hạn, trong số các điển hình được biểu dương cấp thành phố, có nhiều điển hình ở khu phố, như Chi bộ khu phố Lân Ngoài, phường Long Phước (Thủ Đức); Chi bộ khu phố 13, Phường 3 (quận Gò Vấp); Ban Nhân dân ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn); Chi bộ Khu phố Hưng Thạnh, thị trấn Cần Giờ (huyện Cần Giờ); bà Võ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng khu phố 4, phường Tam Bình; bà Đồng Thị Nở, Bí thư Chi bộ khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú B; ông Nguyễn Văn Tươi, Phó Trưởng khu phố 2, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 2, phường Hiệp Phú (cùng ở thành phố Thủ Đức); bà Phan Kim Ril, Bí thư Chi bộ Khu phố 6, phường Cầu Kho (Quận 1); ông Khương Ngọc Khiết, Bí thư Chi bộ khu phố 1, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 4 (Quận 5); ông Đỗ Huy Vê, Phó Bí thư Chi bộ Ô khu vực 2, phường Tân Phong (Quận 7); bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Tổ trưởng Tổ dân phố - Mặt trận 33, Khu phố 3, Phường 28 (quận Bình Thạnh); bà Nguyễn Thị Châu, Phó Bí thư Chi bộ khu phố 1, Phường 7 (quận Phú Nhuận); bà Đỗ Thị Thảo, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 1, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 1 (quận Gò Vấp); ông Võ Hoàng Sơn, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 3, xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn)…
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC DÂN VẬN
Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, Thành phố đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận, tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân chấp hành các quy định, chỉ đạo về sự thích ứng trong điều kiện mới.
Nhiều tổ chức đảng đã tập trung vào nội dung tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân thành phố thực hiện hiệu quả kế hoạch tổng thể phòng chống dịch, đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, vận động, nắm tình hình người dân. Một số địa phương rất quan tâm các vấn đề còn tồn tại, vấn đề mới phát sinh trong công tác phòng chống dịch; đời sống, việc làm của người dân; các trường hợp bị ảnh hưởng sau dịch.
Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cấp ủy các cấp quan tâm đẩy mạnh công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tất cả các hoạt động. Trong đó, nhiều nơi phát huy trí tuệ, ý kiến, đóng góp của đội ngũ đảng viên ở địa bàn, gồm đảng viên đang sinh hoạt và công tác trên địa bàn và đảng viên sinh hoạt nơi cư trú, cùng hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, các tổ chức tôn giáo, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng đồng hành với các hoạt động của địa phương, nhất là trong việc hỗ trợ người thuộc nhóm yếu thế.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai trong các cơ quan hành chính, gắn với các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch, thực hiện chủ đề hằng năm của thành phố. Thành phố rất chú trọng công tác cải cách hành chính sao cho linh hoạt, hiệu quả, tiện lợi, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, đáp ứng kịp thời và tích cực hơn yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các đồng chí lãnh đạo thành phố luôn khẳng định chính quyền phải thực sự đồng hành với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm khôi phục và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn trật tự an ninh trên địa bàn. Sau dịch, chính quyền các nơi đã quan tâm thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp, đào tạo nghề cho người lao động…
Hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở được khuyến khích sử dụng mạng internet, mạng xã hội để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều nơi duy trì và phát huy các nhóm trên mạng xã hội (ở tổ dân phố, khu phố, các đoàn thể…) để kịp thời thông tin đến các nhóm dân cư về các vấn đề của địa phương, đồng thời, tạo sự phản hồi nhanh chóng, tiện lợi các nguyện vọng của người dân; sử dụng các trang mạng xã hội để phổ biến chủ trương, phản bác thông tin sai trái…; dùng các sản phẩm truyền thông đa phương tiện có tính tác động nhanh và trực tiếp.
ĐỀ CAO TÍNH THUYẾT PHỤC CỦA CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN
Từ thực tiễn của Thành phố, nhiều địa phương, đơn vị đã quán triệt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về tư tưởng, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là kiên định thực hiện mục tiêu kép là phòng chống dịch hiệu quả, đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Với những kết quả rất khả quan trong 5 tháng đầu năm 2022, công tác tuyên truyền đã thuyết phục của người dân về những thành tựu đạt được của đất nước, của Thành phố trên các lĩnh vực.
Công tác tuyên truyền cũng đã tiếp tục phản ánh công tác phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước, của Thành phố trong giai đoạn mới, đặc biệt, trong gần 2 tháng qua, các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội đều rất khả quan. Điều đó cho thấy, đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong việc tháo gỡ và vượt qua các khó khăn, từng bước giải quyết có hiệu quả các vấn đề an sinh, an toàn xã hội, bảo đảm đời sống và sức khỏe nhân dân, việc phục hồi kinh tế - xã hội - văn hóa… Nhiều nơi đã có nhiều cách làm hay để giới thiệu, làm lan tỏa các mô hình, giải pháp phù hợp, có tác động xã hội tích cực, các biểu hiện thích ứng linh hoạt, các sáng kiến, sáng tạo có hiệu quả…
Công tác tuyên truyền đã tiếp tục tô đậm các điểm sáng trong công tác phòng chống dịch, như tinh thần nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết của người dân Thành phố nói riêng và nhân dân cả nước nói chung; thể hiện tình cảm trân quý đối với sự hợp tác, giúp đỡ tích cực của bạn bè quốc tế, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài trong công tác phòng chống dịch; đề cao tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên và khắc phục mọi khó khăn… Trong đó, sự tận tụy, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở, trong việc chăm lo cho nhân dân, nỗ lực quản lý, điều hành việc thích ứng linh hoạt… cũng đã được đề cao.
Hệ thống tuyên giáo đã quan tâm đến việc nắm bắt các thông tin sai trái, xấu độc về công tác phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế, cũng như tất cả các nội dung liên quan đến công tác lãnh đạo, điều hành của chính quyền các cấp, của Đảng và Nhà nước, đồng thời tăng cường các giải pháp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở CƠ SỞ
Trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố, ngay từ cuối năm 2021, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng thời ban hành 3 văn bản quan trọng gồm Kế hoạch số 87-KH/TU về nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng bộ thành phố; Kế hoạch số 88-KH/TU về củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở; Kế hoạch số 89-KH/TU về tăng cường công tác dân vận. Tinh thần chung của các văn bản này là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá kết quả thực tiễn, từ đó mạnh dạn đề ra các giải pháp để khắc phục các tồn tại của Đảng bộ thành phố, nhất là trong vấn đề xây dựng hệ thống chính trị.
Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để củng cố, xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Trong đó, thành phố tập trung củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, giỏi nghiệp vụ, chuyên môn, gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị tốt đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Chú trọng việc khơi dậy ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Cấp ủy cấp trên cơ sở lãnh đạo chi bộ, đảng bộ trực thuộc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; duy trì tốt chế độ sinh hoạt và nâng cao chất lượng, nội dung sinh hoạt chi bộ tập trung vào những vấn đề cụ thể, thiết thực gắn với tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên tích cực học tập, nỗ lực làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao ý thức trách nhiệm và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát cũng được chú trọng, nhất là trong việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, các quy trình thực hiện kiện toàn nhân sự của hệ thống chính trị cơ sở để phòng ngừa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện các quy định về công tác cán bộ, gắn liền với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đại hội chi bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2022 - 2025./.
Trịnh Minh Giang