Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 4/8/2009 13:52'(GMT+7)

Nước sâu nhưng trong nên nhìn thấy đáy

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

1. Đam mê và tỉnh táo

Cách đây bốn thập kỷ, khi tôi mới là sinh viên Khoa Văn của Trường đại học Sư phạm Hà Nội I, thầy chủ nhiệm khoa Lê Trí Viễn đã nói với chúng tôi rằng: "Các anh các chị học văn phải say như mê gái ấy". Đấy là thầy chân tình và nói nôm vậy. Chúng tôi hiểu, đã bước vào thế giới văn chương thì phải đam mê. Tình yêu trai gái quả là một sự đam mê đặc biệt.

Đại văn hào Nga Lép Tônxtôi đã nói: "Kìa, hãy nhìn những người yêu nhau, họ là những thiên tài". Mặt tích cực của tình yêu làm người ta thông minh, giàu sáng tạo hơn nhiều lúc bình thường. Không có tình yêu đối với đối tượng sáng tác thì làm gì có cảm hứng sáng tạo văn chương.

Chính sự đam mê trong sáng tạo văn chương sẽ dẫn dắt người sáng tác đến những thành công bất ngờ làm chính nhà văn, nhà thơ nhiều khi cũng ngỡ ngàng là mình có thể viết được như thế. Vì vậy, có người lại quá nhấn mạnh là những trang viết trong vô thức thì mới hay.

Chúng ta không phủ nhận giá trị của những yếu tố từ vô thức. Nhưng tôi cho rằng nếu hoàn toàn vô thức thì dễ dẫn đến sự mê muội. Những sáng tạo xuất thần phải chăng là phút thăng hoa ở giữa hai bờ ý thức và vô thức? Có nghĩa là từ sự sáng tạo của trí tưởng tượng bay bổng nhưng vẫn có sự dẫn dắt của lý trí. Chỉ đam mê sẽ lệch lạc, chỉ tỉnh táo sẽ khô cứng. Tác phẩm văn chương phải được ra đời từ cả sự đam mê và tỉnh táo.

Khi nhà thơ Chế Lan Viên viết: "Hỡi sông Hồng, tiếng hát bốn nghìn năm/ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?", phải là từ sự đam mê lớn, nhưng cũng phải tỉnh táo thấu suốt lịch sử... Viết tác phẩm "Chiến tranh và hòa bình" dày hơn 2.000 trang sách, L.Tônxtôi cũng phải đam mê trong một thời gian dài. Ông đắm mình vào thế giới nhân vật.

Quá trình phát triển, nhiều nhân vật đã có suy nghĩ và hành động khác với ý định ban đầu của ông. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là những nhân vật "nổi loạn". Có phải như vậy chăng? Nhân vật chính là những đứa con của nhà văn. Mọi suy nghĩ và hành động của nhân vật đều từ nhà văn mà ra. Nhà văn phải để nhân vật phù hợp với lôgíc khách quan. Nhà văn phải đắm mình sống cuộc đời nhân vật thì nhân vật mới có sức sống.

Thi sĩ Tố Hữu viết: "Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều" là vì vậy. Chứ làm gì có nhân vật vượt ra ngoài sự kiểm soát của nhà văn? Nhà văn vừa đam mê, vừa tỉnh táo để sáng tạo nhân vật của mình một cách tự nhiên và khách quan. Không thể có sự mâu thuẫn giữa nhân vật và nhà văn, nếu có thì đấy chỉ là sự đấu tranh trong chính nhà văn để lựa chọn sự đúng đắn nhất khi thể hiện.

Viết phê bình văn chương cũng phải đam mê như thế. Tức là nhà phê bình phải nhập vào tác phẩm, sống với hình tượng thơ, hình tượng nhân vật của tác giả. Phải tìm hiểu, phải khám phá thế giới hình tượng, thế giới nhân vật. Có thế mới sáng tạo nên những tác phẩm phê bình có sức sống, có sức thuyết phục đối với nhà văn và độc giả.

Chứ đâu phải cứ đọc xong là phán. Nhà phê bình Hoài Thanh là một mẫu mực khi ông đắm mình vào tác phẩm "Điêu tàn" của Chế Lan Viên: "Tôi cầm bút viết bài này thì văng vẳng bên tai tôi giọng ca Nam Bình đưa sang từ nhà bên cạnh. Giọng ca âm thầm ai oán, mỗi lần tôi nghe lại khiến lòng tôi bồn chồn, chân tay tôi rời rã...".

Đấy là đoạn mở đầu. Còn đây là phần cuối: "Cái mạnh mẽ, cái to lớn ấy, những đau thương vô lý mà da diết ấy, cái thế giới lạ lùng và rùng rợn ấy, ai có ngờ ở trong tâm trí một cậu bé mười lăm mười sáu tuổi? Cậu bé ấy đã khiến bao người ngạc nhiên. Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở giữa thế kỷ hai mươi, nó đứng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật"...

Đam mê và tỉnh táo luôn đi liền với nhau là yêu cầu đối với mọi văn nghệ sĩ. Tất nhiên không phải lúc nào đam mê và tỉnh táo cũng ở trong trạng thái thăng bằng. Sự cân bằng thái quá và nghiêm chỉnh thái quá thì đâu còn nghệ thuật.

Nhưng những năm gần đây, quan sát những tác phẩm văn chương mới ra đời, xu hướng tỉnh táo có phần lấn át sự đam mê. Đó là một điều đáng lo ngại. Tức là sự khô khan, tỉnh táo của cơ chế thị trường đã ảnh hưởng đến sáng tác văn chương, mà đáng lẽ quy luật sáng tạo văn chương là phải ngược lại: đam mê nhiều hơn tỉnh táo.

2. Độ nông sâu của nghệ thuật

Độ nông sâu trong cuộc sống tôi cũng thấy cha ông ta nói đến nhiều. Nội dung của nó tất nhiên là để hướng tới độ sâu, mà như bây giờ chúng ta thường gọi là chất lượng cuộc sống. Độ nông sâu của cuộc sống không phải là sự đầy đủ hay thiếu thốn, nhiều hay ít, cao hay thấp, đa dạng hay đơn điệu... mà độ nông sâu có ý nghĩa triết học, sâu sắc và hướng tới chân lý.

Còn gì sâu hơn lời dạy của ông cha ta đối với mỗi con người: "Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa". Vâng, tu tại gia mới là khó nhất, chứ vào chùa thì chỉ việc ăn chay niệm phật, gõ mõ tụng kinh, sẽ dễ hơn tu tại gia nhiều. Đó là một thái độ sống cao nhất, có trách nhiệm với mọi người, với cuộc đời.

Ông cha ta còn dạy cả thái độ ứng xử của người quân tử, vẫn với lời khuyên nhập thế, giống như khuyên tất cả mọi người ở câu trên: "Ẩn giữa núi rừng chỉ là tiểu ẩn, ẩn giữa triều đình mới là đại ẩn". Bởi trốn đời, thì còn làm gì được cho đời, mà phải ở giữa cuộc đời, ở trung tâm cuộc đời mới có thể có thời cơ cứu nhân độ thế. Cũng từ dòng ý nghĩ cao sâu ấy mà đại thi hào Nguyễn Du đã viết: "Tài tri vô tự thị chân kinh" (Mới hay không chữ chính là chân kinh)...

Ở điểm này, ứng vào thế giới văn chương nghệ thuật, Tố Như tiên sinh đã chạm tới độ sâu sắc nhất. Ở phía tây bán cầu, đại văn hào nước Anh Sếchxpia, qua lời Hoàng tử Hămlét trong vở kịch cùng tên, đã nói: "Chữ, chữ, toàn là chữ...". Vâng, văn chương nghệ thuật phải không còn chữ thì mới là văn chương. Nhưng làm thế nào để cho chữ biến đi thì không phải là chuyện dễ. Muốn làm cho chữ biến đi phải làm cho chữ lung linh, chữ có hồn chứ không phải là làm xiếc chữ nhào lộn, lật ngược. Làm xiếc chữ nhào lộn thì chữ không biến đi mà nó thành những chữ kỳ quái, chữ ma, dị hình dị tướng.

Theo tôi, muốn làm cho chữ biến đi thì tất cả phụ thuộc vào tài năng. Danh họa Picátsô (Tây Ban Nha) chỉ ký họa chim hòa bình bằng một nét bút mà có giá trị hơn nhiều những bức phù điêu hoành tráng cùng đề tài. "Chim hòa bình" của Picátsô đã bay từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, nó không còn là chữ, là màu nữa.

Thực ra thì các vĩ nhân cổ kim đông tây cũng đều thống nhất với nhau thôi. Thời hiện đại, thi sĩ Chế Lan Viên cũng viết:

Chỗ này sâu ư? Không, chỉ là nước đục ngầu
Chỗ này cạn ư? Không, chính vì nước trong nên ta nhìn thấy đáy
Chỗ sâu cạn trong thơ là thế đấy!

Một thời các nhà sáng tác và phê bình văn chương đã trao đổi và tranh luận mục đích của văn chương là phản ánh hiện thực hay chiêm nghiệm hiện thực? Thực ra thì mục đích của văn chương không phải để phản ánh hiện thực, cũng không phải là để chiêm nghiệm hiện thực, mà nó phải là tấm gương phản chiếu thời đại, mà là phản chiếu theo đặc tính của văn chương. Đó là độ sâu của những tấm gương nghệ thuật.

Đừng bắt nó phải như thật. Còn tất nhiên nó phải đẹp. Đẹp nhưng không phải do tô điểm. Những tác phẩm đạt đến mức là tấm gương phản chiếu thời đại không nhất thiết phải là những tiểu thuyết có dung lượng đồ sộ, mà là những tác phẩm mang tâm hồn điển hình của thời đại ấy, dưới một hình thức nghệ thuật đặc sắc. Như: "Tắt đèn" (Ngô Tất Tố), "Điêu tàn" (Chế Lan Viên), "Số đỏ" (Vũ Trọng Phụng), "Nhật ký trong tù" (Hồ Chí Minh), thơ Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Tố Hữu...

Còn các nhà phê bình văn chương nghệ thuật cũng vậy. Từ xưa, ở lĩnh vực này, các danh nhân đã chỉ ra: "Đọc bằng mắt thì văn chương chỉ thấm vào da thịt; đọc bằng tâm thì văn chương thấm vào gan ruột; đọc bằng thần thì văn chương thấm vào cốt tủy".

Có thể thấy, nhiều bài đọc sách tràn lan trên các báo chỉ là những bài đọc bằng mắt. Nó ở độ nông nhất của phê bình. Những bài phê bình ở các chuyên mục "Tác phẩm và dư luận" của một số tờ báo, tạp chí chuyên ngành văn chương, có nhiều bài đọc bằng tâm. Còn những bài phê bình đọc bằng thần thì tôi thấy rất hiếm. "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh chính là những bài đọc bằng thần vậy.

Thực ra, trong một nền văn chương cũng không có được nhiều tác phẩm là "tấm gương phản chiếu thời đại" và cũng không có được mấy tác phẩm phê bình đạt đến mức "đọc bằng thần". Đó là những tác phẩm đạt độ sâu nhất của nghệ thuật. Nhưng làm sao để sáng tác và phê bình có được những tác phẩm như thế luôn là đích hướng tới.

Thế kỷ XX, ở Việt Nam, những tác phẩm văn chương đạt ở mức là "tấm gương phản chiếu thời đại" chỉ có độ vài ba chục tác phẩm. Còn tác phẩm phê bình đạt ở mức "đọc bằng thần" thì ngoài "Thi nhân Việt Nam", tôi chưa thấy có tác phẩm thứ hai./.

(Theo: Đinh Quang Tốn/CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất