Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 11/11/2012 16:24'(GMT+7)

Môi trường âm nhạc cho tài năng trẻ

Hải Phượng và Vân Anh- những nghệ sĩ tài năng của âm nhạc dân tộc Việt Nam

Hải Phượng và Vân Anh- những nghệ sĩ tài năng của âm nhạc dân tộc Việt Nam

  Em bé sinh ra không còn được bao bọc trong tiếng hát ru mênh mang cánh cò, tựa như cách tiếp nhận bài học âm nhạc đầu đời của phần lớn các nhạc sĩ tân nhạc thế hệ đầu đàn. Bé lớn lên không cùng với tiết tấu đồng dao bình dị mang lại bài học đơn giản nhất về kỹ năng sống, cũng không cùng điệu lý điệu hò dân dã thấm dần vào cảm nhận tự nhiên về cái đẹp. Thay vào đó bé có những bài hát mới - những khúc ca mang ký ức tuổi thơ theo suốt đời người, trong đó đa phần là bài hát ngợi ca những điều lớn lao cao cả mà bé không hiểu hết ý nghĩa.

Nếu bé có chút năng khiếu ca hát là điều đáng mừng và cũng thật đáng lo. Thiên thần ca hát có thể biến thành nạn nhân của người lớn với mục đích kiếm lời và kiếm danh. Trong các chương trình truyền hình thiếu nhi, bé được ăn mặc, trang điểm, đánh hông, liếc mắt chẳng khác ca sĩ thị trường. Trên sân khấu, trên mạng thiếu gì hình ảnh các cậu bé cô bé hát lời yêu đương gian dối giận hờn! Bé sớm chia tay với vẻ hồn nhiên trẻ thơ, nhất là khi bị biến thành con rối trong cuộc chạy đua của phụ huynh ở các cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ trên truyền hình.

Ca khúc cho tuổi học trò đã ít lại không mấy phù hợp. Sớm nắm bắt kỹ nghệ tin học, bé có thể tự thu thanh thu hình và quảng bá sản phẩm trên mạng. Giọng hát non nớt, kiến thức âm nhạc lõm bõm, giai điệu sao chép, lời ca nhạt nhẽo - chẳng sao cả, nhạc teen vẫn gây sốt trên mạng xã hội đó thôi! Chỉ cần ngoại hình dễ thương và chút khả năng vũ đạo là các cô bé cậu bé dễ dàng trở thành công chúa, hoàng tử bong bóng xà phòng. Không có sự đầu tư uốn nắn của các tổ chức quản lý âm nhạc chuyên nghiệp, nhạc teen bị thả nổi hoàn toàn, món ăn tinh thần vô bổ chẳng mấy biến thành độc hại với những chiêu gây sốc nhảm nhí bệnh hoạn.

Nếu bé được gia đình có điều kiện sớm đưa vào môi trường âm nhạc chuyên nghiệp thì quả là may mắn nhưng cũng chưa hẳn là chẳng có gì đáng lo ngại nữa. Trong xu thế chú trọng thành tích của căn bệnh hình thức thời nay, bé có thể phải đánh đổi tuổi thơ để được chăm bẵm kiểu “nuôi gà nòi” với vài bài tủ làm vốn tham dự các cuộc thi khu vực, thậm chí quốc tế. Đó là chưa kể sự săn đón quá sớm quá đà quá bốc đồng của các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay đôi khi lại gây hậu quả tệ hại cho sự phát triển năng khiếu ở bé.

Nếu bé có cơ may được ra nước ngoài tu nghiệp thì mầm non càng tiến xa hơn càng dễ đi tới nguy cơ “chảy máu” tài năng trẻ, bởi sau khi được đào tạo đến nơi đến chốn, các tài năng trẻ thường chọn phương án đất lành chim đậu, chứ trở về nước mấy ai có điều kiện hành nghề hợp với tài năng của mình.

Môi trường âm nhạc ở ta là vậy, mất cân đối và quá nhiều bất cập trong giáo dục đại chúng và đào tạo chuyên nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới mặt bằng dân trí cũng như sự phát hiện và nuôi dưỡng tài năng trẻ.

Ca sĩ chuyên nghiệp không được học kỹ năng biểu diễn sân khấu nên không cạnh tranh nổi với dàn “sao” ca nhạc thị trường tuy kém phần thanh nhạc, thậm chí nốt nhạc bẻ đôi chả biết nhưng lại mạnh về “phần nhìn”. So với cát-xê cao ngất ngưởng của các “sao” nhạc thị trường thì cái giá của ca sĩ nhạc chính thống chỉ là cò con, chưa kể thù lao cho nhạc công giao hưởng và nghệ nhân nhạc cổ còn bèo bọt hơn nhiều.

Âm nhạc cần kinh doanh nên các chương trình showbiz bao trùm lên mọi sinh hoạt âm nhạc. Các thần tượng ca nhạc ăn khách được công chúng biết đến nhờ những yếu tố “ngoài âm nhạc” nhiều hơn là tài năng thực của họ.

Truyền hình cần kinh doanh nên ngày càng nhiều hơn các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca nhạc theo kiểu ăn xổi và các chương trình được tài trợ hẳn nhiên chất lượng phải chiều theo thị hiếu bình dân của doanh nghiệp tài trợ.

Báo chí cũng cần kinh doanh nên không ngớt quảng bá những gì liên quan đến nhạc giải trí, kể cả thứ nhạc gây sốc kiểu nhạc nhái, nhạc chế, nhạc teen, nhạc rác, nhạc té ghế, nhạc thảm họa…

Tình trạng bát nháo các giá trị thật giả dẫn đến lệch chuẩn, loạn chuẩn trong thẩm mỹ âm nhạc ở giới trẻ đang góp phần làm cô lập, chìm khuất những tài năng thực sự.

Song, tài năng thực sự không hoàn toàn mất đi. Những tài năng có bản lĩnh luôn biết nắm bắt mọi cơ hội để phát huy. Môi trường tự học hỏi cho giới trẻ thời đại công nghệ thông tin toàn cầu vô cùng rộng mở. Thông tin, kiến thức, kho tàng âm thanh để thưởng thức là vô tận.

Qua internet, nhạc sĩ trẻ trong mọi lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, đào tạo và lý luận không những được tiếp cận với tinh hoa thế giới dễ dàng mà còn có cơ hội quảng bá tác phẩm mới, trao đổi video-clip để nhận được những góp ý đa chiều từ cộng đồng mạng.

Thế giới phẳng mang đến cho họ những người thầy và công chúng từ các quốc gia khác nhau. Sự sẻ chia qua mạng, cả lời khích lệ lẫn phê phán đều giúp cho tài năng trẻ thời a-còng không còn đơn độc, cho dù họ có bị cô lập ngoài đời đi nữa. Thế giới ảo có tác động không ảo, vấn đề là biết chọn lọc cái hay, cái lợi cho mình.

Nhà quản lý văn hóa nghệ thuật có tâm, có tầm hẳn nhìn ra ý nghĩa to lớn của internet mà đặt lòng tin vào tuổi trẻ.

Nguyễn Thị Minh Châu-SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất