Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 24/11/2012 19:48'(GMT+7)

Di sản Quan họ ở Bắc Giang - Tình yêu và sức lan tỏa

Chuẩn bị vào canh hát Quan họ.

Chuẩn bị vào canh hát Quan họ.

Trong số các giải pháp được triển khai thực hiện, việc truyền dạy trong gia đình, các câu lạc bộ vẫn là giải pháp hiệu quả nhất, phù hợp tính chất truyền khẩu của dân ca quan họ. Ðúng như mô hình bảo tồn mà tổ chức UNESCO đề xướng: bảo tồn tốt nhất là trong cộng đồng, trong chính môi trường diễn xướng của dân ca quan họ.

Lưu truyền qua các thế hệ trong gia đình

Dẫu chất giọng không còn khỏe, không còn vang như thuở mười tám đôi mươi, thế nhưng khi nghe cụ Nguyễn Thị Gái ở thôn Sen Hồ, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên hát, nếu không được tận mắt xem, nghe cụ hát, có lẽ rất khó tin đó là giọng ca của nghệ nhân đã bước sang tuổi 93.

Trước khi gặp cụ, tôi cũng đã từng nghe quan họ nhiều và cũng đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về những giá trị đặc sắc của loại hình dân ca này. Thế nhưng, đây là lần đầu tôi được trực tiếp nghe nghệ nhân cao tuổi hát quan họ. Sau những câu chào hỏi xã giao, cụ Gái cất lời ca "khách đến chơi nhà, đốt than quạt nước pha trà mời người xơi..." những câu hát trong bài Mời nước mời trầu, dân ca quan họ cổ bằng giọng lề lối, với tiết tấu chậm, rề rà của bài hát mở đầu và không thể thiếu của một canh quan họ. Giọng hát của cụ tuy không còn trong trẻo, nhưng chất chứa tấm lòng của người hát, người chơi quan họ vẫn khiến bất cứ ai khi ngồi nghe đều cảm thấy bâng khuâng. Cụ Gái kể, thời trẻ không biết chữ nhưng cụ đã thuộc rất nhiều làn điệu quan họ, say quan họ, mê quan họ đến "quên tháng, quên ngày".

Có lẽ cũng bởi tình yêu của người mẹ dành cho quan họ mà ở gia đình cụ Gái, niềm say mê, tâm huyết với quan họ vẫn luôn được gìn giữ và lan tỏa trong các thế hệ con cháu. Hơn 50 năm về làm dâu nhà cụ Gái, bà Phạm Thị Thủy không chỉ được mẹ chồng dạy cho "đường ăn, nết ở" mà còn truyền dạy cho cả những lề lối, những tinh hoa và cả tình yêu với quan họ. Và cũng chừng ấy năm, trong gia đình cụ, những câu chuyện giữa mẹ chồng và nàng dâu là những câu chuyện về các làn điệu, về kỹ thuật hát, về nguồn gốc bài hát, giọng hát: lề lối, giọng vặt hay giã bạn, v.v. Khi thì thủ thỉ, khi thì cùng vui đối đáp, từ chỗ không biết hát, dần dà bà thuộc vài bài, rồi biết hát và mê quan họ lúc nào không hay. Chính tình yêu quan họ, ngọn lửa đam mê ấy cứ thế lan truyền từ cụ Gái đến thế hệ các con, các cháu và giờ là cả các chắt của cụ nữa. Cả gia đình cụ giờ có tới bốn thế hệ cùng biết hát quan họ và hát quan họ rất hay. Bé Nguyễn Thị Lan Hương, chắt của cụ Gái năm nay mới năm tuổi nhưng cũng đã thuộc rất nhiều làn điệu quan họ, hiểu và thuộc nhiều bài để đối đáp và bé cũng bắt đầu tham gia câu lạc bộ hát quan họ thôn Sen Hồ. 

Khá nhiều gia đình từ ba, bốn thế hệ có truyền thống hát quan họ như gia đình cụ Nguyễn Thị Gái ở các làng quan họ phía bắc sông Cầu thuộc huyện Việt Yên. Gia đình cụ Hoắc Thị Có ở thôn Trung Ðồng, xã Vân Trung có ba thế hệ cùng hát quan họ. Con trai cụ, ông Hoàng Công Huynh đã theo mẹ gia nhập câu lạc bộ quan họ cổ Trung Ðồng. Ðến nay, con gái của ông cũng đã thuộc và hát rất hay những bài hát quan họ cổ. Hằng ngày, những lúc rảnh rỗi, mẹ con, bà cháu lại dạy nhau cùng hát. Có khi đi làm đồng, người ruộng bên này, người ruộng bên kia cũng học hát, ca những câu hát mới học được... Giờ đây, cụ Có đã cảm thấy yên lòng vì những vốn liếng quan họ cổ Trung Ðồng mà cụ tích lũy được bao năm qua đã có người tiếp nối.

Những nghệ nhân quan họ ở các làng quan họ đều đã ở vào cái độ tuổi "xưa nay hiếm". Họ ý thức được rằng, mình chính là chủ thể, là linh hồn của di sản và có trách nhiệm bảo tồn di sản. Bởi vậy mà việc truyền dạy hát quan họ đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đời thường trong nhiều gia đình. Không chỉ truyền dạy những giai điệu, lời ca, kỹ thuật tạo giọng, những người nghệ nhân còn truyền cả tình yêu và niềm đam mê quan họ của mình cho các thế hệ con cháu.

Bảo tồn qua những mô hình câu lạc bộ

Ðã từ lâu, quan họ đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân của những làng quan họ bờ bắc sông Cầu. Những thành viên câu lạc bộ đều đặn hai buổi một tuần, không bao giờ vắng mặt trong các buổi sinh hoạt và các liền anh, liền chị tự trang bị những bộ trang phục của người hát quan họ. Gác lại sự vất vả công việc đồng áng, họ đến đây để được nghe truyền dạy lời hát mới sưu tầm và được hát cho nhau nghe. Ông Nguyễn Quang Quỳnh, chủ nhiệm câu lạc bộ quan họ Sen Hồ cho biết: Trong những buổi sinh hoạt luôn có nhiều thế hệ cùng tham gia. Những người hát quan họ nhiều năm đã có tuổi sẽ hướng dẫn lề lối, cách hát và dạy lời của các bài quan họ cổ. Người biết nhiều dạy người biết ít, người không biết học người biết. Trong câu lạc bộ, các cụ cao tuổi biết hát quan họ không còn nhiều. Thế nhưng, sự tham gia của các nghệ nhân như cụ Gái đã khích lệ các thành viên trong câu lạc bộ rất nhiều bởi chính niềm đam mê cháy bỏng đối với dân ca quan họ.

Câu lạc bộ hát quan họ truyền thống làng Hữu Nghi, xã Ninh Sơn thành lập năm 1995 đã tập hợp, thu hút các thành viên ở nhiều lứa tuổi tham gia. Từ chỗ chỉ có hơn 20 thành viên, sau khi quan họ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, câu lạc bộ đã thu hút gần 40 thành viên tham gia. Sinh hoạt đều đặn một tháng hai lần và trong mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên cùng nhau tập luyện những bài hát cổ, bài hát mới và truyền dạy cho thế hệ kế cận. Ông Trần Văn Thể, chủ nhiệm câu lạc bộ quan họ thôn Hữu Nghi cho biết: "Bằng tình yêu và niềm đam mê với quan họ, mỗi người đến đây đều ý thức được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ cái hay, đẹp của quan họ, để xứng đáng với niềm vinh dự, tự hào khi chính họ là những người đang gìn giữ và phát huy các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Vì thế, mọi người càng tập càng say, càng hát được nhiều mới càng thấy cái tinh túy, trữ tình của làn điệu dân ca mà cha ông ta đã để lại".

Cùng với năm làng quan họ cổ đã được công nhận từ năm 1971, gồm Giá Sơn, Hữu Nghi, Mai Vũ, Sen Hồ, Nội Ninh thì ở 14 làng quan họ được xác định thêm năm 2006, bao gồm: Mật Ninh, Quang Biểu, Núi Hiểu, Tam Tầng, Thổ Hà, Tiên Lát Thượng, Tiên Lát Hạ, Thần Chúc, Yên Ninh, Trung Ðồng, Vân Cốc, Ðình Cả, Ðông Long, Khả Lý Thượng thuộc huyện Việt Yên đều  hội đủ các yếu tố của một làng quan họ truyền thống. Ở tất cả các địa phương này đều có nhiều gia đình có ba, bốn thế hệ cùng hát quan họ và mỗi làng đều có ít nhất một câu lạc bộ hát quan họ.

Hiện nay, toàn huyện Việt Yên có hơn 50 câu lạc bộ, đội hát quan họ thường xuyên sinh hoạt với số thành viên lên đến hàng nghìn người. Tuy không được hỗ trợ kinh phí hoạt động, đời sống của các hội còn khó khăn, nhưng họ vẫn tự nguyện, nhiệt tình đóng góp tiền để mua trang phục và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ. 

Ðể niềm đam mê tiếp tục lan tỏa

Những người nông dân hôm qua vẫn chân lấm tay bùn... nhưng cứ vào các ngày hội làng, vào những dịp lễ, Tết hay các hội thi..., những liền anh, liền chị lại thướt tha với áo the khăn xếp, vạt áo tứ thân.  Thế mới biết, quan họ vẫn có sức lôi cuốn mạnh mẽ, vẫn là cái đẹp tinh túy đang được lan tỏa trong tâm hồn của những người dân bên bờ sông Cầu.

Trong nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị của quan họ, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo và tạo điều kiện cho cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc khôi phục, giữ gìn, phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa quan họ truyền thống; điều tra, sưu tầm, nghiên cứu không gian văn hóa, tổ chức các hội thảo khoa học về quan họ bờ bắc sông Cầu; kiểm kê toàn bộ di sản văn hóa quan họ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; tổ chức phục dựng lại toàn bộ hình thức hát đối đáp cổ truyền ở các làng quan họ; tập hợp các nghệ nhân quan họ còn lại thành từng nhóm, sử dụng họ làm hạt nhân cho phong trào ca hát quan họ ở cơ sở; đầu tư kinh phí mở lớp học hát quan họ ở các làng có phong trào hát quan họ... Việc tạo ra một không gian sinh hoạt và duy trì một phương thức truyền dạy là yếu tố quan trọng. Và không gian trong gia đình, không gian của các câu lạc bộ, việc truyền dạy giữa các thế hệ là cách làm tốt nhất để quan họ thật sự có được sức sống và sự lan tỏa.

Việc truyền dạy trong các gia đình hay thông qua sinh hoạt câu lạc bộ sẽ trực tiếp huy động lớp nghệ nhân cao tuổi truyền dạy về các làn điệu cơ bản, các phong tục, lề lối trong ca hát quan họ của địa phương mình, làng mình cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng trong gia đình, trong dòng họ, trong làng thì mới có thể thu được kết quả tốt.  Khi lớp trẻ say sưa, yêu quý quan họ thì chính họ sẽ nhận rõ trách nhiệm của mình đối với di sản. Ðúng như mô hình bảo tồn mà tổ chức UNESCO đề xướng: Bảo tồn tốt nhất là trong cộng đồng, trong chính môi trường diễn xướng của dân ca quan họ. Hơn ai hết, chính cộng đồng sở hữu di sản phải ý thức được giá trị sản phẩm văn hóa của mình  để rồi gìn giữ, phát huy và nhân rộng. Và chỉ khi người dân nhận thức đầy đủ được vai trò, ý nghĩa quan trọng của di sản thì họ mới có những hành động cụ thể, thiết thực để bảo tồn di sản hiệu quả nhất.

Chia tay gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Gái, thôn Sen Hồ, thị trấn Nếnh, tôi hỏi: "Cụ mong muốn điều gì nhất"? Cụ Gái hóm hỉnh trả lời: "Sống lâu hơn để được chơi quan họ nhiều hơn". Còn con trai cụ, ông Nguyễn Văn Hội thì lại mong có sân chơi nào đó cho các gia đình nhiều thế hệ cùng hát quan họ hoặc một sân chơi cho các câu lạc bộ quan họ chứ cứ chờ đến hội thi liên hoan tiếng hát quan họ của huyện, của tỉnh thì lâu quá. Bởi hát quan họ trong các gia đình, đó là niềm đam mê mà các thành viên lan truyền cho nhau, nhưng để tạo thành một phong trào thì cần có động lực mà tự mỗi gia đình, tự mỗi câu lạc bộ không thể làm được./.

(Chu Minh/ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất