Theo kết quả cập nhật tối qua (29.3) của Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 (Bộ KH-CN), ngoài trạm quan trắc tại Hà Nội phát hiện đồng vị phóng xạ I-131, hôm qua có thêm trạm quan trắc phóng xạ môi trường do Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân quản lý đặt tại TP Lạng Sơn và trạm quan trắc của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng đã phát hiện được một số đồng vị phóng xạ nhân tạo trong không khí.
Theo số liệu phóng xạ và phông bức xạ gamma đo được trong không khí tại Đà Lạt, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là: Be-7 có nguồn gốc từ tia vũ trụ; K-40; Th-232 và U-238 có nguồn gốc từ bụi đất; còn ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo là: I-131 với chu kỳ bán rã 8,02 ngày, ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
Căn cứ theo tiêu chuẩn VN, Bộ KH-CN khẳng định các kết quả đo nồng độ chất phóng xạ I-131 trong không khí các ngày 28-29.3 đều nhỏ hơn hàng trăm ngàn lần so với giá trị giới hạn quy định và không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Các trạm quan trắc của Bộ KH-CN vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến mức phóng xạ trong không khí và cung cấp thông tin kịp thời.
TS Nguyễn Nhị Điền cho rằng dự báo lý thuyết không thể chính xác 100% nên cho dù dự báo mây phóng xạ không vào VN nhưng vẫn có thể phát hiện nồng độ phóng xạ trong không khí. Về quan ngại của người dân trong những ngày tới nồng độ phóng xạ sẽ tăng, ông Điền khẳng định theo chu kỳ bán rã, nồng độ phóng xạ càng ngày càng giảm xuống. Trừ khi có một vụ nổ mới xảy ra, mới có thể làm tăng nồng độ phóng xạ.
Ông Điền cho biết tùy theo mức độ, các cơ quan chức năng sẽ đưa ra những khuyến cáo cho người dân. Trong trường hợp liều tăng cao quá mức cho phép, phải uống thuốc i-ốt. Còn trong trường hợp tăng cao, cần hạn chế ra ngoài đường, hạn chế sử dụng thực phẩm và uống nước. Còn với nồng độ thấp như ở VN hoàn toàn không đáng lo ngại, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường./.
(Theo: Thanh Niên)