Thứ Sáu, 27/9/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 17/7/2011 8:51'(GMT+7)

Phát triển y tế dự phòng

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân cách nhận biết và các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân cách nhận biết và các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết

Công tác YTDP ở nước ta trong những năm gần đây luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là trong việc đối phó các dịch bệnh nguy hiểm như SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H1N1)... Nhưng nhìn vào thực tế, công tác YTDP vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, cán bộ YTDP thường chỉ được nhắc với vai trò là những người đi... dập dịch. Hằng năm, cứ đến mùa là các dịch sốt xuất huyết, tiêu chảy, sốt phát ban, thủy đậu, rubella, chân - tay - miệng... luôn ở mức cao. Ðội ngũ cán bộ YTDP cứ loay hoay chủ yếu đi giải quyết phần ngọn là xử lý ổ dịch. Nhiều chuyên gia y tế khẳng định rằng hoàn toàn không thể đổ lỗi được cho đội ngũ cán bộ y tế dự phòng. Họ đang hằng ngày, hằng giờ gồng mình, vượt qua những khó khăn để gánh vác rất nhiều công việc. Sự kém hiệu quả trong công tác phòng bệnh được xác định là do: đội ngũ cán bộ thiếu, trang thiết bị không đủ và ngân sách, chế độ chính sách hạn chế...

Ðội ngũ cán bộ đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy: nguồn lực cán bộ tuyến trung ương mới đáp ứng được 76% nhu cầu, tuyến tỉnh là 55% và tuyến huyện là 43% nhu cầu. Năm 2009, hệ thống YTDP mới có 19.315 cán bộ, trong khi nhu cầu tới năm 2020 là cần 57.980 cán bộ. Phần lớn các cán bộ làm công tác YTDP tuyến tỉnh, huyện không được đào tạo chuyên sâu, nhất là dịch tễ học nên thiếu khả năng phân tích, đánh giá các vấn đề: tác nhân gây bệnh, thói quen hành vi, tại sao có nơi chống dịch được có nơi lại không... Ðây là một trong những nguyên nhân lý giải tại sao một số vụ dịch (như dịch sốt xuất huyết, dịch sởi, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm...) cứ 'đến hẹn lại lên', ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và hao tốn không ít ngân sách của Nhà nước. Công tác đào tạo nhân lực cho YTDP còn nhiều bất cập, không hấp dẫn và thu hút được sinh viên đăng ký dự thi và nhập học chuyên ngành YTDP. Phần lớn các trường còn ít kinh nghiệm trong việc đào tạo chuyên ngành này. Các chương trình khung, nội dung đào tạo đều mới được xây dựng, cần có thêm thời gian để đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Theo điều tra của Bộ Y tế, phần lớn cán bộ YTDP đang phải làm việc trong những điều kiện khó khăn. 80% số trung tâm YTDP tuyến tỉnh đang cần được nâng cấp sửa chữa và xây mới. Hệ thống phòng xét nghiệm lạc hậu, thiếu đồng bộ. Tại tuyến huyện, theo điều tra tại 293 trung tâm y tế tuyến huyện, có 12,5% số đơn vị chưa được cấp đất để xây dựng trụ sở làm việc, khoảng 40% số đơn vị cần nâng cấp trụ sở làm việc; 100% số trung tâm không có đủ trang thiết bị tối thiểu theo quy định, phần lớn xét nghiệm dựa vào các bệnh viện. Cơ sở vật chất của các trung tâm y tế dự phòng huyện đang rất khó khăn, có nơi phải thuê cả trường học làm trụ sở. Phải làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, thiếu trang thiết bị hiện đại, thu nhập thấp, cán bộ YTDP còn phải đảm nhận nhiều việc khác: dinh dưỡng cộng đồng, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch y tế, sức khỏe môi trường, sức khỏe trường học, sức khỏe nghề nghiệp, phòng chống tai nạn thương tích và xây dựng cộng đồng an toàn... Vậy nên, số cán bộ tâm huyết với hệ thống YTDP đang ngày một ít đi do chuyển công tác khác; sinh viên thì không muốn theo học ngành lúc nào cũng tiếp cận với bệnh dịch, không có thu nhập thêm ngoài lương. Chế độ đãi ngộ thấp cho nên việc thu hút nhân lực về công tác tại các đơn vị thuộc hệ thống YTDP gần như không có. Nghị quyết số 18 ngày 3-6-2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân đã chỉ rõ: Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho YTDP.  Nhưng theo khảo sát của Bộ Y tế tại 15 địa phương sau hai năm thực hiện cho thấy: Nếu không tính chi cho tuyến xã, tỷ lệ ngân sách chi cho y tế mà các địa phương dành chi cho YTDP bình quân chỉ đạt 15,8%. Ðáng chú ý, còn khá nhiều đơn vị không thuộc hệ YTDP như: mắt, da liễu, pháp y, giám định y khoa vẫn được xếp vào hệ thống YTDP làm cho ngân sách đã ít lại càng ít hơn. Khi ngân sách chưa bảo đảm, lại còn  bị 'chia năm xẻ bảy' nên khi về tới các Trung tâm YTDP, ngân sách  được phân bổ chủ yếu cho việc chi lương, tỷ lệ chi cho hoạt động chuyên môn chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn. Thống kê của trung tâm YTDP nhiều địa phương cho thấy, có tới 56% ngân sách dành cho lương, 12% chi cho hoạt động duy trì bộ máy (điện, nước, xăng xe), phần chi cho chuyên môn 17% và 14% chi cho mua sắm tài sản, hóa chất.

Để YTDP phát huy hiệu quả trong việc dự phòng tích cực, cần có những giải pháp phát triển chuyên ngành này một cách hợp lý. Ðược biết, Bộ Y tế có chủ trương thống nhất một đầu mối quản lý ở địa phương (Viện YTDP tuyến tỉnh), vừa thực hiện đầy đủ các chức năng vừa tập trung nguồn lực, cũng như thuận tiện trong chỉ đạo và triển khai các hoạt động chuyên môn. Bên cạnh đó tập trung đầu tư cho hệ thống giám sát tuyến tỉnh. Ða số các phòng xét nghiệm, labo xét nghiệm đều nằm ở Trung tâm  YTDP tuyến tỉnh nhưng hiện chưa được đầu tư nhiều. Ðầu tư tốt thì giám sát tốt, giám sát tốt sẽ giúp phát hiện bệnh sớm, đưa ra các giải pháp ngay và khoanh vùng, dập dịch tốt hơn. Bộ Y tế tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi nghề cho cán bộ ngành y nói chung, trong đó có lĩnh vực YTDP theo hướng tăng phụ cấp cho những cán bộ trực tiếp chống dịch, các cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa... Các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, giải pháp tốt nhất để thu hút nhân lực là chính sách ưu đãi như tăng thu nhập, ưu tiên trong phát triển nghề nghiệp. Ðối với hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, ngành y tế đang báo cáo và đề nghị cho miễn học phí đối với những sinh viên vào học mã ngành YTDP. Theo tính toán, với khoảng 300 đến 400 sinh viên vào ngành này thì mỗi năm chỉ cần đầu tư khoảng năm đến mười tỷ đồng, nhưng bù lại, lĩnh vực YTDP sẽ có một đội ngũ cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản. 

Kinh nghiệm thành công của những đợt chống dịch vừa qua chính là sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị. Sự vào cuộc đó nếu được thường xuyên và thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 18/2008/NQ-QH12 thì hệ thống YTDP sẽ dần có đủ điều kiện về con người, trang thiết bị, cơ sở vật chất. Trên cơ sở đó sẽ thực hiện mục tiêu là đi trước một bước, chủ động triển khai được các biện pháp phòng bệnh cho người dân.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất