Bởi vì "văn mình" là đứa con tinh thần của mình, thì người sinh ra văn đó tất phải yêu, phải quý. Nhà văn mà lại không yêu quý tác phẩm của mình, thì hỏi còn ai muốn đọc tác phẩm ấy. Và nếu nhà văn có yêu quý tác phẩm của mình thái quá một chút cũng không sao.
1. Văn mình
Chuyện kể rằng, nhà thơ Xuân Diệu rất khó tính khi người biên tập nào đó góp ý muốn ông sửa chữa thơ mình. Thi sĩ thực sự cáu giận khi thơ mình bị in sai. Nhà thơ Gamdát Xada (Đaghextan - Nga) thì nói với tổng biên tập tờ báo đăng thơ của mình rằng: "Tôi nghe nói anh đã đánh con tôi" khi thơ của mình bị in sai, bị lỗi. Và ông thích thơ mình đăng trên báo tường ở làng quê mình hơn là đăng ở các tờ báo phát hành trong cả nước, vì thơ đăng ở báo tường thường được đăng đúng nguyên văn thơ ông viết ra.
Còn nhà văn Máckét (Côlômbia) thì đã không đồng ý để chuyển thể tiểu thuyết "Trăm năm cô đơn" lên phim với nhuận bút một triệu đôla Mỹ (tương đương 18 tỉ đồng Việt Nam) vì ông sợ họ làm sai lệch những hình tượng nhân vật của mình. Nhà thơ Mai Văn Phấn thì nói với tôi: Những bạn bè viết phê bình thơ anh, trước khi đăng thường gửi cho anh đọc. Anh bảo, anh không bao giờ có ý kiến về những nhận định đánh giá của họ về thơ mình, mà anh chỉ chú ý làm sao những câu thơ của anh được trích dẫn đúng nguyên văn.
Nhà thơ Vi Thùy Linh vừa qua cũng nói với tôi như vậy đối với những câu thơ của mình được trích dẫn trong các bài viết... Theo tôi, đó là những thái độ rất đáng trân trọng của các nhà thơ nhà văn. Thái độ đó về cơ bản là đúng mực. Yêu văn mình, yêu tác phẩm của mình cũng là một khía cạnh của lòng tự trọng nghề nghiệp.
Nhưng câu ca ở trên thì lại có phần giễu cợt. Bởi vì, sự thực trong đời sống văn chương cũng có nhiều người viết văn, yêu văn mình quá mức. Làm nghề biên tập, tôi đã từng gặp một người viết nhất quyết không cho sửa chữa tác phẩm của mình, dù anh ta viết khá dở, tay nghề còn non.
Có người, sau nhiều lần gửi bài mà không được đăng, còn viết ghi chú ở phía dưới bài: "Nếu biên tập đọc bài này mà không thấy hay, không đăng thì trình độ quá kém không đáng làm biên tập, nên bỏ nghề thì hơn". May mà, chúng tôi đã học được chữ "nhẫn" nên dẫu ai nói gì thì nói, chúng tôi chỉ nhìn vào tác phẩm của họ mà thôi. Tôn trọng những nhà thơ, nhà văn nhưng chúng tôi cũng biết được "gót chân Asin" của họ, đó là nhiều người đã yêu tác phẩm của mình quá mức đến nỗi không nhìn thấy cái dở của chính mình.
Mà không biết rằng, tài hoa như thi sĩ Xuân Diệu nhưng đôi khi cũng có những "câu thơ con cóc", chẳng hạn khi ông viết: "Cảm ơn vợ chồng anh giáo Huế/ Đãi tôi một bữa Lệ Cần khoai". Rồi cả câu thơ "Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau", muốn biện luận kiểu gì thì đó cũng là "có vấn đề" về mặt lôgíc, không thể là một câu thơ hay được… Thế thì với những người viết thường thường bậc trung, những loại "văn chương con cóc" sẽ xen lẫn không phải là ít. Nên việc để cho mọi người góp ý là rất cần thiết trước khi in ra, chứ đừng để những thứ đó xổng lông nhông trong đời sống văn chương.
Chữ "văn", tự nó đã có ý nghĩa là đẹp. Người xưa có nói: "Văn chương là sơn thủy trên án thư, sơn thủy là văn chương trên mặt đất" và "Văn chương là gấm vóc có lời, gấm vóc là văn chương không lời".
Thế đủ thấy, nhân loại từ xưa đến nay đã yêu văn chương như thế nào! Yêu văn chương cũng đồng nghĩa với yêu cái đẹp. Mà "cái đẹp cứu rỗi cả thế giới" như một thiên tài nghệ thuật đã nói. Thế thì, có yêu "văn mình", yêu tác phẩm của mình thái quá một chút cũng có thể thể tất, miễn rằng tình yêu ấy không quá mức mù quáng đến gàn dở. Nhưng với điều kiện văn phải là văn, chương phải ra chương, "lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu". Chứ văn chương mà như rơm rạ, như cỏ rác thì bảo ai yêu cho được, dẫu người viết ra nó có nói rằng, đó là hoàng tử, là công chúa của mình đi chăng nữa.
2. Chí mình.
Ở phần trước tôi đã đặt câu hỏi có nên hy sinh vì nghiệp văn? Thực ra, trong chuyện này cũng không thể có câu trả lời chung được. Mỗi người viết văn phải tìm câu trả lời cho riêng mình. Nhưng có một nguyên tắc "hãy sống hết mình với cuộc đời sau đó hãy nghĩ đến văn chương, chứ đừng làm ngược lại". Tuy nhiên cũng có ngoại lệ, những người có bản lĩnh cao, có khả năng lượng sức mình, biết được khả năng văn chương của mình, họ đã chọn đi với văn chương, trong khi các cửa khác rộng mở mời gọi rất hấp dẫn.
Ví như nhà văn Học Phi, năm 1945, ngay sau khi vừa giành chính quyền ở tỉnh Hưng Yên, ông đã được bầu là Chủ tịch lâm thời Ủy ban hành chính tỉnh. Lúc đó ông mới 30 tuổi. Có thể nói, con đường công danh của ông thật rộng mở. Bình thường cứ thế mà thăng tiến theo bước đường chính trị thì nhiều chức vụ cao của Đảng và chính quyền có thể đến với ông. Một số bạn bè của ông thời đó tiếp tục hoạt động chính trị sau này đã trở thành lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nhưng Học Phi đã chọn đi với văn học nghệ thuật.
Ông kể, sự lựa chọn này cũng phải đấu tranh rất ghê gớm. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông chuyển sang hoạt động văn hóa văn nghệ. Lúc này, kháng chiến rất gian khổ, lãnh đạo, chỉ huy chính trị mới có ngựa để đi, còn mọi người hầu hết đều đi bộ. Ông nói: "Nhìn người ta được đi ngựa, mình phải đi bộ, tôi cũng day dứt lắm. Nhưng tôi đã quyết theo sự lựa chọn của mình".
Nhưng rồi văn học nghệ thuật đã không phụ lòng ông. Các vở kịch "Một đảng viên" (1960), "Ni cô Đàm Vân" (1976) đã gây được tiếng vang trong công luận. Và Học Phi đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I (1996). Nếu theo phẩm hàm thì đấy là hàng đại tướng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Sự hy sinh cho nghiệp văn như thế cũng đáng lắm thay!
Trường hợp nhà văn Võ Quảng cũng tương tự. Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông đã là Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Đà Nẵng. Năm 1947, ông làm Hội thẩm chính trị (tức Phó chánh án) Tòa án Quân sự miền Nam Việt Nam. Nhưng tiếng gọi của văn chương đã làm ông ngả theo và ông đã trở thành một nhà văn viết cho thiếu nhi nổi tiếng với các tập truyện "Quê nội", "Tảng sáng".
Đến già, ông vẫn hồn nhiên viết những dòng này: "Mong sao những chữ tôi viết, đó không phải là những chữ, mà đó là những rung động của tâm hồn tôi. Viết cho thiếu nhi, đó là niềm vui, là lẽ sống của tôi trong những năm qua". Nghĩ cho cùng, đó là hạnh phúc. Ông đã làm được những điều ông muốn, mà những điều ấy có ích cho cuộc đời và được mọi người đón nhận.
Nhà văn Phù Thăng thì có khác hơn một chút. Đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước, tiểu thuyết "Phá vây" đã đem đến cho ông sự nổi tiếng và không ít phiền lụy. Là một người khí khái, ông bỏ Hà Nội, về quê ở thôn Tất Lại Thượng, xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương để sống và đi cày, trở thành một nông dân thực thụ. Biết bao gian nan vất vả trong cuộc sống đã đến với ông, ông đã chấp nhận hết. Khi còn công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật Hải Hưng, tôi và bạn bè đã nhiều lần đến thăm ông.
Qua trò chuyện, tôi thấy ông có vẻ thỏa mãn với cuộc sống của mình lắm. Rồi ông làm đơn xin gia nhập Hội Văn học Nghệ thuật Hải Hưng, và chúng tôi đã kết nạp ông vào Hội. Ông sinh hoạt Hội với mọi người rất thoải mái, vui vẻ. Tôi có bài thơ viết về ông đã đăng trên Báo Tiền Phong cuối tuần sau khi ông mất, trong đó có mấy khổ:
Ai bảo ông không sướng
Sống dưới mái tranh nghèo
Đêm trăng lúa xào xạc
Cá quẫy dưới ao bèo
Biệt thự to, chức tước
Đã chắc gì lòng yên
Sống mà được thỏa chí
Thì đời thành cõi tiên
Có gì quá quan trọng
Thơ văn cũng như đời
Khi nào thích thì viết
Không thì tìm bạn chơi...
Các nhà văn Học Phi, Võ Quảng, Phù Thăng... "đều làm cho thỏa được như chí mình", giống như Ức Trai tiên sinh đã viết trong "Bài ca Côn Sơn". Vâng, "mãn nguyện", "thỏa chí", "được như ý"... Cuộc đời mỗi người có cần gì hơn thế! Ngày xưa, Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ đã thốt lên: "Đã sinh ra ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông". Về mặt này, thì chắc gì nhiều người có chức vụ, phẩm hàm, học vị, danh hiệu cao đã có được! Đúng là, thà làm một nhà văn viết hay còn hơn làm chính khách, "nhân vật quan trọng" mà không để lại những công trình an dân có giá trị./.
(Theo: Đinh Quang Tốn/CAND)