Để có một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hình như chúng ta mới đòi hỏi nhiều ở phía văn nghệ sĩ mà rất nương nhẹ về phía công chúng; chưa chú trọng đến việc giáo dục, bồi dưỡng thị hiếu thẩm mỹ, nhu cầu văn hóa lành mạnh cho công chúng văn học nghệ thuật.
Một chuyện gây sốc dễ thấy, đã được dư luận báo động nhiều, đó là chuyện các "nam thanh nữ tú" Hà thành đã xô đẩy nhau, dẫm đạp lên cỏ, tranh cướp nhau để bẻ cành, vặt hoa, phá tan tành mấy cây anh đào chỉ vài phút sau lễ khai mạc Hội hoa anh đào Nhật Bản năm ngoái.
Tương tự như vậy là tình trạng xuống cấp về văn hóa trong đêm hội Phố hoa công viên Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm tết Nguyên đán vừa qua.
Sau hàng tuần chuẩn bị, các nghệ nhân, những người yêu hoa và nhiều doanh nghiệp đã tốn công tốn của để một địa chỉ đẹp nhất Hà Nội trở thành một rừng hoa, một biển hoa, một thế giới hoa rực rỡ, ngào ngạt hương cho người Hà Nội và người cả nước thưởng thức.
Nhưng hội hoa vừa mở cửa, hàng trăm người đã ào vào, dẫm đạp lên cỏ, cướp hoa, cướp cây cảnh, phá tan hoang một không gian văn hóa rồi cầm những nắm hoa "chiến lợi phẩm" đã nhàu nát ôm nhau cười rũ rượi trước sự ngán ngẩm, bất lực của những người tổ chức.
Hội hoa anh đào Nhật Bản năm nay có khá hơn bởi người ta đã phải huy động 500 (có người nói 700) nhân viên trật tự, cảnh sát cơ động với đầy đủ khí tài để bảo vệ ba cây hoa thật (phải sát đến giờ đóng cửa mới mang ra) và mấy cây hoa giả, nên hoa đã không bị phá hỏng, hội đã diễn ra trót lọt.
Không chỉ với hoa, ở Hà Nội, hầu như mặt phố nào cũng bị bôi bẩn vì đủ loại quảng cáo. Đình chùa, miếu mạo, Tháp Bút, Tháp Hòa Phong, gốc cổ thụ…bị khắc tên, khắc chữ nham nhở, tục tĩu. Rác vứt thoải mái ra đường, người thu rác thoải mái vung chổi bụi mù, xe chở rác cũng thoải mái đi nghênh ngang. Vượt đèn đỏ, đi xe trên hè phố, chen lấn, lạng lách, bấm còi inh ỏi là chuyện thường tình. Bia bọt, ăn uống nhồm nhoàm, chửi thề, văng tục, ngồi tràn cả ra hè, không mấy phố thoát. Nhưng có lẽ vừa đau vừa nhục hơn cả là mặc cảm của các văn nghệ sĩ khi thấy mình bị xúc phạm, bị coi thường qua cái cách người ta đối xử với văn học nghệ thuật.
Chỉ cần đến một vài rạp phim, người ta sẽ hiểu một bộ phận không ít thanh niên nam nữ vào rạp để xem phim hay làm gì. Đèn phòng chiếu vừa bật sáng trở lại, nhìn các hàng ghế bẩn thỉu, vỏ chai nước, vỏ hạt bí, bao cao su, kim tiêm... vứt lung tung, không ai còn thiết làm phim nữa.
Rạp hát cũng không hơn gì. Không hiểu sao công chúng trẻ hiện nay chỉ thích nhạc nhẹ lai Tàu, lai Tây; thích nhảy híp hốp; thích diễn viên ăn mặc hở hang, kỳ quặc, nam trang điểm như nữ và ngược lại, nữ ăn mặc như nam.
Sách văn học đứng đắn thì ế thảm hại, bán chạy chỉ là những cuốn thời thượng, nhất là những cuốn có tin đồn là đang (hoặc sắp) bị thu hồi.
Còn mỹ thuật? Chỉ ít ngày đứng ngoài công viên là các bức tượng bị bẻ cho gãy tay, bị đập cho què chân. Tôi đã từng đứng lặng người trước một bức tượng bị vẽ thêm vào bằng than những hình thù rất tục.
Thực ra, tình trạng suy thoái văn hóa tương tự như ở Hà Nội có ở hầu hết các thành phố, thôn xóm của nước ta . Nhưng để có một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hình như chúng ta mới đòi hỏi nhiều ở phía văn nghệ sĩ mà rất nương nhẹ về phía công chúng; chưa chú trọng đến việc giáo dục, bồi dưỡng thị hiếu thẩm mỹ, nhu cầu văn hóa lành mạnh cho công chúng văn học nghệ thuật.
Nếu coi công chúng là có sẵn, phải phục vụ họ, chỉ phục vụ thôi mà không được đòi hỏi họ, khước từ họ, không được chủ động tạo ra một công chúng cho mình thì với một công chúng, một môi trường văn hóa như đang có, chúng ta khó mà có một nền văn học- nghệ thuật như mong muốn.../.
(Theo: Vũ Duy Thông/CAND)