Thứ Bảy, 21/9/2024
Thông tin tổng hợp
Chủ Nhật, 28/10/2012 7:46'(GMT+7)

Mỗi bài dự thi là một cảm xúc riêng về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

 

PV: Trong một thời gian ngắn như vậy để tổ chức Cuộc thi, Ban Tổ chức Cuộc thi tỉnh Quảng Ninh đã có những biện pháp, cách thức tổ chức như thế nào để Cuộc thi đạt kết quả tốt đẹp, thưa ông?

Đồng chí Phạm Hồng Cẩm: Để có được thành công của Cuộc thi ngày hôm nay, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác chỉ đạo, triển khai cuộc thi. Ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã thành lập Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh với đại diện nhiều ban, ngành, sở của địa phương.

Sau khi được thành lập, Ban Tổ chức cuộc thi đã họp, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, tham mưu với Thường trực Tỉnh uỷ phê duyệt kinh phí phục công tác chỉ đạo, tổ chức cuộc thi; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cuộc thi như: Quy chế thi đua, khen thưởng, hướng dẫn thể lệ cuộc thi, các chủ đề thi viết và hướng dẫn trả lời. Trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn đã xác định rõ cùng với việc phát động cuộc thi đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, cần chú trọng quan tâm các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, cán bộ, công chức, những người có điều kiện thuận lợi trong việc tham gia dự thi, đặc biệt là những người đã từng đến thăm, công tác, học tập, lao động, chiến đấu ở nước bạn Lào. Phát động thi đua mỗi cơ quan cấp phòng, ban, đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; mỗi phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và tương đương có ít nhất một cán bộ, công chức tham gia thi trắc nghiệm theo tuần...

Các đảng bộ, cơ quan, đơn vị đã tích cực tuyên truyền về lịch sử truyền thống đoàn kết Việt Nam – Lào với nhiều hình thức, cách làm sáng tạo như: truyền thanh nội bộ, Pa-nô, áp-phích, tranh ảnh, băng rôn, khẩu hiệu..., thông qua các hội nghị đều quán triệt, chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở việc triển khai, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia cuộc thi, qua đó đã làm cho cuộc thi mang tính quần chúng rộng rãi, có tác dụng giáo dục, tuyên truyền sâu sắc; quá trình triển khai cuộc thi được lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm đầu tư đầy đủ cả vật chất và con người, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc chặt chẽ.

Trong công tác tuyên truyền, Ban Tổ chức cuộc thi đã đăng tải toàn bộ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh, các tài liệu nghiên cứu phục vụ cuộc thi trên cổng thông tin điện tử thành phần Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, đồng thời gửi tài liệu tới hòm thư điện tử của Ban Tuyên giáo các đảng bộ và cả các đồng chí báo cáo viên cấp Tỉnh. Chỉ đạo tạo đường dẫn tới địa chỉ Ban Tổ chức cuộc thi cấp Trung ương trên Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh, Báo điện tử Quảng Ninh. Bộ phận thường trực của Ban Tổ chức cuộc thi cấp Tỉnh thường xuyên truy cập vào trang thông tin điện tử của Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương để sưu tầm tài liệu nghiên cứu về lịch sử quan hệ Việt- Lào để gửi tới các đầu mối tổ chức cuộc thi. Hướng dẫn trả lời các câu hỏi thi trắc nghiệm, biên tập và đăng tải kết quả thi trắc nghiệm hằng tuần trên Cổng thông tin điện tử thành phần Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ....

Việc chỉ đạo, tổ chức cuộc thi ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh cũng được triển khai một các nghiêm túc. Tại 19 đảng bộ trực thuộc Tỉnh và 08 cơ quan Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể cấp Tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phát động cuộc thi đến các đầu mối cơ sở, chi đoàn, chi hội theo hệ thống ngành dọc của mình. Một số địa phương, đơn vị đã tranh thủ được sự quan tâm của cấp uỷ, tham mưu cho cấp uỷ trực tiếp ký văn bản chỉ đạo, triển khai đến cơ sở. Nhiều đảng bộ trong tỉnh thành lập Ban tổ chức cuộc thi cấp đảng bộ có tổ chức tổng kết và trao giải thưởng cho những tập thể, cá nhân có bài dự thi đạt chất lượng tốt. Điển hình là Đảng bộ Than Quảng Ninh, Liên đoàn Lao động Tỉnh, Thành phố Uông Bí, huyện Vân Đồn, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh... đã có sự chủ động, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động, quan tâm cân đối kinh phí khen thưởng, động viên, khuyến khích tham gia dự thi.

PV: Đồng chí có thể khái quát một số nét về chất lượng các bài dự thi của địa phương?

Đồng chí Phạm Hồng Cẩm: Tính từ ngày phát động đến khi kết thúc cuộc thi, Ban Tuyên giáo các đảng bộ trực thuộc tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh đã nhận được trên 106.826 bài viết tham gia dự thi của các tầng lớp nhân dân.

Nhìn chung các bài dự thi đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, đảm bảo đúng nội dung, các quy định trong Thể lệ cuộc thi. Các bài dự thi đều bám sát chủ đề và toát lên được tình cảm, sự trân trọng và niền tự hào về mối quan hệ hữu nghị, gắn bó thủy chung giữa hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào đã được vun đắp qua hơn nửa thế kỷ. Đa số các bài thi đều được đánh máy, đóng bìa cứng trang trọng, nhiều trường học còn vận động học sinh viết tay tới hơn 2000 bài. Hầu hết các bài dự thi thể hiện đúng quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, phản ánh chân thật lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào- Việt Nam.

Nhiều bài viết đã đầu tư công phu về thời gian, công sức, trí tuệ để tìm hiểu, sưu tầm đủ các loại tài liệu, tranh ảnh minh hoạ một cách sinh động về mối quan hệ Việt Nam- Lào ở tầm quốc gia, dân tộc và cũng như ở tầm địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt có trên 50 bài viết với dung lượng trên 100 trang A4 được in mầu, đóng bìa cứng đẹp, sưu tầm được nhiều tư liệu quý, thậm chí có cả những tư liệu, kỷ vật của cá nhân người đã từng tham gia công tác, học tập, lao động, chiến đấu ở nước bạn Lào như bài dự thi của công nhân – công đoàn Công ty Tuyển than Cửa Ông được viết bằng những tình cảm chân thành, những kỷ niệm sâu sắc của nhân dân Lào giành cho nhân dân Việt Nam ghi theo lời kể của đồng chí Quách Bá Đạt – Nguyên đại sứ Việt Nam tại Lào. Bài viết của tập thể tác giả Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh đã thể hiện mối quan hệ lịch sử đặc biệt giữa hai nước bằng tác phẩm song ngữ hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Lào. Bài viết của cán bộ đảng bộ cơ quan Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đã toát lên những cảm xúc rất ấn tượng, sâu sắc về ba vị lãnh tụ: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản và Hoàng thân Xuphanuvong là những người đã đặt nền móng cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào; Lào - Việt Nam, bài viết còn có cả tư liệu, hình ảnh về mối quan hệ giữa tỉnh Quảng Ninh ký kết hợp tác hữu nghị với ba tỉnh HủaPhăn, LuôngPraBang, XayNhabuly nhân chuyến thăm Lào của đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong thời gian vừa qua.

Có trường hợp đã rất công phu, dành thời gian để đến thăm, tìm hiểu tại các bảo tàng tịch sử, thư viện ở trong và ngoài tỉnh; đi tìm, gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn những người đã từng tham gia công tác, học tập, lao động, chiến đấu ở nước bạn Lào để nghe kể lại những kỷ niệm sâu sắc ở nước bạn Lào; nghe kể về phong tục, tập quán, đời sống tinh thần, tình cảm của người dân nước bạn Lào. Đặc biệt, có bài thi đã ghi chép lại và phản ánh một cách rất sinh động về cảm xúc của cá nhân, về tình cảm cách mạng thiêng liêng, cao cả khi tham gia công tác, phục vụ, chiến đấu ở nước bạn Lào.

Có thể nói, trên 100.000 bài viết tham gia dự thi là trên 100.000 cảm xúc riêng của mỗi người về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào- Việt Nam, song tựu chung lại, đều đã cảm nhận được vị trí, vài trò, tầm quan trọng của tình cảm thiêng liêng, gắn bó keo sơn, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào- Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của hai đất nước, hai dân tộc đã luôn sát cánh bên nhau, nương tựa vào nhau trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược và ngày nay lại cùng sát cánh bên nhau trong công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển kinh tế.

PV: Vậy qua việc tổ chức Cuộc thi, Ban Tổ chức đã rút ra những bài học kinh nghiệm như thế nào trong việc tổ chức và chỉ đạo một cuộc thi tìm hiểu lịch sử truyền thống?

Đồng chí Phạm Hồng Cẩm:  Mặc dù năm 2012, tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều cuộc thi khác nhau, song cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào- Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, công tác tuyên truyền được coi trọng và tổ chức thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã tạo được không khí sôi nổi cổ vũ, động viên các tầng lớp tham gia dự thi. Đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia dự thi, chất lượng các bài thi cơ bản đáp ứng được mục đích yêu cầu đề ra.

Bên cạnh những thành công đạt được, chúng tôi cũng đã rút ra được một số mặt hạn chế và nguyên nhân như:

Số lượng người tham gia dự thi chưa nhiều so với yêu cầu đặt ra, còn một số lực lượng rất lớn học sinh, sinh viên chưa huy động được tham gia dự thi. Bên cạnh một số bài thi có chất lượng, vẫn còn nhiều bài thi chưa tuân thủ theo Thể lệ cuộc thi đã ban hành, bài viết không theo chủ đề, hoặc biết quá dông dài, lạc đề. Một số bài viết còn sao chép, tải và in nguyên văn tài liệu trên mạng Internet nộp bài.

Còn tồn tại những mặt hạn chế trên đây là do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Thứ nhất, một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm, chưa có sự chỉ đạo, hướng dẫn một cách cụ thể sâu sát đến đối tượng tham gia dự thi. Thứ hai, công tác tuyên truyền chưa được triển khai một cách tích cực, tỉnh không tổ chức được lễ phát động, Đài PTTH, Báo Quảng Ninh chưa đưa tin, phản ánh nhiều về cuộc thi. Thứ ba, cuộc thi lần này không có câu hỏi kèm đáp án trả lời như những cuộc thi trước, người tham gia dự thi phải nghiên cứu, đọc nhiều mới có thể biên tập được bài thi theo đúng thể lệ. Thứ tư, thời điểm phát động cuộc thi ở cấp Trung ương từ tháng 4, đến tới cơ sở vào tháng 5, đúng vào dịp học sinh đang chuẩn bị bước vào thi cuối kỳ, sau đó học sinh lại nghỉ hè. Khi đi và giai đoạn nước rút của cuộc thi thì lại là đầu năm học, hầu hết các trường học đều rất bận rộn với việc triển khai chương trình năm học. Chính vì vậy, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia còn thấp. Thứ năm, công tác kiểm tra, đôn đốc trực tiếp còn thiếu tính kịp thời.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.

Tuấn Đạt (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất