Thứ Bảy, 21/9/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Sáu, 26/10/2012 10:43'(GMT+7)

Thấy gì qua Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào ở Thái Nguyên

Ban giám khảo Cuộc thi của tỉnh Thái Nguyên chấm, tuyển chọn bài thi.

Ban giám khảo Cuộc thi của tỉnh Thái Nguyên chấm, tuyển chọn bài thi.

Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức là một trong các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012”, chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác giữa hai nước; đồng thời, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là cho thế hệ trẻ của hai nước về tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.

Để triển khai Cuộc thi đạt kết quả tốt, Ban Tổ chức Cuộc thi tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đã tích cực hướng dẫn, đôn đốc các đảng bộ, đoàn thể chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị triển khai Cuộc thi đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Báo Thái Nguyên lập chuyên mục “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào”, qua đó đăng nhiều bài viết giới thiệu về tình đoàn kết, hữu nghị của Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Cuộc thi; khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia dự thi với cả hai hình thức thi trắc nghiệm và thi viết. Các đơn vị triển khai Cuộc thi đạt kết quả tốt như: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn, Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Đồng Hỷ,…

Kết quả, về thi trắc nghiệm: do các thí sinh tự truy cập vào mạng internet và tham gia dự thi nên không có con số thống kê số thí sinh của tỉnh dự thi. Tuy nhiên, qua báo cáo của các đơn vị cho thấy: rất nhiều học sinh, sinh viên và công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia. Đặc biệt, đã có một số thí sinh đoạt giải như: Nguyễn Minh Tuấn, sinh năm 1983, công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Võ Nhai đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi tuần thứ 12; Ma Quốc Hiếu, sinh năm 1982, Bí thư Đoàn xã Hợp Thành, huyện Phú Lương đoạt giải Khuyến khích tuần thứ 14; Lê Đức Tùng, sinh năm 1988, công tác tại BQL các dự án đầu tư và xây dựng huyện Đồng Hỷ đoạt giải Khuyến khích tuần thứ 24…

Về cuộc thi viết, tổng số bài thi viết thu được là 11.676 bài. Trong đó, phân theo thành phần dự thi: có trên 10.000 bài của đoàn viên, sinh viên; trên 500 bài của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; trên 1.000 bài của hội viên các hội đoàn thể; gần 200 bài của công nhân, người lao động. Phân theo lứa tuối, có 03 người dự thi cao tuổi nhất đều sinh năm 1928 (84 tuổi); 05 em học sinh Trường THPT Lương Ngọc Quyến là thí sinh ít tuổi nhất, đều sinh năm 1996.

Ban Giám khảo Cuộc thi cấp tỉnh đã tổ chức chấm, tuyển chọn, đánh giá toàn bộ số bài gửi dự thi, qua đó lựa chọn ra 50 bài có chất lượng tốt nhất gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp Trung ương. Nhìn chung, các thí sinh viết bài dự thi đã có sự đầu tư thời gian và công sức tìm kiếm, sưu tầm tài liệu. Nhiều bài được trình bày công phu, in màu, đóng bìa cứng. Có những bài được viết tay nắn nót, trình bày đẹp, thể hiện sự trân trọng và tính nghiêm túc khi làm bài. Có thí sinh đã gửi 2 hoặc 3 bài dự thi, đặc biệt trong số đó có thí sinh Nguyễn Ngọc Anh, Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên gửi 2 bài và cả 2 bài đều viết tay rất cẩn thận với chất lượng cao và trình bày đẹp, hình ảnh minh hoạ khác nhau (01 bài tham gia theo tổ chức Đoàn phát động; 01 bài tham gia theo tổ chức Công đoàn phát động).

Có được kết quả như trên là do các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Các cơ quan báo chí của tỉnh đã tích cực tuyên truyền cho Cuộc thi. Các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị đã tích cực đôn đốc, động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, trong đó cán bộ, đảng viên phải gương mẫu tích cực thực hiện. Đặc biệt, nhận rõ thế mạnh của tỉnh là có một lực lượng rất lớn học sinh, sinh viên đang theo học trên địa bàn (với 8 trường đại học, trên 20 trường cao đẳng, 52 trường dạy nghề…), ngành giáo dục và Tỉnh Đoàn đã quan tâm phát động, đôn đốc các đối tượng sôi nổi tham gia.

Tuy nhiên, những con số trên mới phản ánh được bề nổi của phong trào, nhưng về chất lượng, cũng còn một số điều đáng bàn. Ngoại trừ cuộc thi trắc nghiệm đã thu hút số lượng lớn thí sinh làm bài trả lời đúng các câu hỏi (chỉ sai về dự đoán số người trả lời đúng); còn ở cuộc thi viết, số bài viết đúng Thể lệ mà Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương yêu cầu là rất ít. Sở dĩ như vậy vì theo Thể lệ, Quy định về bài dự thi như sau: “Bài dự thi của tác giả phải là các tác phẩm chưa được công bố ở bất kỳ báo, tạp chí, sách.... và phải chuyển tải được một trong các nội dung dưới đây: Những nhân tố hình thành, quyết định mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam; Tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào trong những năm tháng chiến tranh trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay…”. Như vậy, bài dự thi viết phải là những bài văn viết, viết về chủ đề lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam. Những bài viết này phải bám sát vào những nội dung đã được BTC Cuộc thi Trung ương gợi ý. Trên thực tế, còn không ít bài dự thi có tính chiếu lệ, sao chép lại đề cương và còn nặng về hình thức như sưu tầm tranh ảnh để chèn vào minh hoạ.

Qua đây, Ban tổ chức Cuộc thi của Trung ương nên xem xét: đối với những sự kiện chính trị có ý nghĩa sâu sắc cần phải tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân thì nên sử dụng hình thức thi tìm hiểu, có đề cương gợi ý hoặc đề cương tuyên truyền để mọi người căn cứ vào đó làm bài, qua đó sẽ có tác dụng tuyên truyền rất lớn. Nếu muốn có cả những bài viết hay (các tác phẩm để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng) và có cả những bài thi tìm hiểu tốt (có tác dụng tuyên truyền rộng rãi), Ban Tổ chức nên sử dụng 01 câu hỏi mở ở cuối hoặc phát động song song hai hình thức thi viết là bài thi tìm hiểubài thi viết về chủ đề (chẳng hạn với Cuộc thi này là bài thi viết về chủ đề lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam). Như vậy, sẽ thu hút được đông đảo mọi người tham gia hưởng ứng và có tác dụng tuyên truyền tốt hơn./.

Bài, ảnh: Trần Thép
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất