Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 28/8/2012 17:37'(GMT+7)

Tản mạn về nghệ thuật chạm khắc chim phượng ở hai ngôi chùa cổ

 Hai chùa đều thuộc kiểu thức kiến trúc Đại danh lam và đều xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc. Đây là ngôi chùa của hoàng hậu nên qui mô khá lớn. Đặc biệt là hai chùa đều có hình chạm khắc chim phượng tương tự nhau: có một loại thành bậc cửa bên trên chạm con sấu theo lối tượng tròn, bên dưới chạm nổi trang trí hình con phượng đậu trên hoa sen. Phải chăng khi xây dựng hai di tích này nguyên phi Ỷ Lan đã chọn cùng một hiệp thợ.

Đồ án phượng của hai di tích này rất giống nhau, từ chất liệu, kỹ thuật chạm khắc cho đến bố cục và phong cách nghệ thuật, đều là hoa văn hình phượng múa trên các thành bậc cửa.

Về chất liệu, đồ án chim phượng ở hai chùa sử dụng cùng một loại chất liệu đó là đá sa thạch. Với kỹ thuật tinh tế và trau chuốt, nổi trội về những khối uốn lượn, hình có nhịp điệu mềm mại như hình thêu thì đá sa thạch là sự lựa chọn rất phù hợp.

Về kỹ thuật, chạm khắc phượng ở hai chùa đều thuộc loại hình phù điêu, dùng khối diễn tả trên mặt phẳng mà người xem thấy khối nổi như tượng tròn, tuy chỉ nhìn được chính diện nhưng vẫn như cảm thấy cả phía đang bị che khuất. Chạm khắc phượng ở hai chùa sử dụng kĩ thuật chạm nông (nổi khối nhẹ). Người nghệ sĩ vẽ hình sau đó khoét theo đường viền vào hình bên trong tạo độ cong để gợi khối. Do chạm mỏng nên họ đã dùng tối đa tính trang trí, sử dụng nhiều chi tiết như hoa cúc, hoa sen, sóng nước và các đường cong uốn lượn như đuôi phượng để làm cho hình được sinh động mà không phá vỡ sự ổn định của mặt phẳng. Tác phẩm cho người xem thấy được trình độ kỹ thuật điêu luyện của người nghệ nhân thời Lí về xử lý đường nét, hình khối, bố cục. Đó là kỹ thuật chuốt tỉa kỹ càng chi li, tinh tế, đường nét mềm mại như hình thêu. Hình và khối hài hòa, các độ đậm nhạt thay đổi dưới tác động của ánh sáng tự nhiên.

Về bố cục, bố cục của các bức chạm khắc ở hai chùa là kiểu bố cục có một biểu tượng chính ở trung tâm trong một khung trang trí khép kín (hình phượng được bố cục trong khung hình tam giác với các trang trí phụ là nền hoa dây). Hình chim phượng được bố cục theo lối nhìn nghiêng, đang đứng múa trên một đài sen nổi trên sóng nước. Mảng chạm chim phượng được xếp đặt gọn trong một phiến đá hình tam giác vuông. Phượng có chân dài như chân hạc, chân trái đứng thẳng trên đài sen với những ngón dài, móng sắc. Chân phải đang co lên theo nhịp của điệu múa. Thân phượng mảnh với hai cánh xếp uốn cong, cổ dài hơi rụt lại và đầu quay ngược ra sau nhìn chếch lên…tất cả như hòa cùng điệu múa. Mắt phượng tròn, hơi nhỏ, mỏ quặp như mỏ vẹt, phía sau gáy có chùm lông như bờm dài, kết vào nhau lượn sóng bay ngược lên phía trên như kiểu bờm các hình rồng cùng thời.

Đáng chú ý là phần đuôi của chim phượng gồm nhiều tua lông kết thành chùm để giải quyết chỗ trống của hình tam giác. Tác giả đã cho kéo dài đuôi theo lối lượn sóng hình sin, chạy dài ra hết góc. Ta gặp lại ở đây lối lượn sóng của hình rồng. Mọi thành phần cấu tạo chim phuợng được quy thành những mảng của thân mình, cánh, đuôi chim phượng, được mô tả chi tiết. Bằng bút pháp tinh tế, người thợ đã diễn đạt được các thành phần lông ống ở cánh, lông con ở bụng và lông đuôi dài óng ả của chim. Diện mảng không đều nhau. Các họa tiết đậm nhạt có hình lớn, nhỏ đã tạo nên sinh khí của một con vật.

Trong một diện tích hình tam giác chéo góc, cách giải quyết kéo dài đuôi chim phượng như vậy là một sự sáng tạo của các nghệ nhân: tận dụng được diện tích, ổn thỏa về bố cục và làm tăng thêm sự sống động cho điệu múa. Nó không lôgic về tỉ lệ hình mẫu nhưng lại lôgic về cảm xúc thẩm mĩ. Điều này ta có thể gặp ở nhiều đồ án khác nhưng đẹp và tiêu biểu vẫn là đồ án chim phượng ở chùa Bà Tấm và chùa Hương Lãng. Đường nét thanh tú, mềm mại như hình thêu, kĩ thuật chuốt tỉa kĩ càng, tinh tế, đặc biệt với độ uốn cong cực lớn và mức độ đậm đặc những đường cong trong bức chạm là một đặc điểm tiêu biểu về đường nét của thời Lí không thể lẫn với bất cứ thời nào khác. Để làm nền cho hình phượng múa, người nghệ nhân còn chạm thêm diềm trang trí, trên là hoa lá, dưới là sóng nước, bố cục thành chuỗi dây tinh tế, mềm mại bao quanh như góp thêm không khí sang trọng cho toàn cảnh. Hình hoa cúc, ở giữa là một hạt tròn nhỏ, bao quanh là nhiều cánh hoa mỏng, đầu cánh tròn thon. Các cánh hoa không chia thành lớp cố định, được thể hiện thành băng hoa dây. Trong đồ án phượng, những chỗ trống được điểm xuyết một vài bông hoa mãn khai nổi thành hình tròn làm cho bức chạm có sự chặt chẽ, mềm mại.

Hình tượng chim phượng được nhấn mạnh, người nghệ nhân đã làm nổi rõ vẻ đẹp thần khí của chim phượng trong không gian của đạo Phật. Nếu nhìn từ xa, lớp nền hoa dây bên dưới mờ đi nhường chỗ cho hình chim phượng. Phía dưới chân phượng là hình bông hoa sen của nhà Phật. Mào hình lá đề, biểu trưng Đại Giác của đức Phật. Chim phượng có khả năng giảng về đạo pháp, làm nhiệm vụ như các nữ thần chim: nhảy múa, hát ca. Và các hoa văn sóng nước nhấp nhô, biểu tượng cho chúng sinh, cho cuộc sống và vạn vật.

Hoa văn dây cúc mềm mại, hoa văn cánh sen uốn lượn và hoa văn sóng nước dập dờn gợi lên cảm giác thân mật, ấm cúng, làm tăng giá trị của công trình kiến trúc. Những hình phượng múa với đuôi dài cuồn cuộn ở hai chùa cũng gợi không khí tươi vui, náo nức như chào đón quý khách đến vãn cảnh chùa.

Hình tượng các con vật thần thoại qua bàn tay các nghệ nhân không còn là trạng thái tự nhiên mà được nghệ thuật hóa, bằng những nét vẽ điển hình. Vì thế mà từ vật vô tri vô giác, người nghệ nhân đã sáng tạo ra tác phẩm chạm khắc tuyệt vời. Cái tài tình của người nghệ nhân thời Lý là đã biết phối hợp một cách nhuần nhuyễn giữa hiện thực và cách điệu tạo ra một hình tượng phức tạp nhưng rất hợp lí. Tác phẩm chẳng những phản ánh tài năng của người nghệ sĩ mà còn phản ánh tình yêu cuộc sống, cái hồn của dân tộc. Vì vậy, tác phẩm trông hư mà thực, sang trọng mà gần gũi với nhiều thế hệ người Việt. Bản thân các bức chạm khắc phượng ở hai chùa đã đẹp, có tính độc lập, nhưng nếu không đặt trong không gian chùa sẽ mất đi giá trị thiêng liêng của nó.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, khắc nghiệt của thời gian, cho đến nay, các di tích lưu giữ nghệ thuật chạm khắc phượng thời Lí còn lại không nhiều. Hình phượng trên thành bậc hai chùa đều bị hư mòn, một số không còn nữa. Vì vậy chúng ta rất cần phải bảo vệ, gìn giữ, trân trọng và khôi phục lại những di sản quý giá đó. Đối với những người làm nghệ thuật càng cần phải hiểu và vận dụng một cách sáng tạo thành quả nghệ thuật của cha ông, để nền nghệ thuật ấy tiếp tục trường tồn cùng với sự phát triển chung của nền nghệ thuật Việt Nam.

Họa sĩ  Trịnh Thanh Thủy



 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất