Đã ở tuổi "Cổ lai hy - bảy mươi xưa nay hiếm" nhưng thầy thuốc ưu tú Trang Xuân Chi, cộng tác viên mẫu mực của Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Bình Định vẫn luôn bền bỉ, dẻo dai trong công tác nhân đạo từ thiện. Nhiều năm qua, ông đã đem lại cuộc sống tốt hơn cho hàng trăm cháu bé có cảnh đời bất hạnh do bệnh tim bẩm sinh, bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin nhờ việc kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước giúp đỡ về kinh phí.
Ông sinh ra và lớn lên tại thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam nơi có truyền thống cách mạng hào hùng. Tham gia cách mạng từ năm 1949, từ một thiếu sinh quân, rồi trưởng thành sĩ quan quân đội, bác sỹ chuyên khoa cấp 1, nhiều năm ông là chủ nhiệm khoa và thầy thuốc ưu tú, có bề dày cống hiến 45 năm công tác và trên 40 tuổi đảng. Xuất thân từ một gia đình nghèo, cha mẹ mất sớm, theo Đảng đi làm cách mạng và công tác tại ngành y trong quân đội, ông càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ "Lương y như từ mẫu". Những lời dạy ấy là lương tâm, trách nhiệm và đã đồng hành cùng ông trong suốt cuộc đời công tác, nghỉ hưu và cho đến tận bây giờ.
Suốt thời gian công tác tại ngũ ở Viện Quân y khu 4 và khu 5 (cũ), nhất ở các chiến trường ác liệt, ông và các đồng nghiệp đã vượt qua gian khổ, miệt mài nghiên cứu tìm thuốc cứu. Nhiều bài thuốc do ông tự tìm hiểu bào chế, chữa được nhiều căn bệnh phổ biến, hiểm nghèo như các bài thuốc chữa tim mạch bằng huyết rùa; chữa bệnh gút bằng củ ráy với chuối chát; chữa bệnh đái đường bằng sa kê, đậu bắp và lá ổi non; chữa cao huyết áp bằng cây hoa đại, cây dừa cạn; chữa bệnh xơ gan cổ chướng bằng gan lợn, chè xanh, phèn phi, ốc bươu và cây chó đẻ răng cưa... Ông quan niệm: Trong xã hội vẫn còn một bộ phận dân cư nghèo và khó khăn. Họ bị mắc các bệnh thông thường đến hiểm nghèo, tiền làm ra chưa đủ ăn, đủ mặc, lấy đâu ra tiền chữa bệnh. Trong khi đó chữa bệnh bằng cây thuốc nam vừa dễ, ít bị tác dụng phụ, rẻ tiền và dễ kiếm. Tiếng lành đồn xa, hàng trăm người bệnh từ khắp nơi tìm đến, khi có thuốc bào chế sẵn, ông đem cho hoặc biếu. Nếu chưa có, ông hướng dẫn tỷ mỷ cách bào chế và sử dụng từng loại thuốc, từng loại cây... để người bệnh về địa phương tìm kiếm tự chữa bệnh, mang lại hiệu quả cao.
Trải qua 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đầy gian khổ và hy sinh, sau hơn 30 năm đất nước hoàn toàn thống nhất nhưng những di chứng của chiến tranh như chất độc da cam vẫn còn tiềm ẩn. Chính vì vậy, sau khi nghỉ hưu năm 1992, với tấm lòng đồng cảm "thương người như thể thương thân" ông đã tham gia Hội Chữ thập đỏ tỉnh để có điều kiện giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Suốt hơn 10 năm qua, ông được mọi người coi như "bà đỡ" thực thụ cho nhiều mảnh đời bất hạnh không chỉ ở tỉnh Bình Định mà cả các tỉnh lân cận. Ông tự mình tìm đến thăm, chụp ảnh, đăng bài, kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí. Đến nay, đã có hơn ba trăm người đã được ông giúp đỡ, trong đó có nhiều bệnh nhân trong tình trạng hiểm nghèo đã được cứu sống. Điển hình như cháu Nguyễn Thái Bình, thường trú khu vực 4, phường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn bị bệnh tim bẩm sinh, gia đình lại quá nghèo. Ông đã liên hệ với bác sỹ Huỳnh Tấn Mẫn, Hội Thiện Tâm tại thành phố Hồ Chí Minh cùng Công ty dầu Trường An hỗ trợ cháu 60 triệu đồng để mổ tim. Hay cháu Võ Ngọc Anh ở xã Phước An, huyện Tuy Phước bị ảnh hưởng chất độc da cam được hỗ trợ phẫu thuật tháo khớp cánh tay dị tật tại Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh; cháu Đinh Thị H'Yên, dân tộc Bana tại xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh cũng được ông kêu gọi tổ chức AlSo (Pháp) hỗ trợ 1000 EURO để mổ tim bẩm sinh tại Bệnh viện Trung ương Huế... Hiện nay, ông đang quản lý 2 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 40 triệu đồng cho 2 gia đình trẻ em mồ côi cả cha mẹ, chưa đến tuổi làm giấy chứng minh thư ở phường Đống Đa - Quy Nhơn.
Là một bác sỹ có tay nghề khá, lúc nghỉ hưu, có nhiều bệnh viện tư ở Quy Nhơn và Đà Nẵng mời ông về làm với mức lương hậu hĩnh, nhiều bạn bè khuyên ông mở phòng mạch riêng kiếm ra tiền nhưng ông không đều màng tới mà chỉ tận tâm với công tác từ thiện. Ông tâm sự: Phải sống sao để không khỏi uổng phí cuộc đời. Sống trên đời chỉ nên cho chứ không mong được nhận lại. Tuy là một nhà báo không chuyên, những bức ảnh, tin bài mà ông phản ánh về những hoàn cảnh bệnh tình nghiệt ngã đã kết nối được rất nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước, qua đó, họ gửi tiền giúp các gia đình nạn nhân bị chất độc da cam/diôxin và mổ tim bẩm sinh với tổng số tiền trên 700 triệu đồng.
Ông Đào Duy Chấp, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định cho biết: Bác sỹ Trang Xuân Chi có tấm lòng tâm huyết, đồng cảm và thương người nghèo khổ, bệnh tật. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng với tinh thần nhân đạo cao cả, ông thường xuyên tìm đến những địa chỉ của những mảnh đời bất hạnh, làm hết sức mình thông qua những bài viết, những bức ảnh để kêu gọi sự cứu giúp của các nhà hảo tâm, tận tình giúp đỡ tiền của, góp phần giành lại sự sống và giảm bớt khó khăn cho hàng trăm đối tượng ở trong và ngoài tỉnh Bình Định. Những gì mà Thầy thuốc ưu tú - bác sỹ Trang Xuân Chi đã làm được trong hơn 10 năm qua, thật đáng trân trọng. Ông là một trong những đại biểu tiêu biểu của tỉnh Bình Định dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII năm 2010, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 và nhiều phần thưởng cao quí khác./.
Viết Ý