Theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta vẫn còn đến 9,4%, cùng nhiều đối tượng chính sách, người có công, nạn nhân chất độc da cam, trẻ tàn tật, mồ côi… cần được quan tâm, giúp đỡ trong dịp Tết. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương, để người nghèo có Tết, rất cần sự chung tay góp sức của các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và cả cộng đồng.
Năm nay, thành phố Hà Nội và các quận, huyện dành số tiền hơn 200 tỷ đồng, gần gấp đôi so với Tết năm trước để tặng quà, hỗ trợ các cá nhân, hộ gia đình đối tượng chính sách, người cao tuổi, hộ nghèo… Các quận, huyện, phường, xã đều có kế hoạch thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp khó khăn từ nguồn kinh phí vận động từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Năm nay là năm thứ 3 liên tiếp, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thực hiện chương trình "Quà Tết tặng đồng bào nghèo" tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Nhiều chương trình nhân ái do các doanh nghiệp, cơ quan báo, đài, các ca sĩ, nghệ sĩ… phối hợp thực hiện như: “Chung tay góp Tết tặng người nghèo”, “Trao hơi ấm, nhận nụ cười”, “Tết làm điều hay”, "Vì nông dân nghèo", “Tặng vé xe cho sinh viên nghèo về quê”…t hực sự có sức lan tỏa, được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm...
Nhiều sáng kiến, cách làm hay, hiệu quả đã và đang được nhân rộng, như: Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các doanh nghiệp bố trí 1000 chuyến xe ô tô miễn phí đưa công nhân có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc về quê ăn Tết; tặng quà, động viên những công nhân, không thể về quê đón Tết... Nhiều tổ chức công đoàn còn vận động các doanh nghiệp thanh toán tiền lương, tiền thưởng cho người lao động, không để nợ lương, thưởng kéo dài, ảnh hưởng đời sống và việc đón Tết của công nhân... Nhiều ngôi nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, nhà đồng đội… được các địa phương, cơ quan, đơn vị gấp rút hoàn thành, để có thêm hàng chục nghìn hộ nghèo, hộ đối tượng chính sách… kịp vui Xuân, đón Tết trong những căn nhà mới.
Hỗ trợ công bằng, đúng đối tượng, đúng chính sách của Nhà nước, địa phương… là yêu cầu quan trọng trong việc chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách. Kinh nghiệm của các địa phương làm tốt là sớm khảo sát, xác định đối tượng, niêm yết công khai danh sách được hỗ trợ ăn Tết và mức hỗ trợ cụ thể của từng đối tượng, tránh để xảy ra những tiêu cực, thất thoát, cấp chậm, không đúng đối tượng… như một vài Tết trước đây. Những ngày này, cán bộ các cấp, các đoàn thể cần tăng cường xuống cơ sở, nắm tình hình, thăm hỏi, chúc Tết, hỗ trợ kịp thời các đối tượng nghèo, thu nhập thấp, gia cảnh khó khăn...
Dân tộc Việt Nam giàu lòng nhân ái, sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, chia sẻ ngọt bùi, “lá lành đùm lá rách”. Bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo… là những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta, trong đó, chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng chính sách, người có công… là một biểu hiện cụ thể, giàu tính nhân văn. Tết chỉ thực sự vui và có ý nghĩa, khi nhà nhà, người người, nhất là những gia đình nghèo khó, người lang thang, cơ nhỡ, trẻ tàn tật, mồ côi… đều được đón Tết đầm ấm, an lành.
(Anh Quân/QĐND)