Thứ Tư, 27/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 22/1/2011 9:26'(GMT+7)

Liệu Xuân này có hối hả tương lai?

 

Năm mươi năm về trước, năm 1961, trong bài thơ xuân của mình, nhà thơ Tố Hữu cất tiếng reo vui: ''Xuân đã đến rồi. Hối hả tương lai!''.

Năm ấy, miền Bắc hoàn toàn giải phóng đã bắt đầu bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Một trong những nhiệm vụ đạt ra là thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội. Chúng ta đi lên từ một điểm xuất phát rất thấp. Năm năm khôi phục và phát triển kinh tế chưa đủ để hàn gắn được hết các vết thương chiến tranh và vực dậy nền kinh tế bị kiệt quệ. Công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng, gần như chưa có gì.

Năm nay, Tân Mão 2011 đã khác trước rất nhiều. Đất nước thống nhất trải qua 35 năm xây dựng hòa bình, trong đó có 25 năm đổi mới quý như vàng. Với những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của 25 năm đổi mới ấy, bộ mặt của đất nước và đời sống của nhân dân đã có nhiều thay đổi, sức mạnh về mọi mặt của nước ta được tăng cường. Mười năm đầu thế kỷ XXI đã khép lại bằng một thành quả rất đáng tự hào: Nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và bước vào hàng ngũ các nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Một chiến lược phát triển mới đã được Đại hội XI của Đảng ta hoạch định: Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020. Cái đích nhắm tới là đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để tạo nền tảng cho một nước công nghiệp như vậy, cho đến nay, chúng ta đã phải trải qua hơn 15 năm nếu chỉ kể từ khi Đại hội VIII (1996) của Đảng quyết định chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Và việc tạo nền tảng ấy còn phải tiếp tục làm trong mười năm tới.

Nửa thế kỷ trước, biết bao câu hỏi đặt ra về tiềm năng của đất nước.

Hỏi nước non cao đâu sắt, đâu vàng?

Hỏi biển khơi xa đâu luồng cá chạy?

Sông và sông Lô, sông Hồng, sông Chảy

Hỏi đâu thác nhảy cho điện quay chiều?

Nay thì những tiềm năng ẩn giấu ấy đã trở thành những khả năng thực tế. Và từ những khả năng thực tế, đã mọc lên ngày càng nhiều những công trình hiện thực. Núi non của ta, từ cao nguyên Đồng Văn cho đến tận cùng dãy Trường Sơn, ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đã trả lời không chỉ đâu sắt, đâu vàng mà còn cả đâu là những nguồn tài nguyên và khoáng sản quy hiếm khác. Biển khơi của ta, mênh mông từ bờ cong chữ S cho đến vùng thêm lục địa và lãnh hải tận Trường Sa, đã cho biết không chỉ những luồng cá chạy mà còn cả sự giàu có về nhiều mặt, cho phép chúng ta xây dựng cả một hệ thống cảng biển, nền công nghiệp đóng tàu và mở đường thông thương với nhiều quốc gia ven bờ các đại dương trên thế giới, khai thác dầu khí và nhiều tài nguyên khác trong lòng biển. Những dòng sông của ta, từ sông Hồng cho đến sông Cửu Long và các dòng sông lớn nhỏ khác khơi nguồn từ dãy Trường Sơn chảy xuống ven biển miền Trung, đều mách bảo chúng ta nhanh tay xây dựng hệ thống các nhà máy thủy điện và thủy lợi. Hết Thác Bà, Hòa Bình, Trị An, Ya-ly đến Vĩnh Sơn, sông Hinh, sông Ba Hạ, Xê Xan, và nay là Sơn La. Ngành năng lượng của ta không chỉ có nhiệt điện, thủy điện, điện gió, pin mặt trời mà còn hướng tới điện nguyên tử.

Bộ mặt một nước công nghiệp theo hướng hiện đại dần rõ nét. Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng ngày một lớn lên đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu với giá trị kim ngạch ngày một tăng. Các ngành công nghiệp cơ bản từng bước được xây dựng với nhiều công trình then chốt về cơ khí chế tạo, dầu khí, điện than, khai khoang, hóa chất, luyện thép, xi măng... Hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, bưu chính - viễn thông, hạ tầng công nghiệp thông tin cũng có bước tiến đáng ghi nhận. Quá trình đô thị hóa đẩy nhanh, đến nay, bên cạnh các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, hầu hết các trung tâm tỉnh lỵ đều trở thành thành phố, nhiều thị trấn, huyện lỵ trở thành thị xã. Trong cơ cấu kinh tế của ta, đến năm 2010, công nghiệp xây dựng và dịch vụ đã chiếm gần bốn phần năm giá trị tổng sản phẩm trong nước. Nông nghiệp giảm tỷ trọng nhưng gia tăng về giá trị thực tế, đã tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu đứng ở hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều.

Mừng đất nước hôm nay, chúng ta càng nhớ lại cái thuở ban đầu công nghiệp hóa ấy. Thời đó, nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ nhưng hừng hực tinh thần cách mạng, vì tương lai mà chắt chiu từng chút. Đó là cái thời Tố Hữu nói:

Dọn tí phân rơi, nhặt từng mẩu lá

Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô

Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ.

Đó là cái thời thắp sáng niềm tin trong mỗi trái tim:

Hỡi những người trai, những cô gái yêu

Trên những đèo mây, những tầng núi đá.

Hai bàn tay ta hãy làm tất cả!

Xuân đã đến rồi. Hối hả tương lai.

Đó cũng 1à cái thời nhà văn Nguyễn Tuân từng ca ngợi: Và tượng đá. Và tượng đá. Của những anh hùng cũ. Của những anh hùng mới. Của những cặp giai nhân thời đại công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa!

Ôn cố tri tân. Ôn lại chuyện xưa là để biết chuyện nay.

Hẳn có ý kiến cho rằng bức tranh trước mắt về công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ta đã được vẽ nên quá sáng. Cái nhìn quá lạc quan. Thật ra, ai chẳng hiểu rằng, bên cạnh những gì đã làm được, chúng ta còn phải đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức. Kinh tế phát triển chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Tăng trường chủ yếu vẫn theo chiều rộng. Các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc. Đời sống nhân dân tuy được cải thiện rõ rệt nhưng khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, các vùng, miền có phần doãng ra. Khoảng cách phát triển giữa nước ta và các nước đi trước trong khu vực chưa được thu hẹp lại...

Điều muốn nói ở đây là một sự liên tưởng, một so sánh nhỏ có phần hơi khập khiễng nhưng thực tế giữa cái thời mới mở ra công nghiệp hóa với thời nay, khi công nghiệp hóa bước vào giai đoạn cuối. Thời nào cũng vậy, nhân tố tinh thần luôn có vai trò quyết định. Chủ nghĩa lạc quan cách mạng luôn là một động lực. Với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, chúng ta có mười năm trước mắt để thực hiện nhiệm vụ đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Mười năm không phải là dài. Thời gian đang giục giã.

Bước vào Xuân Tân Mão, đáp lại câu hỏi: “Liệu xuân này có hối hả tương lai?'', ắt hẳn mỗi người chúng ta đều chung một tiếng trả lời: ''Có!''./.

Hà Đăng

Xuân Tân Mão 2011

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất