Thứ Sáu, 22/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Bảy, 21/2/2015 20:55'(GMT+7)

Tết thầy

Đối với mỗi người Việt trong xã hội xưa và nay, người thầy có vị trí vô cùng quan trọng, là người được tôn kính đặc biệt trong cộng đồng. Bởi theo người Việt: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy); “Không thầy đố mày làm lên”. Thời xưa, nhiều người sáng dạ, học được tinh túy trong cái chữ, cái nghề mà thầy truyền dạy nên đỗ cao, được phong chức, tước; cha mẹ, người thân được mở mày mở mặt với thiên hạ. Ngày nay, nhờ thầy dạy dỗ chu đáo, các học sinh ra trường trở thành công dân có ích, đem tài năng phục vụ Tổ quốc, được xã hội tôn vinh. Vậy nên, câu thành ngữ, “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” được lan tỏa sâu rộng trong nhiều thế hệ người Việt và có sức sống rất mạnh mẽ. Từ cậu bé tóc để chỏm cho đến những người đầu bạc trắng bởi thời gian đều thành kính thực hiện câu thành ngữ ấy.

Vào sáng mồng ba Tết Nguyên đán, các học trò người Việt thường dành thời gian để cùng nhau đi lễ Tết thầy, cô giáo. Thời phong kiến, cho dù làm quan tể tướng thì ngày Tết người học trò đến thăm thầy cũng vẫn một lòng tôn sư trọng đạo như thế. Mồng ba Tết, người đứng đầu hàng môn sinh, không phân biệt tuổi tác, chức vị, vị trí xã hội, thường tụ họp ở gia đình thầy giáo, chúc Tết thầy. Người cao tuổi nhất hoặc người được các bạn đồng môn tín nhiệm nhất thay mặt mọi người đứng lên trịnh trọng thưa với thầy về sự có mặt của học trò lớp mình và chúc thầy trường thọ cùng những điều tốt lành. Ngày nay, việc lễ Tết thầy giáo mở rộng ra nhiều lĩnh vực, không chỉ bó hẹp ở đối tượng học trò học chữ mà còn lan tới tới những người có công dạy chữ lẫn dạy nghề, dạy các bộ môn nghệ thuật như đàn, dạy hát, múa.... Đây là một nét văn hóa, là giá trị góp phần làm cho đạo đức xã hội ngày càng phát triển bền vững, qua đó góp phần làm cho tình cảm thầy trò trở thành cao cả, thiêng liêng.

Tuy nhiên, ngày nay việc Tết thầy đã có những biến đổi khác trước và không ít trường hợp bị chi phối bởi lợi ích và những giá trị vật chất. Bên cạnh những người đến thăm thầy bởi tấm lòng “tôn sư, trọng đạo” đích thực thì không ít người coi đó là cơ hội “lấy lòng” thầy để trục lợi. Hay lại có người gửi biếu thầy gói quà… là coi như xong việc. Cá biệt, có nhiều người lợi dụng quan điểm “cả xã hội học tập”, “đua nhau học thật nhiều, biết thật nhiều”... để tranh thủ mở lò luyện thi cấp tốc, gia sư, dạy thêm... kiếm lời. Những việc này làm cho kiến thức bị thương mại hóa, phá vỡ nét đẹp văn hóa tình thầy trò. Và dĩ nhiên, khi tình thầy trò bị phá bỏ thì cũng sẽ chẳng có cái lễ của trò với thầy trong ngày mồng Ba Tết.

Tết thầy vào đúng ngày mồng Ba Tết Nguyên đán đã đi sâu vào văn thơ và các loại hình nghệ thuật dân gian, hiện đại, là nét văn hóa đặc biệt trong xã hội người Việt. Tết thầy là dịp để những học trò có dịp hội ngộ, ôn cố tri tân, bàn luận, kiểm chứng kết quả lời dạy của thầy thông qua những việc cụ thể, qua đó để ngăn ngừa, lên án những việc làm có hại trong xã hội, làm cho xã hội phát triển tốt đẹp hơn. Thế nên, mỗi người hãy bớt chạy theo sự phát triển gấp gáp của xã hội, bớt những gặp mặt, hội hè, tiệc tùng để đến thăm và lễ thầy trong dịp Tết, làm cho nét đẹp văn hóa ấy mãi mãi lưu truyền, lan rộng trong xã hội chúng ta. 

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất