Thứ Sáu, 22/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Năm, 1/1/2015 20:38'(GMT+7)

Thiện nguyện, nghĩa tình vì người nghèo

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

 Đã trở thành nét đẹp truyền thống, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương rất quan tâm và cùng chung tay chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công, người nghèo, người kém may mắn trong xã hội…, để mọi người, mọi nhà đều có Tết. Tháng cuối năm bộn bề công việc, nhưng cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, với tình cảm tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, nỗ lực huy động các nguồn lực, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, nhằm hỗ trợ, chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách… đón Tết, vui xuân.

Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các địa phương đều dành nguồn kinh phí, vật chất, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo Tết cho nhân dân. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện... chủ động triển khai các hoạt động quyên góp, vận động nguồn lực giúp người nghèo, gia đình chính sách, gia đình khó khăn có thêm điều kiện đón Tết. Những chuyến tàu, đoàn xe chở quà Tết và nghĩa tình sẵn sàng đến với nhân dân và cán bộ, chiến sĩ ở mọi miền đất nước, nhất là nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa…; thể hiện tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc chăm lo thiết thực đời sống người nghèo, gia đình chính sách; bảo đảm an sinh và công bằng xã hội.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, những năm qua, việc chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách tại một số địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng tiêu cực, bất cập, gây dư luận xấu trong xã hội, như tình trạng một số cán bộ địa phương bớt xén tiền, quà Tết; sử dụng nguồn kinh phí, quà tặng thiếu công khai, minh bạch; việc kê khai đối tượng thụ hưởng không đúng, quà Tết không bảo đảm chất lượng…

Tại một số ít địa phương, do cách làm tùy tiện, quan liêu, thiếu trách nhiệm của cán bộ chính quyền, đoàn thể, nên thậm chí có tình trạng Tết đã qua, nhưng quà vẫn chưa đến tay người nghèo, gia đình chính sách.

Để người nghèo, gia đình chính sách được thụ hưởng kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách, cùng sự quan tâm chăm lo của toàn xã hội trong dịp Tết, trách nhiệm trước hết thuộc về cấp ủy, chính quyền địa phương. Cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cuối năm để chủ động triển khai thực hiện, nhất là việc bình xét, thống kê chính xác đối tượng chính sách, người nghèo để trợ giúp thiết thực, đúng địa chỉ, đối tượng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách" trong nhân dân; kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước tham gia ủng hộ, tăng cường nguồn lực cho các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo. Cần khắc phục biểu hiện hình thức, gây tốn kém trong việc thăm, tặng quà, hoặc lợi dụng việc tặng quà để “đánh bóng” thương hiệu của tổ chức, cá nhân... Quà Tết phải phù hợp, thiết thực với từng đối tượng. Những sai phạm trong hoạt động này trong các dịp Tết trước đây cần phải rút kinh nghiệm nghiêm túc, nhất thiết không để tái phạm.

Chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, người có công… là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Vì vậy, đây phải thực sự là một việc làm tự nguyện, thiện nguyện, với tình cảm trong sáng và trách nhiệm cao, để mùa xuân ấm áp, an vui đến với mọi người, mọi nhà./.

Lại Nguyên (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất