Ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 381-CT/TƯ, lấy Ngày thành lập QĐND Việt Nam làm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Từ đó đến nay, ngày 22-12 hằng năm đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc, là dịp để nhân dân cả nước tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền sâu rộng về truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc và phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.
25 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cùng các cấp chính quyền địa phương trong cả nước đã rất tích cực trong công tác chăm lo củng cố sự nghiệp quốc phòng-an ninh.
Lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên không ngừng được củng cố, kiện toàn và được động viên, huấn luyện để có đủ khả năng làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở cơ sở.
Công tác giáo dục quốc phòng-an ninh cho các đối tượng, nhất là giáo dục lòng yêu nước, yêu Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên đã được hiện thực hóa bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực. Các nhà trường từ bậc THPT trở lên đã chính thức đưa nội dung giáo dục quốc phòng-an ninh vào chương trình dạy học chính thức. Việc giáo dục quốc phòng từ sớm cho học sinh, sinh viên đã tạo cho họ nền tảng để xây dựng ý thức bảo vệ Tổ quốc.
Cũng thông qua Ngày hội Quốc phòng toàn dân, người dân sẽ nhận thức rõ hơn, cụ thể hơn về nhiệm vụ sẵn sàng bảo vệ đất nước từ khi nước còn chưa nguy.
Hiện nay, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã, đang thu được những thành tựu to lớn. Nước ta đang đứng trước những vận hội, thời cơ mới để tăng cường hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức, trong đó có những thách thức về quốc phòng-an ninh. Giải quyết những thách thức đó đòi hỏi phải có sự đồng tâm hiệp lực của toàn dân. Vì vậy, Ngày hội Quốc phòng toàn dân còn phải mang cả ý nghĩa của ngày hội cố kết sức mạnh toàn dân tộc đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Để ngày hội này ngày càng thiết thực, hiệu quả, thực sự là ngày hội của lòng yêu nước, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục toàn dân về truyền thống yêu nước, truyền thống vẻ vang của Đảng, của quân đội, lý tưởng và đạo đức cách mạng, truyền thống văn hóa dân tộc, chuẩn mực lối sống con người Việt Nam.
Giáo dục quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sự nghiệp quốc phòng toàn dân cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành và thanh niên, học sinh, sinh viên, làm cho mọi người dân Việt Nam có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về nghĩa vụ của mình đối với nhiệm vụ xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Tăng cường giới thiệu, phổ biến những kinh nghiệm hay của các địa phương để nâng cao hiệu quả công tác quốc phòng toàn dân. Đồng thời, khẳng định những thành tựu vĩ đại của dân tộc ta đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới đất nước. Động viên các tầng lớp nhân dân nêu cao cảnh giác cách mạng, quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, gắn kinh tế với quốc phòng bảo đảm cho mỗi địa phương luôn là một khu vực phòng thủ vững chắc./.
Chu Anh (QĐND)