Thứ Bảy, 27/7/2024
Cùng suy ngẫm
Chủ Nhật, 11/1/2015 15:15'(GMT+7)

Thay!

Hiện trường vụ sập giàn giáo đường sắt trên cao tuyến Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội). (Ảnh: VnExpress)

Hiện trường vụ sập giàn giáo đường sắt trên cao tuyến Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội). (Ảnh: VnExpress)

Sau vụ sập giàn giáo xây dựng đường sắt đô thị trên cao tuyến Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) cuối tháng 12/2014 vừa qua, cùng với việc yêu cầu phía Tổng thầu nước ngoài thay Giám đốc điều hành, Nhà thầu phụ và một số vị trí liên quan… lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng đã khẩn trương thay một loạt cán bộ chủ chốt trong dự án này, như: Tổng giám đốc (TGĐ) và Phó TGĐ Ban quản lý Dự án đường sắt Việt Nam, Tư vấn giám sát phụ trách nhà ga bến xe Hà Đông, đình chỉ thi công và cấm tham gia thi công một số những hạng mục khác của dự án đối với một số doanh nghiệp…

Trước đó, trong quá trình kiểm tra các dự án cở sở hạ tầng GTVT tại nhiều địa phương trong cả nước, người đứng đầu bộ GTVT cũng đã “thay tại trận” một số nhà thầu, giám đốc dự án, tư vấn, giám sát… và những chức vụ liên quan đã không hoàn thành chức trách được giao. Động thái này của lãnh đạo Bộ GTVT được dư luận quan tâm, đồng tình và ủng hộ. Mặc dù đây chỉ là một trong những biện pháp nhằm bảo đảm tiến độ thi công, chất lượng công trình, an toàn lao động và các tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật… khác.

Việc “thay ngay” những người có trách nhiệm nhưng hoặc là để xảy ra những sự cố đáng tiếc trong lĩnh vực phụ trách; hoặc là không hoàn thành các yêu cầu đề ra… chỉ là một trong những biện pháp quản lý ở các lĩnh vực kinh tế-xã hội… Đó  là việc làm bình thường trong mọi nền hành chính. Ở nước ta, nhiều bộ, ngành, địa phương các cấp cấp thời gian qua cũng đã có những quyết định tương tự, được dư luận đồng tình và có tác dụng thiết thực.

Ở nhiều quốc gia, nhiều nhà lãnh đạo khi để xảy ra những sự cố, những yếu kém thuộc lĩnh vực mình phụ trách, đã dũng cảm xin từ chức trước khi bị cách chức. Đó là hành động, thể hiện lòng tự trọng cá nhân và ý thức trách nhiệm trước cộng đồng. Tuy nhiên ở nước ta hiện nay, do hoàn cảnh lịch sử và nhiều lý do khách quan, chủ quan… nên văn hóa từ chức chưa phổ biến, ngay cả việc bị “thay ngay” (cách chức ngay) cũng hiếm khi xảy ra.

Bởi vậy mà những động thái kịp thời, dũng cảm, kiên quyết của lãnh đạo Bộ GTVT trong công tác cán bộ, ở một số lĩnh vực, trong một số vụ việc, được dư luận hết sức quan tâm và đồng tình, hoan nghênh; bởi hầu hết những vụ việc trên đây đều thuộc lĩnh vực đầu tư công, là lĩnh vực “nóng’ về tham nhũng và lãng phí, được coi như một trong những quốc nạn hàng đầu đe dọa uy tín của Đảng và sự an nguy của chế độ, của đất nước.

Mong sao, việc “thay ngay” như trên trở thành biện pháp hành chính bình thường ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực; trên tinh thần thượng tôn pháp luật và đạo đức công vụ. Khi ấy, việc “thay ngay” những cá nhân yếu kém năng lực, phẩm chất, tác phong… không đơn giản chỉ là một quyết định hành chính, một biện pháp tổ chức… mà là một phẩm chất thuộc về văn hóa quản lý, văn hóa công quyền…/.

Mai Nam Thắng (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất