Thứ Năm, 2/5/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 28/8/2023 8:47'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên các kênh thông tin, nền tảng mạng xã hội

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 20 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 20 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

DẤU ẤN CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU, BIÊN SOẠN, TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC LỊCH SỬ ĐẢNG

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW về Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” (Chỉ thị số 20), Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình lịch sử Đảng, đồng thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân biên soạn các ấn phẩm lịch sử từ nguồn ngân sách thành phố, với tổng số 203 công trình; trong đó, cấp thành phố 59 công trình, 32 ấn phẩm cấp quận, huyện và 75 ấn phẩm cấp phường, xã, thị trấn; 37 ấn phẩm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc.

Đặc biệt, đối với công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ, bên cạnh các kênh quảng bá cổ điển như sách, báo, áp phích, pano, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng cập nhật công nghệ, ứng dụng để truyền tải kiến thức, giáo dục lịch sử đảng trên các kênh thông tin, nền tảng mạng xã hội.

Các công trình, ấn phẩm sách trong 5 năm qua có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học và thực tiễn, có giá trị tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, tổng kết những kinh nghiệm mang giá trị thực tiễn đáp ứng được mục đích, yêu cầu Chỉ thị số 20 đặt ra. Sau quá trình nghiên cứu, biên soạn, Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền các ấn phẩm lịch sử, lịch sử Đảng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Ngoài việc thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn từ năm 2018 đến 2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương, hằng năm, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng đề tài và đặt hàng xuất bản phẩm hàng chục nghìn bản in có chất lượng phát hành đến các đối tượng và bổ sung vào tủ sách cơ sở. Thường trực Thành ủy đã duyệt hỗ trợ tác giả, nhà xuất bản để xuất bản tác phẩm có giá trị giáo dục lòng yêu nước và truyền thống cách mạng, các ấn phẩm lịch sử, lịch sử Đảng để phát hành đến hệ thống thư viện các phường, xã, thị trấn và hệ thống thư viện các trường học trên địa bàn thành phố.

Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo đài truyền hình, các cơ quan báo chí, các báo điện tử, các trang điện tử do thành phố quản lý, tiếp tục tăng cường thông tin, đổi mới hình thức tuyên truyền, sử dụng hiệu quả Internet và mạng xã hội để tuyên truyền nhân các sự kiện lịch sử, các ngày lễ lớn. Các đơn vị truyền thông thành phố chú trọng kết hợp tương tác để tạo nên tác phẩm đa phương tiện hấp dẫn mới mẻ về hình thức lẫn nội dung như video, bài hát, thông tin đồ họa (infographic), tin theo dòng sự kiện (timeline), kể chuyện (Megastory)…

Công tác tuyên truyền, phát huy giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng được các cấp, các ngành, các đoàn thể trên địa bàn thành phố đã chủ động tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng, một số đơn vị đã nỗ lực khắc phục khó khăn, ứng dụng công nghệ để thiết kế, thực hiện một số hoạt động nổi bật. Đặc biệt là sử dụng thường xuyên các nền tảng mạng xã hội, trang tin điện tử của các cấp để tuyên truyền, giáo dục lịch sử trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Cụ thể: Ban Tuyên giáo Thành ủy có trang Cờ Đỏ Thành phố Hồ Chí Minh; các ban tuyên giáo quận, huyện, thành phố Thủ Đức đều có những trang: Đất Cảng, Cột cờ Thủ Ngữ, Vườn Cau đỏ, Vườn thơm quê tôi, Vùng Bưng Sáu Xã...

Cùng với việc đầu tư xây dựng các trang mạng, thành phố chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động biên soạn sách, tổ chức hội thi … cụ thể: Ban Tuyên giáo Thành ủy biên soạn và phát hành sách “Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh một hành trình vĩ đại” theo hình thức thông tin đồ họa (infographic); triển khai biên soạn, xây dựng chuyên đề về các sự kiện, nhân vật tiêu biểu của đất nước và Thành phố Hồ Chí Minh trên Trang tin điện tử Đảng bộ thành phố bằng hình thức thể hiện là bài viết kết hợp infographic nhằm tăng tính truyền thông và tiếp cận (trung bình mỗi tháng có 25 bài viết, 25 infographic) tuyên truyền các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (sự tương tác, chia sẻ đối với các bài viết rất cao).

Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp các đơn vị tổ chức Hội thi Tự hào Sử Việt định kỳ, với nhiều hình thức phong phú đa dạng; kết hợp chiều rộng và chiều sâu. Tiêu biểu như Hội thi Tự hào Sử Việt năm 2022 thu hút hơn 80.000 lượt thí sinh thi trực tuyến trên toàn quốc. Ban Tổ chức tiếp nhận hơn 130 sản phẩm tuyên truyền và 100 hiến kế lan tỏa sử Việt.

Ngoài ra, các đơn vị quận huyện, thành phố Thủ Đức, ban, ngành, đoàn thể sử dụng các hình thức như kỷ yếu, truyện tranh, tờ gấp, chuyên trang, chuyên mục, sử dụng các nền tảng mạng xã hội, trang tin điện tử của các cấp, video clip gắn với các sự kiện, các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ... để tuyên truyền, giáo dục lịch sử trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân, nổi bật như: Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 10 phối hợp với Trung tâm văn hóa Hòa Bình xây dựng 4 clip về Lịch sử Đảng bộ quận giai đoạn 1930 - 2020 phát trên kênh youtube và trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội của các cơ quan, đơn vị thuộc quận để tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn. Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hóc Môn phát hành ấn phẩm truyện tranh “Nữ kiệt miền Đông - Hồ Thị Bi”,...  Các quận ủy, huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức chỉ đạo Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phòng giáo dục và đào tạo, các trường trung học phổ thông,... lồng ghép nội dung Lịch sử Đảng bộ thành phố, quận, huyện, thành phố Thủ Đức vào các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho các lớp đối tượng Đảng, đảng viên mới, các lớp sơ, trung cấp chính trị; duy trì tổ chức học tập chương trình ngoại khóa lịch sử Đảng bộ quận, huyện tới học viên và học sinh trên địa bàn; tổ chức hội thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ quận, lịch sử Đảng bộ địa phương với các hình thức phong phú như: trắc nghiệm kiến thức, hái hoa dân chủ, thuyết trình, tổ chức thi online tìm hiểu lịch sử Đảng bộ phường.

Ngoài ra, các đơn vị còn tổ chức đi thực tế, giới thiệu di tích lịch sử, địa chỉ đỏ của địa phương và thành phố, tổ chức các hội thi tìm hiểu, nói chuyện chuyên đề... Các quận, huyện chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo, các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp duy trì tổ chức học tập chương trình ngoại khóa lịch sử đảng bộ quận, huyện tới học sinh. Các quận, huyện và các phường, xã, thị trấn đã chủ động tổ chức hội thi tìm hiểu lịch sử đảng bộ quận, huyện, lịch sử đảng bộ phường, xã, thị trấn với các hình thức phong phú như: trắc nghiệm kiến thức, hái hoa dân chủ, thuyết trình, tổ chức thi online tìm hiểu lịch sử đảng bộ.

Trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng, ngoài các ấn phẩm lịch sử, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai xây dựng nhiều công trình di tích lịch sử lớn của thành phố, là cơ sở cho công tác truyên truyền giáo dục truyền thống mang tính trải nghiệm, thực tế như: Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (huyện Củ Chi); 9 không gian Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi); Khu tưởng niệm liệt sĩ Mậu Thân 1968 (huyện Bình Chánh); Khu di tích Căn cứ Vườn Thơm (huyện Bình Chánh); Công viên lịch sử văn hóa dân tộc (Quận 9)...

 NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM BƯỚC ĐẦU

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, công tác tuyên truyền lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống đã được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đặc biệt sử dụng hiệu quả mạng Internet, góp phần vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng thấm sâu hơn vào tâm trí của mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân. Công tác giáo dục lịch sử Đảng được đẩy mạnh hơn trước, các quận ủy, huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức, các ngành, đoàn thể thành phố đã đưa nội dung lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương vào chương trình giảng dạy học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông; các lớp bồi dưỡng chính trị cho các lớp đối tượng Đảng, cảm tình Đoàn, chương trình trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị... Nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đoàn viên, thanh niên đã quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương trong những đợt sinh hoạt chính trị nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của cả nước và thành phố.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất vẫn là nội dung tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng chưa thu hút các tầng lớp nhân dân bằng các nội dung khác; việc số hóa tư liệu, ứng dụng công nghệ thông tin để đa dạng sản phẩm, tạo sự hấp dẫn đối với các đối tượng cần tuyên truyền, nhất là đối với thế hệ trẻ còn thực sự phát huy hiệu quả.

Các cá nhân, tập thể được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trao giấy khen có thành tích xuất sắc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW.

Các cá nhân, tập thể được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trao giấy khen có thành tích xuất sắc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW.

Với những kết quả làm được cũng như những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua; có thể rút ra một số kinh nghiệm mang tính toàn diện, hệ thống, mang tính tác động, phối hợp để thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong tình hình mới. Cụ thể là:

Thứ nhất, tập trung thực hiện tốt nội dung nghiên cứu, biên soạn các ấn phẩm lịch sử Đảng, từ đó tiến hành tổng kết lý luận và thực tiễn lịch sử, làm rõ những bài học, kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền lịch sử Đảng để nâng cao nhận thức về lịch sử Đảng cho nhân dân, tạo ra sự thống nhất và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự vận dụng, sáng tạo của Đảng bộ địa phương, góp phần đấu tranh chống các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ hai, Ban Tuyên giáo các cấp cần chủ động tham mưu, đề xuất, triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch tổng kết, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, cập nhật kết quả nghiên cứu mới; bổ sung những quan điểm mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào các công trình nghiên cứu, các chuyên đề chuyên sâu, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong thời gian tới như chuyên đề công tác phòng, chống dịch COVID-19, như chuyên đề về truyền thống năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân Thành phố, chuyên đề về Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh...

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong hệ thống chính trị một cách thường xuyên, thống nhất. Đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể dưới nhiều hình thức phong phú đa dạng để đạt hiệu quả cao.

Thứ , các cơ quan chuyên môn của thành phố, nhất là Ban Tuyên giáo Thành ủy cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Viện Lịch sử Đảng, Viện Lịch sử Quân sự, Viện Sử học và Cục Khoa học chiến lược và Lịch sử Công an trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, phát huy thế mạnh về công nghệ, các ứng dụng; xu thế, nhịp sống của giới trẻ; kết hợp các dự án do các nhóm yêu thích lịch sử để tạo ra những sản phẩm mới mẻ về hình thức lẫn nội dung./.

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, công tác tuyên truyền lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống đã được các cấp, các ngành Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đặc biệt sử dụng hiệu quả mạng Internet, góp phần vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng thấm sâu hơn vào tâm trí của mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân.

Phạm Đức Hải
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất