Thứ Hai, 9/12/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 20/12/2023 7:4'(GMT+7)

Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội

NHẬN THỨC RÕ VAI TRÒ, TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC LẮNG NGHE, NẮM BẮT DƯ LUẬN XÃ HỘI

Với đặc điểm là một đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; đầu tàu, động lực có sức hút và sức lan tỏa lớn của Vùng, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút một số lượng lớn người lao động từ các tỉnh, thành đến sinh sống, làm việc, học tập. Đồng thời, với vị trí, vai trò đặc biệt của mình, Thành phố cũng là địa bàn chịu sự tác động thường xuyên, liên tục, nhiều chiều, sâu sắc từ tình hình thế giới, khu vực và trong nước. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu đòi hỏi mỗi cấp ủy, chính quyền cần phải nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc lắng nghe, nắm bắt tình hình tư tưởng người dân; xác định đây là một mắt xích không thể thiếu trong quá trình hoàn thiện, ban hành văn bản quản lý, điều hành có hiệu quả.

Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung rất nhiều giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội: từ việc xây dựng, củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội đến các giải pháp nhằm đổi mới hình thức giao ban, thu thập thông tin; từ đó kịp thời giải quyết các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất, đồng thuận và tin tưởng. Tuy nhiên, so với thực tiễn của một thành phố lớn, công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội cần phải kịp thời, thuyết phục và có độ tin cậy cao; đặc biệt trước các sự kiện, chủ trương, đề án lớn, có tác động sâu, rộng đến mối quan tâm, lợi ích của đông đảo người dân. Phương thức nắm bắt dư luận xã hội thông qua hệ thống mạng lưới cộng tác viên và các hội nghị giao ban có thời điểm chưa đáp ứng được hết cho việc phát hiện các vấn đề tiềm ẩn trong dư luận; chưa lượng hóa chính xác mức độ phủ rộng của từng luồng ý kiến; chưa đại diện đầy đủ tiếng nói của các thành phần nghề nghiệp, chính trị, tôn giáo… điều này khiến việc đưa ra nhận định, dự báo và tham mưu các giải pháp nhằm tạo sự đồng thuần, ổn định trong tư tưởng có thời điểm còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Thực tiễn này đặt ra yêu cầu về việc cần phải đa dạng hóa các hình thức, phương pháp nắm bắt dư luận xã hội để việc nắm bắt, phân tích, dự báo dư luận xã hội không chỉ dừng lại ở các thông tin mang tính chất định tính mà còn hướng đến các dữ liệu con số có cơ sở khoa học, có độ tin cậy và đại diện cao. Ngày 29 tháng 3 năm 1995, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Thông tri số 70/TT-TU “về việc đổi mới, cải tiến và nâng cao chất lượng nắm bắt dư luận xã hội”, đặt ra những nhiệm vụ quan trọng đối với công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội của các cấp ủy Đảng từ thành phố đến các cơ sở là: “Cải tiến và nâng cao chất lượng nắm bắt dư luận xã hội, tổ chức các cuộc điều tra phân tích tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và các đối tượng quần chúng để tham mưu giúp công tác chỉ đạo của cấp ủy và công tác tư tưởng của Đảng bộ kịp thời, chính xác”. Trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu thực hiện các cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội bằng phiếu và trực tuyến đối với các vấn đề thu hút sự quan tâm và tác động lớn đến lợi ích của Nhân dân; qua đó, cung cấp cơ sở số liệu khoa học giúp cấp ủy hoàn thiện quyết định lãnh đạo, quản lý.

 

MỘT TRONG NHỮNG KÊNH THÔNG TIN ĐÁNG TIN CẬY

Trước, trong và sau quá trình triển khai các chủ trương, dự án và nhằm phục vụ cho việc sơ, tổng kết các nội dung lớn, Thành ủy đều rất quan tâm đến các kết quả khảo sát, thăm dò dư luận xã hội; xem đây là một trong những kênh thông tin phản ánh nhận định, đánh giá của người dân đáng tin cậy; trên cơ sở đó đưa ra các quyết sách phù hợp, hiệu quả, giải quyết sát sườn các vấn đề dư luận mong mỏi, kỳ vọng. Trung bình mỗi năm, Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu thực hiện từ 7-10 cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội bằng phiếu, với số lượng 3.000 phiếu một cuộc và được triển khai bằng hình thức trực tiếp gặp gỡ đối tượng thu thập thông tin, hướng dẫn cách thức trả lời phiếu và thu phiếu, soát phiếu ngay tại đơn vị, địa phương. Từ giai đoạn năm 2018 đến nay, Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu thực hiện thêm hình thức khảo sát, thăm dò trực tuyến thông qua các ứng dụng OTT (Zalo, Viber, Messenger) và các trang fanpage, có thời điểm đã triển khai 18 cuộc khảo sát thông qua ứng dụng OTT nhằm kịp thời tham mưu các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, phản ánh và đề xuất các giải pháp định hướng dư luận, ổn định tình hình tư tưởng và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Để nâng chất lượng các cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Thành ủy quan tâm, chú trọng về mặt chuyên môn của những đồng chí trực tiếp phụ trách tham mưu (theo đó, 3 đồng chí phụ trách trực tiếp đều có chuyên môn đào tạo phù hợp: 1 nghiên cứu sinh, 1 thạc sĩ và 1 cử nhân Xã hội học), đồng thời xây dựng cơ chế lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu từ các trường đại học chuyên ngành, viện nghiên cứu. Đối với những vấn đề khảo sát quan trọng, liên quan đến nhóm đối tượng có tính đặc thù, Ban Tuyên giáo Thành ủy luôn tham khảo, lắng nghe các ý kiến góp ý từ chuyên gia, các cơ quan chức năng nhằm hoàn thiện bộ công cụ, đảm bảo tính khoa học, đại diện, sát với thực tiễn, đặc điểm của từng nhóm đối tượng; cùng với quy trình chọn mẫu và triển khai chặt chẽ.

Tại các địa phương, đơn vị, một trong những chuyển biến quan trọng từ sau khi thực hiện Thông tri số 70/TT-TU “về việc đổi mới, cải tiến và nâng cao chất lượng nắm bắt dư luận xã hội”, Kết luận số 100-KL/TW ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) “về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”, Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 05 tháng 4 năm 2017“về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội”, Kết luận số 455-KL/TU ngày 28 tháng 11 năm 2022 về “tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội” và chủ động các giải pháp nhằm xây dựng, lan tỏa dư luận xã hội tích cực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển của thành phố” là hầu hết các cấp ủy đều nâng cao nhận thức về việc cần thiết phải thực hiện các cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội. Ban Tuyên giáo Thành ủy trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ cho các địa phương, đơn vị nhằm tránh việc tổ chức các cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội đại trà, thiếu tính khoa học và chưa đảm bảo độ tin cậy cao. Trên cơ sở tham gia ý kiến cùng với địa phương, đơn vị từ việc chọn chủ đề, xây dựng bộ công cụ, đến hình thức triển khai khảo sát, chọn mẫu đại diện, phương pháp xử lý thông tin đến việc hỗ trợ ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong xử lý số liệu, đã giúp chất lượng và hiệu quả các cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội tại các địa phương, đơn vị dần được nâng chất. Đây cũng là một trong những giải pháp hiệu quả giúp đơn vị, địa phương giảm thiểu sự lúng túng, khó khăn trong quá trình thực hiện một cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội. Trong 10 năm qua, có những địa phương, đơn vị đã triển khai thực hiện 20 đến 25 cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội và các kết quả thu về được cấp ủy đánh giá cao, phục vụ hiệu quả cho công tác tham mưu.

TRIỂN KHAI NHỮNG GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Để nâng chất lượng các cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, cần chú trọng một số giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, nhận thức của cấp ủy, người đứng đầu về vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết của việc tổ chức các cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội là rất quan trọng. Từ nhận thức này, dẫn đến những tác động lớn không chỉ trong việc tạo điều kiện về mặt kinh phí tổ chức thực hiện, định hướng các vấn đề lớn cần thăm dò mà còn thể hiện ở việc sử dụng, phát huy các kết quả khảo sát, thăm dò dư luận xã hội trong công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; thông qua đó khẳng định ý nghĩa, giá trị của các kết quả khảo sát, thăm dò dư luận.

Thứ hai, tập trung các giải pháp nhằm nâng cao năng lực chuyên môn đối với những đồng chí trực tiếp phụ trách tham mưu thực hiện các cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội nhằm đảm bảo tính khoa học và các yêu cầu của một quy trình tổ chức, triển khai. Việc thực hiện các cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội đòi hỏi các kiến thức chuyên ngành mang tính đặc thù; vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội cần xem trọng yếu tố này. Việc am hiểu chuyên môn không chỉ giúp đảm bảo quy trình, tính khoa học, độ tin cậy mà còn giúp việc khai thác các kết quả, dữ liệu thu về đạt hiệu quả tối ưu; đồng thời tránh việc tùy tiện hiệu chỉnh các dữ liệu trong quá trình triển khai các cuộc thăm dò.

Thứ ba, cần coi trọng như nhau các giai đoạn trong quy trình thực hiện một cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội; từ khâu xác định chủ đề, xây dựng đề cương, kế hoạch khảo sát, xây dựng bảng hỏi, chọn mẫu đến khâu triển khai trên thực địa và xử lý số liệu, thực hiện báo cáo. Có không ít trường hợp nhiều địa phương, đơn vị chỉ chú trọng vào khâu xây dựng phiếu xin ý kiến và ít đầu tư, tập trung cho các khâu còn lại; trong khi đó các khâu đều có tác động biện chứng với nhau và tác động đến kết quả khảo sát, thăm dò cuối cùng thu về. Việc xem trọng như nhau các giai đoạn trong quy trình triển khai một cuộc thăm dò dư luận xã hội sẽ giúp cán bộ phụ trách luôn chủ động, thận trọng trong từng khâu; từ đó hạn chế những tình huống phát sinh làm sai lệch kết quả khảo sát. 

Thứ tư, phát huy trí tuệ của nhiều lực lượng cùng tham gia vào các bước trong quy trình thực hiện cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội; trong đó, phát huy vai trò của các cộng tác viên dư luận xã hội là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học nhằm đảm bảo tính khoa học, tăng cường độ tin cậy, tính chặt chẽ trong các cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội.

Thứ năm, tập huấn và từng bước nâng chất lực lượng cộng tác viên các cấp và phát huy lực lượng này trong việc triển khai các cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội nhằm tiết kiệm nhân lực, thời gian và kinh phí thực hiện các cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội.

Nguyễn Thọ Truyền

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất