Thứ Tư, 25/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 5/12/2010 11:54'(GMT+7)

Thấy cây mà không thấy rừng

Trong bản phúc trình mới nhất ngày 17/11 về tình hình tôn giáo tại 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bày tỏ sự “quan ngại” không đáng có về tình hình tôn giáo Việt Nam. Điểm lại những vụ việc mà họ cho là “các nhóm tôn giáo phải chịu những hạn chế khắt khe”, cho thấy Bộ ngoại giao Hoa Kỳ một lần nữa lại có cái nhìn phiến diện về tình hình tôn giáo Việt Nam theo kiểu “thấy cây mà không thấy rừng”.

Điểm qua một vài vụ việc nêu ra trong báo cáo, chúng ta lại bắt gặp mấy địa danh quen thuộc như Bát Nhã, Đồng Chiêm hay Cồn Dầu. Vụ việc ở tu viện Bát Nhã -Lâm Đồng đã được các cơ quan chức năng ở Việt Nam làm rõ, đó là mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ tôn giáo và đã được chính quyền địa phương giúp ổn định tình hình. Còn vụ việc ở giáo xứ Đồng Chiêm (huyện Mỹ Đức- Hà Nội) hay giáo xứ Cồn Dầu (huyện Hoà Vang- Đà Nẵng) thì người ta thấy một bản sao “na ná” của giáo xứ Thái Hà hay Nhà Chung( Hà Nội), nghĩa là mượn cớ “đòi đất tôn giáo” để thu hút sự chú ý của dư luận bên ngoài.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN, ông Đặng Tài Tính- Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Ban tôn giáo chính phủ cho biết: tháng 10 vừa qua, ông đã tham gia đoàn công tác liên ngành của Việt Nam đến Bỉ để đối thoại với Liên minh châu Âu (EU) về nhân quyền, trong đó có vấn đề tôn giáo. Ông Đặng Tài Tính nói: “Trong trao đổi về nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam, phía EU cũng đề cập đến vụ Cồn Dầu, Bát Nhã và báo cáo của Bộ ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo quốc tế, trong đó phần về Việt Nam cũng đề cập đến những nội dung trên. Chúng tôi cũng đã giải thích, đã nói rõ để bạn hiểu rằng, vụ việc này không giống như dư luận bên ngoài. Bản thân các địa phương cũng đã giải quyết và được dư luận đồng tình”.

Ở Việt Nam có nhiều câu chuyện sinh động về tự do tôn giáo. 16 năm qua, linh mục Phan Văn Điển ở giáo xứ Quần Vinh, giáo phận Bùi Chu – Nam Định đã cùng với giáo dân xây mới 15 nhà thờ. Ngay trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, chùa Trấn Quốc- ngôi chùa thuộc loại cổ kính nhất thủ đô đã được khánh thành sau 1 năm sửa chữa, trùng tu. Rộng hơn nữa, hai Tổng hội thánh thánh tin lành miền Bắc và miền Nam tới đây sẽ được sáp nhập thành một tổ chức duy nhất. Sau đại lễ Vesak của Phật Giáo là năm Thánh 2010 của đồng bào công giáo…

Bà Lady Borton- một người Mỹ đã có mặt tại Hà Nội ngay sau khi đất nước Việt Nam thống nhất năm 1975 cho biết, bà vẫn nhớ như in Noen năm 1976, nhà thờ lớn Hà Nội có rất đông người đi lễ. Và nhiều năm sau này, hình ảnh đó vẫn tồn tại. Trong tất cả các làng xã Việt nam,  cộng đồng tôn giáo sống đan xen, hoà thuận và không có xung đột. Bà nói “Tôi nghĩ, đó là một điều hạnh phúc, may mắn của Việt Nam”. Chia sẻ những suy nghĩ của mình về việc Bộ ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo về tình hình tôn giáo Việt Nam, bà Lady nói: “Một số người Mỹ gốc Việt  thường dùng vấn đề tôn giáo để chuyển sang vấn đề chính trị. Họ làm như vậy để gây khó khăn cho Việt Nam nếu như không muốn nói là phá hoại quan hệ với Việt Nam. Phía Mỹ không nên nghe những thông tin như vậy, đó là thông tin không đúng sự thật. Nếu  Mỹ muốn hiểu sự thật thì nên sang Việt Nam, nên ở Việt Nam không phải một ngày, hai ngày mà nhiều ngày, nên tiếp xúc với nhiều người, kể cả với những người Mỹ đã sống lâu ở Việt Nam như tôi. Và chắc chắn, họ sẽ nghe được sự thật”.

Sự thật mà bà Lady muốn nói là gì? Là một đất nước Việt Nam đa tôn giáo với gần 22 triệu đồng bào có đạo, là 80.000 chức sắc tôn giáo, là gần 24.000 cơ sở thờ tự. 5 năm qua, khi Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo đi vào cuộc sống, thêm 16 tổ chức tôn giáo đã được công nhận tư cách pháp nhân, nâng tổng số lên 32 tổ chức tôn giáo được Nhà nước chính thức công nhận. Ngay bản thân báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng phải thừa nhận những chuyển biến tích cực đó của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo ở Washington ngày 17/11, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã tuyên bố rằng: “Tự do tôn giáo vừa là một phần căn bản của quyền con người vừa là yếu tố cần thiết cho một xã hội ổn định, hoà bình và thịnh vượng”. Những điều mà bà ngoại trưởng nêu ra cũng chính là những gì Việt Nam luôn theo đuổi. Giải quyết những vụ việc cụ thể của tôn giáo vừa qua, chính quyền Việt Nam không có mong muốn gì hơn là giữ cho xã hội ổn định, hoà bình. Mọi công dân phải sống và làm việc theo pháp luật.

Ông Đặng Tài Tính- Vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế, Ban tôn giáo chính phủ cho rằng, Hoa Kỳ không nên áp đặt kiểu tự do tôn giáo của mình cho nước khác. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng, mỗi quốc gia, mỗi vùng, mỗi khu vực đều có những phong tục tập quán khác nhau, có nền văn hoá khác nhau. Muốn hiểu nhau thì phải hiểu được những điều đó của nhau dựa trên luật pháp và thông lệ quốc tế. Không thể lấy quan điểm của nước này, áp đặt cho nước khác, sẽ rất khó trong trao đổi, đối thoại với nhau. Đối thoại với nhau nhằm tìm ra những điểm đồng thuận và cùng nhau trao đổi, giải quyết những điểm khác biệt. Tôi cho rằng, điểm khác biệt ở đây không nhiều. Vấn đề là có thật sự hiểu nhau hay không trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng giữa các quốc gia”.

Ngày 14/11 vừa qua, phát biểu trước các đại biểu và hàng nghìn tín đồ tại Diễn đàn tín ngưỡng toàn cầu, Mục sư Bob Roberts, người đứng đầu Nhà thờ Tin lành Northwood thuộc bang Texas, tuyên bố: Việt Nam là quốc gia tôn trọng tự do tôn giáo và là quốc gia đa tôn giáo với hơn 80% dân số theo tín ngưỡng. Những lời nhận xét đó chẳng phải là sự thừa nhận về tự do tôn giáo của Việt Nam ngay trong lòng nước Mỹ ?./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất