Thứ Ba, 26/11/2024
Đảng trong cuộc sống hôm nay
Thứ Tư, 7/10/2015 10:1'(GMT+7)

Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong lựa chọn nhân sự và ra nghị quyết của đại hội đảng các cấp

Bầu cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI

Bầu cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI

1- Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng ta. Nguyên tắc này, một mặt, bảo đảm phát huy tính tích cực và sáng tạo của mọi tổ chức đảng và đảng viên; mặt khác, bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng. Trong nguyên tắc tập trung dân chủ, tập trung và dân chủ thống nhất với nhau, tập trung phải trên cơ sở dân chủ, dân chủ đi đôi với tập trung. Dân chủ là điều kiện, tiền đề của tập trung, đồng thời tập trung là cơ sở bảo đảm cho dân chủ được thực hiện và phát huy. Dân chủ càng phát triển thì tập trung càng vững chắc, sức mạnh của Đảng càng được khẳng định. Nếu thực hành dân chủ tốt, sẽ phát huy được trí tuệ, tiềm năng, khơi dậy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mọi đảng viên, tổ chức đảng, tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng. Bởi vậy, trong tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng, phải thực hiện sự thống nhất chặt chẽ dân chủ với tập trung, không được tuyệt đối hóa hay coi nhẹ mặt nào. Nếu tuyệt đối hóa tập trung sẽ dẫn đến quan liêu, chuyên quyền, độc đoán; ngược lại, tuyệt đối hóa dân chủ thì sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ, vô tổ chức, vô kỷ luật. Cả hai biểu hiện trên đều không đúng và làm giảm sức mạnh của Đảng. Theo V.I. Lê-nin: “...chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa, và, mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ’’(2). Việc thực hành mở rộng dân chủ trong Đảng phải luôn đi đôi với tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật.

Nội dung nguyên tắc tập trung dân chủ quy định, mọi đảng viên đều có quyền được thông tin và thảo luận các vấn đề về Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; được biểu quyết công việc của Đảng; được ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương; được phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời; được trình bày ý kiến khi tổ chức đảng nhận xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình; được bảo lưu ý kiến khi ý kiến của mình thuộc về thiểu số và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc. Nhưng, khi Đảng đã có nghị quyết thì mọi tổ chức đảng và đảng viên phải nói và làm theo nghị quyết của Đảng; thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng.

2- Trong quá trình đổi mới, chỉnh đốn Đảng vừa qua, Đảng ta đã có biện pháp để bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là trong tổ chức đại hội đảng các cấp. Sự đổi mới các quy định về tổ chức đại hội đảng, thường xuyên hoàn thiện các quy chế, quy định về bầu cử, về đánh giá, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử... đã từng bước cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong các khâu, các nội dung của đại hội đảng các cấp, giúp cho việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ thuận lợi hơn, nghiêm túc hơn. Việc thực hành dân chủ trong thảo luận và ra nghị quyết đại hội có nhiều tiến bộ rõ rệt. Quyền làm chủ của đảng viên đã được coi trọng, đề cao hơn. Thảo luận trong các đại hội Đảng được thực hiện dân chủ hơn, những ý kiến khác nhau được tôn trọng. Quá trình chuẩn bị đại hội Đảng các nhiệm kỳ gần đây trở thành một đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, sôi nổi trong toàn xã hội, đặc biệt là dân chủ trong đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo các văn kiện của đại hội Đảng. Ngay tại Đại hội XI, những tranh luận thẳng thắn và biểu quyết dân chủ về một số vấn đề phức tạp trong văn kiện đại hội cũng là nét mới về dân chủ trong Đảng.

Bầu cử trong Đảng được từng bước đổi mới để dân chủ hơn. Việc bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Đảng ngày càng thể hiện rõ tinh thần dân chủ, cởi mở trong Đảng. Số lượng ứng cử viên vào ban chấp hành các cấp đều bảo đảm số dư theo quy định.

Đồng thời với những tiến bộ trong thực hành dân chủ trong đại hội đảng, tính tập trung, kỷ cương, kỷ luật trong tổ chức đại hội đảng các cấp luôn được đề cao. Việc tổ chức đại hội đảng các cấp đều quán triệt và bám sát các chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương Đảng và cấp ủy cấp trên.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ, nguyên tắc tập trung dân chủ vẫn còn bị vi phạm, kể cả trong đại hội đảng các cấp. Những lệch lạc về phía tập trung hay về phía dân chủ đều có. Những nội dung về thực hiện dân chủ trong Đảng được ghi trong Điều lệ, Cương lĩnh của Đảng rất rõ, như: quyền được ứng cử, đề cử và bầu cử; quyền được phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp; quyền được thông tin; quyền được bầu cử và quyền bãi miễn những cán bộ không còn đủ tín nhiệm trong cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng... Tuy nhiên, việc thực thi những quyền này còn không ít hạn chế.

Việc thảo luận trong đại hội đảng ở không ít nơi có tình trạng xuôi chiều, hình thức với các bản tham luận được chuẩn bị sẵn, trong đó chủ yếu là trình bày các thành tích của đơn vị, của ngành, lĩnh vực của người tham luận. Tính phản biện các nội dung của văn kiện đại hội còn hạn chế.

Có nơi chưa tạo điều kiện cho cho đảng viên, cán bộ nắm được thông tin đầy đủ, được nghiên cứu thấu đáo vấn đề, nên việc lấy ý kiến, biểu quyết mang tính hình thức, chiếu lệ, không bảo đảm yêu cầu dân chủ. Không khí dân chủ, cởi mở, nói thẳng, nói thật còn bị hạn chế ở một số lĩnh vực. Lại có những đảng viên sợ bị đụng chạm đến quyền lợi, địa vị, cấp bậc, sợ bị “truy chụp”, bị thành kiến nên tự tước bỏ quyền dân chủ của mình, né tránh những sự thật mà mình đã biết rõ, nhất là đối với cấp trên, đối với những vấn đề nhạy cảm về công tác cán bộ; về tài chính, ngân sách; về tình trạng “bè cánh”, cục bộ địa phương trong tổ chức đảng mà mình là thành viên.

Không ít trường hợp, ý kiến của đảng viên chưa được quan tâm xem xét đầy đủ, hoặc không được phản ánh lên cấp ủy cấp trên; do đó, mặc dù đảng viên có quyền chất vấn bất cứ cấp nào, người lãnh đạo nào, nhưng ít khi được trả lời. Mặt khác, một bộ phận đảng viên thiếu trách nhiệm, thậm chí thờ ơ, ít tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết của đại hội Đảng.

Việc bầu cử cấp ủy đảng, các chức vụ lãnh đạo trong Đảng nhiều trường hợp còn mang tính dân chủ hình thức, các đại biểu không có điều kiện hiểu rõ những người được đề cử. Vẫn còn hiện tượng can thiệp, tác động đến đại hội để bản thân hoặc người khác được đề cử, ứng cử trái quy định.

Bên cạnh những hạn chế về dân chủ, trong quá trình tổ chức đại hội đảng cũng xảy ra tình trạng thiếu tập trung, vi phạm kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Một số cấp ủy tổ chức nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, quy định của Đảng về tổ chức đại hội, về lựa chọn nhân sự chưa nghiêm túc. Có đảng viên phát ngôn trái với quan điểm, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng; loan truyền những thông tin không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Có trường hợp, nhân danh việc phản ánh, góp ý vào dự thảo các văn kiện đại hội Đảng để đưa ra các quan điểm, thông tin gây tổn hại uy tín của tổ chức đảng, cán bộ hoặc đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tùy tiện có dụng ý xấu đối với tổ chức, cá nhân. Vẫn còn có hiện tượng lợi dụng quyền bảo lưu ý kiến, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp để tuyên truyền những luận điệu sai trái; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên mang tính bịa đặt, vu khống, đả kích có dụng ý xấu, bôi nhọ thanh danh, gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của các nhân sự chuẩn bị cho đại hội; tình trạng mất đoàn kết nội bộ cấp ủy vẫn còn xảy ra. Ngay trong một số đại hội điểm cấp cơ sở vừa qua, có những cấp ủy viên ra đại hội vẫn đứng ra đề cử người ngoài danh sách đề cử chính thức của cấp ủy, mặc dù đã được phổ biến quy chế bầu cử mới...

3- Để thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong lựa chọn nhân sự và ra nghị quyết ở đại hội đảng các cấp hiện nay, cần chú ý một số vấn đề sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ bí thư, cấp ủy viên các cấp về vai trò, bản chất, nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định liên quan đến nguyên tắc tập trung dân chủ trong các quy định, quy chế của đại hội đảng nhiệm kỳ này. Thực tế cho thấy, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ phụ thuộc trước hết vào nhận thức của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy. Các cấp ủy đảng và người đứng đầu cấp ủy có nhận thức đúng đắn nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định cụ thể hóa nguyên tắc này trong nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương, các quy chế đánh giá cán bộ, bầu cử trong Đảng mới có thể tổ chức, điều hành đại hội đúng yêu cầu của nguyên tắc tập trung dân chủ.

Vì vậy, ngay trong quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội, trên cơ sở quán triệt các chỉ thị, hướng dẫn, quy chế về đại hội của Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần nghiên cứu nắm vững các nội dung thuộc nguyên tắc tập trung dân chủ thể hiện trong các văn bản đó để có chủ trương thực hiện cho đúng.

Cũng cần làm tốt việc phổ biến để đảng viên nắm được nội dung Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Quy chế Bầu cử trong Đảng, nhất là những điểm mới trong các văn bản này.

Hai là, mở rộng dân chủ trong chuẩn bị và thảo luận văn kiện đại hội. Cấp ủy chỉ đạo tiểu ban văn kiện đại hội thực hiện đúng quy trình soạn thảo dự thảo văn kiện, nhất là các khâu thảo luận, góp ý dự thảo trước đại hội. Chuẩn bị tốt các nội dung gợi ý thảo luận, góp ý cho dự thảo văn kiện để đảng viên, nhân dân góp ý. Cần tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia và các tầng lớp nhân dân bằng hình thức thiết thực. Dự thảo báo cáo chính trị của đại hội đảng bộ cấp tỉnh, huyện cần công bố sớm trên phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của đảng viên và nhân dân tại địa phương. Nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc những ý kiến góp ý và công khai những điểm tiếp thu cũng như những ý kiến không được chấp nhận.

Trong đại hội, việc tổ chức tốt thảo luận các dự thảo văn kiện đại hội phải theo hướng mở rộng dân chủ. Cần chuẩn bị tốt dự thảo nghị quyết đại hội bao gồm những nội dung cơ bản, quan trọng của báo cáo chính trị để đại hội thảo luận, quyết định. Việc thảo luận trong đại hội phải thật sự dân chủ, cởi mở, không bị ràng buộc bởi một áp lực nào. Điều hành thảo luận theo tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, không làm một cách hình thức hay “chụp mũ” các ý kiến khác nhau. Giảm bớt các tham luận chuẩn bị sẵn, khuyến khích các ý kiến trao đổi, tranh luận dân chủ, công khai tại đại hội, hội nghị. Chỉ đạo việc chuẩn bị các tham luận phải đi thẳng vào nội dung của dự thảo văn kiện, trong đó tập trung góp ý vào các đánh giá thực trạng, nguyên nhân chủ quan của những yếu kém, khuyết điểm và lộ trình, biện pháp khắc phục; không được tham luận chung chung, kể lể thành tích. Đối với những vấn đề có ý kiến khác nhau, cần tách ra biểu quyết từng vấn đề. Đối với ý kiến thiểu số, phải thực hiện bảo lưu theo quy định của Điều lệ Đảng. Không cho phép đảng viên bảo lưu ý kiến trái với mục đích, nguyên tắc của Đảng.

Ba là, tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy theo đúng tinh thần dân chủ đi đôi với tập trung của Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị và Quy chế Bầu cử trong Đảng. Việc bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp phải bảo đảm đầy đủ tính chất dân chủ và phải được chuẩn bị chu đáo để việc lựa chọn các thành viên được chính xác. Danh sách những người ứng cử và những người được đề cử phải được những người bầu cử thảo luận; người bầu cử có quyền nhận xét, chất vấn các vấn đề cần thiết về người ứng cử, bầu hay không bầu đối với mỗi người ứng cử, không một cơ quan hay một đảng viên nào được gò ép. Dân chủ trong bầu cử chỉ có thể thực hiện tốt trên cơ sở làm cho đại biểu hiểu rõ tiêu chuẩn của ủy viên ban chấp hành, hiểu rõ phẩm chất và năng lực của từng ứng cử viên, loại trừ các hành động bè phái, vô nguyên tắc làm cho các đại biểu hiểu sai lệch về các ứng cử viên. Bởi vậy, để thật sự phát huy dân chủ, phải có sự lãnh đạo đúng đắn.

Quy chế Bầu cử trong Đảng mới ban hành lần này là một bước tiến mới trong nhận thức và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng; xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy viên. Quy chế vừa quy định số dư tối thiểu, vừa quy định số dư tối đa khi bầu cử; vừa phát huy tính dân chủ, vừa bảo đảm tính tập trung trong Đảng và khắc phục tình trạng bầu thiếu số lượng so với số lượng cần bầu.

Trong quá trình chuẩn bị nhân sự cấp ủy khóa tới, cấp ủy cấp triệu tập đại hội cần thực hiện một quy trình dân chủ rộng rãi từ dưới lên trên. Trước khi lựa chọn người để giới thiệu vào cấp ủy phải lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên. Ở các đơn vị cơ sở, trước khi bầu cử cấp ủy, tổ chức đảng cần lấy kiến nghị của quần chúng về những người mà quần chúng xét thấy xứng đáng được bầu vào cấp ủy. Chỉ có trên cơ sở tiến hành như vậy, việc lựa chọn người vào cấp ủy mới thật dân chủ và chính xác. Trong khâu cấp ủy cấp triệu tập đại hội thảo luận, bỏ phiếu giới thiệu những cấp ủy viên đương nhiệm tiếp tục tái cử cấp ủy và những người mới sẽ tham gia cấp ủy khóa tới để đưa vào danh sách đề cử với đại hội, phải thực hiện hết sức dân chủ, nghiêm túc trên cơ sở tiêu chuẩn của ủy viên ban chấp hành, nhằm đánh giá đúng phẩm chất và năng lực của từng người được giới thiệu.

Các cấp ủy viên phải lưu ý thực hiện đúng những điểm mới của Quy chế Bầu cử, như cấp ủy cấp triệu tập đại hội chuẩn bị nhân sự cấp ủy và ban thường vụ phải có số dư từ 10% đến 15% so với số lượng cần bầu; số dư tối đa trong danh sách bầu cử ở đại hội không quá 30% số lượng cần bầu. Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử người ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy. Ở các hội nghị của ban chấp hành, ủy viên thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do thường vụ cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ.

Đoàn chủ tịch của đại hội, trên cơ sở báo cáo của cấp ủy và phân tích ý kiến của các đại biểu, của cán bộ, đảng viên, trong trường hợp cần thiết có phân tích lý lẽ về những người xét thấy xứng đáng; còn các đại biểu thì coi đó là những ý kiến để tham khảo, cân nhắc, và bằng phiếu kín sử dụng đầy đủ quyền đại biểu của mình, không chịu bất cứ một áp lực nào. Đoàn chủ tịch phải ngăn chặn những hiện tượng vận động, lôi kéo, bè cánh, thực hiện không đúng quy định trong các cuộc bầu cử.

Bốn là, tập trung giải quyết mất đoàn kết nội bộ hoặc đơn, thư khiếu nại, tố cáo theo quy định. Điều kiện để nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện đúng đắn, phát huy tốt vai trò, tác dụng là nó phải được thực hiện trong tổ chức đảng có kỷ cương, kỷ luật, không bị chia rẽ, bè phái, cục bộ. Do đó, để tổ chức đại hội thành công, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong lựa chọn nhân sự và ra nghị quyết ở đại hội đảng các cấp, cần tập trung giải quyết những nơi có vấn đề mất đoàn kết nội bộ hoặc có nhiều đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ đạo thẩm tra, xác minh, kết luận trước khi tiến hành đại hội đối với những nơi có vấn đề mất đoàn kết nội bộ hoặc có đơn, thư khiếu nại, tố cáo theo quy định. Trường hợp cán bộ có sai phạm nghiêm trọng thì xử lý nghiêm theo Điều lệ Đảng và phân công người thay thế trước đại hội. Những đảng viên có vấn đề về chính trị phải được cấp có thẩm quyền thẩm tra, kết luận trước khi giới thiệu làm đại biểu đại hội và giới thiệu bầu vào cấp ủy.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội. Cấp ủy cấp trên cần lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị đại hội của tổ chức đảng cấp dưới, trong đó đặc biệt quan tâm tới vấn đề nhân sự và chuẩn bị văn kiện đại hội, kịp thời phát hiện, chỉ đạo giải quyết những vướng mắc, lệch lạc, sai sót. Tăng cường công tác giám sát, nắm tình hình tổ chức đảng và đảng viên, nhất là những nơi có biểu hiện nội bộ mất đoàn kết, có biểu hiện sai phạm; có vấn đề phức tạp nảy sinh, vấn đề bức xúc mà đảng viên và nhân dân phản ánh, tạo cơ sở và sự chủ động cho công tác kiểm tra phục vụ đại hội đảng các cấp.

Công tác kiểm tra, giám sát chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện những trường hợp có dấu hiệu vi phạm về tư cách đại biểu, vi phạm nguyên tắc, thủ tục bầu cử đại biểu để thẩm tra, xem xét, kết luận và tham mưu cấp ủy giải quyết đúng quy định và hướng dẫn của Trung ương.

Ủy ban kiểm tra cấp trên chỉ đạo ủy ban kiểm tra cấp dưới tăng cường giám sát, phát hiện kiểm tra kết luận tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết kịp thời, triệt để, không để tồn đọng đơn, thư tố cáo đối với tổ chức đảng, cán bộ chủ chốt, cán bộ trong diện quy hoạch nguồn cấp ủy và đại biểu dự đại hội đảng bộ các cấp; tập trung giải quyết các vụ, việc nổi cộm, bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, các tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết nội bộ, các vụ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, để đại hội đảng các cấp thành công tốt đẹp./.

---------------------------------------------

(1) Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, ngày 30-5-2014, “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”

(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, t. 36, tr. 185

PGS, TS. Nguyễn Văn Giang
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: TCCS


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất