Thứ Bảy, 28/12/2024
Văn hóa
Chủ Nhật, 5/2/2017 11:30'(GMT+7)

Tổ chức lễ khai bút đầu Xuân tại Đền thờ nhà giáo Chu Văn An

Cụ đồ nho cao tuổi khai bút. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Cụ đồ nho cao tuổi khai bút. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Tại Lễ khai bút, các cụ đồ nho, các nhà giáo cao tuổi, uy tín của Hải Dương, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hải Dương đã khai bút với các chữ “ Phong- Điều-Vũ-Thuận (có ý nghĩa là mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an)” và “ Tâm - Đức - Trí - Phúc - Lộc -Tài - An - Phát- Thịnh.”

Lễ khai bút nhằm tôn vinh sự học, nghiệp dạy của học sinh và giáo viên cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng. 

Lễ khai bút còn nhắc lại lời dạy của tiền nhân về đạo lập thân, tu nghiệp, rèn đức, luyện tài để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Tại buổi lễ, lãnh đạo thị xã Chí Linh đã tuyên đọc sớ vinh danh sự nghiệp dạy học của nhà giáo Chu Văn An, người thầy giáo của muôn đời, cũng như nét đẹp của việc khai bút và cho Chữ đầu Xuân. 

Theo sử sách, nhà giáo Chu Văn An (1292-1370) có tên là Chu An, tự là Linh Triệt, quê thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội). 

Chu Văn An là người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học. 

Ông có công lớn trong việc quảng bá, hình thành đạo đức, tư tưởng Khổng giáo mang bản sắc Việt Nam. 

Ông được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Dưới thời vua Trần Dụ Tông, ông dâng “Thất trảm sớ” xin chém 7 gian thần nhưng không được Vua nghe. Ông từ quan về ở ẩn ở núi Phượng Hoàng, Chí Linh dạy học, viết sách cho đến khi mất. 

Tục khai bút và xin chữ đầu xuân là nét văn hóa đẹp từ nhiều đời nay. Tương truyền, xưa kia học trò đến thăm ​thầy Chu Văn An, thường được Thầy thăm hỏi, trò chuyện… Thông qua đó, ​thầy thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng, công việc, cuộc sống của mỗi người. 

Khi chia tay, thầy tự tay viết tặng người đó một chữ ứng với những nhận định hoặc là ngầm ý gửi phương châm sống, phấn đấu cho người đó. 

Ai được tặng đều coi những chữ đó như báu vật, mang về treo ở nơi trang trọng nhất để chiêm nghiệm. 

Điều đặc biệt nữa là tại đây, xưa có khu giếng son, ở đáy giếng có lớp bùn son, màu đỏ tươi, thầy Chu Văn An thường dùng để viết chữ. 

Để tưởng nhớ và lưu giữ nét chữ son độc đáo đó, tục khai bút, xin chữ và cho chữ hiện nay vẫn được bảo tồn và phát huy với nguyên vẹn ý nghĩa… 

Đền thờ Chu Văn An là nơi diễn ra nhiều hoạt động nhằm tôn vinh những điển hình trong ngành giáo dục của cả nước. 

Nhiều trường học trong cả nước cũng đã tổ chức cho học sinh đến đây tham quan kết hợp tuyên dương, khen thưởng học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập. 

Du khách đến viếng đền đầu xuân thường xin chữ thánh hiền từ các cụ đồ nho, cầu công danh hiển đạt, học hành, khoa cử tiến bộ. 

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, đền thờ thầy Chu Văn An đã đón trên 8 vạn lượt du khách đến dâng hương và xin chữ.

Cũng trong lễ khai bút, đã diễn ra Triển lãm lịch sử khoa bảng và các di tích Nho học trên đất Hải Dương; triển lãm các tác phẩm thư pháp chữ Hán, chữ Quốc ngữ với chủ đề “Tôn sư trọng đạo.”

Hội Khuyến học thị xã Chí Linh đã tổ chức vinh danh 16 học sinh có thành tích cao trong năm 2016. Một số doanh nghiệp cũng đã trao trên 100 triệu đồng tặng Quỹ khuyến học thị xã Chí Linh./. 

Theo VN+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất