Chủ Nhật, 29/12/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 3/2/2017 11:53'(GMT+7)

Tưng bừng những lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu

*Sáng 2/2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Đinh Dậu), Lễ khai bút đầu Xuân Đinh Dậu 2017 đã diễn ra tại Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) .

Ông Bùi Đức Thảo, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết, khai bút đầu Xuân Đinh Dậu 2017 là việc làm ý nghĩa thể hiện tinh thần hiếu học, trọng chữ nghĩa của người Hải Phòng. Qua đó, khơi dậy niềm đam mê học tập, giáo dục đạo làm người và lòng yêu dân tộc trong thế hệ trẻ.

Kiến Thụy là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và là nơi khởi phát của Vương triều Mạc. Tiếp nối truyền thống anh hùng, kiên trung của cha ông, Kiến Thụy chung sức xây dựng phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. Huyện Kiến Thụy đang tập trung xây dựng, bảo tồn các khu di tích, khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc nhằm thu hút du khách muôn phương về chiêm bái.

*Ngày 2/2, Hội thi vẽ trang trí trâu Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2017 đã diễn ra tại cánh đồng thôn Đọi Tín, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Họa sỹ thể hiện các ý tưởng nghệ thuật tạo hình trên mình trâu.

Tham gia hội thi có 20 họa sỹ của các tỉnh, thành phố trong nước và 2 họa sỹ người Tây Ban Nha và Pháp.

Sau hồi trống khai hội, các họa sĩ tỏa về khu sân bãi nhận trâu và bắt đầu thể hiện các ý tưởng nghệ thuật tạo hình với bút, màu. Những chú trâu đoạt giải  được tham gia Lễ cày Tịch điền vào sáng mùng 7 tháng Giêng năm Đinh Dậu.

Hội thi vẽ trang trí trâu cùng hòa vào không khí Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn đã làm nên nét văn hóa độc đáo, tiếp nối truyền thống mà vẫn mang hơi thở đương đại, góp phần khuyến khích, cổ vũ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của đất nước nói chung, tỉnh Hà Nam nói riêng.

Đây cũng là một trong các hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu về Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn với đông đảo nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, góp phần vào thành công của Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2017.

Ngoài Hội thi vẽ trang trí trâu, trong dịp này, tỉnh Hà Nam còn tổ chức Giải vật mùa Xuân thượng võ tỉnh Hà Nam năm 2017; tổ chức các gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống của địa phương, các giải thể dục - thể thao; chương trình ca múa nhạc; trò chơi dân gian...

*Ngày 2/2, Lễ hội đền Đuổm được tổ chức tại xóm Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Đây là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Thái Nguyên trong dịp đầu Xuân năm mới. Lễ hội đền Đuổm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đông đảo du khách thập phương đến với Lễ hội. Ảnh: Thu Hằng/TTXVN.

Đền Đuổm nằm dưới chân núi Đuổm, một hệ núi đá vôi hùng vĩ với 6 mỏm đá cao ngất tạo hình hàm long ngóc đầu chầu lên đầy uy nghi. Nơi đây thờ vị Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, người có công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc của Tổ quốc Đại Việt dưới các Triều vua Lý.

Phủ Phú Lương hơn 30 năm dưới sự cai quản của ông đã trở thành một vùng phồn thịnh. Người dân làng Đuổm đời nọ nối đời kia thay mặt cho nhân dân các dân tộc huyện Phú Lương thường trực phụng thờ Đền. Sở dĩ lệ Đền được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng là bởi tương truyền rằng đây là ngày sinh của ông. Vào ngày này, người dân trong vùng cùng nhau chuẩn bị lễ từ sớm để rước ra Đền.

Như thường lệ, mở đầu Lễ hội đền Đuổm là nghi thức Rước lễ từ sân Thủy Đình lên đền Trung. Các mâm lễ gồm cả cỗ chay và cỗ mặn đã được người dân làng Đuổm cùng các đoàn tín chuẩn bị từ sáng sớm. Cỗ chay gồm các loại bánh như: Bánh bìa, bánh vôi, bánh chè lam, bánh khảo… được đặt thành 8 phần và đặt vào 8 chiếc mâm bồng. Cỗ mặn gồm lợn quay, xôi ngũ sắc được trang trí đẹp mắt, đều là những sản vật của địa phương được người dân cung tiến lên Đền.

Đại diện Đoàn rước Lễ gồm chủ tế và hai bồi tế trong trang phục áo thụng khăn xếp truyền thống, họ thay mặt cho muôn dân, trăm họ tấu thỉnh tới anh linh của Đức thánh Đuổm cầu mong Quốc thái, dân an và mọi sự may mắn cho một năm mới an khang - thịnh vượng.

Cùng Đoàn rước Lễ vào đền còn có các Đoàn tín, người dân mặc trang phục với các sắc màu đại diện cho các dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn huyện như: Dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mông…

Sau phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động như: Kéo co, thi văn nghệ, trình diễn thời trang… Ấn tượng và thu hút khách thăm quan hơn cả là trò chơi ném còn. Nhiều sản vật của các địa phương cũng được trưng bày tại đây như: Món ăn thắng cố, mèn mén của người dân tộc Mông; cao ngựa, bánh chưng Bờ Đậu, mật ong…

TG 
tổng hợp


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất