Thứ Năm, 28/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Bảy, 24/10/2009 9:20'(GMT+7)

Tổ chức tốt Hội nghị giao lưu, toạ đàm biểu dương các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác

Cơ sở của chủ trương quan trọng trên đây xuất phát từ vị trí, vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, so với đa số quần chúng trong xã hội, cán bộ, đảng viên chúng ta chỉ là số ít. Nhiệm vụ của Đảng là phải “đưa chính trị vào giữa nhân gian”, làm sao để quần chúng nhân dân đều hiểu được rằng đây “là công việc của họ”, và họ tự giác thực hiện. Người thường nhắc lại một câu thơ đã trở thành ca dao, xuất phát từ Quảng Bình thời kỳ chống Pháp “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong” để nhấn mạnh vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong các cuộc vận động cách mạng và tạo nên phong trào.

Sau hơn 2 năm triển khai Cuộc vận động, như đánh giá trong Báo cáo sơ kết của Ban Chỉ đạo Trung ương, chúng ta đã thu được những kết quả quan trọng, dù ở bước đầu, trước hết là trong nhận thức chung của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết triển khai Cuộc vận động; đã xuất hiện những gương điển hình, tự giác làm theo Bác trong những công việc cụ thể hàng ngày. Tổ chức gặp mặt, giao lưu, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm giữa những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến tại địa phương, đơn vị cùng để trao đổi về những công việc đã làm theo gương Bác; kịp thời biểu dương, khen thưởng và kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những kinh nghiệm, những người thật, việc thật trên các phương tiện thông tin đại chúng... có tác dụng lớn trong tuyên truyền, vận động, cổ vũ, động viên quần chúng nhân dân. Đấy cũng chính là thực hiện phương pháp tổ chức, tuyên truyền Hồ Chí Minh, để “quần chúng tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng”.

Tổ chức tốt Hội nghị gặp mặt, giao lưu, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm giữa các tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kết hợp với biểu dương, khen thưởng có ý nghĩa quan trọng trong việc hướng dẫn làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong Đảng và trong nhân dân. Thực tiễn triển khai Cuộc vận động trong hơn 2 năm qua cho thấy, về nhận thức chung, đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đều đồng tình phấn khởi, nhất trí với Trung ương trong việc tổ chức Cuộc vận động. Bằng chứng là trong hai năm 2007, 2008, kết quả điều tra xã hội học cho thấy: Cuộc vận động luôn luôn được nhiều người quan tâm, nằm trong nhóm 7 sự kiện quan trọng nhất (trong số trên 30 sự kiện được kể đến). Những nội dung tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác đã được nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và nhận được sự nhất trí cao.

Tuy nhiên, như phản ánh của nhiều địa phương, đơn vị vẫn có sự lúng túng trong xác định những tiêu chí cụ thể về đạo đức cách mạng ở cơ quan, đơn vị, địa phương theo tư tưởng đạo đức của Bác. Vẫn còn ý kiến cho rằng học tập, quán triệt tư tưởng của Bác có thể làm được, còn “không thể làm theo Bác” vì Bác là vĩ nhân, hiếm có, còn chúng ta là những người bình thường. Trung ương đã có hướng dẫn xây dựng những chuẩn mực đạo đức cụ thể ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương, nhưng nhiều nơi vẫn chưa có những chuẩn mực đạo đức cụ thể, phù hợp.

Tổ chức tốt hội nghị giao lưu, tọa đàm, trao đổi giữa những tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là sự gợi ý một cách cụ thể, sinh động về việc làm theo Bác. Đó là những công việc bình thường, hàng ngày của những cá nhân, đơn vị có thực, thể hiện một cách sống động việc làm theo Bác. Qua những tấm gương đó, được khái quát lên, gắn với chủ đề học tập năm 2009 “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, chỉ rõ việc hoàn thành tốt trách nhiệm của mỗi người trong các mối quan hệ xã hội, chính là đã làm theo tấm gương đạo đức của Bác... có tác dụng hướng dẫn làm theo. Hơn nữa, việc làm theo này lại rất cụ thể, với người thật, việc thật, gần gũi với mọi người ở ngành, địa phương. Đó cũng là thực hiện một trong những nguyên tắc thực hành đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh là phải nêu gương về đạo đức, trong đó Người nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương và giá trị của những tấm gương.

Để tổ chức tốt Hội nghị gặp mặt giao lưu, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm giữa các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cần có sự lãnh đạo chỉ đạo, sâu sát, chuẩn bị kỹ càng, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và tiến hành từ cơ sở trở lên. Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trương tổ chức hội nghị từ cấp huyện trở lên; kết hợp chặt chẽ giữa báo cáo thành tích với trao đổi kinh nghiệm và biểu dương khen thưởng. Qua thực tiễn triển khai ở một số cơ quan đơn vị, đã xuất hiện nhiều cách làm phong phú, sáng tạo và có hiệu quả. Có thể nêu một số điểm mang tính kinh nghiệm bước đầu như sau:

- Xuất phát từ thực tế kết quả 2 năm triển khai Cuộc vận động, việc nỗ lực làm theo tấm gương đạo đức của Bác ngày càng tăng lên, nhưng chưa thành phong trào rộng lớn. Do vậy, chủ trương tổ chức hội nghị từ cấp huyện trở lên để có phạm vi đủ lớn cho sự lựa chọn các cá nhân, đơn vị xứng đáng, tiêu biểu, có thành tích thực sự cần nêu gương... Mặt khác, trên phạm vi cấp huyện có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để đẩy mạnh tuyên truyền trước, trong và sau hội nghị về các cá nhân, tập thể điển hình, qua đó phát huy tác dụng tích cực của hội nghị. Điều này được kiểm chứng bằng thực tiễn một số nơi có tổ chức hội nghị cấp cơ sở. Bên cạnh một số không nhiều cơ sở tổ chức tốt, có tác dụng tích cực, đa số gặp khó khăn về khâu tổ chức, kinh phí, điều kiện vật chất, phương tiện, nên tác dụng lan tỏa không cao. Có nơi còn ảnh hưởng đến kết quả của hội nghị.

- Việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của ngành, địa phương có vai trò quan trọng đối với kết quả triển khai hội nghị. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trước hết đã huy động được toàn thể hệ thống chính trị ở ngành, địa phương vào cuộc, từ trong việc lựa chọn điển hình, đúng người, đúng việc, chuẩn bị báo cáo có chất lượng, đến tuyên truyền trong nội bộ ngành, cơ quan đoàn thể của mình về điển hình tiến tiến và về hội nghị. Sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo chủ trì, chủ chốt của cơ quan đơn vị trong hội nghị thể hiện tầm quan trọng của hội nghị và qua đó động viên các tầng lớp nhân dân tham gia.

- Việc lựa chọn đại biểu tham gia hội nghị có ý nghĩa quyết định đến thành công của Hội nghị. Tùy theo điều kiện của ngành địa phương để xác định số lượng đại biểu vừa đủ, không nên quá đông. Ban Chỉ đạo Trung ương có hướng dẫn cấp cơ sở cử 5 tập thể và cá nhân tham gia hội nghị gặp mặt tọa đàm; cấp huyện và tương đương cử 5 tập thể và cá nhân tham gia hội nghị cấp tỉnh. Trong điều kiện cụ thể, có thể nhiều hoặc ít hơn. Trong lựa chọn, cần chú ý đến các điển hình làm theo tấm gương đạo đức của Bác; không quá lệ thuộc theo cơ cấu, ngành, đoàn thể... Cần phân biệt đại biểu đại diện ngành, đơn vị dự hội nghị (cả giao lưu) và điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong hội nghị, có thể mời đại diện của ngành, địa phương lên trao đổi, giao lưu, nhưng không nhất thiết phải là đơn vị, cá nhân tiên tiến được trao giải thưởng.

- Trong tổ chức hội nghị, có thể tạo sự khác biệt nhất định giữa biểu dương khen thưởng với giao lưu, tọa đàm. Trong giao lưu, tọa đàm ngoài một số tập thể, cá nhân điển hình, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có thể mời đại diện các cơ quan đơn vị lên tham gia tọa đàm, tạo nên sự đa dạng trong thực tiễn làm theo Bác ở các cơ quan, đơn vị. Có thể mời những cán bộ lão thành (với số lượng và thời gian tham gia phát biểu vừa phải) để tạo nên sự tiếp nối trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kinh nghiệm của một số nơi (như Đảng bộ Văn phòng Chính phủ) đã thực hiện rất sinh động nội dung này.

- Chú trọng chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng tuyên truyền về các điển hình tiên tiến ở địa phương. Sau hội nghị cần biên tập những báo cáo điển hình, bài phát biểu có chất lượng thành những cuốn sách “người tốt việc tốt”, “những bông hoa đẹp”... để phát huy vai trò hướng dẫn của các điển hình. Trong thời gian hội nghị cấp tỉnh và tương đương có thể tổ chức để các cá nhân, đại diện tập thể điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến gặp gỡ, giao lưu với một cơ quan, đơn vị, nhà trường... ở địa phương.

Theo kế hoạch, trong các tháng còn lại của năm 2009, các tỉnh, thành phố và đảng ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo hoàn thành hội nghị ở cấp huyện, chuẩn bị tích cực cho hội nghị cấp tỉnh. Mỗi ngành, địa phương nên chọn một vài đơn vị làm điểm để rút kinh nghiệm, qua đó tổ chức tốt hơn, phát huy hiệu quả của hội nghị và những tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở ngành, địa phương./.

Ngô Văn Thạo

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất