Những kỷ niệm không bao giờ quên
Ðại hội đoàn kết các dân tộc thiểu số miền nam tại Plây Cu ngày 19-4-1946 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng. Bức thư đã được dịch ra ba thứ tiếng Gia Rai, Ba Na, Xê Ðăng. Trong thư Bác Hồ viết: "... Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Ðê, Xê Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu của Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt"...
Cũng như bao người con của đất Việt, được gặp Bác là một niềm vinh dự lớn. Trong những năm tháng đất nước bị chia cắt, bằng nhiều con đường, nhiều hình thức, nhiều người con của núi rừng Tây Nguyên được ra miền Bắc học tập, công tác đã có nhiều cơ hội được gặp Bác, được Bác tận tình thăm hỏi, động viên và những khoảnh khắc ấy dù rất ngắn ngủi đã để lại trong cuộc đời họ những kỷ niệm khó phai. Nhiều người trong số họ, có người bây giờ không còn nữa, có người đã cao tuổi, về hưu, nhưng mỗi khi nhắc lại, ai cũng cho rằng thời khắc được gặp Bác, được Bác trò chuyện, thăm hỏi là những kỷ niệm đẹp nhất trong đời...
Cô Nay HWin, dân tộc Gia Rai, Nhà giáo Ưu tú, nguyên là diễn viên Ðoàn văn công Tây Nguyên, nay đã về hưu, nhớ lại: "Tôi được gặp Bác ba lần. Tôi nhớ nhất lần sau cùng, khi biểu diễn cho Bác và đoàn khách nước ngoài xem, Bác đến và hỏi tôi: "Sao độ này cháu Win gầy thế, cháu Kim Nhớ đi đâu, sao hôm nay không có mặt ?". Rồi bằng giọng ấm trầm Bác bảo: "Các cháu cần ăn nhiều vào và mặc cho ấm. Mùa đông ở miền Bắc lạnh lắm dễ bị sưng phổi...". Tôi thưa với Bác là chị Kim Nhớ bận đi học, Bác hỏi "Học gì?", tôi thưa tiếp "Dạ, học văn hóa ạ!". Niềm vui hiện rõ trên mắt, Bác bảo chúng tôi: "Các cháu cần phải học thật tốt, để sau này về giúp đồng bào Tây Nguyên". Lần ấy Bác đã gửi tặng mỗi người chúng tôi một chiếc áo dạ ấm".
Ðồng chí Kror Ní, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum, kể lại: "...Một ngày đầu tháng 6-1946, tôi và anh Y Ngông Niêk Ðam, dân tộc Ê Ðê, ở Ðăk Lăk được Bác cho vào gặp. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm tình hình đồng bào Tây Nguyên, không khí thật gần gũi ấm cúng, vui vẻ. Lúc này anh Y Ngông hỏi: "Thưa Bác, giặc Pháp đánh chiếm Tây Kỳ rồi (lúc này Tây Nguyên gọi là Tây Kỳ) chúng cháu buồn lắm, lo lắm!". Bác nói: "Tôi có biết". Tôi nói tiếp: "Thưa Bác, giặc Pháp chiếm hết Tây Kỳ, chúng ta có đánh đuổi giặc Pháp lấy lại Tây Kỳ không?". Bác trả lời: "Có chứ, vì Tây Kỳ là một bộ phận của Việt Nam, nếu Việt Nam được độc lập rồi Tây Kỳ cũng phải được độc lập, nếu Tây Kỳ bị giặc Pháp chiếm đóng, chúng ta phải tiếp tục đánh giặc Pháp để giải phóng Tây Kỳ, có vậy Việt Nam mới được độc lập hoàn toàn". Bác xòe bàn tay phải của mình cho chúng tôi xem rồi tiếp: "Một bàn tay hoàn chỉnh có năm ngón, nếu thiếu một ngón thì bàn tay không hoàn chỉnh. Cũng như Việt Nam được độc lập thì Tây Kỳ phải độc lập, vì Tây Kỳ là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam". Trước lúc ra về, Bác còn dặn chúng tôi: "Các cháu cố gắng học tập và công tác tốt, đặng góp phần đánh thắng giặc Pháp để Việt Nam mau giải phóng và được độc lập hoàn toàn".
Ông Ksor Krơn, dân tộc Gia Rai, nguyên Ủy viên TW Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum có ba lần được gặp Bác, ông nhớ như in những kỷ niệm của những lần gặp ấy cũng như những lời dặn dò của Người cho đến tận bây giờ. Ông bồi hồi nhớ lại... "Lần ấy là vào khoảng tháng 5-1959, đoàn cán bộ các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có 20 người, đang chuẩn bị vào Nam chiến đấu thì được nhà trường báo có Bác đến thăm, chúng tôi ai cũng phấn khởi ra tận ngoài sân đón Bác. Khi vào lớp, sau khi ổn định, Bác đi thẳng vào câu chuyện: "Hôm nay Bác vào thăm các cháu, biết các cháu sẽ đi làm nhiệm vụ rất quan trọng, Bác không nói gì nhiều chỉ hỏi các chú, các cháu đều là người dân tộc thiểu số cả, có thương đồng bào, nhớ đồng bào mình không?". Cả lớp đồng thanh: "Thưa Bác có ạ"! Bác tiếp: "Thế thì các cháu muốn giải phóng miền Nam không? Giữa lúc ấy, Bác chỉ vào tôi, tôi tự giới thiệu, Bác hỏi: "Krơn là cán bộ y, vào miền nam làm gì?". "Thưa bác, cháu là bác sĩ vào miền nam chăm sóc sức khỏe, thiếu thuốc thì tìm cây thuốc điều trị cho đồng bào, nơi nào không biết chữ, thì dạy, hướng dẫn đồng bào đấu tranh...". Bác tươi cười nói: "Krơn làm nhiều việc quá, thế Krơn có biết một năm có mấy ngày?". "Thưa Bác có 365 ngày ạ!". Bác nhìn xuống cả lớp, rồi ôn tồn nói: "Ðúng rồi, như vậy Bác chỉ mong các cháu mỗi ngày làm một việc thôi, cả năm 365 ngày, cả 20 người này trong một năm làm được nhiều việc, nhất định miền Nam sẽ mau giải phóng, đất nước mau thống nhất".
Không được ra Bắc, chưa một lần vinh dự gặp Bác, nhưng nhiều người dân Tây Nguyên đã có cách thể hiện sự tôn kính và tấm lòng của mình đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc mà câu chuyện về bác Ðinh Chăm, dân tộc Ba Na ở làng KTu, xã Kon Gang, huyện Ðác Ðoa (Gia Lai) giữ gìn tấm ảnh Bác Hồ đã khiến nhiều người xúc động. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ảnh Bác Hồ đưa về vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít, đã vậy địch còn thường xuyên càn quét truy lùng, đốt phá nhà cửa, đồng bào phải nay đây mai đó, ngày càng bị đẩy sâu vào rừng mấy ai giữ được ảnh Bác! Vào một ngày của năm 1960, xã Kon Gang mở Ðại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, có nhiều đại biểu cấp trên về dự. Buổi họp chuẩn bị khai mạc, nhưng không có ảnh Bác Hồ, mọi người ai cũng cảm thấy như kém phần trang trọng nhưng chẳng biết phải làm sao. Giữa lúc ấy, bác Ðinh Chăm xuất hiện và nói: "Có ảnh Bác Hồ đây rồi, mình đã giữ ảnh Bác hàng chục năm nay...". Vừa nói bác vừa lấy tấm ảnh Bác Hồ giấu trong ống nứa ra "Ðây là cách bảo vệ Bác bí mật nhất!" bác Ðinh Chăm bảo vậy và rồi ai nấy cũng đều cười vui... Hay như chuyện của bác Rơ Châm Yút, dân tộc Gia Rai, ở Chư Pả, một trong những đại biểu dự Ðại hội các dân tộc thiểu số miền nam ngày 19-4-1946, trân trọng giữ ảnh Bác Hồ đã được tặng tại Ðại hội trong suốt 15 năm và chỉ trao lại cho những người có trách nhiệm trước khi nhắm mắt qua đời vào năm 1961...
Sống mãi trong lòng dân Tây Nguyên
Không phải ngẫu nhiên mà ở thành phố PlâyCu (Gia Lai) lại có một Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai- Kon Tum. Ðược xây dựng từ năm 1984, trên cơ sở thực hiện ý nguyện chung của các tầng lớp nhân dân các dân tộc Gia Lai-Kon Tum (khi ấy chưa chia tách tỉnh) rằng: "Không được đón Bác vào thăm thì làm nhà rước Bác vào ở" Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 58 ngày 8-5-1981 về xây dựng "Nhà trưng bày hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh" để nhân dân các dân tộc trong tỉnh đến tham quan, thăm viếng và là nơi giáo dục tư tưởng, đạo đức của Người cho các thế hệ mai sau. Khởi công từ ngày 2-9-1982, sau hai năm khẩn trương thi công với sự đóng góp tích cực bằng cả tấm lòng, công sức, trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đúng vào dịp kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 94 của Người, ngày 19-5-1984, công trình được khánh thành và đi vào hoạt động.
Sau này, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh ra nghị quyết công nhận Nhà trưng bày trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum và là công trình duy nhất tưởng niệm Bác ở khu vực Tây Nguyên. Từ khi đi vào hoạt động, Bảo tàng không chỉ đón tiếp hàng triệu lượt đồng bào Tây Nguyên, cả nước đến thăm, dâng hương tưởng niệm mà còn vinh dự đón nhiều đồng chí lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước đến thăm, động viên. Ðồng chí Võ Chí Công khi ấy là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đến thăm Bảo tàng vào ngày 2-6-1988 ghi "... Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Gia Lai-Kon Tum là nơi thể hiện tình cảm sâu sắc của Ðảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và các dân tộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum nói riêng với Bác Hồ kính yêu. Ðây là một trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng ở Tây Nguyên; đáp ứng nguyện vọng và tình cảm thiêng liêng của các dân tộc Tây Nguyên đối với Bác Hồ".
Ðến Bảo tàng, ngoài hàng nghìn tư liệu, hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, người xem còn thấy ở đây có khá nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh liên quan tình cảm của Bác đối với đồng bào và tấm lòng của đồng bào đối với Bác. Trong số này có một tư liệu quý mà không Bảo tàng nào trong cả nước có được, đó là nội dung bức thư Bác gửi Ðại hội đoàn kết các dân tộc thiểu số miền nam tại PlâyCu ngày 19-4-1946, đã được dịch ra bằng ba thứ tiếng Gia Rai, Ba Na, Xê Ðăng.
Hằng năm, cứ vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm trọng đại, Ngày sinh của Bác, khi nhân dân cả nước về Thủ đô Hà Nội vào Lăng viếng Bác thì đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đến Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum tưởng nhớ Bác, ôn lại những kỷ niệm, tình cảm mà Bác đã dành cho Tây Nguyên; để được nghe lại, đọc lại và làm theo những lời dạy của Người, nguyện chung sức, chung lòng xây dựng Tây Nguyên giàu mạnh, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, như Bác Hồ hằng mong mỏi./.
(Theo: Phan Hòa/ND)