Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Năm, 8/10/2009 9:20'(GMT+7)

Hòa Hưng tạo chuyển biến mới từ việc thực hiện Cuộc vận động lớn

Hầu hết những cây cầu ván ở xã Hòa Hưng đã được thay thế bằng cầu bê-tông vững chắc.

Hầu hết những cây cầu ván ở xã Hòa Hưng đã được thay thế bằng cầu bê-tông vững chắc.

Cách đây tám năm, tôi có về Hòa Hưng. Khi đó nội bộ xã xảy ra mâu thuẫn nghiêm trọng giữa một số cán bộ lãnh đạo, kéo theo tình trạng bè phái, vây cánh trong cán bộ, đảng viên, làm mất lòng tin trong quần chúng nhân dân. Sau tám năm trở lại, sự đổi thay ở Hòa Hưng thể hiện rất rõ. Diện mạo nông thôn khang trang, nhiều tuyến đường được bê-tông hóa, những cây cầu ván khi xưa thay bằng những cây cầu bê-tông vững chắc, không còn cảnh nhà xiêu vẹo, ọp ẹp như trước đây. Cuối năm 2006, triển khai thực hiện CVÐ "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã tạo điều kiện cho Hòa Hưng xốc lại đội ngũ và tạo lập phong cách làm việc hoàn toàn mới, gây dựng lại niềm tin với quần chúng nhân dân.

Trước khi bước vào CVÐ, Ðảng ủy Hòa Hưng đã đánh giá thực trạng về đạo đức lối sống và nêu tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức. Sau khi tiếp thu đầy đủ những nội dung cơ bản của CVÐ, đảng ủy, Ban chỉ đạo CVÐ đã mở nhiều lớp học các chuyên đề của CVÐ cho từng đối tượng khác nhau, nhưng tất cả phải viết bản thu hoạch tự liên hệ và nêu phương hướng phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện. Tổ chức lấy ý kiến của quần chúng nhân dân đóng góp cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức xã với hình thức góp ý trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Ðối với một xã nông thôn vùng sâu như Hòa Hưng, đảng bộ và chính quyền địa phương bám sát tình hình thực tế để đề ra những việc cần phải làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Và Hòa Hưng đã xác định ba nội dung cụ thể là làm tốt việc thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; thực hiện tốt cải cách hành chính, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc ở địa phương; cán bộ, đảng viên phải là những người gương mẫu đi đầu thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước và nghị quyết của Ðảng bộ. Từng bộ phận đề ra những việc làm cụ thể, nhưng trước hết phải đột phá trong việc tiết kiệm thời gian làm việc, thay đổi tác phong giao tiếp với nhân dân. Hòa Hưng đã xây dựng và thực hiện quy chế, quy định cho cán bộ của xã phải làm việc đủ tám giờ trong ngày, thời gian làm việc của đội ngũ những người làm công tác đảng, chính quyền Mặt trận đoàn thể trong tuần. Chế độ làm việc theo cơ chế một cửa, định mức thu lệ phí, chứng thư được công khai tại trụ sở để nhân dân giám sát. Chọn những cán bộ có uy tín, năng lực công tác bố trí tại bộ phận "một cửa" của xã. Xã đã đầu tư mua sắm thêm phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác cải cách hành chính, duy trì hoạt động cơ chế "một cửa", tạo một tâm lý thoải mái cho người dân mỗi khi có việc đến xã liên hệ công việc. Thời gian thường trực tiếp dân, giải quyết từng loại công việc, phân công cán bộ tiếp dân, giải quyết các đơn thư khiếu nại của công dân đều được thực hiện nền nếp. Lãnh đạo xã duy trì nghiêm chế độ hội họp, sinh hoạt định kỳ hằng tháng và giao ban tuần của các tổ chức theo quy chế. Ðồng thời coi trọng việc mở rộng dân chủ để lấy ý kiến của nhân dân đóng góp cho tập thể, cá nhân từng cán bộ, đảng viên nhằm uốn nắn, khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót. Trong các hội nghị, xã thực hiện lồng ghép các nội dung có liên quan vừa đỡ tốn thời gian vừa tiết kiệm kinh phí.

Trong hai năm 2007 - 2008, kinh tế của Hòa Hưng phát triển toàn diện cả trồng trọt và chăn nuôi. Thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,5%; các chỉ tiêu về: sử dụng nước hợp vệ sinh, điện lưới quốc gia, có phương tiện nghe nhìn đều đạt hơn 95%; hơn 97% số các tuyến đường trong xã đã làm xong nền hạ, nhiều tuyến đường đã được bê-tông hóa bằng nguồn vốn "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Nổi bật là việc cán bộ, đảng viên của xã làm gương không sản xuất lúa vụ ba, thay vào đó là các mô hình trồng rau, màu; chuyển từ canh tác bằng giống lúa chất lượng thấp sang trồng các loại giống có phẩm chất cao. Từ đó nhân dân làm theo cán bộ, đảng viên. Chỉ tính những năm gần đây, như năm 2007, có hơn một phần ba diện tích đất toàn xã làm lúa vụ ba, gần 90% sản xuất bằng giống IR-50404 (chất lượng thấp) thì năm 2008 chỉ còn hơn 200 ha làm lúa vụ ba, 60% diện tích sản xuất bằng giống chất lượng cao, 40% còn lại chưa chuyển được, phần nhiều do thiếu giống. Ðảng bộ Hòa Hưng ba năm liền đạt danh hiệu TSVM tiêu biểu, được Tỉnh ủy tặng cờ.

Tuy nhiên, đồng chí Triệu Thanh Trí, Bí thư Ðảng ủy xã vẫn còn trăn trở: "Ðảng bộ Hòa Hưng nhận thấy còn nhiều hạn chế trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Những kết quả đạt được trong thực hiện CVÐ chỉ mới là bước đầu. Những điển hình tiên tiến vẫn chưa xuất hiện nhiều, cũng như chưa có những tấm gương nổi bật thật sự về thực hiện Cuộc vận động, về làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Chúng tôi cố gắng xây dựng được nếp sống, phong cách làm việc mới của đội ngũ cán bộ, đảng viên trở thành thường xuyên, lâu dài... nhưng còn khó khăn, gian nan lắm!".

Tin rằng, với truyền thống xã Anh hùng, từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của xã đã và đang tích cực học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác và đã được quần chúng nhân dân tin yêu, chắc chắn Hòa Hưng sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn trong thời gian tới./.

(Theo: Việt Tiến/ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất