Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 16/12/2009 19:26'(GMT+7)

Lễ tổng kết và trao giải Giải Báo chí toàn quốc về công tác DS-KHHGĐ năm 2009

Một số tác giả đạt giải - Ảnh: Dương Ngọc

Một số tác giả đạt giải - Ảnh: Dương Ngọc

Sau hơn 5 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 278 tác phẩm dự Giải, trong đó có 203 tác phẩm báo in – báo điện tử, 64 tác phẩm truyền hình và 11 tác phẩm phát thanh. Ban Chỉ đạo Giải đã thành lập 2 hội đồng sơ khảo, một dành cho báo in - báo điện tử và một dành cho phát thanh – truyền hình để chọn các tác phẩm vào chung khảo. Hội đồng Chung khảo đã chọn và quyết định đề nghị Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức trao 01 giải đặc biệt, 03 giải A, 07 giải B, 11 giải C và 17 giải khuyến khích cho 39 tác giả và nhóm tác giả của 39 tác phẩm đoạt giải. 

Các tác giả đã mạnh dạn đi sâu vào nhiều chiều phản ánh mặt được và chưa được của vấn đề DS – KHHGĐ như loạt bài “Lựa chọn giới tính thai nhi: Vi phạm pháp luật dân số” của hai tác giả Huyền Trang và Hà Thư, đăng 4 kỳ trên Báo Gia đình và Xã hội; Loạt bài 2 kỳ “Mất cân bằng giới tính khi sinh – SOS” của tác giả Vân Nga trên Báo Hà Nội mới, hay loạt bài “Chuyện của hai người” đăng 5 kỳ trên Báo Phụ nữ Thủ đô của tác giả Diệu Linh và Lê Thị Túy....Phê phán việc sinh đông con, sinh con thứ ba được nhiều tác giả đề cập, như Chương trình Người xây tổ ấm – Đài Truyền hình Việt Nam, trong tiêu đề “Vì tương lai con trẻ” đã đề cập một trường hợp hi hữu ở ngay sát Thủ đô (ở Hà Tây mới nhập về Thủ đô) mà có gia đình đẻ đến 13 đứa con và ngành DS – KHHGĐ bất lực, khiến đàn con nheo nhóc, không được chăm sóc, nuôi dưỡng một cách bình thường, không được học hành....Hay như loạt bài “Sinh con đông, biết rồi, khổ lắm” của tác giả Đoàn Phú, đăng 3 kỳ trên Báo Đồng Nai...

Bên cạnh phê phán, nhiều tác giả đi sâu nêu các gương điển hình làm tốt công tác vận động, tuyên truyền về DS – KHHGĐ. Nổi bật là bài phóng sự “Nữ già làng....37 tuổi” của tác giả Trần Đăng (tức Phạm Văn Đăng) trên Báo Lao động. Hay bài “Ông trưởng thôn có “tài” vận động kế hoạch hoá gia đình” của tác giả Thanh Long đăng trên Tạp chí Thi đua khen thưởng. Bài “Huy Tân không có cặp vợ chồng sinh con thứ ba” của tác giả Nguyễn Quốc Tuấn, Báo Sơn La; Bài “Có một làng chài ...2 con” của tác giả Tri Phương đăng trên Báo Người đại biểu nhân dân; Tác phẩm truyền hình “Ma Cret làm dân số” của tác giả Xuân Tựu và Quốc Mẫu ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên; Tác phẩm truyền hình “Ông kiêm “Dân số” ở vùng cao Phìn Ngan” của nhóm tác giả Chi cục DS – KHHGĐ Lào Cai. Đặc biệt phóng sự truyền hình “Gương một cán bộ dân số hết lòng trong công việc” của hai tác giả Trần Đăng Sáu và Thế Biên – Đài Phát thanh - truyền hình Hà Giang là một phóng sự công phu, hấp dẫn, có sự lan toả....

Nhiều tác phẩm đi sâu phân tích ở tầm vĩ mô nhưng cũng rất cụ thể về tình hình dân số ở nước ta hiện nay và đề ra những biện pháp, kiến nghị. Đó là loạt bài 5 kỳ “Dân số vàng – cơ hội và thách thức” của tác giả Hà Thư trên Báo Gia đình và Xã hội, đề cập vấn đề “Cửa sổ vàng” cơ hội tốt nhưng cũng cảnh báo nguy cơ, thách thức đối với chất lượng dân số. Hay loạt bài 4 kỳ “Trước ngưỡng cửa hôn nhân” của nhóm phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô; Loạt bài 5 kỳ “Sàng lọc trước khi sinh và sơ sinh để có những công dân khoẻ mạnh” của Hà Thư trên Báo Gia đình và Xã hội là những tác phẩm tốt về vấn đề nâng cao chất lượng dân số. Vấn đề hôn nhân cận huyết tuy chỉ là vấn đề cá biệt nhưng lại xảy ra ở một nhóm đồng bào dân tộc thiểu số ít người qua loạt bài đăng trên Báo Lao động của hai tác giả Quang Huy và Huyền Trang là tiếng chuông báo động để các cấp quản lý về công tác DS – KHHGĐ vào cuộc.

Có một số tác giả đi sâu nghiên cứu, đề ra những vấn đề ở tầm vĩ mô, như tác phẩm “Quy mô dân số và phát triển kinh tế - xã hội, thách thức và kinh nghiệm” của giáo sư Mai Kỷ đặt ra cho các nhà lãnh đạo những bài toán lớn về vấn đề giải quyết thực tế mối quan hệ dân số và phát triển. Bên cạnh đó cũng có những tác giả đề cập sự xáo trộn về tổ chức khiến biết bao cán bộ dân số cơ sở lúng túng, hoang mang, nhiều người bỏ nghề hay chuyển sang làm công việc khác, như tác phẩm phát thanh “Cán bộ dân số xã về đâu” của tác giả Trí Thanh ở Đài Phát thanh Phú Yên là một bài báo có sức tác động mạnh, dũng cảm phê phán những bất cập của công tác tổ chức từ cấp tỉnh....

Nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật, ca ngợi những con người hết lòng vì công tác DS – KHHGĐ ở cơ sở mặc dù tiền thù lao chỉ như hạt cát giữa sa mạc, hay phê phán những hành vi sai trái, thậm chí trái pháp luật của một số người....Đó là tất cả những gì mà các nhà báo chuyên và không chuyên gửi gắm tới độc giả, tới cả các cấp quản lý công tác DS – KHHGĐ.


Hồng Mai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất