Gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) gửi công văn số 4237/BVHTTDL-VHCS đến UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, nhằm tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2017. Đây được xem là biện pháp mạnh nhằm kiên quyết loại bỏ hiện tượng “phản văn hóa” trong hoạt động này.
Mỗi năm, ở nước ta có hàng nghìn lễ hội dân gian ở quy mô khác nhau. Các lễ hội này gắn với truyền thống lịch sử địa phương, đất nước và là đặc trưng văn hóa cần được bảo tồn, phát huy. Thực tế, bên cạnh các lễ hội dân gian được tổ chức lành mạnh, ý nghĩa giáo dục sâu sắc, còn không ít lễ hội chưa phù hợp với văn hóa hiện đại và nếp sống văn minh. Có nhiều lý do để hiện tượng “không văn hóa” trong hoạt động văn hóa ở các lễ hội dân gian tồn tại dài dài chưa được xử lý dứt điểm khiến dư luận bức xúc. Xin chưa bàn tới ý thức của người dân mà chỉ bàn tới công tác tổ chức, quản lý lễ hội dân gian. Bởi, theo các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa, việc tổ chức, quản lý tốt các lễ hội dân gian sẽ chủ động ngăn ngừa, là “điểm tựa” để người dân nâng cao nhận thức và thực hành loại bỏ hành vi phản cảm trong lễ hội dân gian.
Khi thu nhập, mức sống tăng thì nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh, hướng về lễ hội dân gian của người dân cũng tăng, đó là tín hiệu mừng. Nhưng nhiều tổ chức, cá nhân coi lễ hội là thời cơ và cơ hội kinh doanh béo bở. Nguy hiểm hơn, để tăng sự “linh thiêng”, để “kéo” người đến, trong một vài lễ hội, các đối tượng xấu âm thầm cấu kết “tạo tình huống” gây rối, tăng sự chú ý của dư luận, nhằm đạt mục đích kinh tế. Cũng theo các nhà quản lý văn hóa, rất khó “bắt tận tay, day tận trán” những hiện tượng phản cảm này khi công tác tổ chức còn yếu. Xin dẫn chứng, tại báo cáo tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội dân gian năm 2015, Bộ VH,TT&DL xác nhận, còn tới 29 tỉnh, thành phố (chiếm hơn 46%) không nộp kết quả tự chấm điểm về công tác tổ chức, quản lý lễ hội dân gian theo Quyết định 486/QĐ-BVHTTDL, nên không xếp loại. Với dư luận, đây là sự thật đáng buồn vì trước đó Quyết định 486 về việc chấm điểm lễ hội đã được tuyên truyền, phổ biến rất kỹ.
Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng kéo lùi giá trị văn hóa trong lễ hội dân gian là vì chúng ta đã để việc tổ chức lễ hội phát triển tự phát trong thời gian quá dài, khó đưa vào quỹ đạo. Do lợi ích kinh tế chi phối, nên nhiều địa phương chưa đạt được đồng thuận cao trong tổ chức, quản lý. Sự vào cuộc của chính quyền cùng các tổ chức chính trị xã hội, người dân để chấn chỉnh hoạt động lễ hội theo hướng hiệu quả, chưa thực sự quyết liệt. Ban tổ chức các lễ hội lớn chưa có nhiều phương án khả thi, xử lý hiệu quả các tình huống phát sinh nên gây dư luận không tốt.
Thiết nghĩ, để lễ hội dân gian đi đúng hướng, mang ý nghĩa tích cực thì chính quyền các cấp cần xác định vai trò chính trong tổ chức thực hiện và là trung tâm trong công tác xây dựng kế hoạch, điều hành hoạt động ở các lễ hội dân gian. Chính quyền địa phương các cấp cũng cần quy hoạch, tổ chức thống nhất, chặt chẽ, khoa học và mang hướng mở các hoạt động lễ hội. Trong tổ chức, cần phân việc, phân vai các lực lượng, lĩnh vực đảm nhiệm theo từng khâu cụ thể, tỷ mỷ; hiệp đồng chặt chẽ, tính toán tình huống sát đúng, có biện pháp xử lý kịp thời. Nên nghiên cứu, rút ngắn thời gian tổ chức phần “hội” ở quy mô phù hợp. Cương quyết loại bỏ những phần hội phản cảm, bạo lực và những trò cờ bạc trá hình, buôn thần bán thánh xung quanh lễ hội. Thay vào đó là trưng bày các sản phẩm nông sản, thủ công địa phương; triển lãm các tác phẩm nghệ thuật, sách, tranh, ảnh hoặc giới thiệu lịch sử truyền thống sinh động, hớp dẫn…
Văn hóa dân tộc được ví như “hộ chiếu” thông hành trong thế giới phẳng. Để bản sắc văn hóa truyền thống luôn phát huy hiệu quả các giá trị tốt đẹp thì cần thực hiện ngay các giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ để nhặt sạch “sạn” tức thời. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của chính quyền, rất cần sự ủng hộ, đồng thuận và chung tay của các tầng lớp nhân dân nhằm loại bỏ những hoạt động và hành vi phản cảm, thiếu văn hóa trong các lễ hội dân gian./.
Mạnh Thắng (QĐND)