Những hiện tượng tương tự như trên không phải là hiếm, nhưng đúng
thời điểm này, khi Hà Nội đang phát động phong trào rộng lớn sống thanh
lịch, văn minh thì những hành vi trên thật phản cảm và cho thấy việc xây
dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử của người Hà Nội là không thể chậm chễ.
Việc gìn giữ truyền thống, để câu ca '' dẫu không thanh lịch cũng người
Tràng An" còn lưu mãi đến mai sau là việc không thể không làm...
* Đọng lại những nếp cũ
Thừa hưởng truyền thống nghìn năm văn hiến, văn hóa ứng xử của người
Tràng An xưa và Hà Nội nay được thừa nhận mang sắc thái riêng, hiếm nơi
nào có được. Ngày nay, cuộc sống đã nhiều thay đổi nhưng nét văn hóa đó
vẫn được gìn giữ như một vốn quý. Nhiều người vẫn cực đoan cho rằng, văn
hóa ứng xử thanh lịch của người Tràng An không còn, thay vào đó là sự
xô bồ, lệch chuẩn. Nhưng, dù người ta không thường xuyên thấy hiện hữu
thì chỉ là nó ẩn khuất đâu đó trong mỗi con người, mỗi nếp nhà, mỗi cộng
đồng dân cư. Nếu lắng lòng lại, chỉ để tâm một chút, mọi người sẽ không
khó để cảm nhận được nét tao nhã, cầu kỳ trong lối sống, nét thanh
lịch, văn minh trong cách ăn mặc và giao tiếp. Những ai đã từng gắn bó
với Hà Nội từ thủa nhỏ, chắc hẳn phong cách thanh lịch đã ngấm sâu trong
con người và sẽ không thay đổi dù phải chịu những lo toan, nhọc nhằn
của cuộc sống.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cụ Hoàng
Thị Sính - vợ cố danh họa Bùi Xuân Phái hiểu về văn hóa Hà Nội, về phong
cách ứng xử của Hà Nội hơn ai hết. Dù đã 90 tuổi nhưng cụ vẫn còn minh
mẫn và rất say sưa khi nói về văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Hồi tưởng
lại những ngày còn nhỏ, cụ Sính kể rằng: “Thủa xưa, cha mẹ tôi thi
thoảng mới nhắc con cái chuyện ứng xử mà không phải dạy dỗ nhiều. Sở dĩ
như vậy, vì mọi người trong gia đình đều cư xử đúng mực, trẻ con cứ theo
nếp đó. Trong gia đình, mọi người sống theo đúng gia phong, biết kính
trên nhường dưới, yêu thương nhau, ra ngoài thì lễ phép, lịch sự”. Cụ
cũng cho rằng, bây giờ lời ăn tiếng nói, cách đối nhân xử thế cũng có
những thay đổi, người lớn không giữ được nếp thì khó bảo được bọn trẻ.
Nhưng với gia đình cụ, nếp sống, cách ứng xử vẫn giữ được như xưa và cụ
rất mừng vì điều đó.
Còn nghệ nhân ẩm thực Phạm Ánh
Tuyết, một người Hà Nội gốc cũng luôn coi trọng việc gìn giữ văn hóa Hà
Nội, đặc biệt là văn hóa ứng xử. Bà kể rằng, người Hà Nội cũ có phong
cách nhẹ nhàng, lịch sự từ cách nói năng, ăn mặc và nếp sống hàng ngày,
hầu như không có chuyện to tiếng, cãi vã nhau. Khi thưa gửi với người
lớn tuổi trong gia đình, người ta cũng phải khoanh tay lễ phép, một câu
vâng, hai câu dạ. Ra ngoài phải lựa từng lời ăn, tiếng nói cho khéo léo,
nhã nhặn vừa lòng mọi người. Nghệ nhân Phạm Ánh Tuyết cũng có quan
điểm: “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Ngay cả nói chuyện với những người trẻ, bà luôn gọi “con” xưng cô tạo sự
gần gũi, thân thiện.
* Không để nhạt phai truyền thống văn hóa
Phải
thừa nhận rằng, văn hóa truyền thống của Hà Nội đang chịu sự tác động
của nhiều luồng văn hóa mới, dĩ nhiên có cả mặt tích cực và không tích
cực. Hơn nữa, trong sự xoay vần của cuộc sống đã có những va chạm không
nhỏ vào đời sống văn hóa Hà Nội khiến giao tiếp ứng xử của người dân đã
có nhiều thay đổi. Điều này có thể thấy rõ ở lối ứng xử của lớp trẻ
thường xô bồ, chuộng cách nói tiếng lóng. Nhiều người trẻ quay lưng với
văn hóa truyền thống, cho rằng cách nói huỵch toẹt mới là phong cách
hiện đại. Đã có những thời điểm, đạo đức xã hội đã được người ta nhắc
tới với sự cảnh báo đang trên đà xuống cấp, trong đó có văn hóa ứng xử.
Dù
sao, Hà Nội cũng là địa phương luôn quan tâm đến văn hóa, đặc biệt là
văn hóa xử, bởi nơi này vốn được coi là địa phương tiêu biểu về văn hóa
của cả nước. Đã từ nhiều năm nay, Hà Nội xây dựng nhiều chương trình, kế
hoạch về phát triển văn hóa và phát triển văn hóa ngang hàng với các
lĩnh vực khác. Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển
văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng
người Hà Nội thanh lịch, văn minh” có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng
văn hóa người Hà Nội. Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, phát triển văn
hóa người Hà Nội không chỉ của một cá nhân, tổ chức mà nó cần được
chuẩn hóa, tuyên truyền và thấm nhuần vào mọi hoạt động của người dân,
tổ chức, cơ quan để hình thành nét văn hóa ứng xử xứng tầm một thành phố
có bề dày hơn nghìn năm tuổi.
Phong trào xây dựng
người Hà Nội thanh lịch, văn minh đang có sức lan tỏa rộng khắp trong
các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư. Văn hóa đơn vị, văn hóa doanh
nghiệp, văn hóa trường học đã từng bước định hình và đang xuất hiện
nhiều mô hình hay. Rồi đến các gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, tổ dân
phố văn hóa, làng xã, phường văn hóa cũng xuất hiện ngày càng nhiều và
trở thành chỉ tiêu thi đua của các địa phương. Ở những nơi này, quy tắc
ứng xử được xây dựng với những nội dung cụ thể, thiết thực, nhận được sự
đồng thuận của mọi người.
Ngay cả khu vực mà văn hóa
ứng xử được cho là có vấn đề nhất, là khu vực chợ thì những nơi này cũng
có quan tâm để thay đổi nhận thức và hành vi của người kinh doanh. Ông
Đỗ Xuân Thủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân chia sẻ: “Thời
gian gần đây, công ty cũng tập trung xây dựng văn hóa ứng xử của tiểu
thương theo hướng xây dựng người kinh doanh thanh lịch, văn minh, xây
dựng chợ Đồng Xuân làm điểm đến du lịch. Trong đó, lấy hội phụ nữ làm
nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động. Sau những nỗ lực bền bỉ,
ý thức người kinh doanh đã tăng lên, việc nói thách, chèo khéo khách,
cãi lộn nhau đã giảm rõ rệt”.
Sau nhiều năm nghiên cứu,
xây dựng, Hà Nội cũng chuẩn bị ban hành bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng
góp phần hình thành những chuẩn mực, giá trị, làm cơ sở định hướng,
điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi ứng xử của cá nhân, tổ chức tại các
địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố, hướng đến một thành phố
thanh lịch, văn minh. Tiếp đến, thành phố sẽ xây dựng bộ quy tắc ứng xử
cho các khu vực khác như: Trong các cơ quan, đơn vị, trường học, trong
cộng đồng dân cư… Nhưng để thay đổi được cách ứng xử của người dân thì
việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động là quan trọng.
Nhận thức thay đổi thì hành vi sẽ thay đổi và khi đó văn hóa ứng xử
thanh lịch, văn minh của người Tràng An sẽ là bền vững.
Đinh Thị Thuận (baotintuc.vn)