Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ ký cam kết trách nhiệm của thủ trưởng 25 cơ quan, đơn vị trực thuộc với Bộ trưởng trong năm 2024.
Cam kết trách nhiệm là vấn đề không mới, nhưng việc ký cam kết trách
nhiệm đối với người đứng đầu trong một bộ quản lý đa ngành là động thái
đáng khích lệ trong bối cảnh hiện nay. Vì thời gian qua, việc né
tránh/đùn đẩy/lo sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức ở các
ngành trở thành một trong những vấn đề nóng không chỉ trên nghị trường
mà còn là nỗi trăn trở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với sự vận hành
của bộ máy công quyền các cấp. Mặt khác, đó còn là nỗi bức xúc của người
dân khi phải đối mặt với sự lạnh nhạt, vô cảm của một bộ phận cán bộ,
công chức trong thực thi công vụ.
Việc tổ chức ký cam kết trách nhiệm đối với những người đứng đầu
thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng không ngoài mục đích khơi dậy tinh thần "dĩ công vi
thượng", đề cao trách nhiệm chính trị của các “thuyền trưởng” trong
việc chèo lái, vận hành bộ máy cơ quan, đơn vị bảo đảm thông suốt, hiệu
quả.
Việc làm này cũng nhằm cụ thể hóa chủ trương đánh giá cán bộ thông
qua việc nhận xét dựa trên sản phẩm công việc đo đếm, lượng hóa được.
Qua đó khắc phục tình trạng nói không đi đôi với làm, nói hay làm dở,
làm thiếu thực chất dẫn đến công việc không "thông đồng bén giọt".
Gần 100 nhiệm vụ được giao trách nhiệm cho 25 người đứng đầu các cơ
quan, đơn vị trực thuộc Bộ, nghĩa là bình quân mỗi người được giao 4
nhiệm vụ trong một năm. Tuy số lượng nhiệm vụ không quá nhiều nhưng tính
chất của một bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và phức tạp như ngành
Văn hóa, Thể thao và Du lịch đòi hỏi lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ phải có nỗ lực
lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt mới góp phần nâng cao hiệu quả
quản lý nhà nước về các lĩnh vực này.
Chủ trương xuyên suốt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong nhiệm kỳ này là chuyển mạnh
tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa và xác định
nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường hoàn thiện thể chế, coi thể chế là
nguồn lực. Đơn cử, Bộ đang yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương bổ
sung, hoàn thiện nội dung để trình Quốc hội thông qua Luật Di sản văn
hóa (sửa đổi), coi đây là bước kiến tạo, biến di tích, di sản của cha
ông và di sản thiên nhiên trở thành tài sản và nguồn lực phát triển.
Văn hóa được
ví như là ánh hào quang của quá khứ, hệ điều tiết cho sự phát triển
hiện tại, là ngọn đuốc soi đường cho tương lai đất nước. Không những
vậy, văn hóa còn là diện mạo của quốc gia, dân tộc, là hệ quy chiếu để
đo lường sức mạnh tiềm tàng của đất nước trong thời đại toàn cầu hóa
hiện nay.
Hình ảnh, vị thế của nước Việt hôm nay có lan tỏa trên trường quốc tế
hay không phụ thuộc rất lớn vào vai trò, trách nhiệm của bộ chủ quản
trong việc kiến tạo cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực phát
triển con người và văn hóa Việt Nam. Đó phải được coi là trách nhiệm
chính trị cao nhất mà những người làm công tác văn hóa của nước ta,
trước hết là ban lãnh đạo Bộ và 25 người đứng đầu các cơ quan, đơn vị
trực thuộc Bộ cần rèn luyện trở thành những tấm gương văn hóa tiên
phong, mẫu mực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần làm chuyển
biến mạnh mẽ sứ mệnh chấn hưng nền văn hóa nước nhà. Đó chính là chiều
sâu của văn hóa cam kết trách nhiệm./.
NGỌC PHÒNG (qdnd.vn)