Thứ Năm, 26/12/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 27/8/2009 23:20'(GMT+7)

Về việc học tập môn đường lối ở các trường đại học, cao đẳng và trường Đảng

Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh- Nơi đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ trung cao cấp. Ảnh minh họa

Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh- Nơi đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ trung cao cấp. Ảnh minh họa

1. Học tập môn đường lối từ trước đến nay đều nhằm quán triệt nội dung các Nghị quyết của Đảng để vận dụng vào hoạt động của các ngành các cấp. Từ đó biến đường lối thành hiện thực, thúc đẩy cách mạng phát triển. Phương thức này đã thành nề nếp và đưa lại kết quả to lớn.

Nhưng còn có nội dung học tập ai cũng thấy cần nhưng chưa thực hiện. Đó là việc đào tạo cán bộ biết chủ động hoạch định đường lối, nắm vững phương thức của loại hình hoạt động này. Cán bộ của Đảng và Nhà nước không chỉ ngồi chờ cấp trên ban bố đường lối để làm theo, mà còn phải có năng lực tự thiết kế hoặc tham gia khi đường lối còn ở thời kỳ thai nghén đến khi ra đời và cả quá trình thực hiện… Đây là nội dung thiết thực trong đào tạo cán bộ ở các trường đại học, cao đẳng và trường Đảng.

Có nhiều lý do cần bàn:

- Mục tiêu đào tạo của các trường nói trên là nhằm hình thành một đội ngũ cán bộ, chuyên gia có năng lực xây dựng và thực hiện đường lối của Đảng thuộc một ngành nghề nhất định. Dù các loại trường có những mục tiêu cụ thể khác nhau, nhưng tất cả đều không đi ngoài mục tiêu bao trùm ấy. Vì xét về phương diện hoạt động, mỗi cán bộ đều có 2 nhiệm vụ chính: nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ xây dựng và thực hiện đường lối chính trị. Cả hai nhiệm vụ đó đòi hỏi phải có tri thức và năng lực thực hiện, cho nên nhà trường phải tính đến việc trang bị đầy đủ.

- Nội dung đường lối bao gồm một chỉnh thể những vấn đề chiến lược và phương pháp cách mạng thể hiện trong Nghị quyết của Trung ương, của Đảng bộ địa phương hoặc cơ sở. Đường lối có nhiều cấp độ khác nhau: Từ Cương lĩnh hoặc Tuyên ngôn đến đường lối của mỗi cuộc cách mạng. Thấp hơn là đường lối của mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, mỗi lĩnh vực. Dưới nữa là chủ trương của mỗi ngành, mỗi cấp, của từng cơ sở hay từng cơ quan, đơn vị. Không ở đâu có hoạt động cách mạng lại không xác định mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược và phương pháp thực hiện. Đây là yếu tố quyết định thành công đầu tiên và có tính phổ biến, không ai có thể né tránh. Giúp cho cán bộ nắm được phương pháp khoa học xác định những vấn đề đó là việc đương nhiên.

- Đường lối của Đảng ở Trung ương hay chủ trương cơ sở cũng đều là sản phẩm trí tuệ cao nhất của Đảng và của dân, là kết quả của nguyên tắc sinh hoạt tập trung dân chủ. Thảo luận dân chủ rộng rãi và kết luận của đa số dẫn tới Nghị quyết để thành nguyên tắc hành động với tinh thần tự giác. Tập hợp ý kiến của dân là việc Đảng ta thường thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(1). “Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết […] Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”(2). Dân trí càng cao, tác dụng đó càng lớn. Cán bộ có trình độ cao đẳng trở lên càng có vai trò quan trọng. Cán bộ có trọng trách trong hệ thống chính trị của nước ta hiện nay đa số ở trình độ đại học hoặc cao đẳng. Do vậy, không nên đánh giá thấp vai trò của sinh viên - những chuyên gia trong các ngành hoạt động xã hội của mấy năm sắp tới. Việc học tập của họ về khoa học hoạch định đường lối, chính sách khi còn ở nhà trường là đúng lúc. Dĩ nhiên không chỉ học một lần đã xong đối với tất cả mọi đối tượng. Cả cuộc đời công tác còn tuỳ theo vị trí xã hội để học ít hay nhiều, thấp hay cao. Nhưng phải thấy rằng không người nào không trực tiếp vận dụng kiến thức đó, chỉ khác nhau ở hoàn cảnh và mức độ.

- Đảng ta có nhiều kinh nghiệm xác định đường lối đúng đắn, độc lập tự chủ và sáng tạo. Cũng có lúc sai lầm trong phạm vi nhất định. Ưu điểm và khuyết điểm là những bài học quý của lịch sử. Tổng kết kinh nghiệm lịch sử lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến các ngành các cấp đã nêu thành bài bản, có hệ thống; nhưng tổng kết kinh nghiệm về phương pháp hoạch định đường lối vẫn chưa đặt đúng tầm quan trọng của nó. Vì thiếu khoa học chuyên ngành hướng dẫn nên giải quyết vấn đề đường lối thường để cho chủ nghĩa kinh nghiệm chi phối, nhất là ở các cấp Đảng bộ địa phương. Tình trạng này sẽ dẫn đến trì trệ trong thời đại các ngành khoa học đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Khoa học hoá “sản xuất” và thực hiện đường lối chính trị là điều không nên chậm trễ.

Những vấn đề nói trên là lý do cần cấu trúc nội dung môn học về đường lối ở các trường đại học, cao đẳng và trường Đảng.

2. Những nội dung cơ bản có thể gồm 5 phần:

- Các công đoạn của quá trình hoạch định đường lối. Có thể hình dung: chuẩn bị và dự thảo; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi; hình thức ra quyết định; phổ biến và chỉ đạo thực hiện; kiểm tra; tổng kết rút kinh nghiệm. Mỗi công đoạn đều có yêu cầu, nội dung và phương pháp cụ thể.

- Các điều kiện và phương tiện cần có. Xã hội càng phát triển thì điều kiện và phương tiện càng phong phú và hiện đại. Đồng thời người sử dụng phải có trình độ tư tưởng và kỹ thuật tiên tiến mới đạt hiệu quả cần thiết. Điều kiện và phương tiện ở đây cần được ưu tiên cao nhất. Tính hiện đại là quan trọng nhưng không thể coi thường những điều kiện và phương tiện thô sơ đã sử dụng thành truyền thống.

- Công tác tổ chức là nhiệm vụ bao trùm toàn bộ các hoạt động. Đây là vấn đề phụ thuộc trình độ và năng lực của người lãnh đạo. Lựa chọn con người, xây dựng bộ máy và phương thức hoạt động là vấn đề có ý nghĩa quyết định nhất. Đúng hay sai, ưu hay khuyết của đường lối phụ thuộc phần lớn vào công tác tổ chức này.

- Lịch sử quá trình hoạch định và chỉ đạo thực hiện đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là mô hình cụ thể, qua đó người học có thể khảo nghiệm từ thực tiễn lịch sử, coi như kiến tập khoa học. Nội dung lịch sử đường lối phải bao gồm cương lĩnh chính trị, các nghị quyết Đại hội Đảng các cấp các ngành, đến tận cơ sở.

- Nội dung đường lối hiện hành. Tri thức về những vấn đề nói trên có tính chất nghiệp vụ giúp hiểu kỹ nội dung đường lối hiện hành, nâng cao lòng tin và quyết tâm thực hiện. Nội dung đường lối chính trị là vấn đề khó tiếp thu đối với tuổi trẻ. Nhưng khi đã nhận thức bằng nghiệp vụ khoa học sẽ tạo ra động lực để đi sâu tìm hiểu một cách hào hứng.

Tất cả những vấn đề nói trên đều thể hiện theo những quy luật, những nguyên tắc, những biện pháp nhất định. Đó chính là tri thức khoa học của môn đường lối cần trang bị cho sinh viên và cán bộ.

3. Đường lối của Đảng là sản phẩm tri thức tổng hợp ở trình độ tiên tiến nhằm giải đáp yêu cầu phát triển của xã hội và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Đường lối đúng khi phản ánh những qui luật vận động của cách mạng phù hợp qui luật lịch sử dân tộc và thời đại. Vì vậy phải coi hoạt động thuộc lĩnh vực đường lối là một loại hình khoa học phức tạp, luôn luôn phải khám phá tồn tại khách quan để thiết kế và thi công con đường phát triển tiến bộ xã hội.

Chuyển từ hoạt động kinh nghiệm theo nếp cũ sang hoạt động khoa học là một bước nhảy vọt về nhận thức và hành động. Khó khăn ở đây chủ yếu do quan niệm chứ chưa hẳn việc giải quyết nội dung khoa học. Vì chúng ta đã có “bột” để có thể “gột nên hồ”: Đường lối đúng đắn của Đảng trong gần 80 năm hoạt động là sản phẩm của sức sáng tạo lý luận cách mạng. Nếu biết khai thác, đúc kết về phương pháp luận và những thao tác cụ thể, chúng ta sẽ có nội dung khoa học cần thiết; khoa học về chính sách công đang được nghiên cứu; các viện chiến lược của nhiều ngành; tất cả các ngành khoa học và những hoạt động thực tiễn đều là những thành tố góp phần tạo nên khoa học về đường lối. Tuy nhiên sự gắn kết thường xuyên và chặt chẽ theo những nguyên tắc và biện pháp nhất định nhằm mục đích sáng tạo đường lối lại chưa thành hệ thống lý luận và phương pháp luận để hướng dẫn hoạt động. Xã hội hiện đại phát triển nhanh chóng và phức tạp hơn nhiều so với xã hội thời kỳ đấu tranh chống xâm lược để giải phóng dân tộc, nên phương pháp hoạch định đường lối hiện nay không thể theo kiểu cũ, cần phải tiến lên trình độ khoa học tiên tiến, phải trở thành một môn khoa học đích thực. Đây là môn khoa học liên ngành hay một ngành hẹp, hoặc gồm cả hai phạm vi đó cùng nhiều vấn đề khác còn phải thảo luận thêm. Nhưng điều chắc chắn: nếu cán bộ, đảng viên và quần chúng được trang bị thêm kiến thức này thì việc hoạch định và thực hiện đường lối sẽ tiến một bước dài rất quan trọng./.

PGS. Lê Thế Lạng
——————

(1), (2) Sửa đổi lối làm việc: Hồ Chí Minh, toàn tập, t.5, Nxb CTQG, in lần 2, 1995, tr.295, 297
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất