Thứ Tư, 27/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 26/1/2011 21:49'(GMT+7)

Ven đô giàu xổi

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Họ từng là những “tỷ phú” khi cơn lốc đô thị hóa những năm gần đây tràn qua những vùng quê ven đô. Đất hương hỏa các cụ để lại rộng lớn và thật dễ khi họ trong khoảnh khắc trở thành những triệu phú, tỷ phú. Cũng thật dễ dàng với họ khi thực hiện “mơ ước ngàn đời” nâng cấp cuộc sống ngang tầm thời đại. Cơ ngơi trong mơ, cuộc sống vương giả, ít người nghĩ đến ngày mai, cuộc sống của họ và con cháu sẽ ra sao.

Rõ ràng câu: “Miệng ăn, núi lở” đã trở thành hiện thực ở nhiều hộ gia đình ven đô. Cái thiếu chí tử của họ là kiến thức về quản lý và sử dụng đồng tiền hiệu quả để chúng sinh sôi, bảo đảm cuộc sống. Nhìn rõ vấn đề này, không ít chủ trương, chính sách của Nhà nước đã được triển khai tại địa phương: Hỗ trợ dạy nghề cho nông dân; tư vấn chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, hướng dẫn người dân những vùng sẽ bị thu hồi đất sử dụng tiền đền bù có hiệu quả; gặp gỡ trực tiếp bàn bạc với người dân để giải quyết những vấn đề tâm lý nảy sinh, tạo điều kiện cho họ thích ứng với điệu kiện sống mới… Không ít người dân, do lường trước được những khó khăn khi không còn đất canh tác đã nhanh chóng vượt qua những khó khăn ban đầu, có hướng đầu tư cho con em chuyển đổi ngành nghề để dần ổn định cuộc sống. Nhiều người, xuất phát từ những kinh nghiệm của nghề nông đã trở thành những ông chủ của các vườn cây cảnh có giá trị; chủ những trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp. Con em các gia đình nông dân ven đô nhiều người trở thành công nhân trong những khu công nghiệp trên mảnh đất của họ trước đây.

Tiếc rằng những hộ gia đình thích nghi nhanh với hoàn cảnh thực tế và có bước chuyển đổi phù hợp với tình hình địa phương là không nhiều. Có nhiều lý do nhưng quan trọng nhất vẫn là việc chưa biết cách vượt qua khó khăn khi sẵn có đồng tiền trong tay. Giữ tiền đã khó, sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả lại càng khó khăn hơn. Có những câu chuyện đau lòng khi những “tỷ phú” ấy lại ngày ngày bán sức ở các chợ lao động trong nội thành, hành nghề xe ôm hoặc sa vào tệ nạn cờ bạc, ma túy… gây bất ổn xã hội. Giải quyết triệt để câu chuyện xã hội khó khăn này không còn cách nào khác là phải để tự thân người nông dân quản lý tốt nguồn vốn của mình. Những mô hình học nghề và tổ chức cho người nông dân có thu nhập ổn định trong các hợp tác xã là một gợi ý tốt. Với người dân, trao họ chiếc cần câu và hướng dẫn họ cách câu mới là giải pháp bền vững.

Xưa nay, chúng ta quen tư duy giúp đồng bào vùng cao cách chăm lo cuộc sống, cách tiêu tiền. Nhưng, thực tế, bà con ven đô ngàn đời lam lũ, bỗng chốc có tiền tỷ trong tay, không còn đồng ruộng, thì việc hướng dẫn họ ổn định cuộc sống, biết cách tiêu tiền hiệu quả cũng cần kíp chẳng kém giúp đồng bào vùng cao. Đồng bào vùng cao còn có rừng, có đất, đồng bào ven đô khi đã được đền bù tiền tỷ, mà không nghề nghiệp, không ruộng đất... đến đời con cháu họ sẽ ra sao? Câu hỏi ấy, cấp ủy và chính quyền các cấp không trả lời hộ nhân dân bằng một chính sách khả thi thì mãi mãi vẫn là câu hỏi./.

(Đức Nghĩa/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất